Miệt quê - Truyện ngắn Trần Huy Minh Phương

29.11.2013

Tôi sinh ra ở chợ và lớn lên cũng ở góc phố. Nhưng mẹ tôi nói, cái gốc của tôi là người nhà quê. Không tin thì vạch đít ra coi sẽ thấy một lớp phèn vàng bám lâu ngày từ lung ruộng.

Miệt quê - Truyện ngắn Trần Huy Minh Phương

Thật ra thì tôi cũng có quãng thời gian sống ở dưới quê, đó là hồi nhỏ. Tôi sống với ông bà ngoại và cậu út. Cậu út là con trai duy nhất. Tôi là đứa cháu ngoại lớn trong gia đình. Mấy người dì của tôi – có lẽ theo cái huông của mẹ tôi – cứ lấy chồng là bỏ đi biệt xứ. Bao nhiêu ruộng đất được chia đều bán lại hết cho cậu út. Cái duyên nghiệp nó vậy, người thì buôn may bán đắt, người thì đổ hết vốn vào chăn nuôi rồi sau đó lại đi làm thuê. Mẹ tôi có phần may mắn hơn, không phải dãi nắng dầm mưa vì mẹ làm việc trong khu công nghiệp may mặc.

Ông bà ngoại tôi có những ngày tháng thấy buồn lòng và giận dữ nữa. Tuổi của cậu út đã qua hai con giáp rưỡi mà chưa chịu lấy vợ sanh con nối dõi cho ông bà. Thi thoảng, người trong xóm Cái Chum lại thấy cậu út tôi ghé qua quán rượu Đó. Đó là tên của chị chủ quán. Chị vừa mở quán vừa đưa đò nên lâu ngày người ta sửa lại là chị Đò. Có ai lạ gì chứ, chị có một thời gian làm nghề “bán trôn nuôi miệng”. Cái sơ sẩy của những phút giây mơ màng đã lòi ra đứa con gái, chị đặt tên Hân. Cả hai mẹ con có cái tính giống nhau là thích bán rượu nhưng lại không thích người say rượu.

Cậu út tôi không phải là người nghiện rượu. Thường ngày cậu ăn cơm rượu ngâm được ba vắt đã thấy ngà ngà say. Nhưng khi hứng lên, cậu cũng cầm đũa gõ chén, gõ bàn bắt nhịp cho mấy ông già vui tính hát ghẹo chị chủ quán.

“Chị đò là chị đưa đò

Nhà Đó có nuôi con chó

Nhà Đó có bán rượu ngon

Có con chị…

Có con chị Đò!”

Có lần, cậu út tôi ăn cưới bên hàng xóm về, say vặt vẹo, lè nhè hát. Tưởng hát bài gì ai dè hát bài “Chị Đò”. Ông ngoại lắc đầu, nói cậu hết thuốc chữa rồi. Đàn bà con gái ở Cái Chum đầy nhóc mà cậu không để ý tới ai hết. Cậu út nói cả đời này chỉ thương có mỗi chị Đò, bởi hoàn cảnh chị không giống người ta. Cậu vừa thấy thương người ta lại vừa thấy tội nghiệp. Ông ngoại từng nói với cậu là tình yêu chứ không có phải như cái tình thương hại đâu. Yêu mà không nghĩ sâu thì sau lại hối và trách trời trách đất, trách cha trách mẹ không chỉ bày cho hướng đi.

Đành vậy, nhưng ai cũng biết chị Đò tuổi Nhâm Dần. Ông Bảy xóm trên cứ ngâm nga câu cũ khi đã mềm môi ba xị đế “trai Đinh, Nhâm, Quý thì tài; gái Đinh, Nhâm, Quý qua hai lần đò”. Chị lớn hơn cậu út tôi 7 tuổi chứ có ít đâu. Ông ngoại không khắt khe đến nỗi ép buộc cậu lấy ai, nhưng ông nói cậu muốn lấy ai cũng được, miễn đó không phải là chị Đò.

