Trinh nữ và cứu chuộc

15.04.2022
Hương Lê
Đã đến lúc không cần tụng ca đàn bà, không hẳn vì những làn sóng nữ quyền phương Tây đã thôi lăn tăn sóng, cũng không hẳn vì bất hạnh hay hạnh phúc riêng của giới này. Tuy vậy, những gì liên quan đến đàn bà vẫn có lực hút, bởi họ là một khối phức tạp, “thiên thần hay quỷ dữ” cũng chính đàn bà. Họ được xem là một nửa nhân loại.

Trinh nữ và cứu chuộc

1. Dâng hiến và cứu chuộc là ý niệm liên quan đến nữ giới và phổ biến trong văn chương. Nhiều tác phẩm còn lưu bóng những mẫu hình phụ nữ tiêu biểu cho cái đẹp và sự cứu rỗi. Không phải ngẫu nhiên mà chàng trai tội lỗi và kiêu hãnh Raskolnikov như được ân sủng, quỳ sụp trước cô gái bán thân trinh bạch Sonya, và nghe theo lời cô để mê sảng thú tội với đất trời. Chàng “cúi mình xuống sát đất và hôn mặt đất bẩn thỉu ấy một cách khoái lạc, lòng tràn đầy hạnh phúc”; “giây phút ấy chàng đã cảm thấy và hiểu thấm thía rằng từ nay Sonya sẽ vĩnh viễn ở bên cạnh chàng và sẽ theo chàng dù có phải đi đến nơi cùng trời cuối đất, dù số phận có xua chàng đi đâu chăng nữa” (Tội ác và hình phạt). Nastasia với số phận bất hạnh và nỗi đau khủng khiếp khiến thiên tài về cái ác Dostoevsky nâng thành đức tin: “Cái đẹp cứu rỗi nhân loại” (Chàng ngốc).

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người sớm đề cập vấn đề giới trong văn chương Việt đương đại, đã nêu ra một ngộ nhận của đàn ông về phụ nữ: “Phần lớn chúng ta chẳng hiểu gì về phụ nữ. Tôi chỉ mang máng hiểu rằng đây là một lực lượng tự nhiên kì lạ. Tất cả những điều chúng ta biết về họ và ra sức làm khổ họ đơn thuần chỉ vì chúng ta quá sợ hãi những ước lệ xã hội, những ước lệ phi nhân tính mà thôi” (Giăng lưới bắt chim). Nguyễn Huy Thiệp thường luận bàn về giới nữ với cái nhìn giễu cợt nhưng đầy tin yêu: “Bởi giống cái bao giờ cũng dễ phân tâm… Với giống cái thì thân thể mình là quan trọng nhất. Điều ấy thật giản dị và đẹp. Nhưng điều ấy lại đầy xót xa” (Muối của rừng). Trong quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp, chính phụ nữ mới cân bằng được những nháo nhào nhân sinh. Sinh lọt vào gia đình lão Kiền “tựa như cơn mưa rơi xuống đất nẻ”. Giữa cái nhốn nháo, dâm dật, loạn luân, khốn nạn, nhục nhã, Sinh là người tái tạo cuộc sống trong một thế giới rệu rã về mọi mặt. “Khổ chứ. Nhục lắm. Vừa đau đớn, vừa chua xót. Nhưng thương lắm” (Không có vua). Ở nhân vật Nguyễn Thị Lộ trong truyện ngắn cùng tên, “rạng lên một ánh sáng linh điệu từ phía bên ngoài, không trùng lên con người thật của nàng”. “Nàng trinh bạch, điềm tĩnh và cương nghị. Vẻ trinh bạch ấy của nàng khiến ông thắt tim lại lo sợ.” Mối tình Nguyễn Thị Lộ - Nguyễn Trãi là câu chuyện tình đặc biệt trong sử sách. Tình yêu gắn liền với thảm kịch đó trở thành huyền thoại về cái đẹp và sự cứu rỗi trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp. “Hôm Nguyễn ngỏ lời cầu hôn, trời mưa như trút.” “Đồn rằng hôm ấy có rồng bay trên sông Cái.” Nguyễn Huy Thiệp không kể lại câu chuyện lịch sử thương tâm. Nhà văn diễn ngôn tâm trạng Nguyễn Trãi qua vẻ đẹp hội tụ tinh hoa lẫn niềm thống khổ của con người nơi Thị Lộ. Tình yêu xóa lấp được nỗi cô đơn khủng khiếp của Nguyễn Trãi trong thời đại của ông. “Khi nàng luồn vào, nằm nép bên Nguyễn, ông lặng người đi, lòng ngập tràn tình cảm biết ơn vô hạn. Cảm giác về sự bé nhỏ yếu ớt của nàng, của con người nói chung giữa tự nhiên mênh mông, giữa vũ trụ mênh mông khiến lòng ông nhói đau.” Qua Thị Lộ, Nguyễn Huy Thiệp đã khám phá một giá trị khác của Nguyễn Trãi ẩn sau những trang sử vinh quang và cay đắng. Tình yêu trong trẻo, liên tài khiến Nguyễn Trãi tái sinh vĩ đại hơn. “Trong giây khắc, trái tim ông ngừng đập. Con người cũ trong ông chết đi. Giây khắc sau ông sống lại, bắt đầu chuyển thành con người khác.” Và Nguyễn Trãi đã cháy bùng lên như “một ngọn đuốc, dẻo dai, kiên cường” soi sáng những trang sử tối.

