Có một làng quê còn trong ký ức

27.05.2019

Có một làng quê còn trong ký ức

Chuyên gia thủy lợi Phan Khánh ở tuổi 85 vừa ra mắt tập truyện ký “Làng quê buồn vui thương nhớ”, do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành. 450 trang sách với 18 câu chuyện xảy ra ở vùng nông thôn Hà Tĩnh từ năm 1940 đến năm 1954, mang lại cho độc giả một góc nhìn về lịch sử và con người giai đoạn đất nước nhiều biến động. Bằng trí nhớ dồi dào và khả năng quan sát của một kỹ sư cao cấp, tác giả Phan Khánh tái hiện bức tranh thời cuộc mà mình đã trải nghiệm khá sinh động và thuyết phục.

Cái hay của “Làng quê buồn vui thương nhớ” không nằm ở văn phong, mà nằm ở chi tiết. Đọc “Tuần lễ vàng sau lũy tre”, “Những gợn mây đen giữa bầu trời trong sáng” hoặc “Những tiếng sấm đằng xa vọng về”… vừa thấy tức cười vừa thấy xót xa. Ví dụ, chi tiết gã thợ may Chắt Triêm đang tắm sông thì dân quân ập đến bắt do mặc cái quần đùi có ba màu xanh trắng đỏ như màu cờ Pháp nên bị nghi ngờ “làm ám hiệu cho địch ném bom”.

Một mảng tương đối thú vị, không chỉ đối với người đọc văn chương mà còn đối với cả giới nghiên cứu sử học, đó là ký ức của Phan Khánh về cải cách ruộng đất. Câu chuyện của địa chủ Hồ Lê bây giờ nhắc lại cứ ngỡ sản phẩm tưởng tượng, vì chả mấy ai dám tin có một thời mông muội và ấu trĩ như vậy. Vì sở hữu đôi liễn khảm xà cừ với vế đối “Vó ngựa Đằng Giang xin nối gót/ Thanh gươm Phù Đổng quyết ra tay” do thân phụ để lại từ đầu thế kỷ 20, nên địa chỉ Hồ Lê bị hạch tội: “Mi chống Đảng mà còn cổ động hủy diệt Đảng… Chẳng phải mi muốn lấy vó ngựa của thằng Đặng Giang nào đó để xéo Đảng… lại còn hô hào thằng Phù Đổng nào đó ra tay cầm gươm chém Đảng…”.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê nhận định về “Làng quê buồn vui thương nhớ” bằng một sự bất ngờ: “Đã đành, văn chương là hư cấu, nhưng hình như không chỉ với tôi và không chỉ một lần, tác giả nói về đứa con tinh thần của mình rằng: “Toàn chuyện có thật cả đó. Tôi chỉ đổi tên người và địa danh thôi…” Trong nghề viết, chúng ta thường nghe “ông ấy bịa như thật!”, đó là chỉ thuật ngữ gọi là “hư cấu”. Với cuốn sách mới này của anh Phan Khánh, thì tác giả lại cố “thanh minh” là mình không bịa! Cái thú vị chính là ở đó”.

Dù không theo đuổi con đường sáng tác chuyên nghiệp, nhưng tấm lòng tha thiết với nông thôn đã khiến chuyên gia thủy lợi Phan Khánh có được gia tài chữ nghĩa đáng trân trọng. Tính từ tiểu thuyết đầu tay “Làng ven đê” in năm 1962 đến nay, kỹ sư cao cấp Phan Khánh đã có hàng chục đầu sách, mà tiêu biểu nhất là các tiểu thuyết “Tráng sĩ Ngàn Trươi”, “Người đào kênh Vĩnh Tế”, “Thanh gươm kẻ sĩ”, “Hoàn chỉnh sai”, “Đỗ Thích kỳ án”… Dù đề tài nào, thì hình ảnh nổi bật trong trang viết của tác giả Phan Khánh vẫn là hình ảnh người nông dân lam lũ và chất phác luôn loay hoay tìm phương kế để được tồn tại, để được lao động, để được lương thiện. Nói không ngoa, tác giả Phan Khánh xứng đáng được vinh danh là một nhà văn tận tụy của ngành nông nghiệp!

LTN