Người vẽ trời ở phía đằng Tây - Bùi Việt Phương

23.07.2019

Nắng đã sấy khô cong con đường vốn thẳng như thước kẻ, sấy xong hàng nhãn cổ thụ. Một góc trời đằng đông xanh ngăn ngắt như cũng sắp sửa bong tróc rơi xuống...
Đấy là mảnh trời hiếm hoi không bị che khuất bởi nhà cao, trong mắt một anh thợ vẽ tranh tường luôn bận rộn chứ còn “trời” của  Dương thì mươi năm nữa mới xuống cấp được. Người ở thành phố khi sinh ra đã thấy toàn những nhà chọc trời, lúc nào chả thiếu mảng trời xanh. Biết thế, nên Dương chỉ vẽ chuyên trần mây hay bức tường có trời xanh.

Người vẽ trời ở phía đằng Tây - Bùi Việt Phương

Còn lại mấy món giả đá, giả gỗ, nhường cho đám sinh viên thất nghiệp hay thợ học mót. Khối ông ki cóp làm nhà, đến lúc hoàn thiện rồi lại muốn “mây trời” cho thời thượng bằng bạn, bằng bè, nhưng gặp được họa sĩ “bán giời có hợp đồng” đâu có đơn giản. Người ta phải trải qua hết hy vọng, trách móc, rồi lại thấp thỏm chờ anh đến vẽ. Anh cứ nhẩn nha, nghệ thuật là không được hấp tấp.

Chiều nay, cũng chỉ còn hoàn thiện bức trần mây, cứ phải ngửa cổ lên vẽ, nhiều khi các cơ bắp mỏi không thể kiểm soát nổi. Tự dưng cây cọ rớt xuống, những giọt mực như lũ trẻ trốn nhà tung tăng nhảy múa, màu ngã nhoài trên nền gạch men trắng ngay dưới chân một cô bé đang ngồi bên cửa sổ. Cô vẫn đang trầm ngâm, trên tay một cuốn sách đang mở ra.

Giờ này, cô không đi học hay đi làm, cũng lạ. Dù chỉ nhìn nghiêng, nhưng anh đủ cảm nhân cô gái không thuộc tuýp gợi tình, không đẹp rực rỡ như muốn người khác nuốt chửng. Cô có một nét gì cũ cũ như chính ngôi nhà, lành và buồn. Tự dưng Dương thấy áy náy, thói quen của cái hồi vẽ không liên quan đến kiếm tiền:

- Em có cần thêm gì nữa vào bức tranh không?

Vẫn cúi xuống trang sách, cô gái bình thản như đang nói với một người đã quen từ lâu:

- Anh có thể vẽ thêm cho em một cánh chim, cánh chim đang khuất dần vào mây trắng...

Từ bao giờ, Dương chỉ còn vẽ theo những mẫu tranh có sẵn. Đó cũng là cách giao kèo chắc chắn với gia chủ. Có người tham lam, trong mấy mét vuông đòi có đủ hoa lá, chim muông rối rắm. Có lần thấy quý chủ nhà, anh “khuyến mại” thêm cho họ cái khung cửa sổ 3D hay đóa sen hồng. Tóc cắt cua, quần jean rách, áo thun nhàu, đam mê của những ngày tóc dài quên ăn ngủ với màu, khối trên căn gác nơi phố vắng giờ không còn nữa.

Cả chiều hôm ấy, Dương vẫn loay hoay ở cái góc phòng khách. Lúc đầu anh muốn vẽ một con én liệng. Nhưng én thì chỉ liệng trên làng quê, đồng lúa mùa xuân chứ không có tầm so với trời cao. Sau đó anh định vẽ một con sếu sải cánh bay ngang trời. Nhưng sếu đâu bay lẻ, chúng tha hương nhưng mòn mỏi cùng nhau... Leo lên, leo xuống, châm thuốc, dụi tắt rồi lại đốt thuốc, vẫn là một cánh chim, bay như siêu thoát vào vô cùng của đất trời...

Mấy hôm sau, đang loay  hoay vẽ một ngôi nhà mới thì Dương nhận được một cuộc gọi từ chủ ngôi  nhà đến thanh lý hợp đồng. Ông chủ đã ngồi giữa căn phòng, những bức vẽ của anh vây xung quanh tạo nên một cảm giác ấm áp. Ấm trà Thái đã pha, cái gạt tàn pha lê với điếu thuốc Esse cháy dở. Dương đến, thêm một điếu Thăng Long rẻ mạt đối diện đỏ rực, hai con người lặng thinh nhấp từng ngùm trà.

- Tôi đã thỏa thuận, chỉ có không gian tĩnh tại.

- Cháu biết, ngôi nhà của chú rất hoàn hảo, kể cả những chi tiết nhỏ nhất.

- Phải, có liên quan gì không?

- Nhưng nó thiếu một sự sống. Gần một tuần ở đây, cháu không mấy khi thấy bóng người, thấy một đứa đứa trẻ khóc, một tiếng ho...

