Một thời và mãi mãi - Nguyễn Thị Thu Sương

21.12.2015

Thạch Sanh đã dùng đàn để đẩy lui quân của 18 nước chư hầu tiến đánh vì các thái tử không cưới được công chúa Quỳnh Nga. Có thể nói, trong kho tàng truyện cổ thế giới, chỉ Việt Nam mới có câu chuyện độc đáo như vậy. Và trong cuộc chiến đấu thống nhất đất nước gian khổ, có những người lính không cầm súng nhưng vô cùng kiên cường, anh dũng. Dưới mưa bom bão đạn, họ đã mang lời ca điệu múa đến với các chiến sĩ trước giờ ra trận. Để đem nguồn sinh khí mới cho đồng đội, nhiều người đã ngã xuống khi tuổi đời còn xuân xanh.

 

Một thời và mãi mãi - Nguyễn Thị Thu Sương


Tháng 4 năm 2013, trong đoàn đi thực tế đường Tuần tra biên giới từ Quảng Nam đến Gia Lai có nghệ sĩ ưu tú Mạnh Hùng và nhạc sĩ Quang Thức. Họ đã từng đi bộ ba tháng trời, vượt đèo cao, vực sâu, đói rét, ốm đau, bom rải thảm... mới vào đến Quảng Nam. Chuyện 45 năm trước vẫn rời rợi bởi đó là chuyện của những người vượt qua cõi chết và cũng bởi núi non vẫn đây, chất ngất, lừng lững. Đường đã mở rộng nhưng cheo leo, khúc khuỷu, lúc xe ngược lên trời, lúc chúi mũi xuống vực. Người lúc bị xốc lên, lúc dằn xuống, cả xe “đoàn kết” dạt cả sang phải rồi dạt cả sang trái, bật ngửa ra sau, chúc đầu về trước, ruột gan như lộn nhào lên cả, hết níu đai, lại phải đu người lên cho đỡ xóc. Nghệ sĩ Mạnh Hùng và nhạc sĩ Quang Thức được trở lại những tháng ngày tuổi trẻ hào hùng nhưng rồi lực bất tòng tâm, chỉ đi hết đoạn đường của tỉnh Quảng Nam đành ngậm ngùi bỏ dở nửa chừng chuyến trở về chiến trường xưa. Lái xe cho chúng tôi biết, anh đã nhiều lần đưa văn công đi biểu diễn ở các công trường. Vài giờ đầu, các cô là chim chích sau đó là gà rù. Đến bữa chỉ ngồi chống đũa! Không biết sao cha anh mình giỏi thế chứ! 

Tháng 4 năm 2014, trong một lần đi thực tế sáng tác, tôi được ở cùng phòng với chị Đào Thị Minh Vân. Vóc dáng nhỏ nhắn và nụ cười rất trẻ thơ làm sáng tỏa cả khuôn mặt khiến tôi cứ băn khoăn: chị đã “chiến đấu” với Trường Sơn, với mưa bom bão đạn như thế nào?

Chị Vân cười: vào Đoàn Văn công Quân khu 4 năm 1962, khi mới 15 tuổi sau đó được cử đi học trường Múa ở

Hà Nội. Sân khấu trong nhà bằng phẳng, mưa chẳng tới mặt, nắng chẳng tới đầu. Bài học với những động tác mà tên gọi cũng rất “tiểu thư”: hái đào cao, hái đào thấp, soi gương, đề thơ... Mới một năm thì chị được gọi về để đi biểu diễn phục vụ chiến trường. Lúc này tuyến lửa Quảng Bình đã rất ác liệt. Sân khấu biểu diễn lúc ở trên đỉnh đèo, giữa trận địa pháo, lúc ở trước một trạm chỉ đường có cả lái xe vừa dừng xe đợi lệnh, chiến sĩ công binh vẫn còn cuốc xẻng trong tay, có khi lại trong hầm thường trực chiến đấu của tiểu đội công binh ngay trên trọng điểm. Nhiều lần đang diễn thì máy bay địch tới ném bom nhưng anh chị em vẫn múa hát.

