Một đêm ở cổng trời – Truyện ngắn Kiều Vượng

14.04.2015

Tôi viết những dòng này ở cổng trời bên tảng đá mồ côi trên con đường biên giới hai nước Việt Lào.
Từ thành  phố tới đây chỉ hơn hai trăm cây số mà phải tròn hai mươi tám năm trời tôi mới quay trở lại. Bao kỷ niệm ở trảng cỏ mênh mông bên dòng Nà Pia này đã thành niềm thương và nỗi đau trong tôi. Nhiều lần định trở lại nhưng chẳng rõ nguyên cớ làm sao đều trắc trở. Còn lần này một chuyện có thật như bịa vừa xảy ra ở đây đã đẩy tôi ra đi để đêm nay ngồi nghe tiếng suối Nà pia rên rỉ với bản nhạc ngàn đời mà thương, mà nhớ, mà tự gặm nhấm bao nỗi đau nhân tình vu vơ, trống rỗng.

Một đêm ở cổng trời – Truyện ngắn Kiều Vượng

Con đường chúng tôi mở hai mươi tám năm trước nay đã hư hỏng nặng. Cấp trên duyệt nâng cấp mười cây số ở đoạn cổng trời với số vốn là mười sáu tỷ đồng. Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Phát trúng thầu vừa thi công, thanh toán xong thì nền sụt, mặt bong, cống nứt buộc thanh tra phải nhảy vào. Sau gần bốn tháng, một báo cáo thanh tra dài ba mươi hai trang được trình lên cấp trên với  kết luận: Công trình bị thất thoát, tham ô bốn tỷ chín trăm bốn bảy triệu năm trăm tám nhăm ngàn bốn trăm hai mươi bảy đồng. Số tiền họ thông đồng chiếm đoạt hơn ba mươi phần trăm trên mới nằm ở một hạng mục công trình là vận chuyển vật liệu đá. Đá ở đây đầy rẫy khắp nơi nhưng từ lập, duyệt dự toán đến tư vấn thiết kế rồi cả ban quản lý công trình và một đoàn nghiệm thu đều ký rằng phải vận chuyển đá xa tám mươi tám cây số. Hồ sơ bắt đầu mọc ra từ bên B. Mà bên B là một vị cai thầu giầu nổi tiếng nhưng chưa đầy ba mươi tuổi. Vị giám đốc công ty Thiên Phát này tên là Trần Thiên đang đầy quyền uy làm giới lắm tiền và đám xây dựng trong thành phố phải kiêng nể.

Cha mẹ bỏ nhau từ năm lên hai tuổi, Thiên ở với người chú họ xa làm nghề đánh xe ngựa. Mười lăm tuổi Thiên sống bằng chiếc xe có con ngựa vằn kéo đá và vôi từ trong núi đi bán khắp thành phố. Đến năm hai mươi tuổi, Thiên trúng một số đề với khoản tiền khổng lồ và anh được một vị quan chức là bạn thanh niên xung phong với bố đỡ đầu để anh làm nghề thầu xây dựng. Bây giờ giám đốc Thiên chẳng cần liên hệ công việc mà nhiều ông chủ công trình, chủ dự án phải ve vãn Thiên ký nhận công trình xây dựng để họ rộng đường đi lại với bề trên. Có công trình hàng chục tỷ đồng ký xong Thiên sang tay cho  kẻ khác để nhận phần trăm. Chỉ trong vòng sáu năm, giám đốc Thiên  không chỉ nổi tiếng về xây dựng, về tiền mà bao nhiêu quan chức phải qụy lụy anh để từ đó họ bước lên bậc thang danh vọng. Danh vọng và quyền lực là đôi bạn đồng hành. Giống như ma túy ai đã trót tợp vào thì khó lòng từ bỏ. Thiên còn nổi tiếng cả về ngôi biệt thự ba tầng ốp toàn đá đỏ. Một mầu đỏ rờ rợ, ánh chói mà chỉ có núi ở vùng này mới còn loại đá đỏ kỳ lạ ấy. Nhiều người cứ phóng đại rằng ngôi biệt thự đỏ chót của giám đóc Thiên tựa như cột máu khổng lồ dựng giữa trung tâm thành phố.