Trong văn chương, bầu sữa - “phần quan trọng bậc nhất của bản nguyên nữ” (Chevalier) - mang ý nghĩa của cái đẹp vĩnh hằng, biểu trưng cho sự sống. Giọt sữa Dã Nhân đã đưa Từ Lộ từ cõi chết trở về với cõi sống (Giàn thiêu - Võ Thị Hảo). Dòng sữa của Ba Váy đã làm cho Lý Cỏn hồi sinh; bầu ngực thanh tân của Nhụ đã giữ lại mạng sống cho Điều (Mẫu Thượng Ngàn - Nguyễn Xuân Khánh). Bộ ngực đồ sộ của người phụ nữ sắc tộc thiểu số đã đưa anh lính lạc rừng “chìm vào giấc ngủ thật sâu của tuổi mười tám” (Lạc rừng - Trung Trung Đỉnh)...

Trong truyện ngắn viết về chiến tranh Bến chia ly của Trần Thanh Cảnh, một bầu ngực phụ nữ giữa hoang lạnh chiến tranh, giữa mong manh sinh tử không còn là bản năng phàm tục mà chính là sự cứu chuộc. Nó xóa bỏ lớp đạo đức phủ ngoài, kể cả mặc cảm tội lỗi. Tình huống truyện hoàn toàn hư cấu (một người phụ nữ với bầu vú trắng ngần căng tràn và một tiểu đội những chàng lính trẻ), nhưng chiến tranh và khát vọng, chiến tranh và đàn bà lại rất thực. Trong khoảnh khắc thăng-hoa-cứu-chuộc đó, bản năng chỉ là trượt ngoài câu chữ còn sâu thẳm là đau đớn lẫn kiêu hãnh đàn bà. Trần Thanh Cảnh thiên về tâm trạng những chàng lính trẻ (họ thỏa mãn, họ nhớ tìm, háo hức…) nhưng đằng sau tình huống bản-năng-quần-luân đó, hình ảnh được khắc tạc chính là bầu-vú-nhàu-nát, bởi chỉ trong một khoảnh khắc, người phụ nữ phải hóa thân là mẹ, là vợ, là em, là bạn gái, là thiếu nữ đàn bà… Khi nhục cảm làm cho cuộc sống đẹp hơn, ý nghĩa hơn thì bản năng đã được thăng hoa và mang sứ mệnh cứu chuộc. Không gian bỗng chốc hóa thiêng. “Cả gian quán nồng nàn hương đàn bà, hương trai trẻ thanh tân, hương sữa mẹ… - một thứ hương thơm thần thoại trong cổ tích.” Giá như Trần Thanh Cảnh tiết chế cảm xúc bản năng, giảm bớt những đặc tả ái ân thì biểu tượng Đàn bà - Bầu vú - Sữa sẽ mang ý nghĩa lớn hơn. Tuy vậy, vấn đề là ở chỗ, sau những hiến dâng cứu chuộc, những trinh-nữ-đàn-bà đó có số phận như thế nào? Chị đi đâu về đâu sau khoảnh khắc hiến dâng vĩ đại?