Nhiều ngày liền cậu út trở nên lầm lì. Cả xóm không ai thấy cậu ghé quán rượu nữa. Dù vậy, cái quán của chị Đò chiều nào cũng đông khách. Ở đó, mấy ông già vui tính vẫn cứ say và cứ hát. Lần này họ hát nhại theo giọng dân ca, đờn ca tài tử miệt quê nghe còn mùi mẫn hơn. Nhiều tiếng vỗ đùi nghe đen đét sau bài hát.

“Lỡ mai bỏ rượu anh về đồng sâu bắt nhái cắm câu

Bắt con nhái bầu

Móc ngay cái hầu

Cắm tại đầu cầu

Chờ cho trăng lặn cá cắn câu

Nhổ câu anh chọn em về làm dâu cho má anh!”

Không biết cậu út có nghe được những lời hát đó hay không mà cậu đi về đồng sâu thiệt. Trên một gò đất, cậu dựng cái chòi. Chỗ đó thường ngày vốn là nơi nghỉ trưa của những người làm ruộng chung quanh, vì nó có bóng mát của những tán trâm bầu mọc dại. Chỗ đó suốt ngày luôn nghe tiếng cuốc, tiếng bìm bịp, khi đêm xuống thì tiếng dế, ếch, nhái, ễnh ương cứ dậy cả lên. Nhưng cậu út tôi nói có gì đâu mà buồn.

Cậu ở chòi đâu được ba hôm thì ông ngoại tôi thấy có chút bất an trong lòng. Không biết chuyện gì mà mí mắt phải của ông cứ giật giật liên tục. Đêm ấy, nhằm vào lúc sáng trăng, ông ngoại lần dò ra cái chòi của cậu út. Hình như cậu chưa ngủ, cậu đang thủ thỉ với một ai đó mà không có đèn đuốc gì hết. Rón rén bước, ông ghé mắt qua liếp vách được đan bằng những cây sậy đập dập. Dưới nền đất có hai cái bóng đen đang ôm quấn lấy nhau. Một người thì thở hổn hển, một người thì nói chuyện thì thào. Muỗi vo ve ran dậy góc tối. Cái giọng nói nghe khàn khàn thì ngoại đã đoán chắc trăm phần trăm là chị Đò chứ không ai khác. Rất im lặng, ông ngoại liền quay về nhà mặc cho hai người vui vẻ suốt đêm.

Qua ngày hôm sau, cậu út chống xuồng qua miệt lung thả câu. Xế trưa, cậu cuốn câu quay về. Trong lúc cậu còn đang vui mừng vì câu được nhiều cá trê vàng con nào con nấy cỡ trọng trọng thì đập vào mắt cậu là hình ảnh không thể nào mơ thấy. Cái chòi mới tối qua vậy mà giờ chỉ còn là tro tàn thôi. Những tán trâm bầu bị lửa táp rụng trụi lá, chỉ còn trơ lại nhánh cây như những khúc xương khô. Cậu nhảy vội lên bờ quên cả việc buộc dây xuồng rồi đứng như chết lặng. Xung quanh chỉ còn có những thằng bù nhìn hình rơm đứng đội chiếc nón lá rách xập xệ. Thật là vô dụng! Cậu lẩm nhẩm, chim nó lại đậu trên đầu mà còn không biết đuổi thì mấy thằng bù nhìn này còn biết được chuyện gì.

Cậu út trở về nhà. Ông ngoại vẫn làm như không có chuyện gì xảy ra. Còn bà ngoại có lẽ đã hay được chuyện giữa cậu với chị Đò hôm ở chòi ruộng nên tỏ vẻ lo lắng. Bà ngồi may vá mấy bộ đồ sờn rách cũ, chợt bà ngoại lên tiếng đúng vào lúc cậu út vừa đi ngang qua.

- Lòng người có ai biết được đâu? Chị Đò không nói không rằng, tự dưng dẫn đứa con đi đâu mất tiêu.

