Nhạc sĩ Trần Hoàn và mùa xuân với Huế
Mùa xuân song hành cùng nhạc sĩ Trần Hoàn trong cuộc đời của một nghệ sĩ sáng tác cũng như trong sự nghiệp cách mạng mà ông sớm dấn thân.
Tôi đến thăm gia đình cố nhạc sĩ Trần Hoàn trong tiết xuân lây phây mưa bụi. Bác Thanh Hồng – vợ nhạc sĩ, người con gái xứ Nghệ tạo thi hứng cho ca khúc “Lời người ra đi bất tử” cùng năm tháng, niềm nở đón khách. Vào phòng khách, tôi gặp anh Tô Long - thư ký Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin Trần Hoàn và chị Hồng Hà – con gái của nhạc sĩ Trần Hoàn từ Huế ra Hà Nội ăn tết cùng gia đình.
Bác Thanh Hồng đưa tôi và anh Tô Long vào căn phòng nhỏ ấm áp hương trầm có bàn thờ gia tiên, bên cạnh là bàn làm việc và tủ sách. Trên bàn ngổn ngang giấy tờ, nhạc, cùng những tập bản thảo. Từng chủ đề ca khúc được bác xếp sắp rất khoa học. Dọn dẹp bàn làm việc, bác đưa cho tôi một danh mục hơn 30 ca khúc xuân, cùng lời giới thiệu xuất xứ và cất lên lời ca minh họa khi tôi còn chưa rõ ca từ. Lại tủ sách, bác lấy đĩa VCD ghi lại chương trình Con đường âm nhạc “Hát về mùa xuân” đã phát trên sóng truyền hình đầu năm 2010 và cuốn sách bìa cứng màu tím “Lời người ra đi” gồm 111 tình khúc của nhạc sĩ từ năm 1945 đến 2001 tặng tôi. Đôi mắt như biết nói ấy cứ sáng lên rạng ngời cùng giai điệu xuân dìu dặt trong căn phòng ấm áp tại tư gia (số 65 ngõ Vạn Bảo, quận Ba Đình, Hà Nội). Hướng lên di ảnh chồng nồng nàn hương hoa, bác như đang trở về một thời xa xăm “Anh Hoàn mê viết nhạc, say mùa xuân. Mùa xuân luôn luôn tạo cho anh ấy những cảm xúc mới mẻ, thăng hoa, đầy sáng tạo. Cháu đọc và nghe sẽ hiểu thêm sự độc đáo trong những ca khúc mùa xuân của anh ấy, nhất là những ca khúc xuân cho Huế…”.
Mùa xuân là biểu tượng của sự sống, của sức vươn lên, trỗi dậy và gợi cảm hứng sáng tạo cho nghệ sĩ, làm nên sự phong phú, đa sắc màu xuân của đất trời và lòng người. Có thể kể đến các ca khúc: Dâng Người tiếng hát mùa xuân (Nguyễn Văn Thương), Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao), Đảng cho ta cả một mùa xuân (Phạm Tuyên), Hà Nội mùa xuân (Văn Ký), Đường bốn mùa xuân (Đỗ Nhuận), Cung đàn mùa xuân (Cao Việt Bách), Mùa xuân đến rồi đó (Trần Chung), Đường tàu mùa xuân (Phạm Minh Tuấn), Mùa xuân bên cửa sổ (Xuân Hồng), Mùa xuân (Trần Tiến), Làng lúa làng hoa (Ngọc Khuê)… Nhạc sĩ Trần Hoàn đã sở hữu trên 30 ca khúc mùa xuân, như: Xuân, Một mùa xuân nho nhỏ, Chào mùa xuân, Tình ca mùa xuân, Hát về mùa xuân, Nắng xuân, Mùa xuân mừng Đảng kính yêu, Tiếng gọi mùa xuân, Em nghĩ gì khi mùa xuân đến, Tiếng gọi mùa xuân, Mùa xuân đã về sao nỡ vội đi, Đi giữa mùa xuân, Mùa xuân Tây Nguyên… vừa mang tâm thế chung như phần đông nhạc sĩ, nhưng vừa mang nét riêng “rất trữ tình”, “rất Trần Hoàn”(như nhận xét