Ở Xuân nữ của Dạ Ngân, khi người lính thứ bảy ngã xuống thì Xuân nữ cũng không biết về đâu, phải chăng chị đã về “với trời xanh và mây trắng”. Truyện ngắn này là câu chuyện về đàn bà trong chiến tranh với những câu hỏi lửng lơ suốt chiều dài tâm trạng: Xuân nữ, chị là ai? Trời sinh ra những người đàn bà đẹp để làm gì?... Giữa đổ nát đau thương, cái đẹp phụ nữ như một sự cứu rỗi. “Chị như một món quà giữa khung cảnh hoang tàn và bị dồn đuổi. Quá đẹp để nghẹn thở nghĩ về sự tàn khốc của chiến tranh đang có mặt ở quanh chị, khắp nơi.” Chị là Xuân nữ - người đàn bà nguy hiểm, người đàn bà tai tiếng. Chị là Xuân nữ - người đàn bà “thuộc về bí ẩn của tạo hóa”, người đàn bà đem lại khoảnh khắc hoan lạc cho những người lính giữa khoảng lặng chiến trường. Niềm kiêu hãnh giới được lên tiếng một cách chính đáng. Dạ Ngân không huyền thoại hóa một con người, Xuân nữ là da thịt dục tình đấy thôi. Chị không “khâu lành vết thương trinh nữ” (Phạm Thị Hoài), cũng chẳng che đậy những khao khát đàn bà giữa chiến tranh. Chị hồn nhiên dâng hiến. Xuân nữ, chị là ai? Phải chăng là những số phận đàn bà “không thể yên ổn bởi nhan sắc của mình”, nhất là trong chiến tranh? Lần lượt bảy người lính đi qua cuộc đời chị, có năm ba người hi sinh. Hạnh phúc khoảnh khắc và những tờ giấy báo tử, đam mê và cay đắng, chính chuyên và lầm lạc… không còn ý nghĩa. Mặc cho những thị phi, chị đã biến mất ngay khi người đàn ông thứ bảy ngã xuống trong ngày 30 tháng 4 ở cửa ngõ vào Cần Thơ. Không còn Xuân nữ thì “cuộc sống đã lại đều đều, nhàm chán, thậm chí là tẻ nhạt quá rồi”. Mang vác “một sứ mệnh bí ẩn”, Xuân nữ đã làm cho chiến tranh trở nên nhân tình hơn. Với cách đọc mộng mơ, tính dục không thấp là là ở bản năng hoang dã mà vươn đến cái đẹp cứu rỗi.

 

2. Trinh tiết thuộc phạm trù sinh học và xã hội học. Nhiều nền văn hóa đề cao giá trị của trinh tiết. Yêu cầu và quan niệm về trinh tiết biểu hiện độ vênh lệch giữa hai nền văn hóa Đông - Tây, thể hiện cái nhìn về vai trò và vị trí của nam nữ trong xã hội. Mất hay còn trinh tiết là cái nút thắt rối rắm, nới giãn đàng nào cũng lệch. Là tội tổ tông phải rời bỏ thiên đàng? Là khát vọng kiêu hãnh tận hiến tận mĩ?

Phạm Thị Hoài là một trong những tác giả khơi gợi lối đọc mộng mơ, và cũng là nhà văn sớm đề cập hình ảnh trinh tiết và cứu chuộc. Là Bé Hon “thiên sứ pha lê ghé trần gian nhân cuộc dạo chơi miên viễn”, dịu dàng mỏng mảnh, vụt hiện vụt mất giữa cõi trần, với môi hôn và nụ cười hài đồng, đã mang vác sứ mệnh cứu rỗi thế giới (Thiên sứ). Là người đẹp không tên (giữa những cái tên Tố Liên, Tố Dung, Tố Nhi đầy ẩn ý), sống trong xứ sở mất niềm tin, đã hiến dâng trinh tiết, khiến cho hàng trăm chàng trai sau một đêm hoan lạc lấy lại niềm tin và hăm hở lên đường. Không ai biết, hằng đêm, cô gái một mình đi tìm kim chỉ khâu lành vết thương trinh nữ; và hôm sau, thêm một chàng trai trẻ có lại niềm tin ấm áp về cái đẹp. Cũng không ai biết, để cho-đi-và-lấy-lại sự trinh bạch, mắt cô gái mờ dần, “mũi kim cuối cùng lên tới cao xanh” (Bảy nổi ba chìm).

