Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến: Hết mình cho nhiếp ảnh
Ở độ tuổi 70, với phong thái giản dị, gần gũi, nụ cười thân thiện, trẻ trung và đầy nhiệt huyết – đó là cảm nhận ban đầu về Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA), Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh.
Liên lạc với ông vào một buổi chiều nắng oi ả tháng bảy: “Bác đang làm gì vậy ạ?” – “Bác đang đi vi vu”.
Đấy, Vũ Huyến vẫn như vậy, luôn rong ruổi để kiếm tìm những điều mới mẻ và cháy hết mình trên từng hành trình.Với bộ quần áo giản dị nhưng chỉn chu, một chiếc xe máy bên trong cốp chứa đầy giấy tờ, hình ảnh, luôn mang bên mình một chiếc máy ảnh thông dụng, Vũ Huyến gây ấn tượng với người đối diện bởi dáng vẻ điềm đạm, dung dị cùng tính cách hiền lành, chân thật của một nghệ sĩ nhiếp ảnh thân thiện.
Sinh năm 1945, tuổi thơ của ông gắn liền với những ký ức khó nhọc. Vượt qua bao khó khăn, gian truân của thực tế cuộc sống, cậu bé Huyến ngày ấy trở thành sinh viên Khoa Văn - Đại học Tổng hợp lúc bây giờ, sau đấy theo học tại Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov – một trong những trường đại học có tuổi đời lâu nhất và lớn nhất nước Nga. Rồi bởi năng khiếu bẩm sinh cùng đam mê và lòng yêu nghề đã đem cái duyên đưa đẩy Vũ Huyến đến với nhiếp ảnh.
Ông luôn có thói quen chạy bộ buổi sáng, điểm bắt đầu từ nhà ở Minh Khai cho đến mọi ngõ ngách, con phố của Hà Nội và có lẽ cũng chính những con đường ông qua đã xây nên biết bao nhiêu con người, biết bao khung cảnh trong từng tác phẩm nhiếp ảnh mang đầy hơi thở của cuộc sống.
Có được mấy ai ở cái độ tuổi như ông vẫn một mình phóng xe máy phân khối lớn từ Hà Nội đến những nơi xa xôi để họp báo, hội thảo hay đơn giản chỉ là “đi”. Hỏi ông, đi như vậy ông không sợ à? Ông mỉm cười: “Có gì mà phải sợ, tính tôi lạc quan lắm! Trên đường đi, cái xe có xịt lốp, thủng săm. Chẳng hề gì! Biết đâu lại là cơ hội để tôi được bắt chuyện với một người dân trên đường, biết đâu tôi lại được nghe kể về những câu chuyện chưa được biết”.
Những gì người ta biết đến Vũ Huyến không chỉ đơn thuần là những giải thưởng, những tác phẩm lý luận, những cống hiến danh giá hay đóng góp cho nền nghệ thuật Nhiếp ảnh nước nhà, mà ở Vũ Huyến, người ta chẳng bao giờ có thể quên một “gã” đã rong ruổi tới mọi miền đất nước để tìm, chớp lấy những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống lao động sản xuất, vẻ đẹp hoàn mỹ của thiên nhiên và nhịp sống thường nhật của con người... Một con người từng vinh dự được sống và làm việc cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một con người đem ống kính máy ảnh để trải lòng mình trên từ nơi hải đảo xa xôi đến từng con sông, từng bản làng, từng cửa biển, từng góc phố… và còn lưu lại biết bao hình ảnh sinh động về sự hồn nhiên của trẻ thơ, nụ cười hiền hậu của người mẹ già, sự tần tảo, chịu thương chịu khó của người phụ nữ, sức bền bỉ, dẻo dai của những người lao động, đôi mắt cô bé ở bản xa xôi hay những di tích và thắng cảnh đẹp của từng vùng đất, không chỉ trên dải đất chạy dài hình chữ S, mà còn vươn xa đến cuộc sống của biết bao đất nước rộng lớn trên địa cầu…
Ông chụp bằng tất cả những cảm xúc đến từ cái đầu và con tim, với tâm niệm: Chụp để làm gì? Chụp cho ai? Chụp như thế nào? Tính nhân văn mà bức ảnh ấy đem lại cho cuộc sống nhân loại là gì? Mỗi tác phẩm là một câu chuyện trên từng hành trình mà bây giờ nhớ lại, Vũ Huyến không nhớ nổi mình đã đi qua bao nhiêu vùng đất, gặp gỡ bao nhiêu con người.
Trên từng hành trình của con đường đang đi, Vũ Huyến còn là một người “thầy” của biết bao thế hệ học trò trên cả nước. Những ai từng một lần ngồi trong giờ giảng của ông, chắc không thể nào không ấn tượng với một người thầy tâm huyết, tận tâm trong từng bài giảng và rất thực với cuộc sống.
Tôi hỏi ông, trong suốt quá trình theo nghề, có bao giờ gia đình không ủng hộ những chuyến đi của ông không? Ông trả lời ngay: “Chưa bao giờ, ngược lại rất ủng hộ. Ở gia đình tôi, mỗi người một nhiệm vụ, một trách nhiệm với cuộc sống của mình và của xã hội. Chỉ khó khăn là rất ít khi cả nhà có thể tụ họp đầy đủ để ăn cùng nhau một bữa cơm”. Bắt gặp cậu cháu nội của ông, tôi hỏi cậu bé: “Lớn lên có thích theo nghề của ông nội không?”, thằng bé cứ lắc đầu mãi rồi nói: “Ông nội phải đi nhiều, viết nhiều lắm, cháu không thích đâu”. Từng góc phố ở Hà Nội mà mỗi sáng ông đều chạy bộ qua, ai ông cũng nhớ mặt thân tên, từ cô lao công cho đến bác bán hàng nước ven đường với Vũ Huyến tất cả đều thân thuộc, gần gũi đến lạ thường. Có mấy ai gặp Vũ Huyến mà không ấn tượng bởi cái vẻ dễ gần của ông. Và có lẽ vì thế, mà suốt những cuộc hành trình ông đi qua luôn khiến cho người ta mong muốn gặp lại.
Ở tuổi "xưa nay hiếm" rồi nhưng Vũ Huyến vẫn dồi dào cảm xúc, nhiệt huyết và đầy đam mê. Với ông “Bức ảnh tốt nhất là bức tôi chưa chụp. Bài báo hay nhất là bài báo tôi vẫn chưa viết ra”, tất cả vẫn đầy hăm hở, mới mẻ và vẫn luôn tồn tại nghĩ suy trong những chuyến đi thực tế, trăn trở làm sao để tìm cho mình một đề tài mới, một góc máy mới cho những hình ảnh quen thuộc, để không có sự lặp lại trong sáng tạo. Ông vẫn “chạy”, chạy trên từng hành trình cuộc sống và chạy trên con đường tìm kiếm những điều mới mẻ.
Chiều buông, ông lại háo hức chuẩn bị đồ nghề cho hành trình sắp tới đến Hải Phòng, Quảng Ninh. Chào tạm biệt NSNA Vũ Huyến nhưng cứ thấy đắn đo, tiếc nuối. Vẫn muốn được có cơ hội để gặp ông, trò chuyện về những thăng trầm trong từng con đường ông đi qua, ngắm nhìn những bức ảnh qua ống kính chân thực, mộc mạc hay chỉ đơn giản là chia sẻ những câu chuyện dung dị đời thường của cuộc sống mà ông từng trải. Bây giờ, có được mấy ai sống hết mình cho nhiếp ảnh như ông?
(nhandan.com.vn)