Người đàn bà nhặt gió

26.10.2015

23 tuổi, người con gái sông La ấy đã viết rằng, có thể gió không thổi từ đại dương về. Chị tha thẩn đi nhặt gió cuộc đời, gió lòng mình trong đêm vô thường để viết nên những trang văn đầy thân phận. Và vẫn còn đó, đôi mắt đang mở của người đàn bà đẹp lỡ nặng nợ và tôn thờ văn chương, 20 năm sau, chị vẫn là người đi nhặt gió trên cánh đồng chữ nghĩa. 
Như Bình của một thời tuổi trẻ biển động ấy vừa kỷ niệm đời văn của mình bằng việc ra mắt tập truyện ngắn “Bùa yêu”. 

 

Người đàn bà nhặt gió








Khi chúng tôi lớn lên và bước chân vào mái trường cấp 3 cũng là lúc thế hệ nhà văn như Như Bình, Trần Thanh Hà, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Châu Giang… đang nổi. Thế nhưng, với lũ trẻ nông thôn ngày ấy, việc cầm trên tay một tờ báo Hoa học trò hay Mực tím đã là một điều xa xỉ, nói gì những cuốn sách văn chương hoặc tác phẩm văn chương nổi tiếng của thời ấy. Đó là thiếu sót mà cho đến sau này tôi mới biết. Để lúc này, ngồi đọc gần 30 truyện trong tập truyện ngắn này, thứ bùa văn chương được dệt nên bằng gió của trời ấy, đôi lúc xoáy riết cuộn lại thành cơn cơn lốc thổi hắt ra từ chữ nghĩa xiêu vẹo. Bởi gió ấy là gió đời thổi vần vũ trên quê hương tôi.

Thứ gió của trời ấy vẫn bay la đà trong văn Như Bình. 20 năm trước và 20 năm sau đọc lại, vẫn còn âm ỉ chưa ngưng. Vẫn còn đâu đó những mảnh đời na ná như thế. Ở đâu đó trên đất nước này. Gió ấy hắt ra từ những phận người mùa đông qua rồi mà không thôi rét (Cõi về), những người đàn ông có vết thương ở ngực nhức nhối, người đàn bà thẩn tha đi nhặt bóng lá miệng lẩm nhẩm những điều không đầu không cuối sau một cơn điên tình (Cô Huệ). Gió ấy mang cả một mùa nhẹ dạ của trái tim đàn bà lưu lạc đi xa (Mùa nhẹ dạ) và để lại nỗi cô đơn kinh khủng cho biển rộng (Đêm vô thường). 23 tuổi, người con gái sông La ấy đã viết rằng có thể gió không thổi từ đại dương về và thành phố của những quầng sáng lung linh mờ ảo có thể không bắt nguồn từ sự có thật.

Gió ấy hắt hiu, hoang dại, kiếm tìm một thứ hạnh phúc hư ảo như những đốm lửa hồng còn sót lại đang tàn trôi trên sông (Lửa trên sông, Bùa yêu, Mùa thu…). Và trên phên đất trước sân nhà của người nào đó, bốn mùa độc mỗi một màu cúc vàng, chỉ để chờ hư ảo mỏi mòn ấy quay về. Nơi ấy, có những thế hệ ảo não nối tiếp nhau, chẳng ai bảo ai, đưa nhau vào một mùa sầu cô quạnh. Nơi ấy, có những người đợi mùa thu cho đến hết đời. Nơi trăng của trời cứ thế mà tần tã tàn.

Văn Như Bình lãng mạn, buồn, đẹp và đầy nữ tính. Thứ văn ấy vừa như kiếm tìm vừa như ngập ngừng, do dự trước dự cảm của chính mình nhưng không vì thế mà kém phần quyết liệt, mạnh bạo. Đó là thứ văn của một người trẻ tuổi, viết như là trút lòng, một lần rồi thôi. Để rồi, khi mỗi trang sách lật ra là thêm một cảnh ngộ thấp thoáng ở đâu đó hiện về. Và khi ngồi ráp lại những phân mảnh ấy, kỳ lạ thay đó là khuôn mặt mà chúng ta đang mang. Bởi ở đó, là buồn tủi, xót xa. Là cô đơn, chờ đợi. Là hạnh phúc bủa vây bởi trăm ngàn con gió chướng nghịch mùa. Là khát khao, giấc mơ sum vầy. Là tất tật mọi xúc cảm trong một lần làm người ai cũng đều nếm trải, cũng đều đi qua dù ít dù nhiều.

Như Bình 23 tuổi đã viết rằng “chỉ có trái tim từng yêu thương thì mới có thể thấu hiểu và tha thứ lỗi lầm cho những trái tim khác”. Chị đã say và mải miết yêu thương trong trái tim đa cảm của mình. Mà những năm hai mươi, người ta còn có gì ngoài nồng nàn, thiết tha lưu trú?
Có lẽ vì thế mà những nhân vật của chị không ai hoàn toàn xấu. Bởi khi viết ra thành hương đời mỏng mảnh trên giấy trắng, chị đã tha thứ cho họ rồi. Họ đã được gạn đục bớt vẻ đục đằn, nhếch nhác, xấu xa bằng lòng trắc ẩn, bao dung của một người nữ viết văn. Họ, qua trang viết của chị, dù có xấu xa như thế nào, cũng là những con người cô đơn, khổ sở và tội nghiệp; dù có sai lầm bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng đang mê mải vật lộn, đấu tranh không ngừng để tìm mình, tìm người, tìm đời dẫu rằng cuộc đời đôi khi như lời của những người đàn bà dân vạn chài “có gì ngoài nỗi khổ đau”.

