Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy ở tuổi 70 niềm đam mê còn mạnh hơn xưa

22.10.2018

58 năm đi hát, NSND Lệ Thủy không chỉ in dấu trong lòng công chúng với tên gọi “cô đào ngoại hạng” của sân khấu cải lương mà còn hăng say với công việc từ thiện. Sau ánh đèn sân khấu, NSND Lệ Thủy trở về với gia đình cũng như bao người phụ nữ bình dị khác.
Trời và Tổ nghề thương
Từ một giọng ca ru em với bài vọng cổ, cô bé 12 tuổi đã bước vào nghề hát cải lương với bài ca cổ “Cô gái bán đèn hoa giấy”. 

Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy ở tuổi 70 niềm đam mê còn mạnh hơn xưa

Những vai đóng thế, ngâm thơ hậu trường, đóng kép con trên sân khấu tới các vai đào nhì, vai phụ rồi vai chính. Dần dần, NSND Lệ Thủy có bước đi lớn trong con đường nghệ thuật cải lương. Lệ Thủy có một giọng ca thổ pha kim hiếm có và cách ca rất chân phương, nhẹ nhàng. Trong các nghệ sĩ cải lương ngày đó, chỉ có Lệ Thủy được thu đĩa khi mới 12 tuổi vì cô có một chất giọng lạ, gây tò mò với người nghe. Niềm đam mê ca cải lương của bản thân cùng với sự ham học hỏi từ những đàn anh đi trước đã giúp Lệ Thủy nổi tiếng khi chỉ mới 15 tuổi.

Đến bây giờ, tình yêu của khán giả dành cho Lệ Thủy vẫn không ngừng. Giọng ca của NSND Lệ Thủy vẫn còn vang vọng khắp nơi và vẫn khiến khán giả thổn thức, đứng ngồi không yên. Chính điều này trở thành động lực tiếp sức cho NSND Lệ Thủy trên con đường sự nghiệp. Sự động viên của khán giả làm cho bà không nghĩ rằng mình đã 70 tuổi mà vẫn là một Lệ Thủy với giọng hát không tuổi như những năm còn trẻ, vẫn một niềm say mê với cải lương.

58 năm đi hát, thành công của NSND Lệ Thủy ghi dấu với hàng trăm tác phẩm tân cổ nổi danh (Áo mới Cà Mau, Bạch Thu Hà, Bánh bông lan, Tết miền Tây…) cùng các vai diễn để đời (Hồ Bảo Xuyên - Đêm lạnh chùa hoang, Nguyệt - Tô Ánh Nguyệt, Hồ Như Thủy - Xin một lần yêu nhau…). Năm 1964, giải thưởng Thanh Tâm đánh dấu bước khởi sắc sáng nhất cho bước đường nghệ thuật phía trước của NSND Lệ Thủy. Trước đó một năm, năm 1963, NSND Lệ Thủy từng được chọn là diễn viên đoạt Huy chương Vàng triển vọng nhưng bà mới chỉ 15 tuổi, chưa đủ tuổi theo điều lệ giải. Nối tiếp thành công trên con đường sự nghiệp của mình, NSND Lệ Thủy tiếp tục nhận được những giải thưởng danh giá khác: Giải Kim Khánh (1974), Nghệ sĩ Ưu tú (1993), Kỷ lục Guinness Việt Nam (2008), Giải Mai Vàng (2008 và 2009), Nghệ sĩ nhân dân (2012), HTV Award (2013).

Đã có những năm tháng dài bà tưởng như mình sẽ không bao giờ đi hát nữa vì chiến tranh ác liệt quá. Với nghệ sĩ, 2-3 tháng nghỉ hát cũng đủ làm vơi nhạt đi cảm xúc chứ chưa nói đến những năm chiến tranh như vậy. Bà từng có suy nghĩ bỏ nghề và mở cửa hàng kinh doanh nhỏ. Nhưng rồi tất cả cũng qua, đất nước được hòa bình và ngọn lửa ca hát đang âm ỉ trong bà được bùng lên. Bà tiếp tục đem lời ca tiếng hát của mình đến với bà con.

“Có lẽ trời và Tổ nghiệp thương nên cho tôi được tiếp tục đi hát. Như hiện nay tôi đã 70 tuổi thì máu hát, niềm đam mê hát nó còn hăng hơn ngày trước nữa. Không biết tới ngày nào mình không còn ca được nữa. Chứ giờ mê và luyến tiếc sân khấu lắm, tôi còn được khán giả yêu thương nhiều như vậy thì chừng nào hết thương tôi sẽ nghỉ thôi” - NSND Lệ Thủy cho biết.

Đến với từ thiện vì một chữ “tâm”

NSND Lệ Thủy không chỉ được biết đến với tên tuổi một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng mà bà còn năng nổ với công việc từ thiện. Tuy nhiên, bà rất kín tiếng vì cho rằng, đây cũng chỉ là những việc nhỏ mà bà và bạn bè góp được chút sức bé nhỏ. “Vì mình đã kinh qua cái nghèo rồi nên mình biết người nghèo họ rất mong những món quà của mình. Tuy là không nhiều nhưng khi nhận được món quà của một người nghệ sĩ thì họ vui hơn nữa, giúp cho họ vượt qua khó khăn”, NSND Lệ Thủy chia sẻ.

Những năm tháng tuổi thơ nghèo khó trong gia đình đông có 8 anh em làm cho bà luôn ghi nhớ về tình yêu thương, đùm bọc. Ngày đó, gia đình bà nghèo khó đến mức ăn bữa trưa đã phải lo bữa tối. Bà xa nhà theo đoàn đi hát từ khi 12 tuổi cũng vì muốn đỡ đần cha mẹ. Bà nhớ về những lần trông ngóng, háo hức được nhận quà từ thiện. Chính vì hiểu được điều đó nên NSND Lệ Thủy cùng với bạn bè thường xuyên tổ chức những chuyến đi từ thiện với bà con nghèo khó ở các nơi. 

NSND Lệ Thủy chia sẻ: “Nếu trời còn cho sức khỏe, khán giả còn thương thì tôi vẫn tiếp tục đi hát và đi từ thiện. Mình đã may mắn có được như ngày hôm nay thì mình cũng sẽ cho đi yêu thương”.

Có thể thấy trong hầu hết các vở diễn, NSND Lệ Thủy luôn thủ các vai bất hạnh: Xuân Tự (Áo cưới trước cổng chùa), Thiên Kiều công chúa (Trắng hoa mai), Kim Anh (Đời cô Lựu)… Chính điều này đã cho NSND Lệ Thủy nhận ra và trân trọng hạnh phúc xung quanh mình.

“Tôi là nghệ sĩ nhưng trong nhà tôi là một người mẹ, một người vợ hay một bà nội trợ bình thường thôi. Đi hát nhưng vẫn dành thời gian lo cho chồng, cho con nên trời cũng thương cho gia đình tôi tới ngày hôm nay vẫn bình yên, hạnh phúc và các con đều thành đạt. Đó là một điều may mắn trong cuộc đời của tôi”, NSND Lệ Thủy chia sẻ.

“Nếu trời còn cho sức khỏe, khán giả còn thương thì tôi vẫn tiếp tục đi hát và đi từ thiện. Mình đã may mắn có được như ngày hôm nay thì mình cũng sẽ cho đi yêu thương”(Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy ).

Nguyễn Hòa
(anninhthudo.vn)