- Anh không biết làm sai lệch so với hợp đồng và sẽ bị trừ tiền sao?

- Cháu có thể vẽ cả trăm bức không sai một chi tiết, màu và bố cục đảm bảo. Nhưng cháu nghĩ...

Dương dừng lại ho, bao lâu nay tiếng nói của anh bụi bặm bám víu đầy. Cuộc sống càng gấp gáp, bộn bề, Dương thấy mình càng nói chậm lại:

- Nếu vẽ như một thói quen nhân bản, cháu sẽ chỉ còn là thợ, như thợ sơn, thợ hồ hay một người vẽ truyền thần.

- Vậy anh Minh Dương là một họa sĩ?

Những ô cửa kính như mờ đục, các loài hoa trong vườn bắt đầu ngừng phả hương vào gió. Dương bắt đầu thao thao nói về hội họa hàn lâm, về các ý tưởng trên sơn dầu, trên lụa, khắc gỗ. Phút chốc, anh như đã không còn e ngại thì chủ nhà lên tiếng:

- Thôi được, tôi cho qua nhưng có một yêu cầu trước khi trả tiền: Anh có thể tái hiện lại một lần nữa cánh chim ấy được chứ?

- Đương nhiên, nếu chú thích cháu sẽ vẽ tặng.

Lên đến căn phòng có bức vẽ phía bên ngoài, ông quay lại nhìn Dương nét mặt bình thản:

- Tôi tôi muốn anh vẽ lại bằng lời cho con gái tôi nghe.

Dương giật mình, giờ anh mới nhìn kĩ, cô bé ngồi vẫn trước trang sách. Hóa ra, mấy ngày liền anh cố gắng vẽ thật có hồn vì nghĩ cô sẽ ngước lên nhìn bức vẽ. Chỉ cần đôi mắt ấy nhìn về phía mình. Một điều gì mơ hồ mà náo nức trong lòng vừa thức dậy đã vội lụi tắt...

Nhớ lại câu nói của ông chủ nhà  khi nãy: “Con tôi thường không cho rằng mình khiếm khuyết đôi mắt, tất cả là do một bất cẩn của tôi hồi nó còn bé. Tôi vẫn thường mua sách cho nó, nó không chịu học chữ nổi. Nó thường mở sách ra hàng ngày, ngồi hàng giờ trước cuốn sách không chán...”

Dương lặng lẽ ngối xuống chiếc ghế đối diện, cô bé vẫn đang ngồi như mọi khi:

- Anh còn quên gì à? Chiếc bút vẽ bị rơi hôm nọ anh đã nhặt chưa?

- Tôi đã lấy từ lâu, à tôi chỉ muốn giải thích thêm với cô

- Về cánh chim anh vẽ thêm?

- Sao cô biết?

- Em nghe được tất cả. Âm thanh phát ra khi anh đứng trên chiếc ghế cập kênh, cách anh thở dài, tiếng anh rít thuốc lá. Chắc chắn nó đã hoàn hảo.

Dương cười, tiếng cười ấy đáng ra rất vô duyên, chưa bao giờ anh được một người mù nhận xét về tranh của mình. Lần đầu anh cười đầy thích thú khi nghe một ông thầy khen anh có triển vọng. Một tay họa sĩ “chuyên tu” thử nét vẽ của anh để làm thiết kế quảng cáo bảo anh:  “mày học đâu mà khá”, anh cười khẩy. Nụ cười của anh chợt tắt khi nghe cô nói tiếp, những câu nói như vọng ra từ một vách đá. Cô nói về hội họa, về cánh chim đang vút bay vào mây, cánh chim sẽ không biến mất, cánh chim ngạo nghễ...

Bất chợt, nhìn con mắt vô hồn của một người khiếm thị, Dương giật mình. Cô bé cũng từng như cánh chim vùng vẫy trong ánh sáng rồi lao vào mây tối. Anh ngoan ngoãn ngồi nghe bất chấp chiếc điện thoại đã tắt chuông vẫn sáng đèn của bao cuộc gọi, bất chấp nắng chiều đã lụi tắt dần.

Anh ra về lặng lẽ mà không dám nhìn lại bức vẽ thêm một lần. Dương bước qua những bức tường, dưới bầu trời mây mình đã vẽ. Chúng là những vật “hiến tế” cho áo cơm. Chưa một lần được anh suy tư “đủ ngày đủ tháng”. Anh sẽ không bao giờ dại dột vẽ trên tường gia chủ nào như thế. Nó đẹp, đẹp đến mức sẽ chẳng bao giờ anh vẽ được thế chăng? Không, anh chưa hề chạm tới được một cánh chim như thế. Thật may chưa bao giờ anh vẽ được, một chút tự an ủi. Trời ở phía Đông vẫn xanh, phía đằng tây ngả nắng, Dương cũng đang vẽ một bầu trời...

B.V.P