Một nhạc sĩ nghiệp dư được tuổi thơ yêu quý

11.06.2018


Đó là nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích (1940 - 2015), suốt đời ông là nhà giáo, sáng tác chỉ là "tay trái". Vậy nên số lượng tác phẩm không nhiều. Nhưng chất lượng thì không thua kém bất cứ một nhạc sỹ viết cho thiếu nhi thực thụ nào.
Gia tài ca khúc dành cho tuổi thơ của Hàn Ngọc Bích chỉ vỏn vẹn chưa tới hai chục bài. Nhưng ông để lại được một nửa trong số đó là những bài rất nổi tiếng mà thế hệ thiếu nhi thời chống Mỹ không ai không biết, không thuộc. Nhiều bài vẫn có đời sống bền vững cho tới hôm nay.

Một nhạc sĩ nghiệp dư được tuổi thơ yêu quý

Tại các cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ dành cho học sinh, những ca khúc của ông vẫn thường xuyên được vang lên. Có thể các ca sỹ nhí ngày hôm nay không biết gì về bối cảnh ra đời những bài hát ấy nhưng lại rất thích thú mỗi khi cất lên giai điệu.  

Hẳn là những người hôm nay đã làm cha, mẹ, thậm chí ông, bà không thể không nhớ một bài hát rất xinh xắn mà thuở đi học mẫu giáo ngày trước mình vẫn hát: “Eo eo eo! Rửa mặt như mèo. Xấu xấu lắm chẳng được mẹ yêu. Khăn mặt đâu mà ngồi liếm láp. Đau mắt rồi lại khóc meo meo” (Rửa mặt như mèo).

Chính tôi mãi tới khi tiếp xúc với Hàn Ngọc Bích vào khoảng năm 1977 rồi chơi thân với ông mới biết bài hát này của bạn mình trong khi con nhỏ của tôi khi ấy suốt ngày hát. Ngoài ra, ông còn một bài dành cho tuổi mẫu giáo khác cũng rất nổi tiếng (viết cùng Văn Dung) là bài “Em đố mẹ em”: “Em đố mẹ em Mỹ rơi bao máy bay…. Mẹ bảo chịu thôi làm sao đếm được máy bay giặc Mỹ nó rơi hàng ngày”.

 Không hẳn là Hàn Ngọc Bích “già hóa” ca khúc thiếu nhi mà tôi cho rằng chính như vậy mới phù hợp với tuổi thơ Việt Nam luôn vất vả, chịu đựng cuộc sống khắc nghiệt trong sản xuất và chiến đấu. Đó là tuổi thơ của một dân tộc luôn phải gồng mình lên để đương đầu với mọi cam go lớn, nhất là trong thời chiến. Ta hãy nghe kỹ bài “Đưa cơm cho mẹ đi cày” - một trong những ca khúc thiếu nhi hay nhất trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước của nền âm nhạc Việt Nam: “…Mẹ ơi, mẹ nghỉ tay. Trời trưa vừa tròn bóng. Mẹ ăn cơm cho nóng. Mẹ để trâu cho con chăn…”.Đó là hai bài dành cho tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Còn lại là viết cho tuổi nhi đồng, thiếu niên với những bài có phong vị đặc biệt, không thể lẫn  với bất cứ tác giả nào khác cũng viết cho thiếu nhi. Đương nhiên là giai điệu phải trong sáng, hồn nhiên như tuổi thơ nhưng nếu nghe kỹ, ta thấy có chiều sâu, phảng phất nỗi niềm suy tư.

Lời lẽ bình dị nhưng giai điệu nghe có cái gì đó hơi buồn buồn, ít nhiều trầm tư chứ không sôi động, nhí nhảnh, phơi phới như hầu hết những bài hát thiếu nhi cũng rất hay mà ta vẫn thấy. Khi tôi nói điều trên với Hàn Ngọc Bích thì ông lấy làm cảm động và thú vị, cho rằng tôi đã “lý luận hóa” một cách rất chí lý sáng tác của mình chứ thực ra lúc ông viết, không có ý thức đó mà là bài hát được ra đời sau khi đứa con gái đầu lòng mất.