 

                                                ***

Nhưng thôi, nhắc làm gì bạc tiền và quyền lực. Đời có số cả. Cũng như số tôi đêm nay tự dưng được ngồi giữa cổng trời bên dòng Nà Pia uống rượu với Hạ, người bạn cũ hai mươi tám năm trước bây giờ đang lái máy ủi thuê cho các công trình xây dựng của công ty Thiên Phát. Tổ cơ giới mà Hạ được giao phụ trách ở đoạn cổng trời  này có sáu anh em, chiều nay họ đào được một rổ măng giang, loại măng vừa nhú khỏi mặt đất đào về luộc nhừ chấm với  muối dầm ớt xanh để uống rượu với tôi. Rượu nặng uống với măng tươi làm bao nỗi nhớ xưa cũ cứ quằn lên. Rượu ngấm măng làm mấy anh em trong tổ lái lăn ra ngủ, Hạ thì thỉnh thoảng gọi bâng quơ tên tôi cứ như là anh sợ tôi bỏ nơi này mà đi vậy. Chính nơi đây, tôi đã từng sống bốn năm bảy tháng mười hai ngày để mở con đường này và viết cuốn tiểu thuyết "Vùng trời thủng". Nơi đây tôi đã có một mối tình mà ngày ấy, nếu có phải lên dàn lửa thiêu tôi cũng mãn nguyện chứ không chịu để mất em.

Nơi cổng trời này hồi ấy quanh năm mây phủ bạc trắng và mưa lút thút. Mưa bụi lay phay suốt ngày đêm năm tháng nên chúng tôi đã gọi thành quen là "vùng trời thủng". Mưa thế nhưng ngày nào trên tuyến cổng trời này cũng căng đầy cờ và khẩu hiệu. Khẩu hiệu còn nhiều hơn số người có mặt trên công trường mở đường. Nơi tôi đang ngồi viết, ngày ấy là một khu doang trại có mười hai cái lán nứa dài thòng thọc từ mặt đường đất đỏ au đang mở ra tận bờ mối Nà Pia. Trong mỗi lán có hai dãy giường làm bằng cây rừng lát nứa non đủ cho hai chục người nằm. Đội thanh niên xung phong của chúng tôi có hai trăm con người, ngoài anh Bàn là đội trưởng, tôi là đội phó kỹ thuật còn chưa một ai qua tuổi hai mươi. Khổ cái ăn cái ở đã đành một nhẽ, khổ nhất vẫn là mưa quanh năm nhưng không đêm nào được rửa chân trước lúc đi ngủ. Từ trên lán xuống đến lòng suối Nà Pia phải qua hơn ba trăm bậc dốc, bước chân đầu gối chạm cằm mới leo lên được. Vậy là cứ tối tối mỗi lán phải đốt một đống lửa thật to, tất cả hơ chân cho bùn đất khô quánh rồi chà xát hai chân vào nhau tới khi rụng hết bùn đất thì mới chui vào chăn ngủ. Nhiều hôm rừng sũng nước, kiến và chuột không còn nơi trú ngụ nên rủ nhau vào các lán chiếm chỗ ở. Làm quần quật suốt ngày ngoài tuyến, tối về phải đốt lửa, gõ xoong để xua đuổi bầy kiến kàng và chuột cống mới hòng giành lại được chỗ nằm.

Vào một đêm mùa đông năm 74, rừng vẫn đặc sương và gió rét. Tôi từ trên đỉnh Nà thuông chỉ đạo đốn gỗ bắc cầu tạm trở về đến doanh trại thì mấy chàng trai vây quanh tảng đá mồ côi đang tán tếu, bàn cãi về một cô gái nào có sắc đẹp tuyệt vời mới xuất hiện ở đơn vị. Tôi dừng lại vì nhiều tiếng nói đan chéo nhau.

- Tao chưa thấy ai có đôi mắt sáng mà mơ màng thế.