Một lần chị đang biểu diễn ở trận địa pháo cao xạ của anh hùng Nguyễn Viết Xuân, các anh bộ đội vỗ tay hoan hô điệu múa của chị quá trời thì máy bay địch đến đánh phá. Bom đạn nổ dựng đất. Anh bộ đội vừa hoan hô tiết mục chị múa vài phút trước đó cánh tay đã bị chặt đứt sát bả vai, máu nhuộm đỏ áo. Có lần đang biểu diễn cho một đơn vị thanh niên xung phong ở Quảng Bình, máy bay địch ào tới thả bom. Chị công nhân đẩy goòng nhảy xuống hầm sau chị chỉ một phút mà mảnh bom cắt mất nửa mặt và nửa vai phải. Năm năm trên tuyến lửa, không biết bao lần chị cận kề cái chết như vậy.

Sau Tết Mậu Thân 1968, chị được điều về Đoàn Văn công Quân khu 5. Khát vọng hòa bình dường như là lý tưởng sống của thanh niên lúc bấy giờ nên gọi đến ai ra chiến trường là người ấy đi, đó là một trách nhiệm. Đoàn được đi xe vào đến miền Tây Quảng Bình thì bắt đầu đi bộ theo dọc dãy Trường Sơn. Là văn công quân đội nhưng khi hành quân chỉ mặc áo bà ba, lưng đeo ba lô trang phục, nhạc cụ. Hầu như hết đèo dốc là suối khe. Từng nhóm đi theo các bộ môn: ca, nhạc, chèo, kịch nói, múa, đoàn bộ (hành chính). Ngày hôm sau thì đổi theo thứ tự. Ngày nào đi đầu rất mừng vì được đi theo sự tự chủ của mình. Mỗi khi giao liên thông báo đi đến 4 giờ chiều là reo mừng bởi được nghỉ một chút trước khi dựng sân khấu biểu diễn.

Phải bám giữ khoảng cách, mệt cũng phải cố để khỏi lạc đường và tránh thú dữ. Trước khi đi chị được mọi người truyền kinh nghiệm: chống cọp thì lấy bẹ chuối rải quanh chỗ nằm. Gặp voi thì chạy lên hay chạy xuống đều bị nguy hiểm mà phải chạy ngang núi. Gặp gấu thì chạy xuống... 

Nắng thì khát thì nóng. Mưa thì đường trơn, lầy sụt. Lũ suối hung dữ và bất chợt. Càng đi càng đèo dốc càng nhanh đói. Đói và khát. Mỗi ngày hành quân được một bi đông nước. Leo vài cái dốc họng đã khô rộp. Vậy là các chị có sáng kiến, chọc thủng mắt gậy để khi qua suối là có thể uống mà không phải dừng lại. Khổ nhất là vào kỳ kinh nguyệt. Không có thau chậu, chị em phải đào hố, lót lá chuối rồi đổ nước vào giặt. Rồi ai cũng bị sốt rét. Người sốt sớm, người sốt muộn. Không một ai không sốt nên mọi người gọi đó là nghĩa vụ. Chị Vân bị sốt rét 3 tháng trời. Những cơn sốt ập đến bất chợt da xám ngoét, tóc rụng nhiều. Nhưng dù có sốt mấy, đến giờ là dậy múa, là quên hết ốm đau, nhức mỏi. Không riêng chị, mà ai cũng vậy.

Nghệ sĩ Hải Liên của Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trung bộ vào chiến trường đầu năm 1965 kể: Chân nặng như đeo đá, mắt hoa đom đóm, người rã rời. Đi rồi mới biết một điều dường như nghịch lý: trèo đèo, lội suối lại dễ đi hơn là xuống dốc. Mỗi khi xuống dốc, đùi đau tức, dù có thả từng bước! Rồi chân bị bỏng rộp, tróc da rát rạt vắt chui vào hút máu đau ghê gớm. Bụng rỗng như trống nhưng không thiết ăn uống, chỉ mong đến trạm nghỉ là nằm vật xuống. Hầu như người nào cũng vậy, dọc bờ suối cơm đổ trắng xóa mặc dầu ai cũng biết hạt gạo ở chiến trường quý như vàng. Chừng một tuần sau mệt mỏi giảm dần, ăn mới biết ngon.