Nghe vậy nhưng cậu cũng không thèm hỏi lại, liền sau đó cậu đi như chạy về phía nhà chị Đò. Sự thật đúng như vậy rồi, căn nhà im ỉm đóng. Ngay cả con chó mực cũng được chị dắt theo. Những người gần đó không ai biết mẹ con chị đi đâu. Họ chỉ biết rằng chị ra đi sau khi cái chòi cậu út tôi bị cháy rụi. Lúc này người xóm Cái Chum lại có chuyện để nói, chắc là chị Đò lại “ngứa nghề” đó mà, chị quay lại con đường đã từng đi. Bởi cái nghiệp nó vận vào cái thân mà cái nghề có để nuôi miệng sao lại bỏ. Khó lắm! Có dứt ra hay níu vào thì cũng có ai thông hiểu cho hoàn cảnh chị Đò. Những lời xét nét, dè biểu hoặc thương hại chị bất cần.

Mặc cho ai nói gì thì nói, mấy ông già vui tính cứ mỗi lần qua ngang nhà chị Đò lại cất giọng hát. Họ hát như chẳng cần cho ai nghe.

“Mủ gòn đâu là bẩn

Nấm chó đái chẳng hôi

Lạ đời như củ ấu

Vừa mọc lại vừa trôi…

Người ơi! Chớ lại coi

Bông gòn nằm trong trái

Lịch, lươn độn thổ mãi

Thịt da cứ tươi hồng

Cắc tùng! Cắc tùng! Cắc tùng!

Nước sông khi lớn khi ròng

Làm người sao khỏi mất dòng gian nan?”

*

Tôi là đứa cháu thế hệ thứ ba, được chứng kiến nhiều việc của gia đình họ tộc, những ngày thơ bé đó cũng là lần đầu tiên tôi về sống với ông bà ngoại và cậu út. Trong thời gian ấy mấy người dì dượng của tôi làm ăn sa sút, cũng lại đem con nhỏ gửi cho ông bà ngoại nuôi. Cậu út nói khơi khơi, cũng hay thật, cái nhà này bỗng dưng biến thành cái nhà trẻ.

Thi thoảng, tôi có theo cậu út về đồng sâu. Ghé qua cái gò đất, cái chòi cũ của cậu dù không còn nhưng ở đó vẫn mát rượi vì những cây trâm bầu lại mọc lại xòe tán xum xuê. Nhưng con ốc, con cua và những con cá mà cậu bắt được trên đồng lại bày ra nướng. Cậu nướng nó bằng rơm rạ ngay trên cái nền chòi cũ. Phưng phức thơm, gió cứ lộng thổi, ngọn lửa cứ bừng lên rồi lả lơi theo nhịp gió mà cháy, mà hát bài ca đồng quê. Thế mà, tôi chỉ thấy cậu gặm mấy cái ngoe cua rồi thôi, cậu nói thứ này ăn hoài nên cậu ngán. Dù nghe vậy nhưng tôi vẫn cảm nhận được không phải cậu ngán mà vì cậu đang buồn, rất buồn nữa là đằng khác. Còn cậu buồn vì cái lẽ gì thì tôi đâu có biết.

Rồi một ngày đầy gió và nắng rát lắm, người cứ như khô không khốc ấy. Có lẽ thời tiết đó cũng một phần tạo nên cái sự lụi tàn của tuổi tác đã tới hồi luân chuyển, ông ngoại tôi mất! Không biết nghe ai báo tin mà mẹ con chị Đò quay trở về. Chị cũng quấn khăn tang trên đầu mặc cho có người ngăn cản. Sau ngày đó thì chị không đi đâu nữa, chị dựng lại căn nhà bên gốc sung già. Lại mở quán… lại đưa đò… và mấy ông già vui tính ở đây lại có dịp để say, để hát.

“Cô hàng rượu ơi!