của nhà thơ Huy Cận) và phong cách riêng của Huế. Trong sáng tác của ông, mùa xuân luôn song hành cùng cuộc đời chiến sĩ – nghệ sĩ, một mùa xuân tươi trẻ, mùa xuân trong cách cảm nhận cuộc sống, chứ không đơn thuần chỉ là mùa xuân của đất trời trong tiết mở đầu Xuân - Hạ - Thu - Đông. Kể cả những ca khúc không có một ca từ “xuân”, nhưng đã ẩn trong đó tình xuân nồng đượm.Quê Hải Lăng Quảng Trị, nhưng nhạc sĩ Trần Hoàn có một tình yêu rất riêng với Huế như ông đã từng tâm sự “Tôi học Tú tài ở trường Quốc học Huế. Tôi tham gia cách mạng ở Huế…Mình xa Huế đi kháng chiến từ đầu năm 1947, mãi 28 năm sau, mùa xuân 1975 mới được trở về Huế. Đợt Tổng tấn công 1968 có đến Huế nhưng chỉ đến được Kim Long. Chín năm ở chiến khu nhớ Huế day dứt khôn nguôi. Có những đêm rừng nhìn về quầng sáng điện của thành phố hắt lên càng nhớ Huế da diết…”. Với Huế, những ca khúc xuân có thể không nhiều, nhưng nó lại là những ca khúc vang lên là khiến người nghe phải nặng lòng mà nhớ; viết cho Huế mà người nghe luôn cảm nhận đó là mùa xuân của đất nước, mùa xuân trong niềm mong đợi của nhân dân, có một đời sống riêng trong lòng công chúng, luôn xuất hiện với tần suất cao trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong máy nghe nhạc của gia đình, cá nhân không chỉ dịp tết đến, xuân về.
Mùa xuân song hành cùng nhạc sĩ Trần Hoàn trong cuộc đời của một nghệ sĩ sáng tác cũng như trong sự nghiệp cách mạng mà ông sớm dấn thân. Mỗi mảnh đất đi qua đều để lại trong ông những tình cảm yêu mến. Ông là nghệ sĩ của mùa xuân – mùa xuân rất riêng Trần Hoàn. Sau mùa xuân năm 1968, ông đã viết ca khúc về Huế “Có một mùa xuân lịch sử”. Âm điệu của bài hát vừa thiết tha với một tình yêu Huế cháy bỏng, nhưng đã vươn lên tầm sử thi về một mùa xuân lịch sử, mùa xuân với sức mạnh riêng của nó để xua tan đông tàn lạnh giá, hướng về ánh mặt trời.
Trước Đại thắng Mùa xuân 1975, nhạc sĩ có mặt ở Huế lúc 10 giờ đêm ngày 25/3/1975 và ngày hôm sau khi Trị Thiên – Huế giải phóng, trước niềm vui bất tận, xúc động dâng trào, nhạc sĩ đã viết ngay ca khúc “Nắng tháng Ba” trong cảm xúc xuân phơi phới. Chính hiện thực sinh động hào hùng và tình yêu với quê hương đất nước đã đẩy cảm xúc của người nghệ sĩ dâng trào mãnh liệt. Ca từ bộc lộ rất tự nhiên, giản dị và chân thành, không có dấu vết của sự trau chuốt, gọt dũa và mặc dù không nhắc tới từ xuân, nhưng tình xuân cứ tràn trào trong từng nốt nhạc. Lời ca là tiếng reo vui bất tận, là hạnh phúc không thể kìm nén, là lời nhắn nhủ, tâm tình tha thiết, ngập tràn ánh sáng, sắc xuân và rộn rã thanh âm “Nắng hửng lên rồi…”. Ca khúc ấy được đón nhận nồng nhiệt, kịp truyền đi trên sóng phát thanh và được dùng làm khúc nhạc mở đầu cho Đài Phát thanh Huế những năm đầu giải phóng.