Cũng hành trang mang nặng cũng lộ trình hành quân như nhau nhưng đến trạm nghỉ, anh em chỉ nghỉ một chút rồi chặt cây, dọn dẹp dựng sân khấu biểu diễn phục vụ bộ đội. Chỉ 45 kg nhưng những địa danh hiểm trở vùng Quảng Đà đều có dấu chân chị. Gần 50 năm rồi nhưng chị Vân vẫn nhớ cái cảm giác khi lên Đèo Gió. Gió u u, nước thì lạnh băng. Lên đến đỉnh khát rộp họng nhưng uống nước cũng phải rùng mình.

Ngủ võng đã cực, nằm ngủ dưới hầm còn cực hơn. Nhất là vào mùa mưa.  Trước khi ngủ phải tát nước sau đó mới móc võng. Nước dâng lên ướt võng thì dậy. Cũng may là khi lạnh lưng thì trời đã gần sáng. Có khi mắc võng ngủ, lũ rừng tràn về bất chợt, anh em gọi nhau cuốn tăng võng chạy không kịp. Có khi lúc đi, dòng suối xanh trong róc rách uốn lượn nhưng chiều về đã biến thành một dòng thác gào thét hung dữ.

Giữa chiến trường, nơi trai trẻ của một nửa đất nước đổ về, phụ nữ là nỗi khát khao. Với văn công, nhất là diễn viên múa đa số là người đẹp nên đi đến đâu là được đón chào nồng nhiệt. Trong khi bộ đội thiếu đói từ gạo đến rau nhưng đoàn đến là nhường cho mùng, mền, xà phòng. Các chị hiểu mình là đại sứ của niềm vui đến với họ nhất là với các chiến sĩ từ miền Bắc vào. Lúc ấy không còn là đồng hương mà giống như là người thân yêu, ruột thịt vậy. Họ nói chưa cần biểu diễn đã thấy vui mừng vô cùng. Sau khi xem, nhiều người nói: bây giờ chúng tôi vào trận có chết cũng thỏa mãn.

Diễn viên múa cũng như chiến sĩ, vai ba lô trang phục, vai mang nhạc cụ, bao đàn thường cao quá đầu, gạo nước... Đã có lần địch thấy bao đàn tưởng súng liền nhả đạn. Cả đoàn dạt ra ẩn tránh chứ đâu có súng mà đánh lại.

Diễn viên mình hạc vóc mai nhưng đặt ba lô xuống là đã phát dọn cây. Chỉ phát dọn khẩn trương cho kịp giờ biểu diễn nên sân khấu lổn nhổn đá, thậm chí có cả gai góc. Có những thời gian ác liệt, 5 lần dựng sân khấu rồi lại bỏ vì máy bay thả bom, vì địch càn, vì bộ đội chuyển quân... Đến lần dựng thứ 6 mới diễn được. Thế nhưng, cái cảm giác đối đầu với bom đạn vẫn có lúc ngưng, chỉ sợ nhất là đói. Là nữ diễn viên múa, ăn uống phải điều độ để giữ thể trạng nhẹ nhàng nhưng lúc này một người mỗi ngày chỉ được hơn nửa lon gạo “bọc thép” (loại gạo rẫy, hạt đỏ phải nấu hơn nửa giờ mới chín). Phải hái rau dớn, củ móng ngựa, măng nứa, rau rừng độn thêm. Thức ăn thì chỉ độc muối hầm và cũng chỉ vừa đủ mặn. Đói liên miên, đói thường trực. Chị Vân kể: Lúc ấy cái gì cũng đổi. Diễn viên mà kẹp tóc cũng đổi rồi lấy dây rừng buộc. Vì vậy dù rất sợ nhưng vẫn xung phong đi lấy cháo cho bạn với hy vọng bạn không ăn thì mình sẽ được ăn mặc dù đường đi đến bếp phải qua dốc núi, thú dữ, rắn, vắt... Quy định sốt cao hơn 390 mới được ăn cháo gạo còn thấp hơn thì chỉ được ăn cháo sắn. Cho nên nhiều khi mong sốt cao để được ăn cháo gạo. Một lần thấy nấm, các anh chị diễn viên đoàn tuồng đã lấy về ăn. Một người bị chết ngay, hai người còn lại phải cấp cứu. Cuộc chiến kéo dài, ngày càng ác liệt, ngày càng gian khổ, thiếu thốn. Thiếu cả muối trắng. Đi ăn sớm thì được 3 hạt muối to, đi muộn chỉ được 3 hạt nhỏ.