Ngoài những phận đời nổi trôi trên dòng sông đời mênh mông ấy, con thuyền chữ Như Bình neo lại nơi xó xỉnh nhỏ bé của những người đàn bà. Những người đi ra từ một thời thiếu nữ, bước chân vào một mùa nhẹ dạ, thức suốt những năm dài và khát khao một thứ hạnh phúc bé mọn, dung dị, đáng yêu có thể an ủi được mình. Nhưng rồi, chính thứ hạnh phúc mà họ đã đánh đổi bằng tuổi trẻ và nước mắt ấy cuối cùng chỉ là một thứ hạnh phúc hư ảo. Đến nhanh mà tàn lụi cũng nhanh.

Khi đọc những trang văn của Như Bình viết về thân phận đàn bà, dù rằng lúc ấy chị mới qua tuổi 20 không lâu nhưng đó là những trang văn thấm men đời đắng đót, cô đơn và từng trải. Như Bình đa cảm quá hay là đang dự cảm về con đường đi của mình, thật khó để trả lời câu hỏi đó một cách rõ ràng. Nhưng đàn bà ở xứ này, có ai mà không cả tin, nhẹ dạ và yếu mềm? Những riêng chung trộn lẫn ấy đã làm nên chất văn thấm mùi đàn bà của chị. Làm nên cá tính văn chương của Như Bình, một ngọn gió văn chương tình ái đến từ mảnh đất Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Bạn không thể nào biết được, đêm qua gió thổi thế nào. Nhưng Như Bình đã đi nhặt gió suốt một thời tuổi trẻ biển động để gom về và vẽ nên gương mặt cuộc đời với tất cả sắc màu. Để rồi, giờ đây chúng ta cầm trên tay “Bùa yêu”, nghe từng ngọn gió rã tan trên hình hài mỗi giấc mơ đời.

Như Bình có giọng văn linh hoạt, cách kể đa dạng, lúc đi từ hiện tại về quá khứ, lúc quá khứ soi đến hiện tại, lúc trộn lẫn những mảng thời gian nhám xì. Văn trau chuốt, đầy hình ảnh và cảm giác, có đoạn như thơ như nhạc, gợi cảm, chứng tỏ người viết dụng công và có ý thức về chữ nghĩa rất rõ. Đặc biệt, Như Bình đã vận dụng bút pháp huyền ảo một cách khá thành công ở các truyện ngắn “Chợ âm phủ”, “Tiếng gọi câm”, “Đêm hội Chen”, “Hoa gạo”… để nói về hiện thực và cuộc đời. Vì thế có những lúc người đọc giống như đang rơi vào một cơn mơ sâu, mơ đắm. Văn đó, hiện thực đó mà cũng mơ mơ, ảo ảo cũng là thế.

Không phải tự nhiên mà sau 3 đầu sách “Giông biển”, “Dòng sông một bờ”, “Đêm vô thường”, chị được đặc cách kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2000 khi tuổi đời còn rất trẻ và cùng với nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang, chị là hội viên trẻ tuổi nhất lúc bấy giờ. Tài văn ấy đã chớm nở và bung tràn ở những năm hai mươi, quãng thời gian đẹp nhất của một đời người. Tiếc là sau đó, chị gác bút đi làm báo nên nhiều người ngỡ rằng chị đã đoạn tuyệt với văn chương vì rất lâu rồi chị không ra tác phẩm nào.

Chị bảo với tôi đời người đàn bà như chị có 2 cái thời đoạn 10 năm. Thời đoạn 10 năm dành viết văn và có được cái tên, để rồi 10 năm sau đó lại đi làm báo và có thêm một cái tên nữa. Và thời đoạn nào chị cũng mở hết trái tim và sống đến kiệt mình. Đến nay, chị đã đi qua 20 năm ấy không một lời than thở vì có như thế nào, chị vẫn là người đi nhặt gió của một thời biển động ấy. Chị muốn kỷ niệm lại một chặng đường đã qua, ngồi lại với bạn bè một khoảng lặng giản dị để nhớ, để chia sẻ; vì thế chị đã tập hợp những trang văn của cái thời yêu như điên và sống như điên ấy rồi đặt tên chung là “Bùa yêu”. Như một cách gặp lại gió lòng mình của một thời. Hồn cốt và mật ngọt của một thời ấy, đang chảy trong người đàn bà văn chương Như Bình. Và có lẽ, chúng ta sẽ gặp lại chị sớm thôi. Một Như Bình của thời đoạn 10 năm tới. Nồng nã, nhẹ dạ, đa cảm nhưng đầy trải nghiệm, sắc sảo hơn.

Con sông Ngàn độ thu nước sâu thăm thẳm. Như những ngọn gió của trời vẫn mê mải và đầy mê hoặc với những người dám sống, dám yêu và đốt cháy mình kiệt cùng. Và đam mê ấy, xin trả lại một ngày trời xanh hóa kiếp thành mây trắng, để mỗi độ tháng Ba về, xoan vẫn tím rịm một khoảng trời thiếu nữ.

Đậu Dung
(baomoi.com)