Nghị quyết số 43-NQ/TW nhìn từ góc độ văn học nghệ thuật - Bùi Văn Tiếng
Chương trình số 29-CTr/TU ngày 10/5/2019 của Thành ủy Đà Nẵng triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nêu rất súc tích cô đọng một nhiệm vụ về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật ở thành phố bên sông Hàn: “Phát triển toàn diện các loại hình văn học, nghệ thuật”.
Nhiệm vụ này hoàn toàn tương xứng với khát vọng đưa Đà Nẵng trở thành “một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của Đông Nam Á” - chứ không chỉ của cả nước vào năm 2030, và hơn thế nữa sẽ “đạt đẳng cấp khu vực Châu Á” vào năm 2045, bởi không thể hình dung một trung tâm kinh tế-xã hội lớn như vậy mà văn học nghệ thuật lại kém phát triển, “thua chị kém em”!
Xét về phương diện loại hình, có thể chia văn học nghệ thuật thành ba nhóm: nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật biểu diễn. Chương trình số 29-CTr/TU định hướng văn học nghệ thuật Đà Nẵng phải phát triển toàn diện tức là đòi hỏi phải phát triển đồng bộ cả ba nhóm và trong từng nhóm nghệ thuật nêu trên. Muốn phát triển đồng bộ nhóm nghệ thuật ngôn từ, trước hết cần tạo nên sự cân đối giữa hoạt động sáng tác với hoạt động nghiên cứu, lý luận và phê bình. Trong hoạt động sáng tác, cần tạo nên sự cân đối giữa tự sự với trữ tình - lâu nay hơi lệch về trữ tình, giữa tiểu thuyết với thơ ca - lâu nay hơi lệch về thơ ca, giữa văn thơ với kịch bản văn học - lâu nay hơi lệch về văn thơ. Trong hoạt động nghiên cứu, lý luận và phê bình, cũng cần tạo nên sự cân đối giữa ba lĩnh vực này - lâu nay hơi thiên về nghiên cứu, cũng như sự cân đối giữa văn học thành văn với văn học dân gian - lâu nay hơi thiên về văn học dân gian, giữa văn học trung đại với văn học hiện đại - lâu nay hơi thiên về văn học hiện đại...
Muốn phát triển đồng bộ nhóm nghệ thuật tạo hình, cũng cần tạo nên sự cân đối giữa hoạt động sáng tác với hoạt động nghiên cứu, lý luận và phê bình - lâu nay hơi lệch về hoạt động sáng tác trong khi lý luận nghệ thuật tạo hình cũng đang có nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Chẳng hạn trong lúc văn chương thường được xem là địa hạt của hư cấu thì đang nổi lên trào lưu sáng tác tiểu thuyết phi hư cấu mà tiêu biểu là nhà văn nữ Svetlana Alexievich người Belarus từng đoạt giải Nobel Văn chương năm 2015; ngược lại nhiếp ảnh vốn được xem là nghệ thuật thuần túy ghi thực lại đang có chiều hướng nửa thực nửa hư, vẽ-tranh-bằng-máy-ảnh nhằm giành thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh giữa nhiếp ảnh và hội họa - cạnh tranh thầm lặng nhưng căng thẳng đến mức có người khẳng định: “Hơn một trăm năm trước, nhiếp ảnh ‘khiêu chiến’ với hội họa về ghi thực; một trăm năm sau, hội họa lại ‘khiêu chiến’ với nhiếp ảnh về siêu thực”[1]. Trong hoạt động sáng tác, cần tạo nên sự cân đối giữa hội họa với điêu khắc, giữa hội họa với nhiếp ảnh nghệ thuật hay giữa điêu khắc với kiến trúc, cũng như sự cân đối giữa hội họa giá vẽ với hội họa cộng đồng, giữa mỹ thuật truyền thống với nghệ thuật Sắp đặt/ Installation Arts…
Muốn phát triển đồng bộ nhóm nghệ thuật biểu diễn, cũng cần tạo nên sự cân đối giữa hoạt động sáng tác với hoạt động nghiên cứu, lý luận và phê bình, cũng như sự cân đối giữa sáng tác với trình diễn, bởi ca sĩ không thể trình diễn mà không có ca khúc hay, diễn viên múa/ diễn viên kịch/ diễn viên điện ảnh không thể diễn xuất mà không có kịch bản hấp dẫn. Làm sao một nghệ sĩ múa dẫu có hồn đến mấy, dẫu thăng hoa đến mấy vào ngôn ngữ của vũ điệu có thể tránh được tình trạng biểu diễn đơn điệu - rõ nhất là đối với múa Apsara - khi các biên đạo múa chưa thật sự sáng tạo nên những vũ khúc hay? Cũng cần tạo nên sự cân đối giữa âm nhạc với vũ điệu và giữa âm nhạc với hình ảnh - vũ khúc minh họa sẽ góp phần cùng giọng hát điêu luyện làm nên thành công của một buổi trình diễn âm nhạc và một bản nhạc nền trong phim sẽ góp phần cùng tài năng diễn xuất làm nên thành công của một buổi chiếu phim… Cũng cần tạo nên sự cân đối giữa sân khấu truyền thống với sân khấu hiện đại, cũng như giữa không gian diễn xướng trong nhà hát với không gian diễn xướng lộ thiên - không nên xem giải pháp đưa tuồng xuống phố để tiếp cận khán giả như là toàn bộ công cuộc bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng cổ truyền vốn phù hợp hơn với không gian diễn xướng chuyên nghiệp trong nhà hát…
*