- Đen nhẻm như mày mà cũng mơ người đẹp

- Chưa biết mèo nào bắt chuột nào...

- Được tắm chung với cô ta một lần rồi phải phạt nhai chuột sống trừ cơm cả năm tao vẫn tình nguyện…

Những câu nửa thật nửa đùa của cánh trẻ làm tôi giật mình. Tự dưng tôi cũng mơ màng về một sắc đẹp tuyệt vời nào đó vừa xuất hiện ở đây. Rồi tôi thoáng nghĩ hay cô ta là tiên trên trời giáng xuống. Nhưng cứ nghe miệng cánh trẻ nói thì chắc đâu tiên đã đẹp bằng.

Tôi lách qua hai dãy lán đi về phía nhà chỉ huy thấy phòng đội trưởng Vũ Bàn đèn vẫn sáng. Tôi nhận ra một cô gái đang ngồi đối diện với người đội trưởng của tôi. Thấy tôi xuất hiện đột ngột, anh Bàn nói như giới thiệu:

- Cô giáo Liên được tổng đội điều về dạy bổ túc văn hoá ở đơn vị ta.

Rồi anh quay sang giới thiệu tôi với Liên nhưng lúc ấy tôi không còn nghĩ được gì nữa cả. Trước mặt tôi là một cô gái mà quả thật tôi chưa thấy ai đẹp thế bao giờ. Tôi luống cuống quên cả cởi chiếc áo bạt bết bùn đất để ngồi xuống ghế làm anh Bàn phải giục thêm mấy lượt. Cởi chiếc áo bạt nặng trịch, nhận ra lưng mình vừa rát vừa ngứa, tôi hỏi anh Bàn:

- Anh xem lưng em có cái gì mà khó chịu lắm.

Anh Bàn cầm chiếc đèn dầu ghé sát vào, tôi vừa cởi chiếc áo phòng hộ lao động màu xanh ra thì anh lầm nhầm như rên trong cổ họng.

- Vắt - vắt đẻ rồi. Cậu đứng yên đấy. Nhiều lắm…

Anh Bàn đưa vội chiếc đèn cho Liên cầm để chạy đi lấy chai dầu hoả. Thoáng nhìn, Liên đã nhận ra điều gì, cô hét lên một tiếng rùng rợn  rồi quỵ ngay xuống nền lán. Anh Bàn đổ cả chai dầu hoả vào cái khăn lau để trút bầy vắt bèo nhèo bám gần kín lưng tôi. Vắt mẹ đẻ vắt con nhanh quá. Anh Bàn trút vắt sạch đến đâu thì lưng và cổ tôi máu tươi tứa ra tới đó.

Tôi và Liên gặp và làm quen nhau trong hoàn cảnh như thế ở cổng trời này hai mươi tám năm trước. Vâng! Đúng hai mươi tám năm. Còn đêm nay, cây rừng lưa thưa hơn, sao chới với hơn và lòng tôi  như cũng tàn lụi hơn. Lòng tôi không thể nào vơi được bao nỗi đau mất mát xưa cũ ở nơi này. Hạ, anh thợ lái máy ủi vẫn ngáy vang khi ngủ, đêm nay vẫn ngáy như tiếng suối gầm. Tiếng suối có lẽ vẫn thế nhưng tôi thấy lạnh buồn hơn.

Lần ấy, gặp Liên được ít ngày thì đơn vị chúng tôi xẩy ra bao nhiêu là chuyện mà nhiều đứa độc mồm độc miệng bảo rằng tại bà phù thuỷ Liên hoá thân đến đây nên cả đơn vị phải chịu cơ cực thế này. Đầu tiên là nạn tắc đường vì lũ, vì đất sụt, sạt núi. Có hôm cả đơn vị đang thi công ở lát C thì núi voi quỳ bị sụt trôi lấp một phần dòng Nà Pia và vùi luôn tám mạng con người dưới suối. Phải đào bới gần nửa tháng trời mới đưa hết xác những người đồng đội xấu số bị vùi lấp lên để chôn cất.

