Cố nhạc sư - nghệ sĩ nhân dân Vũ Tuấn Đức: Một đời người gắn bó với âm nhạc dân tộc

18.11.2019

Nghệ sĩ nhân dân Vũ Tuấn Đức (1900 - 1982) là một nhạc công, nhạc sư nhạc cụ dân tộc. Ông có đóng góp lớn cho sự phát triển của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Dù đã rời xa nhân thế gần 40 năm, nhưng những cống hiến của ông cho nền âm nhạc dân tộc nước nhà vẫn còn vẹn nguyên và được các thế hệ sau trân trọng, bồi đắp. 
Lưu giữ “hồn” cho nhạc dân tộc
Sinh thời, cố nhạc sư Vũ Tuấn Ðức là bậc kỳ tài, tinh thông nhiều loại nhạc cụ dân tộc, am hiểu sâu sắc âm nhạc dân gian Việt Nam.

Cố nhạc sư - nghệ sĩ nhân dân Vũ Tuấn Đức:  Một đời người gắn bó với âm nhạc dân tộc

Ông đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho sự phát triển ngành âm nhạc cổ truyền, đặc biệt đã biên soạn chương trình, giáo trình cho các nhạc cụ dân tộc đưa vào giảng dạy chuyên nghiệp ở bậc sơ học và trung học. Nhạc sư Vũ Tuấn Ðức cũng là người đầu tiên thực hiện cách ghi nhạc bằng năm dòng kẻ, góp phần lưu giữ, truyền bá và phát triển âm nhạc Việt Nam. Ông có nhiều đề xuất cải tiến nhạc cụ dân tộc và kỹ thuật diễn tấu nhạc cụ dân tộc. Một trong những sáng tạo của ông là cây nguyệt đại, dựa vào cây đàn nguyệt cổ truyền.

Sinh ra ở làng Phi Liệu, huyện Vụ Bản (Nam Ðịnh), trước Cách mạng Tháng Tám, nhạc sư Vũ Tuấn Ðức đã cùng một số nghệ sĩ trong nhóm cổ nhạc thành lập Ban quốc nhạc ở Hà Nội, quảng bá âm nhạc dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tích cực cùng gánh hát đi diễn tuồng, chèo với nhiều nội dung tuyên truyền và cổ vũ cho cách mạng, phục vụ đông đảo nhân dân.

Năm 1950, nhạc sư đã cùng với những người bạn của mình là ông Tam Lang, Văn Thuật và một số thương gia thành lập Hội chấn hưng chèo cổ, lập ra rạp Lạc Việt. Sau khi hoà bình lập lại, năm 1954, ông tham gia Đoàn chèo trung ương, sau đó về công tác ở Vụ Nghệ thuật (nay là Cục Nghệ thuật biễu diễn).

Năm 1956, ông là một trong những nhà giáo đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), và là Chủ nhiệm Khoa Dân tộc (nay là Khoa Âm nhạc Truyền thống). Năm 1958, ông được Bộ Văn hóa Thông tin cử đi dự Ðại hội âm nhạc Mùa xuân ở Praha (Tiệp Khắc). Với những cống hiến của mình cho âm nhạc dân tộc, sau đó, nhạc sư Vũ Tuấn Ðức đã được tín nhiệm và bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam.

Trong suốt thời gian hoạt động tại Trường âm nhạc, ông đã có nhiều đóng góp quý báu cho sự phát triển âm nhạc cổ truyền. Ông là người biên soạn giáo trình âm nhạc ở bậc sơ học và trung học. Ông cũng là người đầu tiên thực hiện ghi nhạc dân tộc bằng năm dòng kẻ, để truyền bá các làn điệu âm nhạc dân tộc dễ dàng, bên cạnh đó còn sử dụng nhiều ký hiệu mới để ghi lại những đặc thù của âm nhạc dân tộc. Ông đòi hỏi giữ được "hồn dân tộc", kiên quyết phản đối lối chơi nhạc cụ cổ truyền theo kiểu phương Tây.