Có thể xem Hồ Anh Thái là một trong những nhà văn sớm để phụ nữ lên tiếng về trinh tiết từ cái nhìn văn hóa nhân văn. Người đàn bà trên đảo (1985) là cuốn tiểu thuyết sớm đề cập chuyện trinh tiết của những cô gái trong và sau chiến tranh. Trinh tiết biểu đạt đến cùng thân phận đàn bà. Bằng biểu tượng về dương vật, “một măng hai mít”, nhà văn làm nổi bật ham muốn dục lạc và bản năng làm mẹ của những trinh-nữ-luống-tuổi trên hòn đảo gần như hoàn toàn vắng bóng đàn ông. Kìm nén và bung xả, bản năng và lí trí, chưa hết thanh xuân đã tàn tạ, ba mươi tám cô gái trên đảo chỉ thực sự là đàn bà khi tìm cách mở lối đến thung lũng Bò Vàng. Mang tội chửa hoang, những người đàn bà nhân danh trinh tiết để nói lên tiếng nói quyền uy: “Tôi giữ thân cho ai nữa, trinh tiết cho ai, khi mà chỉ có một mình cô đơn?” Những người phụ nữ mất/ còn trinh tiết luôn lẫn lộn, giày vò giữa một bên là “mặc cảm ô nhục, tội lỗi” và một bên là “niềm mong chờ hạnh phúc”. Đòi quyền hiến dâng là tiếng nói chính đáng. Tiếng nói đòi quyền sống (đồng nghĩa với dục lạc) sớm được khẳng định trong giai đoạn văn học vẫn còn nối dài cảm hứng sử thi.

Ở một số tác phẩm, quan niệm về trinh tiết không chỉ được nhìn ở góc nhìn nam giới, hoặc trao quyền đánh giá cho đàn ông. Từ góc nhìn của nữ giới, trinh tiết là niềm kiêu hãnh giới tính gắn liền với khát vọng tận hiến tận mĩ. Võ Thị Xuân Hà viết về nude tràn trề tự hào nữ tính với những nồng nàn lơi lả trễ nải tuyệt mĩ: “Tôi cố tình dâng hiến. Để hằn thù, lo sợ, hoảng hốt, hoang mang trong anh tan như sương khói” (Trong nước giá lạnh). Sự giằng xé giữa trinh bạch và dâng hiến được nhà văn Võ Thị Hảo thể hiện thật độc đáo. Ngạn La là huyền thoại về trinh nữ mãi mãi tuổi mười ba. “Chu sa đỗ tễ. Một người đàn bà có chiếc rốn màu chu sa là mơ ước muôn đời của các bậc đế vương… Thần Tông cúi xuống, định ghé môi lên đóa hoa ma mị đó… Nhưng vua bỗng giật bắn người, chồm dậy, mặt tái đi vì sợ hãi. Ngài vừa nhìn thấy trên chiếc rốn đó gương mặt của Tiên hoàng Nhân Tông” (Giàn thiêu). “Chu sa đỗ tễ” là hồng phúc và cũng chính là số phận của Ngạn La. Số phận buộc nàng mãi mãi là trinh nữ tuổi mười ba.

Từ một góc nhìn khác, nhân vật của Uông Triều thảng thốt, nguội lạnh cơn khát của đàn ông khi biết cô gái còn trinh: “Trinh trắng ư? Tôi kêu lên. Ở thời này một cô gái trinh trắng là rất hiếm hoi” (Tưởng tượng và dấu vết). Tiểu thuyết Uông Triều đậm chất suy tưởng, về ẩn ức và thăng hoa sáng tạo, về hiện sinh phận người. Phần lớn nhân vật của anh đều liên quan đến viết và sách, đều mang tâm trạng cô đơn, lạc lõng, xa lạ với hình hài bất toàn của chính mình. Motif chấn thương, dâng hiến và sáng tạo nối liền những cuốn tiểu thuyết của Uông Triều qua một kiểu nhân vật nữ, thanh cao trinh bạch mang “tâm thức hiến dâng” dù thân xác có khi nhàu nát vì những vò xé của cuộc đời. Là Nhiên với mái tóc thoang thoảng hương bồ kết trở thành biểu trưng cho sự cứu rỗi, làm phục sinh cái đẹp từ tội lỗi và hận thù (Sương mù tháng giêng). Là Cầm, đàn bướm và váy đen, man dại và tinh khôi, dấu tích của một tính dục thánh thiện tận hiến (Cô độc). Miên trinh bạch như những mảnh pha lê màu xanh huyền bí, cô gái điếm với túi xách có quai màu vàng và những con số bí ẩn, cô gái câm có năng lực vẽ được tâm hồn… là những bóng dáng con gái đàn bà trong những giấc mơ tính dục và sáng tạo. Tất cả đều hiến mình một cách thánh thiện, để “tôi” (chàng trai bị liệt nửa thân hình ngày lại ngày vùi vào sách và nhìn ngắm cõi người qua những song sắt cửa sổ; mặc cảm khiếm khuyết và ám ảnh về cái chết khiến “tôi” xa lạ lạc lõng trong chính gia đình, chìm đắm trong cuốn sách tưởng tượng của mình) đạt đến những “phút linh” sáng tạo. Với “tôi”, viết như một khoái thú làm tình; thăng hoa tính dục đồng nghĩa với thăng hoa sáng tạo. Và những cô gái đã trinh bạch hiến dâng để “tôi” vật vã viết, mê sảng viết cuốn sách về “tôi”, về chật vật kiếp người (Tưởng tượng và dấu vết).

