Miếu Ông Chài di sản văn hóa ở Ngũ Hành Sơn - Đinh Thị Trang

22.08.2017

Nằm cạnh di tích lăng Ông Ngư, lăng Bà Chúa, nhà thờ tộc Đặng ở dưới chân núi Dương Hỏa Sơn, nhìn ra sông Cổ Cò thơ mộng (thuộc tổ 17, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) có một ngôi miếu cổ mà người dân địa phương quen gọi là miếu Ông Chài.

Miếu Ông Chài di sản văn hóa ở Ngũ Hành Sơn - Đinh Thị Trang


Lai lịch ngôi miếu

Theo hồi cố của những bậc cao niên trong làng thì ngày xưa ở vùng đất quanh chân núi Ngũ Hành Sơn này người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá trên những khúc sông vắng. Dạo nọ, có một người đàn ông làm nghề chài lưới cùng một cô con gái nhỏ đến làng, ông đã góa vợ từ rất lâu nhưng vẫn ở vậy để nuôi dưỡng đứa con gái duy nhất của mình. Dân trong làng không rõ quê quán ông ở đâu, tên họ của ông là gì, mà chỉ thấy thường ngày ông chèo ghe, quăng lưới, chài bắt cá bán mưu sinh qua ngày nên quen gọi ông là ông Chài. Theo thời gian, cô con gái của ông ngày càng lớn khôn, xinh đẹp và hết sức hiếu thảo với cha. Để thuận tiện cho việc sinh sống, định cư, cha con ông Chài cắt lá, đẵn gỗ, dựng tạm căn lều nơi triền núi để vừa có chỗ nghỉ ngơi vừa theo dõi quan sát được tín hiệu cá tiến vào gần bờ mà đánh bắt. Cuộc đời của cha con ông Chài tuy đạm bạc đơn côi, nhưng rất tôn trọng đạo lý cang thường, tình phụ tử, lễ giáo luôn được đề cao, chú trọng.

Một hôm, cô gái đang ngồi trong lều chờ cha đánh lưới về, trời bỗng nổi giông tố sấm sét, mưa trút xuống. Ông Chài vì phải cố gắng thu gom mẻ lưới nên bị mưa ướt lạnh, thấm đẫm cả người, ngay sau đó ông vội chạy về lều. Ngồi trong lều thấy cha ướt lạnh run rẩy, động lòng thương cha, bất chấp mưa to gió lớn, từ trên triền núi, cô liền vụt chạy ra khỏi lều đến dìu cha. Trời mưa làm đường trơn trợt, ông Chài bị trượt ngã chồm đến phía trước, bất ngờ tay ông chạm mạnh vào nhũ hoa con gái mình và làm sút cúc cài áo, để lộ bộ ngực nõn nà của đứa con gái yêu quý. Nhìn con mình trần trụi, ông Chài vô cùng xấu hổ ray rứt, cảm thấy tội lỗi tày đình, mặc dù do vô tình nhưng ông cho rằng đó là hành vi xâm phạm luân thường nên ông không thể tha thứ cho mình. Ông bèn nói dối với con rằng ông lên núi đi vệ sinh. Cô con gái chờ mãi không thấy ông trở lại, một mình vội vã đi tìm cha thì thấy cha mình đã tự đập đầu nằm chết bên dưới một gốc cây. Vô cùng đau đớn, cô ôm cha vào lòng khóc than thương tiếc. Dân trong làng đã giúp đỡ an táng người cha tội nghiệp. Thế rồi sau tuần tự đám tang 3 ngày, 7 ngày, rồi 21 ngày, 49 ngày, 3 tháng, giáp năm và 3 năm, cô đều đến bên mộ cha gục đầu khóc than thảm thiết. Hình như cô tự trách mình đã vô tình làm hại cha, nỗi oan nghiệt vì mình mà cha phải chết. Khoảng 3 năm sau ngày cha cô tự vẫn, cô đã xuống tóc và trùm kín đầu bằng chiếc mũ vải. Kể từ đó, cô ra đi biền biệt, người làng không còn thấy cô về nhà và viếng mộ cha. Họ hoài nghi: cô đã đi tu hay đã gặp điều không may?

