Cái hữu hạn hôm nay sẽ thành vô hạn ngày mai
Tập thơ mới xuất bản của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh
Không có sự đam mê, không tiềm tàng và không dư thừa cảm xúc, chắc hẳn một người làm thơ không thể sở hữu được nhiều bài thơ, nhiều tập thơ trong một khoảng thời gian không dài như vậy. Và chỉ tính riêng số lượng thôi, khả năng sáng tạo thôi, đã là đáng nể và đáng kể rồi. Nói một cách khác: Sự đam mê ấy giống như một thứ gió đã cuốn người làm thơ phiêu bồng, phiêu diêu đây đó. Sự đam mê ấy cũng là gốc rễ, là khởi điểm của nguồn thơ.
Với riêng tôi, sự ra đời của “Tiếng quê” - tập thơ mới nhất, có nhiều điểm giống, nhưng lại có điểm khác so với các tập thơ trước đó. Hơn 70 bài thơ trong tập thơ này, hầu hết ra đời vào thời điểm có đại dịch Covid-19. Trong khoảng thời gian ấy, chắc hẳn tác giả phải chống lại sự “một mình” như vầng trăng thường xuyên chống lại sự một mình (hoặc sự cô đơn) bằng ánh sáng. Nếu gọi sự vật với đúng tên gọi của nó thì phải nói: Tác giả đã chống lại sự “một mình” bằng những giải thoát, những ghìm nén thành thơ hoặc vào thơ. Ở điểm này, theo tôi, ánh sáng chính là thơ hay - thơ cũng là một thứ ánh sáng. Sở dĩ tôi không muốn dùng “chống lại sự cô đơn”, mà dùng “chống lại sự một mình” là vì cô đơn không hoàn toàn đồng nghĩa với một mình. Ngỡ vậy, tưởng vậy, mà không phải vậy hoặc không hoàn toàn là vậy! Trên thực tế, một người cô đơn là còn nghĩ đến ai khác, còn cần đến một ai khác, còn người “một mình” thì không nghĩ đến ai cả; và cũng không cần một ai cả! Như vậy, cũng có thể nói: Ở một chừng mực đáng kể, “một mình” chủ động và hầu như không chịu sự chi phối nào đáng kể nào của hệ lụy, tràn đầy tự tin gửi tâm tư của mình cùng những điều suy ngẫm trước hàng loạt sự kiện về nhân tình thế thái…
Vào thời điểm ấy, đương nhiên ảnh hưởng xấu và mối đe dọa của đại dịch Covid-19 được Nguyễn Hồng Vinh - người chủ động một mình coi đại dịch là hiện thực trung tâm và chi phối, đã và đang tác động cái hiện thực ấy đối với toàn xã hội. Vì lẽ đó, mà trong “Tiếng quê”, ít nhất có cả chục lần, Nguyễn Hồng Vinh dành sự quan tâm đặc biệt đề cập đại dịch này, hay trở đi trở lại với đại dịch này qua các bài: “Lời mẹ”, “Tiếng quê”, “Khát vọng”, “Tháng hai đáng nhớ”, “Thắm tình người Việt Nam”, “Cấp độ”, “Hồi sinh đang tới”, “Hoa hạnh phúc”, “Khoảng trống”… Với tác giả, đại dịch có thể làm cho “cánh đồng như ngừng thở”, có thể tạo ra “khoảng trống” về cả vật chất lẫn tinh thần, có thể làm cho thời gian như bị kéo dài ra: “Tháng hai, số ngày ít nhất trong năm/ Sao tờ lịch cứ rơi chậm rãi?”; và cũng có thể trở thành khát vọng cho một ngày “không còn khẩu trang đeo bám” như một nỗi lo thường trực.
