Người chăn dê ở thung lũng cỏ-Truyện ngắn của Đỗ Kim Cuông

05.02.2015

Khi những tia nắng cuối ngày tàn dần trên chỏm rừng ở dãy hòn Dù cũng là lúc đàn cò đi kiếm ăn trở về. Hàng trăm cánh cò trắng phấp phới chao nghiêng, nhiều con còn liệng một vòng qua thung lũng đá rồi mới đậu xuống lũy tre lồ ô xanh ngắt chạy dọc theo chân núi. Lũ cò con nghe tiếng đập cánh của bầy cò bố mẹ kêu cháo chác, bất chấp cả tiếng tù và kêu "tu tu", tiếng của những con dê non "be, be" gọi mẹ.
Bao buổi chiều Hiếu ngồi lặng câm giữa những tảng đá để chờ khoảng khắc hoàng hôn, nhìn đàn cò bay về tổ và bầy dê bụng căng tròn đang đùa rỡn quanh những bãi đá, lùm cây. Cụ dê già, râu dài đứng oai vệ trên một tảng đá lớn nhìn đám con cháu với một vẻ mặt vô tư lự. 

Người chăn dê ở thung lũng cỏ-Truyện ngắn của Đỗ Kim Cuông

ở dưới chân đồi, cách chỗ bầy dê không xa còn có năm bảy con bò, có hai con bê mới đẻ chừng ba tháng tuổi. Lũ dê bò có một thói quen đáng yêu. Bất cứ chúng kiếm ăn ở ngóc ngách, xó xỉnh nào hễ nghe thấy tiếng tù và cũng lục tục kéo lên vạt đất bằng. Cụ dê già dẫn đầu, đàn dê theo hàng một, tiếp theo sau là những con bò nối đuôi nhau về chuồng. Trang trại nuôi dê của Hiếu ở Thung Cò hình thành đã được ngót mười năm. Như thể trong mỗi sinh linh bé nhỏ của bầy dê đã in đậm tiếng tù và, tiếng kêu của đàn cò vào mỗi lúc chiều tà. Nhiều khi nhìn bầy dê đông tới gần hai trăm con, mầu lông đen trắng lốm đốm như những bông hoa giữa một vùng thung lũng bao quanh ba mặt bởi các dãy núi đá, Hiếu không tin mình sao lại có một gia tài lớn đến như vậy. Chừng ấy dê bò bán rẻ anh cũng được ngót trăm triệu đồng. Lại còn khoảnh đất rừng được giao sổ đỏ rộng gần tám héc ta, bạch đàn đang lên xanh. Lại còn căn nhà lợp tôn xây gạch. Mười năm trước ở làng Bần anh có nằm mơ cũng không thấy. Anh phải cảm ơn Hương. Cho đến bây giờ, anh không biết nên coi cô là ân nhân của đời anh hay là một người bạn tình mà tạo hóa đã run rủi đưa anh đến với cô? Giữa những ngày tháng Hiếu rơi vào cảnh túng quẫn, buồn tủi và bế tắc. Bế tắc đến độ đã có lúc Hiếu muốn làm một liều thuốc chuột cho xong, thì Hương đã đến tìm anh. Cả nhà Hiếu với tám miệng ăn, chỉ có 4 rào ruộng khoán, lúa cấy một vụ còn một vụ trồng rau, khoai. Không đủ sống, dẫu có là thương binh cụt một chân, có tiền thương tật hàng tháng nhưng Hiếu vẫn cảm thấy xấu hổ khi nhìn bà chị dâu khó tính mỗi lúc ngồi vào mâm cơm đạm bạc của nhà nông... Tiền thương binh của Hiếu chỉ đủ mua vài chục ký gạo để nuôi mẹ và lũ cháu ăn như tằm ăn rỗi. Một đứa cháu mới học tới lớp sáu đã phải bỏ học đi chăn trâu, cắt cỏ, đi làm mướn cho cánh nhà giàu. Túng thì phải tính, theo lời khuyên của bạn bè Hiếu mua bộ đồ nghề hàng ngày ngồi dưới gốc đa đầu làng chữa xe đạp. Một gốc đa, ba ông thợ sửa xe. Làng nghèo, đồng đất chiêm khê, mùa thối. Lấy đâu ra nhiều xe để sửa. Anh chuyển sang cắt tóc, cạo râu. Dân làng Bần cắt tóc trả bằng khoai. Rốt cục vẫn đói..., Cái chân cụt và vết thương ở ngực lúc trái gió trở trời đau tức. Có lần, Hiếu phải nằm bẹp ở nhà cả tháng. Và lâu lâu, những trận sốt rét dai dẵng vẫn không buông tha.

