Ngôi nhà có cầu thang cũ
Tốt nghiệp Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, theo về quê chồng Đà Nẵng, từ một nhà giáo, chị chuyển sang lĩnh vực bảo vệ các quyền trẻ em, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, gia đình và phụ nữ. Bởi vậy có thể dễ dàng nhận thấy "Ngôi nhà có cầu thang cũ" còn là tấm lòng của chị dành cho các tổ chức từ thiện vì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em miền núi.
Đời trôi càng nhanh thì nghĩ suy càng chậm: "Ngôn từ thường mang mặt nạ/ chợt nhận ra nét ngờ nghệch năm xưa/ trong những dấu chân chim nhẫn nại/ cũng chẳng còn cơ hội luyến tiếc/ ta đếm từng bước đi khoan thai như tín đồ tụng niệm… (Nghĩ chậm). Hình dung người ấy tìm về, đếm từng bước chân in dấu, nâng niu cẩn trọng, nhất là khi trở lại chốn cũ bằng lối đi thời gian, bằng đôi cánh của mùa: "Có một mùa đông trở lại/ Góc vườn cuối phố còn đâu/ Bồi hồi bước trên thảm lá/ Sợ rơi mất nụ hôn đầu… (Trở lại mùa đông). Và giật mình bắt gặp chính mình trong tha nhân giữa "Bất chợt… mùa đông" nơi xứ lạ: "một làn hương quý phái thoảng qua/ người đàn bà áo khăn ấm áp". Ở bài "Tự khúc tháng Ba", chủ thể hóa thành “tích nhân” của năm tháng: "nỗi luyến thương mùa đông chưa qua/ khăn em dịu dàng xuống phố…".
Vẫn cái cách lần theo bước chân, dò tìm những chuyển động tâm lý phi thời gian, phi tuyến tính, phi logic cảm xúc, hình tượng ở đó tồn tại những "Nỗi nhớ lặng thầm": "đưa ta qua dòng sông tím nơi quầng sáng cuối ngày rực rỡ/ che chắn ta run rẩy gió đầu mùa/ rực rỡ cầu vồng bảy sắc sau mưa, dù có khi nó không hình hài dáng vẻ/ không gương mặt ngôn từ"; và nếu vẽ "Màu của biển" thì "bức tranh em không có nét cuối cùng…".
"Ngôi nhà có cầu thang cũ" còn để lại một sự khác biệt của Ngô Liên Hương, đó là những thảng thốt giữa được và mất, mãi mãi và khoảnh khắc, hy vọng và sự cả tin… Trong "Ám ảnh", chị thấy một "Anh với em hai bên đầu cầu/ vần vũ cơn mưa chiều". Đứng "Trước biển", "em lo sợ nói lời mất nhau/ rằng sẽ không thể cùng đón bình minh/ cũng không thể đắm say hoàng hôn tím…". Ở bài thơ "Người đàn bà trú mưa", chị “ủy quyền” và ủy thác vào đối tượng trữ tình để hình dung con đường của thân phận - đó không phải là chị mà đó là nỗi niềm của chị, là thông điệp mà bất kỳ người cầm bút nào có ý thức thiên chức thi ca cần phải lên tiếng: "khi không thể sẻ chia niềm vui và nỗi đau/ sự nhường nhịn hiếm tìm trong ngôi nhà chung/ bỏng rát". Trong ngôi nhà chung của số phận ấy có ngôi nhà riêng trong cảm thức tác giả đặt tên "Ngôi nhà có cầu thang cũ": "Những mảng tường tróc vôi loang lỗ lối vào/ tôi bước lên bậc thang cũ sờn bằng ký ức/…/ Cầu thang cũ gấp khúc lên tầng lầu/ mỗi chiếu nghỉ một tế bào nương náu/ …/ Tôi bước lên bậc thang cũ sờn bằng ký ức/ người đã khác, tường nhà thêm vết nứt".
Chiếc-cầu-thang-cũ chính là một không gian, một địa chỉ, chính xác hơn, là một chứng nhân với bóng dáng ẩn hiện, dấu chân xa gần, âm thanh vụn vỡ, ánh sáng mơ hồ… mà điểm dừng suy niệm là "mỗi chiếu nghỉ một tế bào nương náu", những "chiếu nghỉ im lìm", "chiếu nghỉ cuối cùng với những ổ khóa hoen rỉ lạnh lẽo", "ổ khóa lặng thinh…".
"Người đàn bà trú mưa" và "Ngôi nhà có cầu thang cũ" là hai bài thơ để lại dư ba trong lòng người đọc. Dường như đó là một thứ nhật-ký-thơ ghi trong trí tưởng một thuở xa nào nay được khôi phục và giữ nguyên hiện trạng nên có nhiều chỗ gần như chưa kịp phủi bụi lớp mờ và không có ý sắp đặt cho ngay ngắn. Thơ ca có khả năng hồi phục thương tổn và chống trả sự cô độc một cách hiệu quả mà đôi khi người viết mải đuổi theo cảm xúc rồi quên đi những bù đắp tự thân. Ngô Liên Hương ý thức điều đó không phải chỉ trong lúc trở về mà ngay cả khi bắt đầu những ngày rời xa chiếc cầu thang cũ.
(baodanang.vn)