Ngược miền hoa ban - Tú Anh

10.12.2014
Tháng Tư, lòng người rạo rực cùng sắc nắng non mơn mơn gieo mùa trên muôn lối, ghẹo lũ bướm trắng bướm vàng rập rờn phơi cánh mỏng. Tháng Tư, ai kia cứ hay bâng khuâng khi mắt chạm đâu đó sắc đỏ bông gạo thắp nỗi niềm ẩn ức ấu thơ lên vòm nhớ mênh mang. Riêng tôi cứ mải miết víu vương, mộng mơ về một miền sương mây xa xăm điệp trùng non núi và loài hoa viết vào lòng người ý niệm huyền thoại tổ quốc hào hùng.

Ngược miền hoa ban - Tú Anh

Nhớ Hoa Ban, mộc mạc trên những triền đồi trĩu gió, nhớ cái màu trắng pha sắc tím nhụy lòng nhè nhẹ. Tôi thường miên man ngồi xếp những kỷ niệm vào ban mai lãng đãng sương trên đầu núi trước nhà. Hoa Ban, loài hoa bình dị như mảnh đất và con người nơi ấy, là cái cớ để người ta nhớ về nguồn cội mình như một sự tưởng niệm về lịch sử thiêng liêng oai hùng, tươi đẹp. Tôi nằm bên tháng tư, gối đầu lên ký ức còn nóng hổi trong hơi thở mà nhớ chuyến đi về nơi dân tộc ta đã làm nên lịch sử: Điện Biên.
 
  Cùng đoàn văn nghệ sĩ xứ Thanh trên chuyến thực tế ngược miền Tây Bắc, lòng tôi như có cả mùa hội Pồn Pông của Mường mình, cứ hân hoan, rạo rực.Chiếc xe chào thành phố bằng âm thanh trầm đều rồi hối hả, khỏe khoắn vun vút ngược miền Tây đi về phía những ngọn đồi xa tít tắp đang ngủ vùi trong sương chạng rạng ngày mới. Tôi lặng im nghiêng đầu ra phía cửa, gửi mắt vào nhập nhòa những hình ảnh ẩn hiện trôi qua phía bên ngoài xe, nhưng đầu óc và tâm trạng lại đang giao hòa trong một bản tình ca không đầu không cuối của cảm xúc lan nhanh từ những tiếng hát tiếng cười, những câu chuyện vui của các cô các bác trên xe. Tôi chừng như nghe được bản tình ca đó cũng rạo rực trong mỗi trái tim của từng người có chung nỗi niềm trên chuyến xe đang ngược con đường lịch sử về với Điện Biên, địa danh anh hùng, mảnh đất với tên gọi gợi mang hình hài Tổ quốc. Hạnh phúc biết bao khi hôm nay trong hành trình ngược nguồn, trên những đoạn đường của chuyến xe này đang lăn bánh, chúng tôi chạm vào dấu chân cha anh, những người con quê Thanh ngày ấy đã thắp lửa trái tim cháy hết mình cho tổ quốc, cho chiến dịch Biện Biên. Để rồi câu chuyện về đoàn dân công hỏa tuyến, xe thồ, vai gánh gạo đi trên tuyến đường xuyên làng mạc, xuyên rừng qua Cẩm Thuỷ, Bá Thước, Quan Hoá sang Mai Châu (Hoà Bình) lên Mộc Châu (Sơn La) tới Điện Biên. Vượt hàng trăm cây số đường rừng, vượt đèo dốc cao, sông suối hiểm trở, vượt qua mọi hiểm nguy thú rừng rồi đạn bom biệt kích. Có khi lương thực đến nơi chẳng còn được là bao, bởi đoạn đường thì xa mà ngày đường thì dài, lương thực tải đi ăn dọc đường dù dè xẻn lắm cũng hết nhiều so với số lương thực mà mỗi người có thể tải theo, đã trở thành một câu chuyện đẹp mang dấu ấn lịch sử trong huyền thoại về Điện Biên, mà chúng tôi thế hệ hôm nay đang lớn lên cùng đất nước tươi đẹp này, cứ nghe mãi, nhắc mãi từ mùa Ban này đến mùa Ban khác vẫn thấy nó còn kỳ diệu và bất ngờ đến lạ. 
 
  Ngày mới vẽ mình ngời ngời trên từng đoạn đường, cánh đồng, từng bản làng, vách núi, nơi chiếc xe ngang qua, mắt tôi như dán lên tấm cửa kính xe về phía đó, để mường tượng, để cảm nhận cái không khí, hoàn cảnh ngày oanh liệt. Tai tôi lại thu trọn những âm thanh của tiếng nói cười và bao câu chuyện từ các chú, các bác trên xe và nhận ra niềm vui, niềm xúc động trong mỗi trái tim khi được đi chính con đường lịch sử ấy mà về lại nơi ấy, để được tận mắt nhìn, tận tai nghe mà thấu, mà cảm cái sự hy sinh lớn lao, cái sự hào hùng thiêng liêng của chiến công và tổ quốc. Hạnh phúc như nắng bung dần từ phía ban mai, trên mỗi miền đất đi qua hôm nay đã khang trang giàu đẹp và yên bình.Tôi bỗng thấy yêu đất nước mình hơn thế, yêu quê Thanh bằng lòng kính phục tự hào nhiều hơn đã từng yêu.
  Ngày vắt mình lên lưng chiều, chiếc xe hùng dũng leo dốc Pha Đin. Ai cũng háo hức để được đi, được đến, được tận mắt nhìn, giờ đây sự mệt mỏi đã tan nhanh trên từng khuân mặt, trong từng câu nói như reo vui, như ngỡ ngàng của mọi người với nhau khi nhìn ra cửa xe để thấy con đường tựa một nét bút uốn lượn mềm mại của người họa sĩ tài ba vẽ lên lưng chừng những ngọn núi gối nhau cong queo, chênh vênh cao dần mà chạm sương mây huyền ảo. Lại nhớ câu thơ của nhà thơ Tố Hữu :“Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ”. Ba mươi ba ki lô mét đèo gập gồ hiểm nguy ngày ấy, chỉ nghĩ thôi, chỉ tưởng tượng thôi mà tôi cứ thấy mình laị bất ngờ trước những câu chuyện lịch sử nghe nhiều tưởng chừng đã cũ đã thuộc. Chao ôi những bàn chân, những đôi vai biểu thị trái tim và ý chí Việt Nam.
 
