Bạn tôi Phạm Sỹ Thân, mãi mãi tuổi 24 - Hoàng Hải Vân

23.03.2020
Tôi thân với nó từ năm học lớp 9 trường Trung học Kỹ thuật Đà Nẵng. Nó cũng học lớp 9 trường Phan Chu Trinh. Không biết vì sao nó lại biết một thằng mồ côi khố rách áo ôm như tôi mà tìm đến. Gặp tôi, nó lập tức không chỉ là bạn, mà như người cha, như người mẹ. Qua nó mà tôi thân với Nguyễn Khoa Chiến và Đặng Ngọc Khoa, học cùng lớp với nó.
Tôi ăn quán cơm học sinh của Hội Khuyến học do thầy Nguyễn Văn Xuân làm hội trưởng, vé ăn mỗi ngày 50 đồng. Nó biết tôi lúc nào cũng đói, nên vài ngày lại về nhà ở Xuân Thiều mang đồ ăn đến, để ở phòng trọ của tôi. Thấy tôi thiếu thứ gì nó lo cho thứ đó.

Bạn tôi Phạm Sỹ Thân, mãi mãi tuổi 24 - Hoàng Hải Vân

Mấy thằng lớp 9 đó “hoạt động cách mạng”, theo cái cách riêng của mình, mỗi đứa thuộc một cơ quan trên núi, có “đường dây” riêng, nhưng chẳng cần giữ nguyên tắc gì. Năm tôi học lớp 11 thì bị lộ, đến nhà Nguyễn Em trốn trên trần nhà 3 ngày, nó đến túc trực thường xuyên ở dưới để bảo vệ tôi. Nhóm của tôi, có Nguyễn Em, Nguyễn Thị Tam, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thị Kiều Hạnh, Võ Duy Khương, Phan Tường... Nó không thuộc nhóm đó, nhưng vẫn coi là đồng bọn. Khi tôi lên chiến khu, nó đưa đi, đưa đến nơi ở lại một đêm, sáng hôm sau nó về lại Đà Nẵng đi học tiếp. Tôi rất lo lắng, không để nó đưa đi, nhưng nó nhất định không chịu. Tôi nghĩ 90% nó bị bắt, nhưng nó vẫn an toàn.

27-3-1975, tôi từ chiến khu xuống Đà Nẵng 2 ngày trước khi bộ đội vào chiếm thành phố. Tôi “tập hợp lực lượng” đến chiếm Đài phát tin của Bưu điện, biến thành Đài phát thanh. Nó có một khẩu súng K6 rất oai, dẫn đầu. Chúng tôi là đám “nói tiếng nói đầu tiên của cách mạng” trên sóng phát thanh Đà Nẵng. Tự viết, tự phát, chẳng có ai chỉ đạo lãnh đạo gì. Hỏi mấy ông lãnh đạo phải làm gì nữa, mấy ổng bảo “cứ ở đó làm nhiệm vụ”. Sau một tuần chẳng thấy ai đến tiếp quản, cũng chẳng thấy ai giao “nhiệm vụ” gì, cả nhóm tự giải tán ai về “đường dây” của mình. Có lẽ vì “thành tích” đó mà tôi được mời ngồi Đoàn chủ tịch cuộc mít-ting mừng chiến thắng trên sân vận động Chi Lăng, đến giờ vẫn còn nhớ tiếng nói dõng dạc trầm hùng của anh Phan Văn Nghệ, Bí thư Đặc khu Đoàn lúc đó. Trong những ngày đó, nó đã biến mất khỏi thành phố.

Tôi về Ban Dân vận. Nó nhất định không ở thành phố. Nó đi làm thủy lợi, công việc là đo đạc địa hình. Các bạn khác thì lênh đênh, không ít đứa bị cách mạng ruồng bỏ. Năm 1978, tôi, nó và thằng Chiến rủ nhau vào bộ đội đi đánh Pon Pot để bảo vệ biên giới Tây Nam. Nó chẳng bị cơ quan ràng buộc, vài hôm sau nó lên đường. Thằng Chiến thì bận đấu tranh chống tham nhũng ở công trường Thủy lợi Phú Ninh, nhất định phải thắng đám tham nhũng này mới đi đâu thì đi, khi thắng thì không còn giặc nữa. Còn tôi thì xin mãi cơ quan không cho đi, phải viết thư cho ông Hồ Nghinh. Ông ấy đưa cái thư đó cho Đài Phát thanh đọc lên, nghe xấu hổ muốn chui xuống đất, mà vẫn không thấy “chỉ đạo” thủ trưởng của tôi cho tôi vào bộ đội. Tôi phải đến nhà ông Võ Văn Đặng, là thủ tưởng của tôi nằm vạ, cuối cùng ông ấy mới vò đầu, thôi được, cho đi. Tôi vào bộ đội sau nó 1 tháng.

Không biết vì sao nó tìm được trại tân binh nơi tôi đang được huấn luyện, để đến thăm tôi, ôm chặt vai siết chặt tay, rơm rớm nước mắt, nhưng không nói một lời nào. Nó được đi thẳng sang Campuchia đánh Pon Pot. Mấy tháng sau nó viết cho tôi một bức thư, không đủ giấy nên còn viết thêm một cái rẻo giấy bằng ngón tay. Nó bảo, nó rất mừng vì tôi “thoát được cảnh làm quan cách mạng”, rồi kể chuyện trên chiến trường. Và nó đã chết trên chiến trường, 1 năm sau khi nhập ngũ, năm 1979.

Phạm Sỹ Thân bạn tôi mãi mãi ở tuổi 24 (tính tuổi mụ). Nó chưa từng hôn người con gái nào. Trước khi nhập ngũ, nó thích một cô bạn làm ở thư viện, nhưng chưa kịp tỏ tình, mỗi lần nhắc đến cô ấy mặt nó đỏ như say rượu.

Khi tôi còn ở quân đội, mỗi lần về phép, xuống ga Đà Nẵng đều bâng khuâng không biết về đâu. Khi thằng Chiến ở nhà thì tôi đến ở chơi nhà thằng Chiến. Khi không có thằng Chiến, tôi đến ở chỗ chị Ngọc, là chị nó, chị Ngọc thương tôi như là nó thương tôi.

Nó là bạn tôi, mà thương tôi như mẹ tôi như cha tôi. Mấy chục năm nay, dù còn sống hay đã chết, nó vẫn là một phần của tâm hồn tôi. Thỉnh thoảng nó lại hiện ra, mỉm cười, ôm chặt vai, siết chặt tay. Nó chính là bầu trời khoan dung và là một chốt chặn không để tôi làm những chuyện hồ đồ.

H.H.V
(Tạp chí Non Nước số 265)