Chẳng rõ Hương đã nghe ai mách mà về tới tận làng Bần để tìm cho ra Hiếu. "Chỉ có anh, may ra mới biết rõ nơi chôn cất chồng em". Hương bảo vậy. "Ở rừng Đức Cơ, cô có đi được không?" Hiếu hỏi nhưng không thật tin một người đàn bà có vóc dáng mảnh dẻ, yếu đuối như Hương lại có thể lên tận Tây Nguyên để tìm mộ chồng. "Có phải đi đến tận cuối đất cùng trời, có phải bán hết ruộng vườn nhà cửa em cũng phải tìm bằng được mộ anh Thân. Có vậy mẹ con em sống mới yên". Ngẫm nghĩ một lát, Hiếu gật đầu. "Nếu vậy thì được. Tôi sẽ đi với cô. Nó là lính của trung đội tôi, chính tay tôi chôn cất nó".

Hương ra tiệm kim hòan ngoài thị trấn, bán đi năm chỉ vàng lấy tiền lo cho chuyến đi. Hai người ăn vừa hết đúng một thùng mì tôm đã tìm được mộ của cậu Thân, chồng Hương. Trong cái buổi chiều vừa đúng cách đây mười năm, lúc đưa hài cốt Thân về chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ của xã gần Thung Cò, Hiếu đã mê mẩn đứng trước một cánh rừng hoang rộng hàng chục héc ta, trơ sỏi đá không có người ở? Cũng chẳng có ai ở các làng xung quanh tới đây dọn đá, làm vườn trồng cây. Nghe đồn Thung Cò có ma, nước độc rừng thiêng. Ngày trước dân đi tìm trầm đã bỏ mạng ở Thung Cò mấy người. Rồi lính Đại Hàn, lính Mỹ chết trận khi càn vào căn cứ kháng chiến Hòn Dù. "Ta nghèo biết đâu thần thánh, ma qủy lại thương" Hiếu nghĩ vậy. Anh đã dành cả chục ngày trời, lưng mang cơm vắt, tay chống nạng đi sâu vào trong núi, đi mãi mới gặp một bản của người Rắc Lay sinh sống.

"Hay anh vào trong này làm ăn? Em thấy ở vùng quê anh làm ruộng cũng vất vả thấy mồ!" Hương bảo vậy lúc gặp anh đang ngồi nghỉ bên khe suối môn. Lúc ấy, Hiếu chưa trả lời ngay câu hỏi của Hương. Anh đang ngẩn ngơ nhìn bầy cò vỗ cánh, đậu trắng trên các ngọn cây dưới chân núi. Vách đá dựng cao, rừng già thâm u, vọng lại tiếng vượn hú dài. Phảng phất mùi khói đốt rẫy của đồng bào bay tới. "... lấy gì mà ăn?" Hiếu giương đôi mắt nhìn Hương. Gương mặt anh gầy, sạm đen, phờ phạc sau những ngày chui rừng, lội suối để tìm cho ra được phần mộ của Thân. "Em sẽ nhờ bà con họ hàng, vay vốn giúp anh, ở đây anh sẽ nuôi dê, cung cấp cho các quán ăn ở thành phố". Hương cầm lấy hai bàn tay của Hiếu, giơ lên. "Anh còn có hai bàn tay này, đừng nản chí anh ạ. Chúng ta sẽ vượt qua cái đói nghèo". Nghe cô nói Hiếu ứa nước mắt. Chuyện nói chơi mà thành thật. Bắt đầu từ năm con dê và một mái lều lợp tranh. Bây giờ Hiếu đã có một đàn dê và một ngôi nhà xây ấm áp. Có giếng nước khoan, có điện thắp sáng từ một máy phát điện nhỏ chạy bằng nguồn nước suối Khe Môn đổ về. Cứ hai ngày một lần, Hương lại cho người vào núi bắt một vài con dê làm thịt, mang về giao cho các nhà hàng trong thị trấn. Trại nuôi dê ở Thung Cò, với ông chủ tên Hiếu "cụt chân" đã trở thành nổi tiếng ở một vùng vạn chài heo hút xa phố, xa tỉnh.