Sân khấu không bằng phẳng nên các động tác bê cao bê thấp, lăn, lộn phải lượt bớt. Hơn nữa, diễn viên nam không thể có sức để bồng diễn viên nữ lên sau cả chặng dài trèo đèo lội suối. Micro không có, người nghệ sĩ phải cố gắng vận hết nội lực để truyền tiếng hát đến chiến sĩ, đến với bà con. Có khi đang hát thì pháo bắn đến vẫn cứ hát, hát hết sức mình cho át tiếng pháo. Chỉ khi pháo bắn cấp tập mới ẩn nấp. Hết máy bay, hết pháo lại múa hát, ngâm thơ, diễn kịch… 

Diễn viên múa Phương Thảo được ví là “thiên nga” của Đoàn Văn công Giải phóng Trung bộ. Nắng núi, mưa rừng, bữa ăn thường chỉ có củ mì, rau tàu bay và những cơn sốt rét... đều bất lực trước làn da trắng hồng của cô. Phương Thảo như một kiệt tác của tạo hóa. Sau mỗi đợt dàn dựng, cô cùng Ðoàn Văn công đi lưu diễn khắp vùng giải phóng ở Ðại Lộc, Ðiện Bàn, Duy Xuyên... Chàng trai nào gặp Phương Thảo cũng ngây ngất trước sắc đẹp và sự nhí nhảnh, dễ thương của cô. Ở đâu, bà con cũng vây quanh, trầm trồ: con gái nhà ai mà đẹp như tiên giáng trần! Ngày 6/4/1967, khi về đồng bằng tham gia biểu diễn và bồi dưỡng chuyên môn cho Đoàn Văn công Giải Phóng Quảng Đà, Phương Thảo đã bị một mảnh đạn cối xuyên qua ngực. Nghe tin Phương Thảo hy sinh, bà con làng La Tháp - Thanh Châu chạy đến hỏi han, ai cũng ứa nước mắt. Anh em đoàn văn công liên hệ với du kích Xuyên Thanh, Xuyên Lộc cùng bà con địa phương, tổ chức khâm liệm, chôn cất Phương Thảo.

Tháng 12 năm 1968, Đoàn Văn công Quân khu 5 đang trên đường trở về hậu cứ sau đợt biểu diễn thì B52 ném bom. Đoàn lọt vào giữa trận bom. Mặt đất như vỡ ra, khói thuốc bom đặc nghẹt. Xen giữa các trận B52 là B57. Hai bên bờ suối, bộ đội bị sức ép chết rất nhiều. Đội hình tan tác, mọi người chạy tán loạn, phải dẫm lên xác đồng đội để chạy. Lúc ấy ở hậu cứ, Tư lệnh Chu Huy Mân nghĩ Đoàn văn công đã hy sinh nên cử một đoàn cán bộ y tế, hộ lý, cáng thương xuống đem về nhưng địch đánh dữ quá, đoàn cứu thương phải quay về. Nhìn đồng đội bị vùi trong mưa bom mọi người nước mắt chảy tràn chứ không làm được gì. Trận bom kéo dài từ 12 giờ trưa đến 17 giờ chiều. Thế rồi như một phép màu, mười tám giờ chiều, từng người lần lượt, y như đội đất đứng dậy trở về. Trong trận bom này, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thông tin Quân khu 5, anh hùng Ngô Lê Tân hy sinh.

Một lần, Đoàn vào Quảng Nam biểu diễn cho Trung đoàn Hoàn Kiếm. Trung đoàn với đa số là sinh viên Hà Nội, rất trẻ, rất đẹp trai. Biểu diễn xong đã 9 giờ đêm, Đoàn được lệnh hành quân vào Quảng Ngãi. Đường rừng lại đêm tối, Trung đoàn cử 5 chiến sĩ trinh sát dẫn đoàn đi. Các anh rất vui khi nhận nhiệm vụ dẫn đoàn. Trên đường đi, có lúc gặp địch nhưng các anh đã đưa đoàn đến nơi an toàn. Giao xong, 5 chiến sĩ trở lại đơn vị thì hy sinh vì pháo địch. Khi nghe tin này, cả đoàn bật khóc. Họ đã chết cho mình được sống. Vì yêu cầu khẩn cấp, không ai kịp hỏi tên các chiến sĩ mà chỉ biết đó là những sinh viên Hà Nội, rất trẻ rất đẹp trai.