  Thời điểm ấy,  mưa lũ triền miên, hàng tháng ròng cả đơn vị hết gạo, hết muối. Chỉ người  ốm liệt giường có y tá xác nhận mới được ăn cháo bí đỏ nấu lẫn mấy hạt  gạo. Còn người khỏe vẫn ăn sắn gạc nai không có muối và làm quần quật ngoài tuyến. Đói khổ thế nhưng tối nào cũng kiểm quân học văn hóa và tập văn nghệ để chuẩn bị đi hội diễn ở tổng đội vì dịp cuối năm đơn vị sẽ được đón bí thư tỉnh uỷ lên thăm. Liên thì phải dạy bổ túc triền miên cả các tối, cả ngày chủ nhật. Trông cô gầy ruộc đi và lúc nào cũng trầm tư đầy vẻ đau khổ.

Tới một hôm, đến lượt mấy anh em ở văn phòng đi cõng muối và thực phẩm ở điểm xe ô tô chở lên bị tắc đường cách doanh trại hai chục cây số. Nhắc đến chuyện cõng muối trong rừng, mắt tôi cứ nhòe đi. Ai chưa một lần phải cõng muối leo dốc cao thì không thể hình dung được. Muối trong ba lô trên lưng ngấm với mồ hôi làm người ta cứ ngỡ ai dội nước sôi lên lưng mình. Xót, rát và nóng.

Lại chuyện sáng chủ nhật giáp Tết, Liên ngập ngừng bảo tôi:

- Em biết có một chỗ rất nhiều nấm. Anh đi hái với em có được không?

Quả thật, tôi đã chờ đợi câu ấy ngay từ hôm mới gặp Liên. Chúng tôi qua bao dòng suối cạn, bao trảng cỏ non rồi lại cắt rừng mà đi thì gặp một vùng nấm nhiều vô kể. Chỉ chốc lát, hai chiếc sọt tre đầy ắp nấm nên chúng tôi vội ra về. Trên đường lại gặp một bầy bướm mà tôi không thể hình dung nổi sao rừng nhiều thế. Bầy bướm có bảy màu đậu riêng từng mảng tạo nên một hình khối đẹp kỳ lạ. Riêng khối bướm vàng phải đến mấy ngàn con đậu thành hình giống một cánh buồm trên chiếc thuyền câu. Nếu không ở rừng mà lần đầu tiên gặp cảnh tượng này thì rất dễ nhầm đó là bức tranh hoành tráng của một họa sỹ tài hoa thể hiện cảnh bảy sắc cầu vồng trước cơn giông lớn.

Tôi đang ngẩn ngơ thì Liên ghé sát vai tôi nói trong hơi thở:

-Anh đặt sọt xuống ngồi nghỉ rồi phải tìm lối khác mới qua được!

Tôi ngoan ngoãn ngồi cạnh Liên và nói bâng quơ:

- Loài bướm biết đậu riêng từng mầu và chúng cũng biết bám sát nhau mới lạ chứ.

Câu nói ngớ ngẩn của tôi làm Liên bật tiếng thở dài và nói như nấc nghẹn:

- Ở rừng, đến bầy bướm cũng sợ cô đơn mà anh!

Sau câu ấy, chúng tôi ngồi sát vào nhau bên bờ suối Nà Pia như để được tận hưởng sự tĩnh lặng của buổi sáng ở rừng sâu. Buổi sáng ấy tiếng chim phượng hoàng gọi nhau nghe vang giọng tha thiết và bình yên. Tiếng dòng suối Nà Pia dội vào vách đá nghe như có gì vui hơn, thanh thản và dịu dàng hơn.

Đấy là một ngày tôi không thể quên được trong suốt cuộc đời lang bạt kỳ hồ của mình. Và đấy cũng là một sáng Liên kể với tôi mọi sự thật của cuộc đời em.

