Giáo dục “Chân, Thiện, Mỹ trong tầm nhìn đương đại”
PGS-TS Ngô Văn Giá
Bài viết của tôi không phải là bài “Đọc sách”, nghĩa là tuân theo quy chuẩn của một thể loại bài báo nghiêm túc, mặc dù vẫn cần phải phác thảo nội dung chính yếu của quyển sách. Tôi chỉ muốn qua một vài thu hoạch từ cuốn sách này mạo muội bàn về một số vấn đề giáo dục các phạm trù Chân, Thiện, Mỹ ở Việt Nam hiện nay.
Trong công trình này, nhà khoa học Howard Gardner đặt ra hàng loạt vấn đề về việc nhận thức lại ba phạm trù Chân, Thiện, Mỹ trong tầm nhìn đương đại và vấn đề duy trì, phát triển nó trong hiện tại và tương lai. Với một cái nhìn khái quát nhất, tác giả tập trung vào mấy điểm dưới đây:
Thứ nhất, ông cho rằng ba phạm trù Chân, Thiện, Mỹ vốn đã có từ lâu và mang nội hàm tương đối ổn định hiện giờ đang bị xem xét, hiểu lại, thậm chí bị đe dọa xóa sổ một cách dữ dội trong bối cảnh xã hội đương đại, do chủ yếu hai “thế lực” tác động: kinh tế thị trường và nền truyền thông kỹ thuật số.
Với kinh tế thị trường, sự phát triển mạnh mẽ của nó đã hình thành một kiểu tư duy “duy kinh tế”, chi phối nhân loại, hình thành các tiêu chuẩn về giá trị; tính chất “phi lý và không thể tin được” của kinh tế thị trường sẽ dẫn dắt các cá nhân và xã hội.
Cũng như vậy, nền truyền thông kỹ thuật số đã can dự quá mạnh mẽ và sâu sắc vào đời sống mọi mặt của con người, chi phối và quy định nhận thức, cách cảm nhận của con người về các phẩm tính Chân, Thiện, Mỹ; hình thành nên các giá trị mà truyền thông muốn là chứ không phải các giá trị thực là…
Tiến thêm một bước cụ thể hơn, tác giả công trình cho rằng hiện nay chủ nghĩa tương đối về văn hóa và đặc biệt là chủ nghĩa hậu hiện đại với đặc tính hoài nghi tất cả đã không ngừng phản biện, truy vấn, thậm chí phủ nhận các phẩm tính kể trên.
Theo đó, các phẩm tính Chân, Thiện, Mỹ đang bị thách thức mạnh mẽ trong xã hội đương đại, đòi hỏi có một cách tiếp cận, nhất là phương thức giáo dục thế hệ trẻ sao cho hợp lý, hiệu quả hơn.
Cuốn sách “Chân, Thiện, Mĩ trong tầm nhìn đương đại” của Howard Garder.
Ảnh do tác giả cung cấp.
Thứ hai, công trình này dành ra ba chương lần lượt 2/3/4 để bàn về từng phẩm tính: Chân/Thiện/Mỹ từ “tầm nhìn đương đại”, hôm nay.
Tác giả công trình cho rằng, cái Chân (Sự thật) được nhận biết ở hai cấp độ: trực quan (kinh nghiệm tri giác cảm tính) và phân tích khoa học, cả hai cấp độ đều cần thiết, nhưng không phải là những bảo đảm tối hậu.
Ngay cả các bộ môn như sử học chẳng hạn, thì đó chẳng qua là các diễn ngôn về lịch sử chứ chưa hẳn là lịch sử có thực trong thực tế.
Báo chí cũng vậy, một thứ “lịch sử bước đầu” của xã hội, cung cấp thông tin cho công chúng, nhưng báo chí cũng đã bị khúc xạ qua ý chí quyền lực của một cá nhân hay tổ chức nào đó (quy định, biên tập,…).
Tuy nhiên, phẩm tính Chân không thể bị mất, vẫn còn nguyên những giá trị cốt lõi của nó, đối lập với cái giả/dối/xuyên tạc…
Để ngày càng nâng cao phẩm tính này, con người không nên bị mắc vào định kiến cho rằng chân lý là duy nhất, mà cần hiểu “có nhiều chân lý, mỗi cái thích hợp với lãnh địa của nó, mỗi cái đều có thể sai, nhưng đều phải tinh lọc và hoàn thiện” (tr.84); và đặc biệt cần có “phê bình”, phản biện, thảo luận không ngừng để tiến gần sự thật.
Về phẩm tính Mỹ (Cái Đẹp), tác giả lập luận, như cách hiểu truyền thống (bao gồm những tính chất như lý tưởng hóa, cân xứng, hài hòa…) không còn phù hợp trong bối cảnh tri thức hiện nay nữa.