Lâu lâu, Hiếu lại nhờ Hương gửi về cho gia đình anh ít tiền "gọi là để hương khói cho thầy anh". Lâu lâu, những đứa cháu của Hiếu vào kỳ giáp hạt lại vào thăm chú, đem theo ít tin tức quê nhà cùng với chút quà quê. Vài ngày, Hương vào Thung Cò, lúc chở gạo mắm muối, thực phẩm chủ yếu là rau cá cung cấp cho ông chủ trại dê. Có lúc cô đưa thợ vào khoan nước ngầm, sửa chuồng trại, lát nền nhà. Họ nói với nhau chuyện làng, chuyện phố, chuyện con bé Lan của Hương mới 16 tuổi còn đang đi học thợ may đã có người ở làng cá lên dạm ngõ. Và chỉ đợi cô bé bước sang tuổi 17 là sẽ về nhà chồng. Duy nhất có mỗi một chuyện: bao giờ hai người sẽ là vợ là chồng của nhau thì chưa có lời kết. Hiếu và Hương đều né tránh. Đã có vô khối lời đồn thổi về chuyện riêng tư của họ. Hiếu như một kẻ điếc không sợ súng. Anh ít tiếp xúc với mọi người. Quanh năm suốt tháng anh chỉ bầu bạn với bầy dê, trò chuyện với lũ cò.

Đã mười ngày nay, Hương không vào Thung Cò. Trước ngày đi, cô đã mua sắm cho Hiếu gạo mắm và thức ăn cho lũ dê bò. Cô bảo vào thành phố để cất hàng. ít khi Hiếu tò mò, căn vặn chuyện làm ăn của cô. Anh biết Hương phải lo buôn bán nuôi con, nuôi mẹ chồng già và hàng trăm khỏan tiền chi tiêu cho một gia đình mà hầu như mọi việc to nhỏ đều dồn vào tay một người đàn bà. Biết Hương chưa về. Nhưng anh mong. Một sự chờ đợi đã hình thành từ ngày Hiếu về sống ở cái thung lũng hoang lạnh này. Mỗi buổi sáng sau lúc mở cổng chuồng cho bầy dê vào núi kiếm ăn, Hiếu lại lên tảng đá bàn cờ, đun nước châm trà rồi ngong ngóng nhìn về phía biển. Hòn đá bàn cờ to cao, rộng bằng năm cái chiếu. Từ trong kẽ đá từ xửa từ xưa đã mọc lên một cây si tỏa bóng mát. Những buổi chiều gió biển lồng lộng thổi, ngồi trên hòn bàn cờ anh nhìn thấy cả vùng thung lũng vàng rượi dưới nắng hè. Hàng trăm, hàng ngàn tảng đá nằm ngổn ngang như bầy trâu rừng giữa những bụi xim mua, cỏ dại, lau lách. Không gian im ắng. Chỉ cần vẳng lên tiếng xe máy là Hiếu đã hồi hộp, ngong ngóng chờ đợi. Anh nhìn hút về phía con đường mòn nhỏ, len lách giữa những tảng đá, vạt cây để chờ đợi bóng áo quen thuộc của Hương ẩn hiện giữa núi đồi. Hiếu chống nạng ra đón cô từ đầu dốc. Anh giúp cô gỡ đồ trên xe và đưa vào nhà, trong lúc Hương ngồi uống nước, tay vung vẩy cái nón quạt gió. Vạt mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Hiếu không biết nói gì hơn ngoài chuyện hỏi thăm bà mẹ già và con bé Lan. Nhiều lần bé Lan đã được mẹ cho vào trại dê, theo Hiếu đi bẫy gà rừng...