...Tốt nghiệp khoa Văn đại học sư phạm Vinh năm 71, em được về dạy học ở trường cấp 3 huyện nhà. Đầu năm 1972, em gặp người đàn ông ấy, chúng em yêu nhau và thành vợ thành chồng rất nhanh. Anh ấy cùng quê, làm giám đốc công ty thương nghiệp của huyện và hơn em đến gần chục tuổi. Một năm sau em sinh con trai, cuộc sống cái gia đình nhỏ đang yên ấm và ngập tràn hạnh phúc, hạnh phúc tới mức bạn bè cùng trường có mơ cũng không được thì bỗng một tai họa khủng khiếp ập tới. Đó là chiều mồng bảy tháng ba năm một chín bảy tư, em dạy tiết đầu buổi chiều xong, đạp xe về nhà thì bà nội bảo:

- Bố nó đem quần áo và dặn là đem con đi chơi xa ở nhà bạn ít ngày rồi.

Linh tính như mách bảo em có điều gì không ổn. Ruột gan em như có lửa đốt. Ngày thứ ba vẫn không thấy hai bố con về rồi bỗng dưng công an ập đến đọc lệnh khám nhà và lệnh truy nã anh ấy. Hóa ra anh ấy và cô kế toán tham ô một khoản tiền quá lớn, hai người cùng nhau bỏ trốn. Lúc ấy em chỉ còn nghĩ thương đứa con trai chưa đầy hai tuổi. Không rõ số phận của cháu ra sao và đang ở đâu?

 Em bỏ trường bỏ lớp đi lang thang tìm con suốt bốn tháng trời ròng rã nhưng vẫn vô vọng. Nghe tin anh ấy gửi con ở đâu em cũng đến. Tiền hết, ốm đau và kiệt quệ tinh thần, em quay về nhà thì nhà không vườn trống, mẹ chồng đã đi ở với con gái nơi xa. Về trường thì một cô giáo trẻ con ông Phó chủ tịch huyện đã vào thế chân chủ nhiệm lớp của em. May sao, giữa lúc cơ nhỡ trăm bề thì có chủ trương điều giáo viên lên dạy bổ túc cho thanh niên xung phong trên biên giới nên em mới được gặp anh...

Kể tới đó Liên òa khóc làm tiếng suối như cũng im bặt. Và giữa lúc tôi đang bối rối thì cả bầy bướm như một tấm thảm khổng lồ bị tung lên, mù mịt cả vùng rừng.

Cũng từ hôm ấy tôi thấy rừng như đẹp hơn và con đường đang mở cũng nhanh hơn rất nhiều. Tôi và Liên có sáu tháng bên nhau với bao kỷ niệm êm đềm. Nhưng hình như số phận đã sắp đặt từ kiếp trước, trời đất không muốn cho chúng tôi hạnh phúc dài hơn nên một tai họa ập đến.

Đó là ngày chủ nhật, mồng ba tháng sáu năm một chín bảy lăm. Sau nhiều tháng mưa lũ, núi sụt tắc đường, đơn vị chúng tôi ở điểm cuối tuyến nên mất liên lạc hoàn toàn với tổng đội. Cả đơn vị có một chiếc đài ô ri ông tông thì hết pin, không còn biết bất cứ một tin tức nào. Đêm trước, có ba cô gái về xuôi nghỉ phép quá lâu đã cắt rừng trở về được đơn vị. Không hiểu chuyện trò gì mà các lán dồn cả lại, bọn con gái khóc với nhau thấu sáng. Mờ sáng chủ nhật, Đội trưởng Vũ Bàn đã gọi trực ban gõ kẻng, thổi còi tập hợp toàn đơn vị giữa sân nhà chỉ huy, anh Bàn tuyên bố.

- Yêu cầu ba đồng chí về quá phép đứng riêng ra để nhận kỷ luật.

Ba cô gái rón rén bước ra đứng trước hàng quân thì anh Bàn nói như quát:

-Đồng chí Chịa, đồng chí là Đảng viên, là bí thư chi đoàn, là A trưởng hãy trình bày, tự kiểm thảo về hành vi vô kỷ luật của mình trước rồi đơn vị công bố kỷ luật sau.

