Đỗ Xuân Đồng: Nhà văn "không chuyên" đa năng

22.09.2014

“Tôi bị lôi cuốn bởi một lối viết như lời kể, giản mộc và thanh thoát, từng câu chữ khúc chiết thể hiện được toàn vẹn những ý tưởng sâu xa mà tác giả muốn đào sâu, gửi gắm. Mỗi trang văn, càng lật dở, càng thấy mình bé nhỏ trước mênh mông, những biến động của đời sống xã hội, của những biến động tâm lý con người trước muôn vàn ngã rẻ của cuộc sống” -

Đỗ Xuân Đồng: Nhà văn

Đó là những tâm sự chân thành của nhà văn Nguyễn Thị Anh Đào về những trang tiểu thuyết của nhà văn, cán bộ ngân hàng, kiến trúc sư Đỗ Xuân Đồng.

 Học kiến trúc, làm ngân hàng, trở thành... nhà văn

Tôi gặp nhà văn Đỗ Xuân Đồng khi ông còn đang loay hoay với biết bao chứng từ, sổ sách vào một ngày đầu năm bận rộn. Tôi hỏi: “Ngập lặn giữa biết bao nhiêu loại chứng từ mà chỉ cần sai một con số bán một con trâu, nhà văn lấy đâu ra thời gian bay bổng, phiêu du để chỉ trong thời gian ngắn đã có gia tài văn chương phong phú như vậy?”. Ông cười hiền, đúng chất văn chương toát ra từ trong con người ông khi miêu tả chiến tranh mà không có tiếng súng nổ, đạn gầm ác liệt, chỉ có cảm nhận riêng trong thân phận của mỗi con người: “Tôi cảm thấy, văn chương giúp tôi giải tỏa bớt căng thẳng trong cuộc sống và kinh doanh ngân hàng. Nó như hai cực âm - dương vậy. Thôi thì trời đất phú cho cái gì thì cứ làm cái nấy và làm say mê, hết mình”.

Sau lời mở đầu ấy, ông chia sẻ chân thành về con đường mình đã chọn, “nó chông gai và nhiều thăng trầm lắm”. Ông kể, khi còn đi học, ông được tuyển chọn theo ngành Kiến trúc sư ở Ba Lan, đến năm 1982 thì về nước, học thêm ngành Tài chính-Ngân hàng. Trong suốt thời gian học kiến trúc rồi ngân hàng, ông vẫn âm thầm sáng tác thơ văn. “Lúc đó, tôi không chọn đi theo con đường viết văn chuyên nghiệp một phần vì hoàn cảnh đất nước. Thời đó, đất nước sắp hòa bình, nếu mình học kiến trúc về sẽ góp phần xây dựng quê hương”. Dòng đời cứ trôi, khi tu nghiệp ở Ba Lan xong, ông được nhận về làm ở mảng xây dựng của VietinBank cho đến nay. Rẽ hướng từ kiến trúc sang ngân hàng rồi văn học, mới nghe tưởng mâu thuẫn, nhưng cái cách tác giả lý giải cũng khá hợp lý: “Tôi cho rằng, kiến trúc có nhiều điểm tương đồng với văn học. Tôi lại yêu kiến trúc nên càng yêu văn học. Còn ngân hàng ư? Đó là nghề mưu sinh chính của tôi, nó giúp tôi nuôi dưỡng niềm đam mê văn học”.

Dù làm trái nghề, gia tài văn chương của Đỗ Xuân Đồng tính đến nay rất phong phú và có nhiều tác phẩm ấn tượng. Bên cạnh là cán bộ ngân hàng, nhiều người tìm đến ông ở VietinBank đều hỏi “Cho tôi gặp nhà văn Đỗ Xuân Đồng”, ông cho biết, đó là niềm vui không gì hơn.

Sau khi có trong tay một vài tác phẩm được đánh giá hay, đặc sắc, Đỗ Xuân Đồng tự tin hơn trên con đường văn đàn đã chọn. Ông nói rằng, ông đã không còn e dè khi đặt bút viết như ban đầu nữa mà với cả thể loại “khó nhằn” như tiểu thuyết, trường ca, ông cũng tiến tới. “Thế rồi, càng viết, càng hăng, càng say. Nó cứ tuôn trào từng đêm”.

Những tác phẩm văn học ấn tượng

Từ những tập thơ như Giọt đắng (1996), Lời của sóng (1997), Bập bẹ (1999), Trường ca Cát trở dạ,  Mầm đất (2006) đến tiểu thuyết Cây dừng thiêng, nhà văn Đỗ Xuân Đồng đã góp phần làm phong phú thêm cho đời sống văn học Đà Nẵng. Từ khi “khai bút” tập tiểu thuyết đầu tay đến nay, tác giả đã “thừa thắng xông lên” với 2 tập trường ca, 1 tập tiểu thuyết và 1 tập truyện ngắn nữa. Theo lời tác giả, những trang văn ông viết ra và được xuất bản thành sách nó giống như “trước đây tôi yêu nó, giờ tôi cưới được nó vậy, cầm sách của mình trên tay, hạnh phúc lắm”.