Hiếu ăn xong bữa cơm chiều trời đã chạng vạng. Anh bật đèn và ti vi. Còn những gần nửa giờ nữa, mới tới thời sự. Từ ngày tỉnh lắp đặt thêm cây ăng ten thu phát trên đỉnh hòn Ông, cả vùng đều bắt được sóng của đài truyền hình trung ương. Nhưng đài tỉnh thì chịu thua. Hiếu nhờ Hương mua cho anh một chiếc ti vi, hiệu Sony, 14 in. Ngoài việc coi tin tức, xem phim, tối thứ bẩy và chủ nhật Hiếu lại chong mắt chờ coi bóng đá Anh. Cái ti vi thật kỳ diệu, như thể Hiếu kéo cả thế giới lại quanh mình. Nhắm mắt lại, chỉ cần nghe giọng đọc anh cũng có thể nhận ra gương mặt của từng phát thanh viên. Hôm nay là ngày của cô Vân Ly. Các nguyên thủ quốc gia bữa nay không đi thăm đâu cả? Mấy anh nhà giầu Mỹ mà lại đi cãi nhau tranh giành với mấy ông nông dân Nam Bộ về chuyện mua bán cá tôm? Thật vớ vẩn! Người I Rắc lại khổ rồi! Mỹ dọa gây chiến trở lại. Tự nhiên bàn chân còn lại của Hiếu giật nhẹ. Như thể máu dồn xuống cả đấy mỗi khi anh phải nghe thấy chuyện chết chóc, bom đạn ở đâu đó. Chà chà, hết Tăng Minh Phụng lại Ta mếch cô, giờ lại đến bọn trốn thuế, cờ bạc. Hôm nay, tòa án đang xét xử một băng nhóm đâm thuê, chém mướn, đánh bạc ở thành phố. Chao ôi, sao mà nhiều tội phạm vậy. Một lô, một lốc đám người mặc quần áo tù sọc đen trắng đứng lố nhố! Trên màn hình chĩa vào mặt của từng tên. Đôi mắt Hiếu mở to, kinh ngạc. "A... A... Sao lại có hắn ở đây?". Anh không tin vào trí nhớ của mình khi nhìn thấy hắn trơ cái mặt trên ti vi. Hay anh đã lầm? Lầm thế chó nào được! Rõ là mặt hắn. Vẫn gương mặt phương phi, đẹp mã như ngày nào anh đã từng nhìn thấy hắn đi theo phái đoàn của Trung ương tới thăm trại an dưỡng ở bên bờ Sông Châu. Phải rồi, đấy là một ngày cuối năm, rét đậm. Anh đang ngồi coi mấy người bạn đánh cờ. Chỉ có điều lúc đoàn cán bộ tới dãy phòng của Hiếu, nhìn thấy hắn anh lánh mặt. Trốn là phải. Không khéo mấy anh cán bộ ở trại điều dưỡng lại tưởng gã thương binh cụt một chân thấy người sang bắt quàng làm họ. Thèm vào nhá! Có cho vàng, ông cũng cóc cần... Hắn đi lẫn trong đoàn quan khách, lướt qua chỗ anh và mấy người bạn đang ngồi trên xe lăn. Thọat thấy hắn, anh nhận ra ngay. Một phản xạ tự nhiên, anh cúi xuống cầm lấy chiếc điếu cày và thong thả nhồi thuốc. Sau này qua đọc báo, anh biết giờ đây hắn đã là chủ một doanh nghiệp nhà nước làm ăn có tiếng tăm. Hôm đến trại thương binh, hắn mặc một bộ véc ton màu ghi sáng, phủ ngoài bằng một cái áo dạ màu xám dài tới gần đầu gối. Mặt mũi hồng hào, đeo một cặp kính trắng trông rất đỏm dáng. Khốn nạn thân hắn, sao giờ lại ra nông nỗi này? Phải chăng giời có mắt?

Trời lất phất mưa. Rồi mưa rơi nặng hạt. ánh điện trong nhà phụt tắt. Cái máy phát điện Trung Quốc lại giở chứng rồi! Điên thật! Hay một còn thú đi ăn đêm làm đứt dây điện? Anh ngồi im trong bóng tối nhìn ra ngoài sân. Chớp nhì nhằng ở phía xa. Lẩn mẩn nghĩ ngợi, hình ảnh hắn đứng giữa những người tù lại hiện về... Sao nhỉ? Sao hắn lại phải vào tù. Giầu sang được trọng vọng như hắn cớ gì lại dây với đám tội phạm.