Chịa tiến lên hai bước sát chỗ tôi và anh Bàn đang đứng, cô nói không chút ngập ngừng:

- Thưa các thủ trưởng, thưa các đồng chí, đã gần hai năm sống chết với con đường đang mở, tôi đã được anh em cưu mang giúp đỡ, đã trưởng thành tại đây nên dù có chịu hình thức kỷ luật nào tôi cũng không ân hận. Tôi chỉ xin các thủ trưởng và các đồng chí đừng kỷ luật đuổi tôi về xuôi là được. Tôi cũng xin trình bày là tôi có một anh trai duy  nhất đã báo tử từ lâu, nay giải phóng niềm Nam đột ngột trở về.

Chịa nói tới đó, anh Bàn nhảy phốc lại túm áo cô  và hét:

- Cái gì? Đồng chí nói cái gì? Giải phóng niềm Nam ở đâu?

Chịa run run òa khóc và trả lời:

-Thưa... Miền Nam hoàn toàn giải phóng hơn một tháng rồi ạ! Ở dưới xuôi ăn mừng to lắm. Chỗ nào cũng cờ và khẩu hiệu ạ!

Nghe Chịa nói, anh Bàn quỵ hẳn xuống làm tôi và mấy anh em phải dìu anh vào lán. Tôi biết nỗi đau của anh, mất cả hai đứa con trai ở chiến trường phía Nam.

 Mãi gần trưa, anh Bàn gọi tôi vào phòng, anh vừa khóc vừa bảo:

- Giá lúc này ở nhà để thắp cho các cháu một nén hương. Sao đời anh ăn ở tử tế mà lại phải mất cả hai cháu.

Tôi không dám an ủi anh lời nào trong hoàn cảnh ấy. Một sự im lặng rùng rợn đang kéo dài thì anh Bàn bảo:

- Chú lệnh cho nhà bếp làm thịt con lợn đang nuôi cho anh em ăn mừng giải phóng miền Nam. Đừng tiếc nữa, đừng ai bàn lùi, sau này thông đường ta lại nuôi con khác. Tôi cũng rất tiếc nó chứ đâu chỉ có chú và anh em. Đúng, cả đơn vị ai cũng quí con lợn duy nhất vì sáng nào tập hợp toàn đơn vị điểm danh, chào cờ nó cũng chạy ra đứng sau hàng quân và luôn miệng kêu ủn ủn ...       

 Cái tin mổ con lợn duy nhất ăn mừng giải phóng lan đi các lán rất nhanh làm ngày chủ nhật càng sôi động hơn. Đám con trai thì hò hát nghêu ngao. Đám con gái túm tụm lại từng góc lán ôm nhau khóc. Nhưng không khí vui mừng vì biết tin giải  phóng miền Nam làm cả đơn vị rất vui mặc dù miền Nam hoàn toàn giải phóng đã hơn một tháng. Nhưng tôi hiểu, trong niềm hôm ấy có cả niềm vui sắp được ăn một bữa có thịt lợn...

 Chỗ hai cái máy ủi đang đậu đêm nay là cái hố tiêu do chúng tôi đào. Hố tiêu thường đào sâu hơn một mét cứ khi nào đầy thì  lại lấp đất lại để đào hố khác. Mặt trên hố tiêu lát bằng phên nứa có để một cái hốc vuông. Hốc vuông được đậy một miếng ván làm nắp đậy, trên nắp vuông có một cái cọc lim vót nhọn để cầm cho tiện.

Đêm hôm ấy, do lâu ngày được ăn thịt lợn mỡ nên Liên đau bụng đi ngoài. Mãi sau này tôi mới biết là suốt tối cô phải chạy ra nhà tiêu mấy lượt. Và cái lượt sau cùng có lẽ quá đau nên Liên quên mở nắp mà vội vàng ngồi thụp xuống. Thật không may, cái đầu nhọn tay cầm nắp hố tiêu bằng gỗ lim thọc sâu vào âm hộ của cô làm máu ra nhiều quá. Liên chạy về lán thì đám con trai đang ngồi tán chuyện râm ran với bọn con gái nên Liên chui vào chăn nằm. Tối khuya mới biết sự thật, tôi và mấy chiến sỹ cáng Liên đi trạm xá cấp cứu. Mới chạy được gần hai cây số xuống suối Fan thì lũ vẫn đổ. Chịa và mấy cô gái lấy khăn, lấy áo cố cầm máu cho Liên. Tôi và cánh con trai đi chặt luồng định đóng bè đưa Liên qua suối. Luẩn quẩn mãi không sao đóng được bè để vượt suối thì Chịa gọi tôi như hét:

- Anh Kiều ơi! Anh lại nhanh đi. Chị Liên đang gọi anh... nhanh lên...