Ông viết trong tâm trạng tiếc thương, đau buồn nên mới tuôn ra giai điệu như vậy. Những ca khúc khác của ông như “Cây bàng trước ngõ”, “Tiếng chim trong vườn Bác”, “Em bay trong đêm pháo hoa”, “Tre ngà bên lăng Bác” đều được tuổi thơ truyền tụng đến ngày hôm nay.

Có thể nói bài hát nào của Hàn Ngọc Bích cũng hay, giai điệu trong trẻo, ca từ giàu chất thơ mà vẫn gần gũi dung dị. Sở dĩ ông không để lại số lượng nhiều vì công việc dạy học rồi sau đó là nghiên cứu choán hết thời gian, sáng tác chỉ có thể là tay trái. Nhưng đó chỉ là một phần. Phần quan trọng hơn là ông viết một bài không dễ dàng mà khó khăn, trăn trở, sửa đi sửa lại, tu chỉnh quá kỹ lưỡng.

Sự khó tính trong sáng tác chính là nguyên nhân khiến ông không nhiều về số lượng nhưng các tác phẩm của ông khi ra đời lại đạt chất lượng cao như ta đã thấy và công chúng đón nhận. Không phải tác giả nào cũng có được phẩm chất rất cần thiết này. Có những năm tháng tôi và ông ở gần nhau, chỉ cách chừng mấy trăm mét nên có điều kiện thường xuyên gặp nhau, thù tạc.

Cũng như tôi, ông không biết uống rượu, bia, thuốc lá, cà phê. Nhưng đàm đạo về âm nhạc, văn chương thì không bao giờ cạn chuyện. Viết được bài nào, ông lại đến hát cho tôi nghe. Hỏi sáng tác bao giờ thì ông nói viết xong đã mấy tháng. Lại hỏi sao không cho nhau biết ngay mặc dù vài ngày gặp nhau một lần. Ông bảo viết xong nhưng chưa vừa ý, cứ để đó ngẫm nghĩ thêm, đến khi thật vừa ý mới có thể cho tôi nghe.

Có bài tôi góp đôi điều, ông tiếp thu liền nhưng không sửa hoàn toàn theo ý tôi mà thay đổi theo hướng khác. Lại mất mấy tháng nữa mói xong. Ông thú thật với tôi là “mình sáng tác như đánh vật”. Nhưng ở khâu sửa lại, chứ ngay từ đầu thì cũng khá nhanh khi cho ra phần “thô”. Tôi rất nể Hàn Ngọc Bích khi ông có phẩm chất không nhiều người sáng tác có. Đó là rất cầu thị, phục thiện, chịu khó lắng nghe mọi lời góp ý của người khác, kể cả đó chỉ là một người rất bình thường, trình độ hiểu biết thấp như anh thợ cắt tóc, ông sửa xe đạp, bà ve chai.

 Thế là sau đó, Hàn Ngọc Bích vứt hẳn bài đó đi mặc dù ông nói trước đó đã mất công cả tháng để viết nên. Ông còn trách tôi là không nói thẳng như bà bán quán kia. Nhưng ông nói: “Thực ra, ông tế nhị không nói ra nhưng cứ quan sát cái cách nghe của ông là tôi thấy bài của mình ra sao rồi”. Tuy nhiên có lần tôi nói với ông: “Bài Đưa cơm cho mẹ đi cày có câu “Mẹ để trâu cho con chăn, con chăn”.Tôi nhớ mãi một lần chúng tôi hàn huyên tại một quán trà chén. Hàn Ngọc Bích hát cho tôi nghe một bài mới. Ông muốn nghe ý kiến của tôi. Rồi ông quay sang hỏi bà chủ quán: “Chị nghe thấy bài vừa rồi thế nào? Có nghe được không?”. Bà ta trả lời: “Tôi thì biết gì mà các anh hỏi”. “Không. Chị cứ nói đúng cảm nghĩ của mình. Nghe thấy hay, hay là ngang, không thích?”. Lúc này bà ta mới nói: “Tôi thấy trúc trắc, nghe không xuôi tai”.