Cái chết thương tâm của ông Chài và cảnh ngộ sớm mồ côi của con gái ông Chài đã để lại trong lòng dân làng nỗi thương xót khôn nguôi. Để thể hiện niềm thương cảm đối với cha con ông Chài, người dân làm nghề sông nước đã lập miếu thờ tại nơi họ từng sinh sống. Đã bao năm trôi qua, miếu vẫn còn đó, được bà con hương khói thường xuyên. Riêng phần mộ ông vì không có người chăm sóc nên dần dần đã mất dấu theo những biến cố lịch sử. Ngày nay, người dân vùng này vẫn kể cho con cháu nghe về tấm gương tôn trọng luân thường đạo lý truyền thống và đạo làm người của cha con ông Chài.

Kiến trúc miếu Ông Chài

Miếu Ông Chài được xây dựng trong một khuôn viên rộng hơn 100 m2, gồm quần thể di tích: miếu Ông Chài, lăng Bà Chúa, lăng Ông Ngư, nhà thờ tộc Đặng Văn thuộc làng Hóa Sơn, phường Hòa Hải. Đến nay vẫn chưa xác định chắc chắn được niên đại xây dựng miếu Ông Chài, nhưng theo lời kể của ông Đặng Minh Sơn năm nay 58 tuổi, là thủ từ trông coi việc hương khói của khu di tích này thì “lăng Bà Chúa, miếu Ông Chài, lăng Ông Ngư được xây dựng vào khoảng năm 1814, sau nhà thờ tộc Đặng Văn một năm” (?) [Tác giả phỏng vấn năm 2014].

Trước miếu là cổng tam quan có mái đổ bê tông gồm hai tầng mái. Cổng tam quan này là cổng chung cho miếu Ông Chài, lăng Ông Ngư và lăng Bà Chúa. Trên đỉnh là hình bát quái. Tầng trên cùng trang trí hình cuốn thư, trên cuốn thư trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt, hai bên ô cửa có hai câu đối bằng chữ Hán:

行 山 開 筆 世

化 水 引文 淵

Hành Sơn khai bút thế

Hóa Thủy dẫn văn uyên.

Tạm dịch:

Núi Hành Sơn như cái thế của cây bút Hóa Thủy là đất văn chương.

[Trong câu đối này, người dân đã viết sai chữ Thế (đời), đáng lẽ phải là chữ Thế 勢 (thế đất)].

Tầng dưới gồm có ba cửa, cửa chính nằm ở giữa, hai cửa phụ hai bên. Trên mái đắp nổi hình hai con rồng. Ở giữa có bức hoành ghi ba chữ “Làng Hóa Sơn”, hai bên có hai câu đối bằng chữ Hán:

北 地 重 揚 五 行 天 依 聖

南 天 創 啟 山 水 主 玉 仙

Bắc địa trùng dương Ngũ Hành Thiên Y Thánh Nam thiên sáng khải Sơn Thủy Chúa Ngọc Tiên.

Tạm dịch:

Phía Bắc cạnh núi Ngũ Hành có đền thánh Thiên Y

Trời Nam sáng lập Sơn Thủy hữu tình có điện Chúa Ngọc Tiên.

Miếu Ông Chài được xây theo lối kiến trúc vòm cuốn, ngoảnh mặt ra sông Cổ Cò. Mái lợp bằng ngói vảy cá, trên hai đầu mái có trang trí tranh phong cảnh. Miếu gồm hai gian. Gian ngoài có diện tích khoảng 8,64 m2. Trước cửa có hai câu đối:

北 地 從 軍 開 破 荒 田 留 祖 蔭南 天 立 社 功 勞 搆 造 有 聲 名

Bắc địa tòng quân khai phá hoang điền lưu tổ ấm Nam thiên lập xã công lao cấu tạo hữu thanh danh.

Tạm dịch:

Đất Bắc theo vua khai phá ruộng hoang lưu dấu ấn Trời Nam lập xã công lao gầy dựng để thanh danh.

Gian hậu tẩm có diện tích khoảng 4 m2, dùng làm nơi thờ phụng. Trước cửa trang trí hai câu đối chữ Hán:

風 景 英 靈 風 景 勝

太 平 民 盛 太 平 康

Phong cảnh anh linh phong cảnh thắng Thái bình dân thạnh thái bình khương.