Mãi là “người cha” của âm nhạc dân tộc

Trong suốt sự nghiệp của mình, nhạc sư Vũ Tuấn Đức đã có nhiều đề xuất cải tiến nhạc cụ dân tộc và kỹ thuật diễn tấu. Ông thường xuyên nhắc nhở thế hệ sau phải chuyên cần học tập ở các nghệ nhân một cách nghiêm túc, giữ gìn và phát huy âm nhạc truyền thống và nghiên cứu, học tập vốn tinh hoa âm nhạc của thế giới.


Hơn nửa thế kỷ trưởng thành, Khoa Âm nhạc Truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ngày nay đã lớn mạnh, có đội ngũ giảng viên tài năng, có hệ thống đào tạo từ trung cấp, đại học, cao học. Lớp lớp nghệ sĩ trưởng thành từ Khoa Âm nhạc truyền thống đều trở thành những cán bộ, diễn viên, giảng viên nòng cốt của các đơn vị nghệ thuật trên cả nước.Bên cạnh đó, nhạc sư Vũ Tuấn Đức luôn đề cao phương châm: "Nhất chuyên đa năng": Giỏi một loại đàn và biết chơi nhiều loại đàn khác. Ông trực tiếp đào tạo nhiều lớp nghệ sĩ tài năng của đất nước như: Xuân Khải, Lê Mây, Thao Giang, Đinh Thị Nội, Mai Phương, Xuân Dung, Phương Bảo, Thanh Tâm… và nhiều nghệ sĩ khác, trong đó không ít người nay là nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, những giảng viên, nghệ sĩ nổi tiếng của đất nước. Có thể nói, ông là người mở đường sự phát triển của Khoa Âm nhạc Truyền thống Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Với cống hiến to lớn cho nghệ thuật dân tộc, nhạc sư Vũ Tuấn Ðức được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất và được truy tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân đợt 1 năm 1984.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các thế hệ thầy và trò khoa Âm nhạc Truyền thống thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam luôn có ý thức trân trọng di sản, biết ơn sâu sắc công lao xây dựng, vun đắp của các thế hệ đi trước. Mới đây, thầy và trò khoa Âm nhạc Truyền thống đã hoàn thành việc tu tạo mộ phần và tạc dựng văn bia tưởng niệm tri ân nhạc sư – nghệ sĩ nhân dân Vũ Tuấn Đức nhằm bày tỏ lòng tôn kính, sự biết ơn người có công lao to lớn với nền âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Trân trọng những cống hiến của nhạc sư Vũ Tuấn Đức cho âm nhạc dân tộc, cũng như những tình cảm, tâm huyết mà người người thầy đã dành cho các học trò, những thế hệ nghệ sĩ sau này đều coi ông như người cha của mình.

Tiến sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Hoa Đăng – Phó Trưởng Khoa Âm nhạc truyền thống - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam xúc động chia sẻ: “Các thế hệ thầy trò Khoa Âm nhạc truyền thống hiện nay đều khắc ghi những công lao, sự cống hiến của nhạc sư Vũ Đức Tuấn cho sự phát triển của nghệ thuật diễn tấu nhạc cụ dân tộc nói riêng và cho âm nhạc dân tộc Việt Nam nói chung.

Cuộc đời thầy thanh bạch, gia cảnh lại khá neo người, tài năng và đức độ và tâm huyết của thầy là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo. Bởi thế, chúng tôi luôn thấy mình không chỉ có trách nhiệm gìn giữ, phát huy văn hóa âm nhạc dân tộc truyền thống, mà còn có trách nhiệm hương khói cho phần mộ của cụ, để tỏ lòng biết ơn theo đúng đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn”.

Mùa thu năm 2019, thầy trò Khoa Âm nhạc truyền thống bồi hồi trước tấm bia tưởng niệm người thầy, người cha, người nhạc sư, nghệ sỹ đáng kính của dòng âm nhạc dân tộc Việt Nam. Dù ông đã đi xa, nhưng những âm hưởng những bản đàn dân tộc vẫn mãi vang lên trong lòng nhiều thế hệ.

Bảo Thoa

Ảnh: Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Hoa Đăng cung cấp
(laodongthudo.vn)