Nếu đọc thì biết “chăn” ở đây là động từ. Nhưng nghe thì có thể nghĩ là danh từ, tức con trăn. Vậy nên chăng hãy sửa lại là “Mẹ để trâu cho con chăn, chăn trâu”. Tất nhiên, sửa lại về ý nghĩa không hay bằng trước nhưng tránh được ý nghĩ con trăn như đã nói. Hàn Ngọc Bích lấy làm tâm đắc, đồng ý ngay. Nhưng ông nói: “Tiếc là mình gặp ông muộn quá. Bài hát này thu thanh từ lâu, phổ biến mất rồi. Làm sao sửa lại được đây”.

Hàn Ngọc Bích có nhiều phẩm chất, nét tính cách khác người khiến tôi quý, nể. Trong khi nhiều người cũng có sáng tác ca khúc nhưng chẳng ai để ý, luôn tự xưng là nhạc sỹ ở mọi nơi thì ông lại chỉ coi mình là người yêu thích âm nhạc, sáng tác nghiệp dư mặc dù nổi tiếng, là hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam từ lâu.

Ở đâu, nếu ai giới thiệu ông là nhạc sỹ, ông lập tức cải chính: “Tôi là nhà giáo, không phải nhạc sỹ”. Có người cho rằng kiểu cách của ông mới thực là kiêu. Ông bảo đó là vì tâm đắc với điều tôi vẫn nói: “Ở Việt Nam, chỉ có chừng mấy chục người xứng đáng được gọi là nhạc sỹ (compositeur) vì sáng tác được khí nhạc (nhạc không lời). Còn lại chỉ là người viết ca khúc (chansonnier)".

Lại có lần, nghe danh, người ta mời ông tham gia cuộc đi thực tế để sáng tác ca khúc dành cho người lớn. Ông nói luôn: “Tôi chỉ viết được bài hát cho thiếu nhi, không viết được cho người lớn”. Họ nể vì trót mời nên nói ông có thể viết đúng sở trường. Ông lại thẳng thắn: “Trong số các nhạc sỹ được mời có nhiều người viết cho thiếu nhi cũng rất hay. Họ có thể kết hợp sáng tác nếu các đồng chí thực sự cần. Nhưng tôi nghĩ ngành của các đồng chí chẳng nên vẽ ra ca khúc thiếu nhi làm gì”.

Người nhạc sỹ được các thế hệ thiếu nhi rất yêu quý này có người vợ thật tuyệt vời. Bà tên là Nguyễn Thị Thanh, đồng nghiệp với chồng, cùng là giáo viên, là người xinh xắn và hiền hậu, đứng mũi chịu sào trong suốt những năm tháng khó khăn, gian truân nhất để chồng yên tâm công tác và sáng tác. Mối tình “sét đánh” của ông với vợ cùng với tình bạn với nhạc sỹ Hoàng Long - cũng là một nhạc sỹ chuyên viết cho thiếu nhi nổi tiếng - đã thôi thúc ông đến với sáng tác nhạc cho tuổi thơ.

Cách đây 3 năm, Hàn Ngọc Bích qua đời tại Bệnh viện 354 bởi bệnh ung thư phổi. Khi gia đình đã biết ông sắp ra đi vĩnh viễn thì nhạc sỹ vẫn không hay biết gì, vẫn hồn nhiên với những dự định về công việc nghiên cứu và sáng tác. Bạn bè đến thăm, ông vẫn vui cười, rôm rả đàm đạo mọi chuyện, vẫn âm ư hát bài của các bạn thân là nhạc sỹ. Đến lúc 2h30 ngày 1/5/2015, ông thanh thản ra đi, để lại những giai điệu sống mãi với các thế hệ tuổi thơ Việt Nam, không bao giờ có thể phai nhòa.

Nguyễn Đình San
(vnca.cand.com.vn)