  Bắt đầu từ Mai Châu-Hòa Bình con đường chạy suốt lên Điện Biên, trên dọc hai bên lưng đồi, thi thoảng mọi người lại reo lên, chỉ nhau xem những chùm hoa Ban cuối mùa đang bung hết mình cho bản tình ca xuân Tây Bắc. Có lúc xe dừng chân nghỉ ở ven đường, nơi có một cây Ban nho nhỏ nào đó. Các cô các chị hái những chùm hoa xinh xinh, để được tận mắt mà thấy, tận tay mà vuốt ve, và vội vàng lưu lại những bức hình làm kỷ niệm như với một người tri kỷ. Quả thực loài hoa ấy bình dị mà đẹp mà mặn mà như những gì người ta đã truyền vào tai nhau vào văn chương và nghệ thuật, đến cái tên cũng gợi cái gì đó sâu lắng lắm.
  Ngày mới ở thành phố Điện Biên Phủ thật tuyệt, sáng tinh mơ sương tơ lãng đãng phả vào lòng thành phố, líu ríu vương trên những ngọn cây, cuốn lấy những nóc nhà mái xanh mái đỏ, víu vờn lòng thung xinh đẹp này như một màn múa chào mời của sơn nữ gửi lữ khách. Thi thoảng đi trên đường phố tim tôi lại bồi hồi, chân lại bịn rịn khi bắt gặp một cây Ban khoe những cánh hoa dịu dàng như níu gọi mình. Thành phố này với tôi quả là một thành phố lạ, nó nhỏ xinh nằm gọn trong lòng chảo, điềm nhiên trải mình dưới những ngọn đồi hùng vĩ sừng sững minh chứng cho sự bất diệt của chiến công và sự vĩnh cửu của Điên Biên trên tượng đài tổ quốc. Từ khu tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1 phóng tầm mắt về bốn phía, thành phố Điện Biên Phủ tựa một bức họa sinh động, cánh đồng Mường Thanh mươn mướt thì con gái, xanh mềm như tấm khăn khoác trên vai người thiếu phụ khả ái và quý phái. Núi tít tắp xa mờ trong sương như một bờ khung đẹp làm tôn bật bức vẽ lên, hẳn ai cũng biết trên những lưng đồi ấy đang dắt đầy những lùm hoa Ban cuối mùa thao thiết gọi gió về hòa vào thành phố khúc tình ca tháng Năm rạo rực về một Điện Biên.
 
  Đoàn chúng tôi lần lượt theo người hướng dẫn viên đi thăm các khu di tích và nhà bảo tàng hiện vật, khu nghĩa trang. Chân đi và mắt được cận lãm đến đâu, được nghe các hướng dẫn viên kể chuyện đến đâu, mỗi người chúng tôi cũng đều thấy còn ngỡ ngàng và xúc động như lần đầu biết đến. Chẳng phải sách báo, chẳng phải những câu chuyện truyền nhau về chiến công và mảnh đất huyền thoại này đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người con đất Việt rồi đó sao?, sự ngỡ ngàng đâu phải bởi lạ lẫm mà bởi chỉ ở nơi đây trước những hiện vật, ngay lúc này đứng trên những hầm hào hố bom, hơn bao giờ hết người ta mới cảm nhận được rõ lắm, gần lắm, như còn nhức nhối trong tai, xót xa trong mắt và rạo rực trong tim, để thấu hiểu được cái sự gian nan, hy sinh, ý chí và sự hào hùng kiên cường của cha anh cùng những chiến công hiển hách. Đứng trên địa danh lịch sử Mường Phăng, còn đó Bộ chỉ huy chiến dịch, chúng tôi chạnh lòng về tháng Năm này, đất nước kỷ niệm tròn 60 năm chiến thắng Điện Biên, vị Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người cầm que chỉ huy đạo nên bản nhạc chiến thắng Điện Biên không còn nữa, nhưng tên người sẽ gắn mãi với chiến công, với vùng đất lịch sử, với Tổ quốc Việt Nam này. Đi qua bao con đường, còn thấy vẹn nguyên vạn vạn gian truân, còn đây ngọn đồi lừng lững và vết bánh xe pháo lăn trên tấm thân người anh hùng xứ Thanh quê tôi, mới hiểu vì sao những câu chuyện cũ vẫn làm bỡ ngỡ và xúc động lòng người khi đặt chân đến nơi này.
                                                  * 
  Chuyến xe lại hối hả chở đoàn văn nghệ sĩ xứ Thanh trở về miền sông Mã sau hai ngày ngược miền hoa Ban. Tôi biết chuyến thực tế này này gặt hái về những kết quả ý nghĩa trong tâm hồn, trong vốn sống, để rồi từ đó nó trào tràn vào tác phẩm của các văn nghệ sĩ xứ Thanh, bằng chứng là ở đó, trên chuyến xe xuôi đường về, mỗi câu thơ mới, mỗi câu hát mới còn nóng hổi xúc cảm Biện Biên đã được ngân nga, rồi thì thầm bật ra trên từng bờ môi cứ vương vương nụ cười hào hứng.