Ông đưa ra ba đặc điểm của Cái đẹp: “đối tượng là thú vị, hình thức là đáng nhớ, mời gọi mọi người tiếp tục gặp gỡ, tiếp xúc” (tr.103); ngược lại với những thứ nhàm chán, nhạt nhẽo, tầm thường…
Nếu so với phẩm tính Chân cần có sự đồng thuận của cộng đồng thì phẩm tính Mỹ về cơ bản là lựa chọn mang tính cá nhân, riêng tư, thậm chí có khi thuộc về khí chất.
Ngày hôm nay, do sự can thiệp của truyền thông kỹ thuật số, các bộ môn nghệ thuật có sự biến đổi, hoặc có thêm một số bộ môn nghệ thuật kết hợp như sắp đặt (installation), trình diễn (performance); ngay cả cách thức tiếp nhận và thưởng thức của công chúng cũng đã khác (nghe nhạc qua Youtube, trưng bày qua trình chiếu 3D…).
Mặc dù Cái đẹp vẫn tiếp tục tồn tại những hình thức truyền thống, với những giá trị cốt lõi truyền thống, nhưng đã có và tiếp tục có sự thay đổi.
Cuối cùng, về phẩm tính Thiện (Cái Tốt), tác giả chia ra làm hai dạng: “đạo đức láng giềng”, tức là đạo đức của cá nhân, của “những người tốt”, tốt với người khác gồm những người thân quen và cả những người không quen; và “đạo đức của các vai trò”, tức là đạo đức trong mối quan hệ với cộng đồng, trong tư cách “công dân tốt” (thuộc mối quan hệ với quốc gia) và “công nhân tốt” (thuộc mối quan hệ với công việc mà cá nhân đảm nhiệm).
Từ đó, ông Howard Gardner đề xuất phân biệt hai khái niệm: “đạo đức” (morality) dành để chỉ dạng đạo đức láng giềng đã tồn tại từ xa xưa tới nay, của “những người tốt” và “đạo lý” (ethics) để chỉ việc thực hiện các “vai trò” của cá nhân trong xã hội, gọi là “đạo lý của các vai trò”, dành cho những Công dân tốt và Công nhân tốt (tr.165).
Sự phân biệt này là rất thú vị. Trong thực tế, không phải khi nào đạo đức và đạo lý cũng song hành, có khi đạo đức tốt nhưng lại vi phạm đạo lý và ngược lại.
Cho nên, việc phân biệt như vậy nhằm trang bị nhận thức chiều sâu và rất cần thiết cho con người hiện đại.
Một xã hội lý tưởng, cũng như một cá nhân lý tưởng phải đạt được sự cân bằng, hài hòa giữa đạo đức và đạo lý, tức là cùng một lúc thực hành những phẩm tính con người tốt, công dân tốt và công nhân tốt.
Hai chương cuối của cuốn sách này chính là những suy tư của tác giả đối với xã hội nói chung và giáo dục nói riêng để làm sao nhận thức lại và phát triển các giá trị cốt lõi của ba phẩm tính cổ điển Chân, Thiện, Mỹ.
Không tham vọng hướng tới đề xuất những giải pháp (thực ra các nhà nghiên cứu hàn lâm không làm công việc này) mà là đặt ra nhiều vấn đề chưa xong xuôi, kêu gọi suy tư và đối thoại.
Trên cơ sở tiếp nhận các tri thức có tính học thuật từ công trình của nhà tâm lý học nổi tiếng này, nhìn vào thực tiễn nước ta, tôi xin nêu ra một vài ý kiến cá nhân hy vọng được bạn đọc suy tư và thảo luận.
Thứ nhất, nước ta chưa phải đã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chủ nghĩa hậu hiện đại ở cấp độ lý thuyết, song thực tiễn xã hội lại góp phần hình thành một thực trạng gọi là cảm thức hậu hiện đại ở một bộ phận lớn công chúng đô thị, trí thức, bất chấp có được ý thức hay không.
Tinh thần cơ bản của cảm thức này là hoài nghi và giải thiêng đại tự sự (những trào lưu, chủ thuyết, lý tưởng, niềm tin …có sẵn), hướng tới tiểu tự sự (những cái bé nhỏ, đời thường, mảnh vụn…); chấp nhận một thế giới thực tại vỡ vụn, phân mảnh, thiếu tính liên kết, thậm chí hỗn loạn; xóa nhòa ranh giới giữa văn hóa đại chúng với văn hóa tinh hoa; biểu đạt thực tại theo tinh thần hoài nghi, giễu nhại, cắt dán, trò chơi…
Thứ hai, nền kinh tế nước ta đang trong lộ trình kinh tế thị trường cùng với truyền thông kỹ thuật số phát triển vũ bão với tất cả tính ưu việt và hạn chế của nó.