Sau khi 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên, nhạc sĩ Trần Hoàn đảm nhận cương vị người phụ trách tuyên huấn, Ủy viên Ủy ban Nhân dân, kiêm Trưởng ty Văn hóa. Tình yêu với Huế, với dải đất miền Trung trong ông luôn trọn vẹn. Nhưng là tỉnh lớn, lại vừa mới giải phóng, biết bao thách thức đang đón đợi phía trước. Dẫu phải chịu áp lực công việc, nhưng tình yêu âm nhạc đã tạo cho nhạc sĩ ngọn nguồn cảm hứng. Nói như Johaw wolf Goethe, “Âm nhạc là một sức mạnh thăng hoa”, lại như một chỗ dựa bền vững giúp nhạc sĩ cân lượng cảm xúc để không rơi vào trạng thái “nhất bên trọng nhất bên khinh” của một người mang trách nhiệm “kép” – nghệ sĩ và chiến sĩ. Công việc bận rộn nhưng nhạc sĩ vẫn giữ thói quen viết, không cho phép bộ óc biếng lười, sức sáng tạo trễ nải. Đến đâu mùa xuân cũng thường trực trong trái tim người nghệ sĩ vốn nhạy cảm, cần mẫn. Sóng nhạc nối từng lớp tuôn trào. Thường vào lúc 4-5 giờ sáng, nhạc sĩ lại mở lòng cho con người nghệ sĩ thả sức sáng tạo. Và bao giờ bên người nghệ sĩ tài hoa ấy cũng là người vợ hiền thục, thủy chung và cây đàn ghi ta. Nhạc sĩ Trần Hoàn đam mê sáng tác, yêu Huế, đắm say xuân, cuộc sống để chưng cất thành ngôn ngữ âm nhạc với đa dạng chủ đề. Là một “Bá Nha” với mong muốn bên mình có nhiều “Chung Tử Kỳ”. Những lúc thăng hoa, người vợ yêu quý của ông thường là “người thư ký trung thành”, thẩm định nghiêm khắc, là thính giả đầu tiên của những ca khúc ấy. Ngoài vợ mình, ông không giấu nổi “đứa con tinh thần” với bạn bè, đồng nghiệp. Vợ nhạc sĩ hiểu hơn ai hết “Người nghệ sĩ thường có niềm vui được chia sẻ sáng tác mới của mình. Khi anh Hoàn viết, mình thường trở dậy pha tách trà và ngắm anh ấy sáng tác. Sự thăng hoa lan sang cả mình. Còn những khi anh đi công tác, có khi bài hát còn tươi nét mực, anh ấy đã thúc các ca sĩ đi cùng thể hiện ngay…”.
Mùa xuân trong ca khúc của ông trở nên đẹp hơn bởi tình yêu dệt nên bản tình ca mùa xuân. Mỗi ca khúc của nhạc sĩ thường được gợi ý từ một trường hợp cụ thể, nhưng điều quan trọng bằng tình yêu thắm đượm, sự trải nghiệm cuộc sống nên những bản tình ca ấy được thăng hoa cảm xúc, nâng tầm khái quát để mỗi người nghe đều thấy bóng dáng, tâm trạng của mình trong đó. Từ ngày cưới (1950) cho đến khi chiến tranh kết thúc, cũng như bao đôi lứa, vợ chồng nhạc sĩ Trần Hoàn đã “đốt cháy lửa tình yêu”cho những năm tháng xa nhau. Đâu có thời gian gần nhau “để mà giận dỗi”. Sự thiếu vắng người chồng dằng dặc những năm tháng chiến tranh, nhất là trong ngày xuân, càng buồn hơn bao giờ hết. Thư vợ nhạc sĩ gửi vào ngày 1 Tết năm 1970 là nỗi niềm ấy: “Anh thân yêu! Đã bao tết mẹ con em vắng anh. Tết đến bao nỗi niềm mong nhớ. Chắc anh cũng không khác anh nhỉ? Em còn có niềm vui là các con. Anh chỉ có bếp lửa rừng. Trong thư gần đây anh phê bình em, hay thắc mắc anh không được ra và đáng lẽ “phải mừng cho sức khỏe anh chứ. Thú thật với anh, mừng thì có mừng nhưng nó không thay thế được sự nhớ mong…”[1] .