Trong các tập sách đã xuất bản của Đỗ Xuân Đồng, nổi bật nhất có lẽ là tiểu thuyết Cây dừng thiêng. Tập tiểu thuyết này xoay quanh cuộc đời nhân vật Dong với những kỷ niệm thuở nhỏ cho đến khi trưởng thành ở xứ người. Bằng ngòi bút tả thực, hư cấu đan xen, Đỗ Xuân Đồng đã cho Dong hiện lên là một nhân vật điển hình cho lớp thanh niên yêu nước lúc bấy giờ: được ra miền Bắc học tập và đi tu nghiệm ở nước ngoài, và nhờ đó được tiếp cận với nhiều nền văn hóa trên thế giới. Trong hoàn cảnh đau thương của đất nước, họ đã vượt lên tất cả để không ngừng bồi bổ kiến thức, làm giàu khát vọng. Từng trang văn bật lên lý tưởng cao đẹp của thanh niên trong thời đại mới. “Có lẽ, nhiều bạn đọc ở quê, ở Trường Sơn hay trường học sinh miền Nam, ở Ba Lan sẽ thấy bóng dáng mình trong đó”, ông nói.

Khi tôi hỏi, “cây dừng” là cây gì?, tác giả đã tâm sự: “Đây là loài cây cùng họ với cây lộc vừng, nhưng nó sống trên cát khô, còn lộc vừng sống ở đất”. Chọn biểu tượng là loài cây cô độc, mạnh mẽ như vậy, theo tác giả, không gì khác đó là niềm tin - niềm tin vào chiến thắng bản thân của mỗi người để sống một cách hiên ngang nhất mà không sợ điều gì. Cây dừng thiêng được chọn làm điểm tựa như niềm kiêu hãnh, tự hào của bao người, là nơi hội tụ sức mạnh quật cường của mảnh đất Quảng Đà yêu dấu mà cũng là sức mạnh của cả đất nước Việt Nam.

Bên cạnh tiểu thuyết Cây dừng thiêng, tập truyện ngắn Giọt nắng - xuất bản năm 1996 cũng ẩn chứa rất nhiều kỷ niệm của tác giả. 37 bài thơ là những trăn trở đầu đời về tình yêu, tình thân, về quê hương, đất nước. Đó cũng là tập thơ chân thực nhất, ghi chép lại những xúc cảm thuở thiếu thời của tác giả nên ông rất nâng niu, trân trọng.

Ngoài thơ, tiểu thuyết, trường ca, truyện ngắn, nhà văn “không chuyên” này còn thử sức với âm nhạc. Ông tâm sự: “Tôi may mắn sinh ra ở một vùng quê có truyền thống văn nghệ dân gian. Trước đây, ở làng Ngọc Mỹ, Tam Phú, Tam Bình quê tôi có đội hát bội nổi tiếng, thường xuyên biểu diễn, bọn trẻ chúng tôi thấm dần những điệu Nam ai, Cổ bản, Xàng xê… ấy. Sau này đi Ba Lan học, cũng được tiếp xúc một ít với âm nhạc, cộng với chút năng khiểu văn nghệ trong người nên khi Công đoàn ngành Ngân hàng thông báo cuộc thi sáng tác ca khúc “Hướng về Trường Sa thân yêu” tôi đã không ngần ngại tham gia, ngày đêm mày mò và ca khúc “Vietin Bank đến với Trường Sa” đã ra đời".

Bên cạnh ca khúc dự thi này, nhà văn Đỗ Xuân Đồng còn sáng tác rất nhiều ca khúc về biển đảo, về Trường Sa, Hoàng Sa, đã in thành tập “Yêu lắm biển ơi” và cũng đã được Nhà hát ca múa nhạc Quân đội thu âm một album với 5 ca khúc. “Trong tất cả các ca khúc tôi sáng tác về biển đảo, ca khúc tôi tâm đắc nhất là ca khúc “Biển và tôi” với những lời hát “Từ đó trong tôi mỗi lần theo cha cầm chèo ra biển/câu ầu ơ của mẹ vọng biển khơi…” mà mỗi lần nghe lại, tôi vẫn rưng rưng xúc động”.

Có thể nói, Đỗ Xuân Đồng là nhà văn không mới trên diễn đàn văn học đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Tuy nhiên, với những lối rẽ bất ngờ trong đời sống riêng tư lẫn sự nghiệp khiến cho đời sống văn chương của ông thêm phong phú, nhiều trải nghiệm. Và, có lẽ rất nhiều bạn đọc tìm thấy mình qua những nhân vật của ông. Những nhân vật mà theo ông, đều được xây lên từ chất liệu cuộc sống.

Đỗ Xuân Đồng hiện là Phó Trưởng văn phòng đại diện VietinBank tại TP. Đà Nẵng.

Các tác phẩm đã được xuất bản: Giọt nắng (Thơ, NXB Đà Nẵng, 1996); Lời của sóng (Thơ, NXB Đà Nẵng, 1997); Bập bẹ (Thơ thiếu nhi, NXB Đà Nẵng, 1999); Mầm đất (Trường ca - Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Đà Nẵng, 2006); Cây dừng thiêng (Tiểu thuyết, NXB Đà Nẵng, NXB Quân đội tái bản, 2006); Hạnh phúc của con cá rô đồng (Tập truyện ngắn NXB Hội nhà văn, 2009); Cát trở dạ (Trường ca).

Hiện tác giả đang hoàn thành tập tiểu thuyết thứ 3 và sẽ xuất bản vào cuối năm nay.

Bài và ảnh: Quỳnh Trang
Nguồn: baodanang.vn