Tiềm năng, giải pháp phát triển du lịch sông Cu Đê - Huỳnh Thạch Hà
Chiều dài con sông từ Thuỷ Tú đến Trường Định là 38 km, đoạn sông nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu khoảng chừng 6-7 km, là tuyến đường thủy quan trọng và là nơi có nguồn lợi thủy sản phong phú. Sách Đại Nam nhất thống chí viết “Ở cách huyện Hòa Vang 8 dặm về phía bắc có hai nguồn: Một từ ngọn núi Đại Giáo Lao thuộc phủ Thừa Thiên, chảy đến đổ vào vực ngã ba, đấy là đường nước phía tây bắc nguồn Cu Đê, một ngọn từ núi Trà Ngạn ở trong Man chảy đến, cũng đổ vào vực ngã ba, đấy là nguồn nước phía tây nam nguồn Cu Đê; hai ngọn hợp lưu ở vực ngã ba, chảy qua xã Cu Đê, đến đây có nước sông Hoa Ổ chảy vào làm sông Cu Đê, đổ ra cửa biển Cu Đê (1).
2. Tại cửa sông Cu Đê những cư dân đầu tiên ở Liên Chiểu đã dày công khai phá để dựng nên làng xã, lập ra chợ búa để trao đổi, buôn bán và làm nhiều ngành nghề khác nhau để sinh sống. “Cửa sông Cu Đê một thời trên bến dưới thuyền tấp nập người buôn bán, là điểm giao lưu, nơi kết nối miền biển và miền núi của vùng Tây Bắc huyện Hòa Vang, từ đó hình thành nên thị tứ Nam Ô vang bóng một thời”(2). Sông Cu - Đê còn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử thời chúa Nguyễn. Vào năm Ất hợi (1635), mùa đông tháng 10 chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên qua đời, chúa Nguyễn Phúc Lan kế vị thì trấn thủ Nguyễn Phúc Anh liền phát binh làm phản, cùng ký lục Phạm Quang Hựu, mưu đắp lũy Cu Đê làm kế cố thủ và bày thủy quân ở cửa biển Đà Nẵng để chống lại quân chúa. Phạm Quang Hựu lẻn về Phước Yên, đem tình trạng làm phản ấy trình chúa. Chúa Nguyễn Phúc Lan theo kế hoạch của Phạm Quang Hựu cất quân dẹp loạn. Nhờ ký lục Phạm Quang Hựu đã nắm rõ vị trí quân sự quan trọng của vùng sông nước Cu Đê nói chung và thủ sở Trường Định nói riêng, nắm vững kế sách công và thủ với hai thứ quân thủy binh và bộ binh có tượng binh hỗ trợ nên giúp chúa Nguyễn Phúc Lan dẹp được loạn này. Thời Tây Sơn cũng diễn ra những sự kiện lịch sử ghi dấu bước chân tiến ra Bắc của anh em Nguyễn Huệ. Năm Quý tỵ (1773), quân Tây Sơn nổi binh chiếm Quy Nhơn, dựng cờ “Phù Nguyễn, diệt Trương”. Có sư phụ Trương Văn Hiến làm quân sư, ba anh em Nhạc, Huệ và Lữ lấy họ Nguyễn, tôn phù hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương (con thế tử Nguyễn Phúc Hạo mất sớm), vạch trần tội ác của Trương Phúc Loan để thu phục nhân tâm. Năm Giáp ngọ (1774), quân Trịnh nhân cơ hội Đàng Trong rối ren, đem quân vào đánh, lấy danh nghĩa “vì thân thích nhiều đời với chúa Nguyễn nên đem quân vào giúp chúa Nguyễn, diệt trừ Trương Phúc Loan”. Nhân tâm ly tán, Phú Xuân thất thủ, Duệ Tôn Nguyễn Phúc Thuần phải chạy vào Quảng Nam, tạm ở dinh trấn Thanh Chiêm. Chúa lập hoàng tôn Dương làm Đông Cung. Thanh Chiêm bị Tây Sơn chiếm, chúa Duệ Tôn lui về Cu Đê -Liên Chiểu, ở hành cung Trường Định. Quảng Nam có nguy cơ mất, Duệ Tôn cùng hoàng tôn Nguyễn Phúc Ánh (tức vua Gia Long về sau) đi thuyền vào Gia Định, để Đông Cung Nguyễn Phúc Dương ở lại cố thủ ở Trường Định - Cu Đê. Ở xã Hòa Liên còn có một số địa danh như Vườn Đồn, Vườn Lẫm (kho), Vườn Hành (hành cung)[3]… ghi dấu sự kiện trên…