Giữa thơ và nhạc luôn cộng hưởng để tạo cảm xúc thăng hoa. Nhạc sĩ Trần Hoàn rất có duyên khi phổ nhạc cho thơ. Trong rất nhiều ca khúc phổ thơ ấy, tôi đặc biệt ấn tượng với ca khúc “Một mùa xuân nho nhỏ”. Khi ông giữ cương vị Phó Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, phụ trách văn hóa – văn nghệ, tôi có may mắn được giúp việc thủ trưởng. Và cũng chính thời gian ấy, tôi được biết thêm nhiều câu chuyện “bếp núc” của những ca khúc nổi tiếng, như: Sơn nữ ca, Lời người ra đi, Lời ru trên nương, Một mùa xuân nho nhỏ… Nhạc sĩ Trần Hoàn và nhà thơ Thanh Hải đã có thời gian được sống, công tác bên nhau, cùng đào hầm, chặt cây, hái lá mây làm nhà; những lúc cùng chạy càn, lang thang trên rừng, vật vã với cơn đói, biết “từng cơn ớn lạnh – Sốt run người vầng trán mướt mồ hôi”(Chính Hữu); cùng chuẩn bị thành lập Chị Hội Văn nghệ giải phóng Trị Thiên Huế năm 1969; cùng khôi phục và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ Khu ủy Trị Thiên (nhạc sĩ Trần Hoàn làm Chủ tịch, còn nhà thơ Thanh Hải ở cương vị Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký). Nhạc sĩ Trần Hoàn dường như vẫn xúc động như buổi ban đầu viết ca khúc Một mùa xuân nho nhỏ… Giọng trầm buồn, ngẫm ngợi, ông thổ lộ: “Bác phổ nhạc bài thơ cuối cùng của một người bạn của bác – nhà thơ Thanh Hải khi đang nằm trên giường bệnh…”.Nhạc sĩ Trần Hoàn thổi hồn cho mùa xuân ở Huế. Mùa xuân trong bản “Tình ca mùa xuân” (1979) đã đến trong niềm mong đợi của khán giả, ở mọi lứa tuổi: “Em ơi em mùa xuân đã về trên cành lá/ Tiếng chim kêu ngọt quá, cho trời xanh xanh thẳm”. Anh Tô Long xin phép mượn cây đàn của nhạc sĩ Trần Hoàn đàn và hát “bài tủ”. Chị Hồng Hà - con gái nhạc sĩ Trần Hoàn từ Huế hát theo tiếng đàn: “Em ơi em mùa xuân đã về trên cánh lá/ Tiếng chim kêu ngọt quá giữa trời xanh xanh thẳm…”. Tôi lặng đi nghe đến tận cùng âm thanh trong trẻo sức xuân. Bỗng bác Thanh Hồng xúc động nói “Long hát hay, đầy cảm xúc, nhưng nếu chuẩn mấy nốt nhạc này thì còn hay hơn. Chữ “cánh lá” thường không luyến”. Quay sang tôi bác nói “kể cả những ca sĩ nổi tiếng vẫn hát sai lời. Ví như bản nhạc của anh Hoàn là Tiếng chim kêu ngọt quá giữa trời xanh xanh thẳm mà lại hát thành Tiếng chim kêu ngọt quá cho trời xanh xanh thẳm. Chữ “cho” hay làm sao bằng chữ “giữa”. Tất nhiên, có nhiều trường hợp nên biến lời một chút để luyến láy đỡ rơi vào từ “nhạy cảm” như “đất cựa mình sinh sôi” thì đổi thành “đất chuyển mình sinh sôi” cũng nên. Đúng là ca từ “cựa mình” hay hơn nhiều nhưng “cầm lòng vậy” mà phải đổi thành “chuyển mình”. Rồi bác Hồng giải thích cho tôi và anh Tô Long hiểu tại sao trong tình ca lại có “khoai sắn”, có “kênh xanh” trong câu “Trong ánh mắt em cười, có màu xanh khoai sắn/ Trong vòng tay xinh xắn, có hình dòng kênh xa”. Thì ra nhạc sĩ Trần Hoàn đã lồng rất khéo léo tính thời sự thời bao cấp khó khăn vào ca khúc xuân của mình. Bác kể, nếu ở Bắc thường độn ngô khoai thì ở Huế khoai sắn là lương thực độn cùng gạo. Mỗi lần đi mua sắn về là phải huy động cả nhà lột vỏ, ngâm nước ngay kẻo sắn chảy nhựa sẽ bị thâm... Nghe bác Hồng kể tôi cảm phục vô cùng một “Chung Tử Kỳ” riêng của nhạc sĩ Trần Hoàn. Bản “Tình ca mùa xuân” giàu tính thời sự có sức mạnh kỳ diệu vừa động viên những chiến sĩ biên phòng chắc tay súng, giữ cho em mùa hoa đào “Rồi anh lại ra đi, vui như ngày hội. Mùa xuân biên giới, súng anh giữ trời xa”, lại vừa động viên người nông dân, công