Quan niệm đồng tính và trinh nữ được Phan Đức Lộc phản biện một cách bạo liệt. Xác đá là truyện ngắn có lối viết lạ. Huyền thoại và giải huyền thoại. Thần linh và giải thiêng. Hằng năm, những thiếu nữ tròn mười sáu tuổi sẽ phải thực hiện nghi lễ Hiến trinh ở đền thờ thần Vĩnh Cửu. Có những cô gái hạnh phúc, kiêu hãnh, và những chàng trai tân hồi hộp đợi chờ những giọt máu trinh nữ chảy ướt tấm vải trắng phai màu qua thời gian. “Thanh kiếm của tượng thần Vĩnh Cửu lồ lộ chìa ra. Trưởng làng bôi lên đó một thứ nhựa cây trơn tru, mềm mượt. Chị Vải bước lên bục đá và… mắt nhắm nghiền, hai hàm răng nghiến chặt. Trong chớp mắt, cái kẽ nứt giữa hai đùi chị đã nuốt gọn lấy thanh kiếm tượng thần. Đám trai tân như nín thở chờ kết quả.” Cũng có những cô gái lê thân đến cạnh tượng thần Vĩnh Cửu, và đám trai tân gào thét khi tấm vải vẫn trắng tinh trắng rợn. Những cái chết vì trinh tiết. Những hình phạt man rợ “khâu cái kẽ nứt giữa hai đùi” của cô gái trót thành đàn bà và thả trôi sông. Cái nhìn và lối viết của nhà văn trẻ thật táo bạo. Bạo liệt hơn là tình huống đứa con gái mười sáu tuổi, giữa buổi hiến trinh thiêng liêng, đã ném vỡ và bóp nát sinh thực khí của pho tượng thần linh ban hạnh phúc vĩnh cửu cho con người. Và thật bất ngờ, xác đá oằn mình trút bỏ nỗi buồn trĩu nặng mỗi khi chứng kiến những trinh nữ đau đớn hiến thân, bởi tượng thần được nặn tạc với dáng hình đàn ông nhưng lại mang trái tim phụ nữ. Lối tự sự song hành chuyển tải được những vấn đề quá khứ và hiện tại, khát vọng và thân xác. Dòng tâm trạng triền miên: “Sao giam cầm ta vào bóng tối u mê? Sao trói buộc ta bởi trăm vàn nghi lễ? Ta quằn quại cơn đau tìm bản ngã?... Ta không ngờ, giữa hai đùi ta mọc ra một cái sinh thực khí nam. Chong chóc. Đó là nơi nảy mầm nỗi khổ. Nỗi khổ của ta. Nỗi khổ của con người.” Cảm giác nhục thể mơn man ở pho tượng đá bởi thằng bé “luôn lén nhìn trộm cái tạo vật của ta nấp sau lần vải trắng phai màu”. Xác đá chợt bừng thức như ai đó vừa đốt lên một đống lửa lớn trong hang động ẩm ướt này: “Toàn thân ta nóng dần. Ta như tảng băng, tan chảy dần theo những ngón tay mê man, ma thuật.” Từ câu chuyện về tập tục cúng tế thần linh, Phan Đức Lộc biểu hiện sâu sắc hành trình truy tìm bản thể của những nhân vị trót bị giam cầm trong quan niệm và thành kiến về trinh tiết, về lệch pha.

Trong vòng siết của lễ giáo xưa xa, cụ Nguyễn Du đã cởi mở khi gán vào suy nghĩ của nàng Kiều quan niệm vật chất về trinh tiết: Biết thân đến bước lạc loài/ Nhị đào thà bẻ cho người tình chung. Tiến bộ nhưng mâu thuẫn, đại thi hào lại buộc thắt vào khi để cho Mã Giám Sinh loay hoay tính toán: Nước vỏ lựu, máu mào gà/ Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên. Văn chương ngày càng dự phần quan trọng trong việc gỡ bỏ cái nút thắt rối rắm này. Đàn bà tội lỗi và đàn bà cứu rỗi. Dè bỉu hay tụng ca, có lẽ không còn ý nghĩa. “Cuộc đời này quá ngắn, không đủ cho cả văn chương và đàn bà” (Flaubert).

(vannghequandoi.com.vn)