Dòng sông này không những ghi dấu những mốc son lịch sử từ đời xưa mà ở ven sông Cu Đê còn các công trình kiến trúc cổ khá phong phú về loại hình và có giá trị lịch sử, khoa học và nghệ thuật. Từ các di tích lịch sử như Chiến thắng Đồn Nhất…đến các di tích Chămpa như tháp Chăm (Xuân Dương), giếng vuông (Nam Ô)…, các di tích kiến trúc nghệ thuật đình Trung Nghĩa, Hòa Phú, Nam Ô, Xuân Dương, chùa Đà Sơn, miếu Bà Hàm Trung (Xuân Thiều), miếu Tam Vị (Hòa Phú).., mộ tiền hiền Nam Ô, nhà thờ tộc Mai, nhà thờ tổ nghề, nhà cổ… mang những nét rêu phong, cổ kính, được xây dựng vào các thế kỷ XVIII - XIX.
Ngoài di sản văn hóa vật thể, ở ven sông Cu Đê còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể gắn liền với đời sống cư dân địa phương như phong tục, lễ hội và văn hóa dân gian tiêu biểu như tục thờ cúng Thành Hoàng làng, thờ cúng tổ tiên; lễ Tết Nguyên Đán, tết Đoan Ngọ, lễ tế âm linh, lễ hội cầu ngư. Đặc biệt hàng năm vào ngày 9 tháng Giêng Âm lịch chính quyền và nhân dân quận Liên Chiểu thường tổ chức lễ hội đua thuyền cầu mưa thuận gió hòa vừa nhằm mục đích vui xuân ở bên bờ sông Cu Đê thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Đặc biệt, khi đến vùng đất này du khách sẽ được thưởng thức các món ăn được chế biến từ hải sản đặc biệt là đặc sản nổi tiếng ở vùng đất này như gỏi cá Nam Ô, mứt biển Nam Ô…
Cảnh quan thiên nhiên hai bên bờ sông mang đầy vẻ hoang sơ mà hữu tình. Dọc theo sông phía trên thượng nguồn là những ngọn núi soi bóng xuống dòng sông, dưới hạ lưu thấp thoáng những khu làng quê tấp nập vì vậy nơi đây rất thích hợp để phát triển du lịch làng quê, du lịch sinh thái.
3. Không gian cảnh quan và đời sống của dân cư khu vực ven sông đã là tiềm năng du lịch hấp dẫn của bất cứ một thành phố hay một quốc gia nào. Tại châu Âu, sản phẩm du lịch trên sông được rất nhiều thành phố như Paris, London, Venice, Florence, Amsterdam, Saint Petersbourg, Kiev… khai thác với những công trình kiến trúc, những cảnh quan đô thị ven sông và những cây cầu tuyệt đẹp gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển những đô thị lâu đời. Ở Việt Nam, du lịch sông nước cũng rất đa dạng, với những thành phố miền sông nước Cửu Long như Cần Thơ, việc tham dự một chương trình du lịch trên sông luôn nằm trong lộ trình du lịch của mỗi hãng lữ hành. Từ những kinh nghiệm phát triển dịch vụ du lịch trên sông ở một số địa phương trong nước và các quốc gia trên thế giới có thể rút ra một số bài học sau cho phát triển dịch vụ du lịch sông Cu Đê như sau: song song với việc đầu tư khai thác các tuyến, điểm du lịch hiện có, việc xây dựng thêm các loại hình, sản phẩm du lịch trên mặt nước, dưới mặt nước và hai bên bờ sông Cu Đê là cần thiết, góp phần quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch.