Đạo diễn Lê Huân là người học khóa biên đạo đầu tiên của trường Múa Việt Nam (1959 - 1964). Anh nói: Múa là dùng ngôn ngữ của cơ thể để biểu đạt một tác phẩm nghệ thuật. Một điệu múa không chỉ có chủ đề, hình tượng, âm nhạc mà còn có mỹ thuật, trang trí, phục trang. Với điêu khắc chỉ cần có ý tưởng là có tác phẩm thì múa được ví là điêu khắc động. Còn nói theo văn học thì múa là dùng cơ thể để viết. Cho nên biên đạo múa không chỉ học ngôn ngữ múa Việt Nam, ngôn ngữ múa thế giới mà còn học mỹ học, triết học... Yêu cầu tuyển chọn diễn viên múa rất khắt khe. Điều đầu tiên là hình thể. Vóc dáng thanh thoát rồi mới đến khả năng tiếp thu âm nhạc, nhịp điệu, tiết tấu... Gan bàn chân không được lõm và cũng không được đầy vì khi nhảy sẽ dội lên tim, ảnh hưởng tim. Nhất là với nữ. Diễn viên múa nữ không những cần vóc dáng mảnh mai, chân dài và gương mặt đẹp mà phải giữ thể trọng 40 - 45kg để khi múa đôi, diễn viên nam mới bồng bế thể hiện các động tác bê cao, bê thấp. Nhìn ngoài tưởng nhàn nhã nhưng thực ra múa là lao động nặng.

Năm 1968, đạo diễn Lê Huân được điều vào công tác ở Đoàn Văn công Quân khu 5. Ba tháng trời hành quân, khi bám hốc đá leo qua những ngọn núi hiểm trở, những ngọn đồi lửa bom vẫn nghi ngút, khi qua các bãi bom dài 2 - 3km. Bom đạn, sốt rét, đói khát... đeo nặng suốt hành trình. Có một lần Đoàn hành quân đến một con suối, chị em đang lấy quần đùi thay cho quần dài để qua suối thì anh phát hiện bên kia suối có chừng 60 - 70 anh bộ đội. Họ ở truồng tồng ngồng và chuẩn bị qua suối. Anh vội kêu lên: các anh ơi, có văn công đấy. Tưởng các anh bộ đội sẽ hoảng hốt khi nghe tin có nữ nhưng ngược lại, họ tỉnh rụi: sốt rét rụng hết mẹ cả rồi. Và rồi họ cứ để tồng ngồng vậy mà qua suối khiến chị em văn công trốn hết vào bụi.

Thực tế trần trụi của chiến trường như vậy nhưng không làm cho chị em bi quan mà càng dốc sức vào công việc. Sau lần 5 chiến sĩ trinh sát dẫn đường hy sinh, Đoàn đã dành một phút mặc niệm trước buổi diễn.

Đạo diễn Lê Huân nghẹn lời. Một lúc sau anh mới nói tiếp: Trong nghệ thuật, kỹ xảo luôn hỗ trợ diễn viên trong việc biểu hiện tình cảm. Ở chiến trường không thể thay đổi phục trang nhiều mà đa số phục trang là quân phục, ánh sáng và micro không có nên chỉ dùng diễn xuất để thể hiện vì vậy chỉ có biểu diễn hết mình, biểu diễn với trái tim nồng nhiệt thì mới truyền tới trái tim người chiến sĩ. Nhất là với những chiến sĩ ngay sau đêm diễn của mình sẽ ra trận, sẽ có người nằm xuống mãi mãi. Trang thiết bị, đạo cụ đơn sơ nhưng với tình yêu thương người chiến sĩ, với niềm tin chiến thắng, mọi người đã biểu diễn với cả trái tim nồng nhiệt.