Tạm dịch:

Nơi danh thắng phong cảnh anh linh Nhân dân thái bình khang lạc.

Trên tường ở gian giữa có trang trí đồ án “long ẩn vân” tức rồng ẩn trong mây. Hai bên tả hữu đều trang trí hình phong cảnh. Hai bên có câu đối:

顯 赫 真 顯 赫

英 靈 是 英 靈

Hiển hách trực hiển hách

Anh linh thị anh linh.

Tạm dịch:

Hiển hách thật hiển hách

Anh linh thật anh linh.

Bệ thờ hình chữ nhật ở giữa trang trí hình lân mã ẩn giữa những áng mây. Đồ thờ gồm có 7 lư hương. Ngoài ra có một lọ hoa, hai cây đèn và hai mâm bồng. Những vật dụng này đều làm bằng đá và trang trí hoa văn đơn giản. Phía trước có một lư hương lớn có chiều cao 140 cm, đường kính 50 cm, được trang trí hình đầu con lân đặt trên đế hình đồng tiền.

Trong những năm qua, các di tích quanh triền núi Dương Hỏa Sơn đã được trùng tu tôn tạo để phục vụ tham quan du lịch, trong đó có miếu Ông Chài, thế nhưng rất ít người biết đến nguồn gốc xuất xứ của ngôi miếu này.

Hằng năm, cứ đến ngày 15 tháng 11 âm lịch, người dân trong vùng lại tập trung tổ chức cúng miếu ông, lễ vật dâng cúng thì có hương hoa, áo giấy và tùy sự đóng góp của nhân dân trong làng. Nếu năm nào khá giả thì cúng đầu heo, có năm lại cúng xôi gà. Lễ thường diễn ra trong một ngày, dân trong xóm tập trung lại để dâng hương làm lễ cầu ngư.

Thay lời kết

Có thể nói, miếu Ông Chài là một trong những di sản văn hóa làng xã của người Việt còn sót lại trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, chứa đựng những giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc. Đó là nơi nhân dân thể hiện lòng tôn kính, sự ngưỡng vọng của mình đối với các bậc thần linh, thần người, đồng thời cũng mang tính nhân văn sâu sắc về tình phụ tử, cũng là nơi để họ thể hiện niềm tin cùng những ước vọng của mình trong cuộc sống.

Đ.T.T.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Toan Ánh. 2005. Nếp cũ - Tín ngưỡng Việt Nam (quyển Thượng, quyển Hạ). Thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ.

2. Léopold Cadière. 1997. Về văn hóa và tín ngưỡng truyền thống người Việt. Hà Nội: Văn hóa Thông tin.

3. Phan Đại Doãn. 2006. Mấy vấn đề văn hóa làng xã Việt Nam trong lịch sử. Hà Nội: Văn hóa Thông tin.

4. Lê Hoàng Vinh - Lê Anh Dũng. 2011. Ngũ Hành Sơn - Vùng lịch sử, văn hóa tâm linh. Hà Nội: Văn học.

5. Nguyễn Trọng Hoàng. 2000. Danh thắng Non Nước - Ngũ Hành Sơn. Đà Nẵng: Đà Nẵng và Công ty Vật phẩm Văn hóa 27.7.

6. Nguyễn Xuân Hương. 2009. Tín ngưỡng cư dân ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng. Hà Nội: Tự điển Bách Khoa và Viện Văn hóa xuất bản.

7. Albert Sallet. 1996. Ngũ Hành Sơn (bản dịch của Nguyễn Sinh Duy). Đà Nẵng: Đà Nẵng.

8. Phòng Văn hóa - Thông tin quận Ngũ Hành Sơn. 2008. Di sản Văn hóa quận Ngũ Hành Sơn. Đà Nẵng.

9. Lê Duy Anh - Lê Hoàng Vinh. 2006. Lược sử Đà Nẵng 700 năm (1306 - 2006). Đà Nẵng: Đà Nẵng.

10. Hội Văn nghệ Dân gian Đà Nẵng. 2007. Truyện kể dân gian đất Quảng. Đà Nẵng