Tất nhiên, bên cạnh nỗi lo mang tính hiện thực trung tâm, chi phối, tác động cái hiện thực toàn thể ấy, còn nỗi lo khác không thể nói là không canh cánh trong lòng, mà tác giả gửi gắm qua bài “Bình yên dần hồi sinh”:
Xa xót miền Trung
Mưa chồng lên mưa
Bão chồng lên bão
Núi sạt vùi người
Sóng cuốn ngư dân
Thôn xóm bị cắt chia
Sinh mệnh con người treo sợi tóc…
Thơ ấy là thơ của một người mang dấu ấn thời cuộc và dấu ấn cá nhân, hoặc hướng tới mang dấu ấn thời cuộc và dấu ấn cá nhân.
Nhưng tình yêu thì vẫn là tình yêu. Dù trong hoàn cảnh nào, cũng không dễ bị khuất lấp. Nó luôn lên tiếng và lên tiếng ở đâu đó, rất đúng lúc. Vì nó là một phần của đời sống. Bởi vậy, ít nhất trong “Tiếng quê”, Nguyễn Hồng Vinh nhắc đến “mái tóc em” và “tóc em” như là một phần vẻ đẹp lãng mạn của tình yêu. Tất nhiên đi cùng với “mái tóc em”, “tóc em”, có thể còn có “hương tóc em” đâu đó nữa…
Lần thứ nhất trong “Thắm sắc hoa ban”:
Tháng năm trôi là cả sự lặng thầm
Như dòng sông tải phù sa ra biển
Những trang viết sáng lung linh ánh mắt
Có mái tóc em bay trước ánh đèn đêm…
Lần thứ hai trong “Một chữ hương”:
Hương thơm ngát đền Trấn Quốc
Làng Vòng hương cốm mát xanh
Hương sen hồ Tây chiều hạ
Tóc em hương bưởi tỏa lan..
Đó là những câu thơ đẹp của hai khổ thơ đẹp.
Tôi dám chắc, khởi thủy của “Tiếng quê” chính là “Đất quê hương”, bắt đầu từ “ổ rơm trải đất”, những lần “ngủ đất cả đêm hè” và cả những “trang sách phả thơm nồng hương đất”. Ấy là những kỷ niệm đầy ám ảnh, không bao giờ quên. Tiếp sau là “rồi đất quê theo con ra trận”, “tải đất quê ra đảo”. Sau cùng là đến “ngày cha về nằm cõi đất âm”, là đến ngày “cha xanh cùng đất”… Đất ấy là đất mà Nguyễn Đình Thi từng nói đến trong “Đất nước” thật sâu lắng:
Đêm đêm thì thầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
Đất ấy cũng đất mà Chế Lan Viên từng nói đến trong “Tiếng hát con tàu” thật chí lý:
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn
Đây cũng là bốn câu thơ để đời của hai nhà thơ có nhiều đóng góp lớn trong làng thơ Việt.
Nói không quá, thì chính “Tiếng quê” được dẫn dắt bởi “Đất quê hương” hoặc “Đất quê hương” có vai trò dẫn dắt không nhỏ trong “Tiếng quê”. Nói một cách khác: Chính “Đất quê hương” đã truyền cảm hứng cho “Tiếng quê” và cho nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh khi thực hiện và hoàn thành một hành-trình-thơ-tiếng-quê của riêng mình. Nên nhớ: Trong thơ, việc truyền cảm hứng được coi là yếu tố tiên quyết, mang giá trị khai mở, khai phóng và luôn được xếp cao hơn bất kỳ yếu tố nào khác.