Chiến trường Quảng Đà ác liệt từ đầu chiến tranh cho đến ngày giải phóng. Ngay cả khi Hiệp định Pari được ký kết vẫn giành nhau từng tấc đất. Bom đạn ác liệt, đói khát triền miên. Nghệ sĩ Ưu tú Kim Oanh của Đoàn Văn công Giải phóng Trung Trung bộ kể: chị thuộc dạng khỏe nhất trong số chị em nữ của đoàn nên được cử đi gùi gạo ở Bình Sơn. Đường xa mà chị gùi đến 40kg (tương đương với trọng lượng cơ thể chị). Đi mải miết, ngang đâu ngủ đó. Có khi nằm lại giữa một đơn vị bộ đội. Có lần đi gùi gạo tận Bình Sơn, về tới dốc B7 thì cứ lên được một bước lại ngồi xuống khóc. Tết năm 1973, chị cùng trưởng đoàn Nguyễn Văn Lào, nghệ sĩ múa Đào Duy Phùng, nghệ sĩ múa A Lăng Vân đi bộ 3 ngày đường mang theo chiếc đài Panasonic 3 pin để đổi cho bà con dân tộc lấy thực phẩm. Đến nơi, gặp bà con đang ăn tết dân tộc, họ mời 3 người 3 tô cháo có 3 con chuột sấy khô đen thui nằm ngang miệng bát. Biết bà con rất quý trọng mới thết đãi vậy và mình cũng đang đói mờ mắt nhưng chị không dám ăn. Bà con dân tộc chỉ thích đài nào rà được nhiều nhạc mới đổi nên rà tìm được chương trình ca nhạc xong là ba người dẫn heo về đơn vị. Heo của bà con quen thả rông, nay bị dông dây nên cứ nhè vào bụi cây mà chạy khiến chị và hai đồng nghiệp chạy theo mướt mồ hôi. Sang ngày thứ hai, heo mệt không chịu đi nên người kéo, người lấy roi xua nhưng chỉ được một quãng rồi thì có quất heo cũng nằm ì, phải khiêng. Sang ngày thứ 3 thì chị và nữ đồng nghiệp đói, mệt không khiêng nổi phải để đồng đội nam ở lại trông heo rồi về gọi người đến khiêng về.

Nghệ sĩ Ưu tú Thiện Tâm, cũng thuộc Đoàn Văn công Giải phóng Trung Trung bộ kể: Mùa lũ năm 1973, cạn kiệt lương thực, đoàn cử 12 người khỏe nhất đi Đắk Glei lấy gạo. Nhận gạo xong, gùi về đến dốc Lò Xo thì gặp lụt, phải nằm lại. Mưa kéo dài, một tháng nằm chờ dài đằng đẵng bởi biết mình ở đây còn có gạo ăn còn anh em ở đoàn đang đói. Vậy là các anh đặt lời mới cho bài hát “Anh vẫn hành quân”: Bên dốc Lò Xo, trên đường đi cõng gạo. Lũ tràn lên nhanh quá, mưa dăng khắp núi rừng. Đoàn văn công đang đói, hết bắp mọt rồi lá sắn, mong đoàn quân tới đích. Dù đường trơn dốc đứng, vẫn trên đường đi tới, cõng gạo anh trở về... Hu hù hu hú hù... Anh em bàn nhau về đến trước đoàn sẽ xếp hàng 1 và hát vang bài ca vừa được cải biên. Thế nhưng, vừa về đến nơi thì mọi người ùa ra ôm chặt, chẳng thể thực hiện được kế hoạch đã định. Gạo chỉ còn chút ít dưới đáy bao nhưng mọi người ở đoàn vui mừng khôn xiết vì đồng đội đã trở về an toàn.

Nghệ sĩ Nguyễn Trường Hoàng, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố Đà Nẵng không có hành trình dọc Trường Sơn bởi anh cắm rễ tại chiến trường Quảng Đà ngay từ ngày đầu chiến tranh. Năm 1964, anh đã là Trưởng đoàn Đoàn Văn công Quảng Đà. Quân số chỉ chừng 25 - 30 người, chưa ai lập gia đình. Địa bàn hoạt động là những vùng đất giải phóng cài răng lược của Hội An, Hòa Vang, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc và Đà Nẵng. Mỗi khi nghe đoàn văn công bộ đội về biểu diễn, bà con ta đều nô nức đi xem. Biết đi xem văn nghệ có khi bị pháo chụp, bị bom tọa độ rập rình, vậy mà bà con rất ước ao được xem. Khi biểu diễn, đèn măng-xông phải che kín, chỉ chừa một khoảng cho ánh sáng chiếu vào sân khấu. Máy bay đến là tắt đèn, máy bay đi tiếp tục biểu diễn. Với tinh thần phục vụ hết mình, ban ngày gặp dân đi củi anh chị em cũng mời họ nghe hát, biểu diễn kịch, tấu “Tổng ngốc sa lầy”, “Trên tuyến đầu chống Mỹ”. Bà con xem rồi vỗ tay, reo cười. Thậm chí, vào dịp tết lễ ngừng bắn, có những người lính ngụy còn đề nghị được nghe hát.

