Nắng gió nỗi đời trong thơ Lê Thiếu Nhơn
"Tôi thức suốt đêm chờ một giọt nước mắt/ sao chỉ nghe những giọng cười điên đảo thị phi/… lẽ nào bút đành hạ thổ/ lẽ nào giấy đành khăn tang" (Giữa trang giấy trắng).
Chỉ tựa đề tập thơ đã chất chứa nhiều nắng gió nỗi đời. Anh nghe trong đời sống hôm nay nỗi buồn lưu cữu: "Thơ đi bên đời như tội đồ mong trắng án/ tôi đi bên đời như ngàn xưa hóa kiếp buồn" (Tạp cảm vần điệu).
Mang tâm cảm đó, những câu thơ của Lê Thiếu Nhơn xoáy sâu vào hiện thực xã hội với những xót xa: "Sự tử tế ngày càng bị đẩy vào huyệt lộ/ tôi tập làm quen với màu cúc trái vụ vì sợ mùa đi bỏ rơi mình" (Tĩnh lặng lúc giao mùa); cùng những giằng xé ý thức: "Tôi không thể trả lời giữa dại khôn xô đẩy/ thị phi cõi người lắm lúc cũng bất phân" (Viết trước giao thừa)…
Giữa những muộn phiền, đôi khi nhà thơ nhủ lòng "đành phải" để nâng mình đứng dậy, bước qua: "Đành phải tin lộc non ngơ ngác đầu cành/ đành phải tin cơn gió quê nhà xa lắc/ đành phải tin bàn chân lặn lội giấc mơ" (Viết trước giao thừa); "Đành phải tin bóng tối ngàn năm che chở/ mỗi niềm đau, số phận bạc mái đầu" (An ủi bóng tối)…
Dẫu biết rằng "Cúi xuống nghe lòng mình ái ngại/ ái ngại lòng mình cúi xuống nghe (Vỉa hè tri thức) cũng là một tự vấn day dứt của người có lòng tự trọng, song nhà thơ vẫn không ngại "phang thẳng" vào những điều chướng tai gai mắt.
Người đọc cũng nhận ra những ý tứ lắng sâu sau từng con chữ: "Tôi tìm cách đi lùi trong ký ức, đi lùi đến ngây thơ/ còn màu hoa bên mép vực dại khờ/ làm sao tìm được cách tha thứ những tiếng vỗ tay phản trắc" (Khuất nẻo mây bay); "Trong sự im lặng đã nghe nỗi khác lặng im/ kẻ chồn chân cầu nguyện bóng cũ/ người thỉnh chuông cầu nguyện hư vô" (Nỗi lặng im khác).
Lê Thiếu Nhơn viết về đời với những tâm tư trĩu nặng và tấm lòng nhân hậu. Đó là tất cả yêu thương, hy vọng anh viết cho con trai: "Con bi bô sông dài ngày xanh thẳm/ con chập chững núi cao thuở nghìn trùng/…Khi con lớn lên, người hát bên người/ những đổ vỡ ngổn ngang năm tháng cũ/ đã tan vào tiếng kẽo kẹt đưa nôi" (Gửi theo mùa xuân thơ ấu).
Phải đọc những câu thơ này mới thấm thía về thơ, buồn nao lòng nhưng đẹp làm sao: "Thương em dài đường mưa bé nhỏ/ vậy thôi, anh chẳng còn gì đáng giá/ may, có câu thơ ngơ ngác nẻo buồn" (Hồi âm cho thinh lặng).
Và, hơn hết thảy, vẫn là nghĩa tình sâu nặng quê hương, cha mẹ. Lê Thiếu Nhơn đã có những câu thơ cực hay: "Tôi lấy hơi thở của biển để nghe gần hơn ngôi nhà của mẹ/ giông bão kẻ đi xa đã lặng sóng phía khu vườn" (Trên chuyến xe ngày Tết). Ở quê nhà đó và trong tim những đứa con "lạc loài cơm áo", "bất trắc giấc mơ", luôn có bóng dáng mẹ hiền: "Chỉ dáng mẹ ngồi còn nguyên năm tháng cũ/ tôi rong ruổi đường dài có một miền chở che (Bản tụng ca khờ dại)…
Cũng rất nhẹ nhàng, trong một chiều dửng dưng, lỡ làng cơn say cũ, có người thẳng bước: "Vẫn cố chấp để chọn lấy con đường cô độc/…nhân sĩ lầm lũi đi/ can đảm không bầy đàn/ can đảm không bè cánh" (Gió heo may ngày nắng gián đoạn). Phải chăng đó là lời tự sự và sau câu thơ là bóng dáng của nhà thơ?