Kết nối với các hoạt động tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, đền chùa miếu mạo dọc hai bên dòng sông hay là tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng với cư dân địa phương ở hai bên dòng sông hoặc cũng có thể là dừng chân tham gia câu cá bên bờ sông. Để làm được điều này thì đòi hỏi phải thiết lập nên một hệ thống các trạm dừng chân trên bờ nhằm tạo nên sự phong phú và hấp dẫn cho hành trình du lịch sinh thái ven sông Cu Đê. Khi khai thác tuyến du lịch này cần làm sao giới thiệu được cho du khách sự huy hoàng trong lịch sử của dòng sông cùng với việc khéo léo lồng ghép đưa du khách tham quan nghe giới thiệu về những công trình văn hóa cổ kính bên sông. Ngoài ra còn phải xây dựng một hệ thống các cầu tàu, nhà chờ dọc theo bờ sông nhằm kết nối giao thông đường thủy với giao thông đường bộ. Tránh việc mặc kệ cho doanh nghiệp tự hình thành những bến đỗ tàu, thuyền du lịch không có quy hoạch, vừa nhếch nhác vừa không đảm bảo an toàn như đang diễn ra trên sông Hàn hiện nay. Đưa vào khai thác nhiều loại hình tàu, thuyền khác nhau với mức giá khác nhau để phục vụ cho nhiều loại du khách có điều kiện kinh tế khác nhau. Chẳng hạn như trong kinh nghiệm du lịch đường sông của Thái Lan và Ý, người ta sử dụng rất nhiều loại hình phương tiện khác nhau để phục vụ du khách, đó có thể là phà phục vụ du khách tầm thấp, tàu du lịch có bán thức ăn uống và sức chứa chỉ khoảng vài chục người phục vụ du khách tầm trung, cao cấp hay các loại thuyền nhỏ chạy những lộ trình ngắn. Việc kết hợp nhiều loại hình du lịch trong cùng một tour sẽ khiến trải nghiệm của du khách tăng lên đáng kể.
Quan tâm xây dựng một đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp có kiến thức sâu rộng về văn hóa, lịch sử gắn với sông Cu Đê, có khả năng thuyết minh bằng tiếng Anh, Trung, Nhật, Nga… Bên cạnh đó cũng cần hướng dẫn, hình thành mạng lưới hướng dẫn viên không chuyên xuất thân từ chính những người dân bản địa.
Tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch gắn với sông nước. Bên cạnh loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, có thể thiết kế các chương trình kết hợp thưởng thức ẩm thực địa phương với ngắm cảnh sông trên các chuyến tàu nhà hàng.
Chú ý giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trong quá trình khai thác các tuyến du lịch trên sông như biến đổi cảnh quan hai bên bờ sông, ảnh hưởng đến công dụng của dòng sông, chuyển đổi ngành nghề cho người dân hai bên bờ sông.
Các địa điểm du lịch cần được đầu tư một cách đồng bộ với đầy đủ các cơ sở hạ tầng cần thiết như: Nhà vệ sinh công cộng, khu nghỉ ngơi cho khách, bãi đỗ xe... Cần có một nghiên cứu sâu về điều kiện môi trường, thủy văn khu vực để có thể dự báo, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường một cách cụ thể, đảm bảo tính bền vững trong việc phát triển du lịch trong tương lai. Tăng cường giáo dục và nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư về gìn giữ bảo vệ môi trường, qua đó nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trong việc xử lý các loại chất thải phát sinh, khắc phục tác động tiêu cực đối với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội nhân văn, phòng chống các tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Việc khai thác dịch vụ du lịch trên sông góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị cảnh quan tự nhiên và các giá trị nhân văn, lịch sử của sông Cu Đê. Phát triển dịch vụ du lịch trên sông Cu Đê không chỉ thỏa mãn nhu cầu tham quan đa dạng của du khách, gia tăng số ngày lưu trú, tạo sự hấp dẫn thu hút du khách quay lại nhiều lần, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại những nơi hình thành các tour du lịch này.
Chú Thích
1.Quốc sử quán triều Nguyễn, ĐạiNamnhất thống chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa 2006, tr422.
2. Đảng bộ quận Liên Chiểu, Lịch sử đảng bộ quận Liên Chiểu (1930 – 2005),Nxb Đà Nẵng, 2005, tr 13.
3.Trần Viết Điền – Trường Định một địa danh độc đáo.