nhân tích cực làm việc “Em đi vào xưởng máy, khi trời còn hơi sương”. Tình yêu, sự chờ đợi vẫn tươi xanh rời rợi. Tình yêu cùng mùa xuân đã chuyển thành âm điệu da diết cùng lời ca ngọt ngào: “Ngày anh đi, cách xa khuây sao được nỗi nhớ/ Thương nhau dù cách trở vẫn trọn đời tin nhau”. Sự xa cách trong trường hợp của riêng nhạc sĩ cũng là chung cho những đôi lứa yêu nhau thời ấy. Vì thế, Kỷ niệm tình yêu trong xa cách của riêng vợ chồng nhạc sĩ Trần Hoàn đã trở thành tiếng lòng của những đôi lứa yêu nhau khi cảm nhận được “Mùi hương nào rất quen nghe như làn môi ấm”…
Và hôm nay, khi viết “Nhạc sĩ Trần Hoàn và mùa xuân của Huế”, tôi có thêm nguồn tư liệu sinh động là những bản nhạc xuân và cuốn sách “Lời người ra đi” (Nhà xuất bản Hà Nội 2001). Nhạc sĩ Trần Hoàn viết “Tôi nhớ những ngày cuối cùng của Thanh Hải. Lúc bấy giờ là vào năm 1980, bệnh của Thanh Hải tái phát buộc anh phải vào bệnh viện. Gần như suốt năm ấy anh phải khóa mình trong chiếc phòng nhỏ ở Bệnh viện Huế. Những ngày đó, Thanh Hải có dịp ôn lại quãng đời gian khổ của mình. Dòng sông Hương êm đềm, những bông hoa tím biếc dọc đường Lê Lợi, những tà áo trắng của nữ sinh sau buổi tan trường, cuộc sống vẫn hối hả từng ngày, thành phố từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh… càng làm anh bùi ngùi, thôi thúc anh làm việc. Một lần vào bệnh viện, thấy Thanh Hải đang tranh thủ viết. Chiếc bàn nhỏ kê đầu giường bộn bề những bản thảo, gạch xóa nham nhở. Tôi khuyên can:
- Thôi Hải hãy nghỉ đi đã. Đừng suy nghĩ và thức đêm nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe!
- Cám ơn anh. Nhưng cuộc sống có ngừng phút nào đâu, và cảm xúc cũng không ngừng đọng lại, mặc dù ốm. Nhớ mãi đến tấm gương của Ôxtơrôpxki bại liệt mà vẫn được tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”, thì công việc của mình đã thấm vào đâu hở anh?
Tôi nhìn Thanh Hải mà bùi ngùi. Dường như đoán trước được căn bệnh của mình, Thanh Hải nhìn tôi như van lơn, chờ đợi một sự đồng cảm. Tôi ôm Thanh Hải, cầm tập bản thảo và bỗng nhiên thấy Thanh Hải có lý. Đó là lúc Thanh Hải hoàn thành tập Trường ca Hành khúc người ở lại nói lên nỗi niềm của người không đi tập kết bám trụ quê hương… Bản trường ca viết trong 8 tháng mới hoàn thành. 8 tháng nghĩ suy, trăn trở, nhớ lại để tôi thêm nghị lực trước bệnh tật, ốm đau, để mài thêm dũng khí sáng tạo, sáng tạo đến phút cuối cùng. Và cái ngày xót xa nhất đã đến: Ngày 15/12/1980. Huế mưa dầm dề… Tôi đọc lời điếu. Bản thảo bài điếu văn nhòe vì nước mưa và nước mắt. Đến nửa chừng nhà thơ Quang Hà và Thanh Tâm (vợ Thanh Hải) đưa cho tôi bài thơ cuối cùng của Thanh Hải có nhan đề “Một mùa xuân nhỏ nhỏ”, tôi đọc ngay trong lễ truy điệu. Cả vườn im phăng phắc, lắng nghe. Khi bài thơ kết thúc, tiếng khóc bùng lên át cả tiếng gió rít…
Sau lễ hạ huyệt, nhạc sĩ ngồi lại một mình, đọc lại bài thơ. Nỗi đau và tiếc thương nhân cách của một thi sĩ – chiến sĩ thể hiện trong niềm tâm sự cuối cùng:
Ta làm con chim hót/ Ta làm một nhành hoa/ Ta nhập trong hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến/ Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời…
Nhạc sĩ càng hiểu Thanh Hải hơn: “Tôi coi đó là phương châm xử thế đúng đắn của mỗi người sáng tác trong xã hội, khiêm tốn, giản dị, tích cực, không ồn ào mà đầy trách nhiệm với đồng bào đồng chí. Tôi phổ nhạc ngay bài thơ trong sự tiếc thương người đồng chí thân yêu mà tôi kính phục…”.