Quãng quá nửa đêm, Hiếu tỉnh giấc. Mưa vẫn rất to. Và có sấm. Thỉnh thoảng chớp sáng lòa ngoài sân, đàn dê trong chuồng hoảng sợ, kêu be be. Mấy con bò xô đẩy nhau, gõ móng lộp cộp. Mưa đi, cứ mưa đi cho cỏ lên xanh... Gương mặt hắn lại chập chờn hiện về, trông thật đáng thương tiều tụy. Ôi giá như hắn đừng là một kẻ hèn nhát, vô trách nhiệm thì cậu Hòe ở Hưng Yên đâu có xơi gọn cả một quả mìn clay mo ở ngoài dốc Đất đỏ? Còn anh cũng suýt bỏ mạng trong cái chuyến đi bám địch về ấp đêm ấy? Hiếu vẫn còn nhớ rành rẽ đấy là một ngày áp rằm tháng bẩy. Đồng bằng Huế đang lụt, nhưng cả đơn vị trinh sát của anh trụ bám Hòn Vượn đã hết gạo, ăn cháo môn vóc nửa tháng trời. Lính tráng đi ỉa toàn ra một thứ nước xanh rớt. Địch càn miền Tây, nước sông Bồ lên to, bộ đội không chuyển gạo về được. Tổ trinh sát quyết tâm tìm cách đạp đường lọt về làng kiếm gạo. Tổ của hắn được giao nhiệm vụ ban ngày theo dõi đại đội địch ở trên Hòn Ngang và bám đường. Tối đến bộ đội và du kích sẽ về làng. Quãng năm giờ chiều, trời mùa hè còn sáng. Tổ của Hiếu ra tới sát cửa rừng thì gặp hắn và hai người lính trinh sát nữa đang ngồi chờ để bàn giao. Hắn quả quyết. "Tụi tao đã bò ra tới Miếu Trâu, sát đường chiến lược, không có địch phục kích. Lát nữa tụi bay cứ yên tâm mà đi. Về được làng, mua được Ru Bi, đường sữa nhớ mang lên cho chúng tao với". Cũng chỉ vì tin hắn đã bò ra tới Miếu Trâu, không có địch mà tổ trinh sát đi đầu trong đêm về đồng bằng đã vấp mìn ngay bãi đất cửa rừng, địa điểm dùng làm nơi tập kết trước lúc về làng. Hòe, Bẩy hy sinh. Còn anh bị thương vào cánh tay trái. Một viên bị xuyên vào vùng ngực, may không lủng phổi.

Ngay buổi sáng hôm sau, hắn được điều đi cáng thương. Suốt gần hai ngày trời, đạp đường, tổ tải thương gồm 5 người mới ra tới được sát sông Bồ. Nơi ấy có trạm phẫu Nhô. Bất ngờ tổ cáng thương vấp tụi Mỹ phục kích ở ngay trên mỏm 160. Hai người cáng thương binh và Hiếu thoát chết. Một đồng chí đi đầu hy sinh. Còn hắn mất tích. Buổi tối về được đến căn cứ đại đội 4, ở địa đạo bên sóng Bồ, mở đài Huế nghe tin cũng không thấy địch bắt được tù binh. Có nghĩa là hắn chết hoặc giả lạc đường. Nhưng một tiểu đội trưởng trinh sát như hắn, giỏi địa hình làm sao có thể lạc đường? Nửa tháng sau, có người trên Hang Đá gùi gạo về bảo gặp hắn đang vào rẫy đồng bào đổi gà. Cho đến ngày Hiếu nằm điều trị vết thương ở Rừng Thông đã nghe tin hắn trên đường ra Bắc. Ra bằng cách nào, chỉ có hắn mới biết. Nghe Hiếu kể chuyện về hắn, ông Ân, phó chính ủy công trường số 6, đang bị thương nằm viện cùng lán với anh, tặc lưỡi. "Làm thằng lính suốt ngày phải mặc quần đùi, uống nước suối, ăn cơm vắt, không chịu đựng nổi gian khổ, đào ngũ, ngữ ấy không nên tiếc cháu à. Thà nó trốn nhui, trốn nhủi ở tuyến sau, ra Bắc còn hơn là để ở giáp ranh thấy địch vãi đái ra quần, đi chiêu hồi. Lính ta còn khốn nạn hơn..."