Nghệ sĩ Nguyễn Trường Hoàng kể: Cuộc chiến ngày càng ác liệt, ngoài các cuộc vây ráp, càn quét địch thường xuyên bắn pháo, thả bom vùng giải phóng. Nguy hiểm nhất là loại bom tọa độ mà bà con gọi là bom rớt gióng. Bom nổ bất thình lình, gây chết chóc, bị thương bất ngờ, làm cho con người luôn có cảm giác bất an. Anh Từ Văn Giới đi biểu diễn về mang cây đàn măng-đô-lin xuống hầm nằm đàn hát. Một quả bom nổ tung hầm, anh Giới văng lên mặt đất, chết khi cây đàn vẫn nằm trong tay. Anh Võ Hữu Quý về đồng bằng cõng gạo lên đến Eo Gió, Đại Lộc đã hy sinh vì bom B52. Đau thương nhất là 8 giờ sáng ngày 24 tháng 1 năm 1968, đoàn đang tập trung ở thôn Vân Ly, Gò Nổi tập vở kịch “Chiều cuối năm” của tác giả Phan Tăng Nhân, chuẩn bị biểu diễn cho cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân thì một đợt bom tọa độ rơi đúng vào nơi tập làm 13 người chết. Trong đó có nhạc sĩ Văn Cận của Đoàn Văn công Quân khu 5 về giúp đỡ xây dựng chương trình, biên kịch Phan Tăng Nhân, Phó đoàn Hoàng Duy Nghĩa, Bí thư chi đoàn Nguyễn Văn Tỷ, diễn viên kiêm y tá Hoàng Văn Trum cùng nhiều diễn viên.

Mắt đỏ hoe, giọng nghẹn lại một lúc, nghệ sĩ Trường Hoàng nói tiếp: Tất cả diễn viên đã hy sinh khi chưa ai lập gia đình. Bí thư chi đoàn Nguyễn Văn Tỷ trước khi nhắm mắt gọi người yêu là Hoàng Ngọc Lan đến dặn dò: anh muốn cùng em làm lễ cưới sau khi thống nhất đất nước. Nay nhiệm vụ chưa hoàn thành. Em ở lại chiến đấu.

Anh em cử vài người đưa chị em nữ qua Xuyên Thanh còn số anh em nam ở lại phân công nhau lo chôn cất đồng đội rồi sau đó phân công người thay vai, luyện tập để kịp phục vụ tết. Chiều 30 Tết Mậu Thân, dù anh em vừa diễn vừa khóc, diễn xuất không cao nhưng sau khi tổng duyệt, vở kịch đã được đưa ra biểu diễn cho bà con xem. Đau thương không làm chùn chân những người chiến sĩ trên trận tuyến văn hóa. Có lần, Đoàn đang biểu diễn ở Xuyên Khương, huyện Duy Xuyên thì địch bắn lủng màn nhưng anh chị em vẫn biểu diễn. Đoàn Văn công Quảng Đà sau này được bổ sung thêm nhiều bộ môn với các tên gọi qua nhiều giai đoạn và hoạt động mạnh mẽ hơn. Cho đến ngày thống nhất đất nước, chỉ riêng Đoàn Văn công Quảng Đà đã có 25 người hy sinh, 21 người bị thương. Nghệ sĩ Hải Liên cùng vợ là nghệ sĩ Phạm Thị Hữu Ích và nhiều đồng đội của anh bị địch bắt vào ngày 13/9/1966 khi về công tác ở Bình Định. Gần 7 năm trời bị tra tấn tàn bạo, đến ngày 18/2/1973 địch mới trao trả họ tại sông Thạch Hãn, Quảng Trị. 

Những người lính trên mặt trận văn hóa đã chiến đấu lặng lẽ mà hiên ngang. Nhiều người đã nằm xuống mãi mãi ở tuổi đôi mươi. Máu xương của họ cùng máu xương hàng triệu chiến sĩ làm nên Khúc hoan ca ngày 30 tháng 4 năm 1975.

N.T.T.S