Kinh tế thị trường hình thành giá trị lợi ích, quan tâm tới lợi/hại, lỗ/lãi, đúng/sai, giàu/nghèo.
Truyền thông quan tâm đến tạo dựng thông điệp, quảng cáo, PR, hiệu ứng đám đông, tiêu dùng, văn hóa đại chúng…
Thứ ba, theo đó các phẩm tính Chân, Thiện, Mỹ đang thay đổi trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong các bộ môn văn học nghệ thuật ở tất cả các khâu như sáng tác, lưu giữ, phổ biến, tiếp nhận.
Tôi cho rằng, xã hội hiện nay có tình trạng suy thoái đạo đức, giả dối trở thành căn bệnh khó chữa.
Người lớn sống không thật, không có khả năng nêu gương tốt cho con trẻ; trẻ con đi học bị thói phô trương, hư danh, chạy theo thành tích, học theo “văn mẫu”, học cốt để thi chứ không phải để lấy tri thức; động cơ học tập lệch lạc, học để làm quan, tiến thân chứ không để sáng tạo, cống hiến…
Cho nên, việc giáo dục cho học sinh, giới trẻ biết yêu sự thật, lòng trung thực, yêu sự liêm chính, tin vào con người là một nhiệm vụ cấp bách.
Chân lý và niềm tin chỉ có thể có được khi con người được bước vào môi trường dân chủ, khích lệ sự thảo luận, tôn trọng phản biện, tránh độc tài, áp đặt, “học phiệt”.
Điều này có liên quan đến phẩm tính Thiện, một phẩm tính của lòng tốt, sự thấu hiểu, yêu thương, trách nhiệm với cộng đồng xung quanh và nhân loại.
Môi trường xã hội, gia đình, nhà trường giúp các em nhìn ra các khía cạnh đạo đức và đạo lý, làm một người tốt, công dân tốt và công nhân tốt…
Xét riêng trong lĩnh vực Cái Đẹp, không nên bó hẹp phẩm tính này chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật. Cái Đẹp cần được mở rộng vào tất cả các lĩnh vực của đời sống. Kinh tế có cái đẹp của kinh tế. Khoa học có vẻ đẹp khoa học.
Đó là sự sáng tạo, làm ra cái mới, khác biệt, có khả năng truyền cảm hứng hiểu biết và sáng tạo cho cộng đồng.
Thiên nhiên, môi trường sinh thái cũng là một vẻ đẹp mang tính khởi nguyên, trong lành, thiện lương.
Làm sao để con trẻ, và không chỉ con trẻ biết coi thiên nhiên là bầu bạn, coi Trái đất là Bà mẹ che chở và nuôi sống con người, tránh khai thác thô bạo và hủy diệt sự sống thiên nhiên, tạo vật; biết thưởng ngoạn thiên nhiên, yêu thiên nhiên, tìm thấy ở thiên nhiên niềm vui sống thanh sạch, nguồn năng lượng và cảm hứng sáng tạo.
Xét riêng Cái Đẹp trong lĩnh vực nghệ thuật, về cơ bản thuộc phạm trù cá nhân. Nên ngay từ khi đang học trong nhà trường, cần cho học sinh tiếp xúc với sự đa dạng nghệ thuật của nhiều bộ môn nghệ thuật thuộc nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau.
Nhờ sự tiếp xúc phong phú và đa dạng này, dần dần các em có nhãn quan và hiểu biết nghệ thuật rộng mở, không bị bó hẹp, không định kiến.
Phải thừa nhận rằng hiện nay việc giáo dục thưởng thức (và sáng tạo) nghệ thuật ở nhà trường, gia đình và xã hội Việt Nam đang quá yếu và chưa được chú trọng đúng mức.
Tác giả Howard Gardner cho rằng: “Mục tiêu của chúng ta trong nghệ thuật là sự phát triển trong mỗi con người, một danh mục những sở thích cá nhân, lý do tại sao thích, và khi thích hợp, một ghi chép những gì có vẻ là đẹp, và tại sao” (tr.274).
Để kết thúc bài viết nhỏ này, tôi chỉ có thể nói rằng, quyển sách mà ta đang nói đến của tác giả Howard Gardner có lượng thông tin và giá trị nhiều hơn những gì bài viết này nói đến.
Một người làm giáo dục, văn hóa, nghệ thuật và những ai quan tâm tới hiện trạng và tiến bộ xã hội rất nên đọc kỹ cuốn sách bổ ích này.
(vanvn.vn)