Hai năm trời, Hiếu nằm ở trại điều dưỡng thương binh Sông Châu. Sau đấy thấy bất tiện, gia đình túng bấn quá, anh xin về làng. Anh sống lầm lũi, như một kẻ bất đắc chí, ít gặp bạn bè đồng ngũ. Những đứa bạn cùng xóm đi bộ đội, người còn kẻ mất. Người sống trở về cũng lo đầu tắt mặt tối kiếm miếng ăn. Dù gì đi chăng nữa, anh vẫn là người may mắn. Bị thương, Hiếu trở về đơn vị, giữ chốt, đánh địch chống lấn chiếm ở Phong Điền, Hương Trà. Rồi tham gia chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn. Đã bao lần anh tự tay gỡ những trái mìn của địch gài giăng bẫy. Anh những tưởng đã làm chủ được các quả mìn, vậy mà chỉ một lần anh phải chịu thua quả mìn Zíp trong đợt đi gỡ mìn ở Tây Nguyên. Cậu Thân, tân binh quê ở Phú Yên - chồng Hương, hy sinh.... Đã từ lâu, hắn vuột ra khỏi trí nhớ của anh. Nếu như đêm nay, anh không tình cờ nhìn thấy hắn trên truyền hình. Một lần, anh còn nhìn thấy gương mặt ấy trả lời trong một cuộc tọa đàm kinh tế bàn tròn ở một tờ báo nọ. Nghĩa là hắn làm ăn thành đạt, có địa vị có uy tín. Âu cũng mừng cho hắn. Sông có khúc, người có lúc. Những ký ức buồn cần phải được đào thải, để sống với niềm hy vọng mong manh, rằng cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn. Hiếu luôn nhủ thầm thế. Và quên. Đã có lúc cuộc sống gia đình anh nghèo túng quá, biết chuyện anh quen biết hắn, bà chị dâu bảo: "Chú nói khó với người ta một tiếng. Biết đâu lại chẳng đổi đời?" Anh sẽ lê cái chân gỗ và bộ mặt sầu não đến cầu xin hắn ư? Không đời nào! Thà anh ngồi phơi nắng suốt ngày, kỳ cạch vá từng miếng săm thủng, ăn củ dong giềng trừ bữa, chớ anh không thể qùy mọp để cầu cạnh hắn bố thí... Rồi Hiếu lại thấy thương hắn. Đang ăn sung mặc sướng, oai vệ như vậy sao hắn lại đổ đốn để ra nông nỗi này. Thiệt tội cho vợ con hắn. Tiếc cho phần đời còn lại của hắn chẳng được yên lành.

Sang đến ngày thứ mười hai, Hương mới về. Thoạt đầu là tiếng động cơ rầm rì. Tiếng máy nghe nặng. Lát sau hiện ra trên con đường mòn nơi khúc ngoặt một chiếc xe lam vẫn thường hay chở cá, chở người đi chợ. Xe nào mà lại chui vào đây? Chẳng lẽ mấy tay lò mổ vào bắt dê. Hiếu ở ngoài bãi chăn thả về được tới nhà thì chiếc xe lam kia đã dừng ở trước sân. Hương tươi cười ra đón anh. "Anh Hiếu, anh coi thử ai trong nhà kia?" Bác Bẩy lái xe lam vừa dỡ các bao tải, vừa quay sang bảo Hiếu. "Chú vô chào bà đi. Tàu hỏa xuống lúc hai giờ đêm. Tôi chở thẳng cụ với cô Hương về đây cho chú".

Hiếu không tin mẹ anh lại được Hương đưa vào tận đây. Bà cụ đang lui cui thắp hương khấn vái trong nhà, nơi có chiếc bàn thờ và tấm ảnh cha anh.

Buổi tối, mẹ Hiếu ngồi tàu hơn một ngày nên kêu mệt, đi nghỉ sớm. Anh và Hương còn ngồi lại bên phiến đá bàn cờ uống trà nói chuyện. Hương đã cất công ra Bắc, đón bà cụ vào ở chơi với anh ít ngày. Cô có vẻ rất vui sau một chuyến đi dài. Đang là những ngày thu. Sau trận mưa đêm, bầu trời như được đẩy cao hơn. Sao giăng dầy. Trăng đang chồi lên từ phía biển mỗi lúc soi tỏ từng mảng rừng trên triền núi. Đã lâu lắm rồi, họ mới có dịp được ngồi lại bên nhau giữa một không gian yên tĩnh... Chỉ nghe thấy giọng người đàn bà, "ít bữa nữa, em sẽ vào ở hẳn trong này với anh". Giọng anh trầm đục. "En đi có hơn chục ngày, bầy dê đã đẻ thêm ba con, em à...". Đám lá mía xào xạc. Nghe rõ tiếng chân lũ chuột đồng đạp lên lá khô, đuổi nhau kêu rinh rích.

                                                                                                                                                                                   Đ.K.C