Muốn “phát triển toàn diện các loại hình văn học, nghệ thuật” theo yêu cầu của Chương trình số 29-CTr/TU, văn học nghệ thuật cần được đầu tư đồng bộ về nhiều mặt, chẳng hạn như về hệ thống không gian diễn xướng và triển lãm, về diễn đàn công bố quảng bá tác phẩm… nhưng quan trọng nhất là cần đầu tư về nguồn nhân lực trên lĩnh vực hết sức đặc thù này. Cách đây hơn mười năm, trong một bài viết có cái nhan đề rất dân gian Tre già, măng chưa mọc đăng trên Báo Đà Nẵng điện tử ngày 30 tháng 11 năm 2008, nhà viết kịch Hồ Hải Học, Cố Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố đã sớm đặt vấn đề: “Cứ mỗi lần Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Liên hoan gặp gỡ những nhà văn trẻ toàn quốc là chúng ta loay hoay mãi không biết chọn cử ai. Các chuyên ngành khác cũng vậy. Lực lượng văn nghệ sĩ trẻ dưới ba mươi tuổi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn thành viên của các ban chấp hành hầu hết cũng đã qua năm mươi, nhiều người trên sáu mươi. Đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng già đi, lớp kế cận ngày càng hụt hẫng”. Rồi người cháu ngoại của nhà viết kịch bản Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đi đến kết luận: “Người ta nói tre già thì măng mọc. Hình như điều đó không đúng với thực trạng của văn học nghệ thuật Đà Nẵng hiện nay mà cũng có thể là của cả nước”. Và giờ đây, khi bàn về mục tiêu “phát triển toàn diện các loại hình văn học, nghệ thuật” theo yêu cầu của Chương trình số 29-CTr/TU, vấn đề mà nhà viết kịch Hồ Hải Học đặt ra từ mười năm trước vẫn đang còn nóng hổi tính thời sự.
Đương nhiên việc tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn học nghệ thuật vốn có những khó khăn nhất định. Về khách quan, có thể nói hiện nay cả chính quyền và người dân thành phố cũng còn xem các hoạt động văn hóa nói chung - hoạt động văn học nghệ thuật nói riêng nhẹ hơn các hoạt động kinh tế, từ đó cho rằng không làm hoặc làm không có hiêụ quả đối với lĩnh vực này cũng không sao, cũng không thấy bức xúc. Về chủ quan, có thể thấy làm văn học nghệ thuật không hề dễ dàng, nhất là đối với việc tạo nguồn nhân lực ở cả hai bộ phận quản lý nhà nước cũng như tác nghiệp chuyên môn về các hoạt động sáng tác/biểu diễn các bộ môn nghệ thuật. Phàm làm nghề gì cũng phải qua đào tạo để có một trình độ tay nghề nhằm đáp ứng được yêu cầu công vụ và đặc biệt là nhằm khẳng định tài năng nghề nghiệp, nhưng đối với những nghề liên quan đến văn học nghệ thuật còn đòi hỏi người hành nghề phải có một số tố chất cần thiết như là lòng yêu nghề, là thị hiếu thẩm mỹ và thị hiếu nghệ thuật và nhất là cách ứng xử thật sự có văn hóa. Chính cả hai loại khó khăn vừa khách quan vừa chủ quan như vừa nêu tác động cùng lúc đã khiến cho quá trình tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn học nghệ thuật ở Đà Nẵng hiện nay chưa được như mong đợi.
Trong bài viết Bàn về việc tạo nguồn nhân lực văn hóa-nghệ thuật đăng trên Báo Đà Nẵng điện tử ngày 30 tháng 8 năm 2014, người viết bài này từng cho rằng: “Về nghệ thuật, Đà Nẵng đang thiếu những nghệ sĩ sáng tác lẫn nghệ sĩ biểu diễn, đặc biệt là những nghệ sĩ có thể sống được với nghề/ với tác phẩm nghệ thuật của mình. Hầu hết các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học của Đà Nẵng đều là người làm văn chương bằng tay trái, nhất là những người chưa đến tuổi nghỉ hưu. Đây cũng là tình cảnh phổ biến của các họa sĩ, nhà lý luận phê bình hội họa; của các nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc; của các đạo diễn và tác giả kịch bản sân khấu cũng như điện ảnh… Chính vì không có điều kiện làm nghệ thuật bằng tay phải nên phần đông nghệ sĩ sáng tác ở Đà Nẵng thường không được cập nhật thông tin liên quan đến các thành tựu mới trong nghiên cứu lý luận văn chương và nghệ thuật của thế giới. Rồi chính sự bất cập vừa nêu của giới sáng tác đã dẫn đến sự bất cập của giới biểu diễn…”. Đối chiếu thực trạng vừa nêu với yêu cầu “phát triển toàn diện các loại hình văn học, nghệ thuật” đề ra trong Chương trình số 29-CTr/TU, rõ ràng việc tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn học nghệ thuật ở Đà Nẵng còn có quá nhiều chuyện để làm. Đó cũng là một trong những trăn trở của văn nghệ sĩ Đà Nẵng trước thềm Đại hội đại biểu lần thứ IX Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố, đồng thời sẽ là nội dung được tập trung thảo luận trong Đại hội dự kiến tổ chức vào cuối thượng tuần tháng 10 sắp đến nhằm sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu để góp phần thực hiện khát vọng “phát triển toàn diện các loại hình văn học, nghệ thuật”...
[1] Dẫn theo Hồng Trọng Mậu, Kỷ yếu Hội thảo Lý luận phê bình nhiếp ảnh lần thứ nhất nhiệm kỳ 2005-2010, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, 2007, trang 113.