Tôi bế Liên lên nhưng máu ra nhiều quá. Quần áo và tay tôi ướt đẫm một thứ  màu máu đỏ mà mãi sau này cứ gặp cái màu đỏ của máu tôi lại thấy rờn rợn khắp cả người. Tới gần sáng, cả đơn vị kéo xuống nhưng không có cách nào vượt lũ sang suối được. Giữa lúc bối rối và tuyệt vọng, Liên cố đưa đôi tay yếu ớt và đẫm máu tươi quàng cổ tôi ghì xuống, cô nói trong hơi thở:

-Anh tha lỗi cho em. Có lẽ...Mà con em đâu...? Con trai em đâu...? Cho em gặp nó một lần.

Đôi tay Liên như cánh chim bị trúng đạn cứ rũ rượi dần và tuột khỏi cổ tôi, mái tóc dài sóng sượt trên đất đỏ. Tôi úp sấp mặt mình vào gương mặt lạnh ngắt của em mà hét lên mấy lượt chỉ với một câu là "Tôi để mất em thật rồi". Hai năm sau khi Liên mất, chia tay con đường để về xuôi công tác, tôi đã ngồi trắng một đêm bên mộ em ở bìa rừng nơi có con đường đang mở ven dòng suối Nà Pia...

***

Đang ghi chép những chuyện gặp trên đường từ thành phố tới đây trong ngày thì Hạ trở mình rồi  ngồi phắt dậy. Anh hỏi cộc lốc:

- Sáng chưa?

- Mới ba giờ, tôi trả lời.

Anh bước ra khỏi lán và gọi:

- Ra ngoài này cho thoáng.

Tôi theo Hạ ra tảng đá mồ côi, nơi năm xưa bọn con trai hay ngồi tán gẫu mỗi tối. Hạ cứ im lặng làm tôi phải hỏi:

- Ông làm ăn thế nào?

- Làm ăn cái quái gì. Tôi còn hai đứa nhỏ đang học ở Hà Nội nên phải lên đây làm thuê cho ông Trần Thiên mỗi tháng kiếm năm trăm ngàn đồng. Ngày xưa mở đường đói khổ nhưng thanh thản, vui. Ngày xưa lúc nào cũng hò hát, họp hành kiểm điểm. Ngày xưa khắp tuyến chỗ nào cũng khẩu hiệu, cũng thi đua. Còn bây giờ mình là cái phận đi lái máy thuê cho ông chủ. Mặt đường nhựa đáng đổ bốn phân thì họ chỉ đổ hai phân mình cũng không dám nói. Tiền đổ vào công trình chỉ một phần còn đổ vào túi họ hai phần là chắc...Mà cái ông chủ trẻ Thiên này cũng mạnh tay cống nạp nhiều cấp lắm...Ngày xưa không thi đua thì không tồn tại. Còn bây giờ không cống nạp thì toi. Họ hút máu của dân nhưng cánh nhà báo nhà văn các ông cũng được hưởng xái lộc nhiều nên đành phải im thôi...

Rồi bỗng Hạ quay lại hỏi tôi và chúng tôi có một cuộc đối thoại:

- Ông có nhớ chỗ chôn cô giáo Liên ngày xưa không?

- Bây giờ đường nắn nhiều đoạn mình không nhận ra.

- Đúng, các ông bây giờ giàu sang quá thì nhận ra cái gì. Cách đây mấy tháng nắn lại tuyến, bọn tôi mới chuyển cô ấy vào nghĩa địa của xã. Ván mục hết chỉ có một nhúm xương đen.

- Liên đang còn nằm ở đây à?