Thơ Nguyễn Hồng Vinh gần gũi, dung dị và hữu ích với đời sống này, trong đời sống này. Nếu “gần gũi”, “dung dị” là hai phẩm chất đáng quý thì “hữu ích” còn là một phẩm chất đáng quý hơn. Nhà thơ Thi Hoàng từng quan niệm “văn chương phải quyến rũ”, nhưng cũng có lần ông lại tâm sự: “Văn chương rất cần sự hữu ích. Nếu có một ai đó chỉ tạo ra những hạt gạo ni lông rất đẹp, rất hào nhoáng, mà không ăn được, thì cũng chẳng ích gì. Văn chương nói chung và thơ nói riêng, rất cần những hạt gạo ăn được, những hạt gạo mang trong mình nó “sự ăn được”, không phải những hạt gạo ni lông”. Tiếc thay, hiện nay trong làng thơ ta, có quá nhiều “thơ ni lông”! Nêu thế để thấy: Thơ thật và thật thơ bao giờ cũng được đánh giá cao hơn thơ giả và giả thơ.
Có lẽ có xuất phát từ đó, mà trong “Hồn thơ men rượu nồng say”, Nguyễn Hồng Vinh mới hạ bút: “…Văn chương sẽ trở nên vô nghĩa/ Nếu không bám rễ cuộc đời này”. Có lẽ có xuất phát từ đó, mà trong “Lá thư qua bưu điện”, Nguyễn Hồng Vinh mới coi thơ là “thông điệp tâm hồn”. Chỉ bằng hai quan niệm này thôi, hai quan niệm làm mới những gì tưởng như đã cũ, Nguyễn Hồng Vinh đã có những đóng góp với nghề thơ và những người làm thơ theo cách của ông. Sự đóng góp này thật đáng trân trọng!
Vốn là người thích triết lý trong thơ nên tôi rất thích hai câu thơ dưới đây. Câu thứ nhất trích ra từ “Trò chuyện giữa hai cây hoa ban”. Câu thứ hai được trích ra từ “Ngẫm từ hàng phong lá đỏ”. Từ cái việc đơn giản là “Trò chuyện giữa hai cây hoa ban”, mà tác giả rút ra được một câu thơ thật chí lý, sâu sắc: “Cái hữu hạn hôm nay sẽ thành vô hạn ngày mai”. Tương tự, nhìn những hàng phong lá đỏ, mà tác giả rút ra được: “Cuộc đời này là trải nghiệm nối nhau”. Với tôi, hai câu thơ này là hai điểm nhấn. Cả bài thơ, đôi khi ăn nhau ở một từ, một câu là vậy! Tôi cũng rất thích hai câu trong “Lời mẹ”: “Con trở về với mẹ/ Đám cưới vẫn còn xuân”. Thay vì nói: Vì có dịch, con chưa về được, lễ thành hôn chưa thành, nhưng rồi đám cưới sẽ diễn ra”, nhưng tác giả lại nói bằng thơ, theo cách của thơ như vậy. Đây là hai câu, đặc biệt là câu “Đám cưới vẫn còn xuân”, vừa hay ở cách nói, vừa mang nét thơ, rất gần với cách nói dân gian: “Ta vẫn còn xuân”, hoặc “Ta vẫn còn xoan” (đương xoan), “Em vẫn còn xuân” hoặc “Em vẫn còn xoan” (đương xoan).
Nguyễn Hồng Vinh coi làm thơ là niềm vui và làm thơ cũng là bổn phận. Ông tìm được niềm vui trong bổn phận và tìm được bổn phận trong niềm vui. Bởi thế mà ông còn cầm bút làm thơ và làm nhiều thơ nữa, theo bổn-phận-niềm-vui và niềm-vui-bổn-phận của mình.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một bài thơ thật hay và cũng thật lạ của nhà thơ lớn người Ấn Độ R. Tagore:
Tôi nằm ngủ và mơ thấy: Cuộc đời là niềm vui
Tôi thức giấc và nhìn thấy: Cuộc đời là bổn phận
Tôi hành động và…ô kìa…bổn phận chính là niềm vui!
Chúc mừng Nguyễn Hồng Vinh bằng sự đam mê thi ca, đã cho ra đời những đứa con tinh thần đáng quý, góp sức làm đẹp “bổn phận” của người cầm bút, mang niềm vui cho mình và cho Đời!
Tháng 5/2021
ĐHG