“Một mùa xuân nho nhỏ” có thể coi là một trong những giai điệu đẹp nhất về mùa xuân của âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Trần Hoàn đã cố gắng trung thành với nguyên bản bài thơ. Ngôn ngữ âm nhạc độc đáo tạo nên hình tượng thẩm mỹ. Nỗi đau mất bạn, sự tri ân, cùng ngẫm ngợi về xuân đất nước sau những ngày giải phóng, nhạc sĩ thừa nhận viết về xuân mà mở đầu giai điệu hơi buồn. Nhưng sự tài tình của nhạc sĩ chính là tạo nên giai điệu sáng, vang ngân như nghị lực vươn lên của đất nước sau chiến tranh trong đoạn điệp khúc ở cuối: “Mùa xuân, Mùa xuân/ Một mùa nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Mùa xuân, Mùa xuân/ Mùa xuân tôi xin hát/ Khúc Nam ai, Nam bằng…”.
Bài hát được gửi ra Ban Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và mở đầu buổi phát thanh chào mừng xuân 1981, ca sĩ Kim Phúc – lúc đó là sinh viên Nhạc viện Hà Nội (nay là Nghệ sĩ ưu tú) đã hát rất thành công, vang lên trên sóng phát thanh trên cả nước về một mùa xuân độc lập và thống nhất. Thế mới biết thơ và nhạc “cộng hưởng” để tạo nên hiệu quả thẩm mỹ. Và cũng chỉ được chắp cánh bởi cảm xúc thăng hoa kỳ diệu ấy thơ và nhạc đã đi vào đời sống văn học nghệ thuật như một dấu ấn khó phai.
Qua hồi ức của nhạc sĩ Trần Hoàn, trong tôi vẫn nguyên vẹn cảm xúc nao nao, bồi hồi, xao xuyến, bâng khuâng, xen lẫn suy tư, ngẫm ngợi về bài thơ cuối cùng của nhà thơ đầy tài năng như lần nghe đầu tiên nghe “Một mùa xuân nho nhỏ”, nhưng hiệu quả cảm xúc, thẩm mỹ đem lại cho người nghe thì vô cùng lớn lao. Nhân cách, sự sáng tạo của người nghệ sĩ với xã hội, với cuộc đời, với quá khứ và tương lại thật đáng nể trọng. Cái tên Trần Hoàn mà nhạc sĩ đã lấy trong câu “Đào nguyên xưa Lưu Nguyễn quên trần hoàn” của ca khúc ấy làm bút danh đã làm nên tên tuổi một Trần Hoàn nghệ sĩ, một Trần Hoàn chiến sĩ với những trọng trách được Đảng tin yêu giao phó trên mặt trận tư tưởng – văn hóa. Những ca khúc ấy tồn tại cùng năm tháng như một di sản văn hóa cho dân tộc.
Những ca khúc nổi tiếng, như: Tình ca mùa xuân (1978), Một mùa xuân nho nhỏ (1980), Hát về mùa xuân… viết trong cảm xúc Huế, nhưng lại mang mùa xuân chung của đất nước, đã làm nên một “thương hiệu xuân” cho ông. Người nghệ sĩ đã lắng nghe mùa xuân về với những giai điệu vui tươi, tưng bừng, náo nức, nhưng cũng đầy trăn trở, suy tư “Một mùa xuân nho nhỏ – Lặng lẽ dâng cho đời…”.
TS. Lê Thị Bích Hồng
(vanhocquenha.vn)