- Ai mang về mà không ở đây. Mẹ chết, em hy sinh ở Campuchia. Ông thì yêu  cho vui rồi quên hẳn.

Câu nói của Hạ như một cái tát làm mặt mày tôi tối xầm lại. Mãi một lúc lâu, tôi mới sực tỉnh và van xin anh.

- Nghĩa địa ở đâu, ông cho tôi đến đấy ngay bây giờ, tôi xin ông.

Giọng Hạ vừa gay gắt vừa trầm buồn.

- Đi. Tôi đưa ông đi. Đời bạc lắm.Khốn nạn lắm...

Hạ vào lán cầm chiếc đèn pin rồi dẫn tôi đi. Rừng đen và lạnh. Sao nhạt nhòa và trời đầy sương.

Tôi gục đầu lên tấm bia đá trên ngôi mộ có vài cây hoa dại đang tàn. Chắc là bia mới khắc nên còn dễ đọc.

Đỗ Thị Liên

Sinh ngày10 tháng 3 năm 1950

Hy sinh ngày 3 tháng 6 năm 1975

Tôi gục đầu lên tấm bia đá khá lâu với bao nỗi niềm mà chính tôi cũng không tin được. Mãi sau Hạ bảo:

-Ta về lán đi, sắp sáng rồi.

- Anh về trước đi. Tôi chịu ơn anh. Tôi xin anh...

Hạ  vơ một nắm cỏ khô ven đường bật diêm châm lửa đốt. Lửa cháy, anh bỏ tôi lại một mình bên nấm  mồ Liên giữa đêm lạnh với trăm nỗi bơ vơ thì giông gió đùng đùng nổi lên và chớp giật liên hồi. Trong áng mây giữa cơn giông, hình như có đôi mặt trắng lạnh của Liên. Đúng là Liên rồi, tóc em xoã dài theo từng tia chớp.  Tôi hét lên- Liên ơi!- Về đây em ơi!

Nhưng cạnh tôi bên nghĩa địa trong cơn giông chỉ có Hạ nhặt một bó củi khô vừa vác lại bỏ vào đống lửa làm đống lửa càng cháy rừng rực sáng một góc rừng khuya.Hạ lẩm nhẩm :

- Cô Liên ơi! Ông Kiều lên thăm cô đây. Cô sống khôn chết thiêng thì dậy mà sưởi lửa, hơ chân với chúng tôi  cho ấm. Hồi đó ông đội phó kỹ thuật mới được gần cô chứ cái thằng lái máy ủi này chỉ dám lấm lét nhìn trộm thôi. Số cô đen bạc thật. Tôi nhiều lần thuyết phục con trai cô lên đưa cô về nhưng nó bảo tôi là ông già hay khoét chuyện. Bà ấy bỏ tôi từ lúc lọt lòng, nếu là mẹ tôi thì đâu có thế.

Tôi vùng dậy núm cổ áo Hạ lôi ghì vào mình mà  hét:

- Con cô ấy là ai? Đang ở đâu hả? Nói đi.

Hạ lắp bắp trong họng.

- Nó giầu lắm. Lắm tiền lắm. Bận cung phụng hầu hạ cấp trên để làm giàu chứ nhớ gì đến  cha mẹ, tổ tiên. Tôi lại lôi ghì ngực áo Hạ mà hét.

- Nó ở đâu, nó làm gì?

Hạ thấp giọng như nói thầm.

- “Nó” thế nào? Ông chứ. Ông chủ của tôi đó. Ông Trần Thiên mà tôi đang làm thuê là con trai cô, ông chủ Thiên, giám đốc công ty Thiên Phát đấy mà.

Tôi lẩm nhẩm trước khi gục xuống:

- Liên ơi! Đỏ suối Nà Pia, đỏ cổng trời....Liên ơi...Máu của em. Không? Không tại cháu Thiên đâu. Liên ơi! Thảo nào ngôi biệt thự của con em giữa Thành Phố lại ốp toàn đá đỏ.

 

Lốc Há, đêm 3-6-2002

 

                                                                                                                                                                                                                                K.V