Bán tôi năm vò

Rượu chưng ngon ghê

Nhưng mà tôi chê

Tóc cô hơi dài…”

Mấy người dì dượng của tôi lúc này lại ở nơi xa, nói đúng hơn là đi tha phương cầu thực. Dường như cái nghèo đói lúc nào cũng không thể khiến con người ta ở lì một chỗ mà buộc phải đi, dù đôi khi người ta vẫn không xác định được sẽ đi đâu, về đâu. Hoàn cảnh thật trớ trêu, khi nỗi buồn này chưa qua hết thì nỗi buồn khác lại ập đến, cứ như những đợt sóng trào lên tung trắng xóa và ngầu đục nhấn chìm hết những hi vọng dẫu là mong manh như sương khói mơ hồ. Bà ngoại tôi ngã bệnh nằm liệt giường. Đến lúc này thì tôi mới thấy vầng trán của cậu út có nhiều nếp nhăn xếp chồng lên nhau, những sợi bạc len lỏi trong từng dúm tóc của cậu cứ vậy mà trổ sáng lên. Cho đến một hôm, khi cậu chống xuồng ra đồng thì chị Đò lò mò qua nhà. Vừa gặp chị, cậu út nói mà ngó lơ nơi khác:

- Dạo này chắc rảnh rang hả?

- Chớ sao? Bộ cậu còn giận chị à?

- Tui hổng có giận mà tui hận.

- Thôi đi, cậu có hận đến chết được không? Ý tốt của người ta mà cậu nỡ từ chối. Thiệt là…

- Cảm ơn, nhưng tui vẫn chưa xả tang đâu.

- Cậu cố chấp vừa thôi. Mẹ thì ngã bệnh, cháu thì đàn đống trong nhà. Cậu lo kiêng cữ chỉ có nước cậu chết sớm!

Lúc đó cậu út tôi không nói thêm lời gì mà chống xuồng đi băng băng. Thực ra cậu cũng đã có dặn dò tôi. Tôi là anh lớn nên có nhiệm vụ trông chừng mấy đứa em và chăm sóc cho bà ngoại. Lỡ có chuyện gì cậu không về kịp thì tôi sẽ cho những người hàng xóm biết tin.

Buổi trưa hôm đó cậu út chống xuồng về. Cậu không hay rằng cả buổi sáng này chị Đò ở đây chăm sóc cho bà ngoại. Chị không nề hà bất cứ chuyện gì, từ việc xắc thuốc, bón cho ngoại từng muỗng cháo đến việc giúp ngoại đi vệ sinh. Nhưng về nhìn thấy chị, cậu không chịu lên bờ mà ngồi miết dưới xuồng. Chị Đò chợt đi xuống bến, nói một câu rất nhỏ: “Thôi, cậu về rồi. Chị về nhà bên kia vậy”.

Nhiều hôm sau đó, khi cậu đi ruộng thì chị Đò lại qua nhà. Sức khỏe của ngoại tôi lúc này có vẻ giảm sút nhiều và tôi thầm nghĩ không biết cậu còn hận chị Đò đến bao lâu nữa.

Ngày nọ, mẹ tôi về lại quê đón tôi lên thành phố. Tôi thấy buồn quá chừng. Bởi đi rồi tôi sẽ nhớ mấy đứa em, tôi sẽ nhớ ngoại, nhớ cậu út và cả chị Đò nữa. Chợt, ngoại tôi nhắc nhở: “Con gọi chị Đò là người ta nói hỗn xược. Sao con không gọi là mợ cho ngoại và cậu út được nhờ?!”. Nói rồi ngoại móm mém cười. Mẹ tôi cười. Và tôi cũng cười nữa. Tôi cười vì biết rằng ở Cái Chum này mai mốt sẽ có người lớn tuổi hơn tôi – là Hân, con chị Đò, mà phải gọi là mợ đó nghen – gọi tôi theo vai vế là anh chứ không còn hay nói giọng kẻ cả phát biểu đại ý kiểu như “thằng mắc ma này sao mà ham giành bánh kẹo với mấy đứa nhỏ”.

*

Dạo chị Đò bỏ Cái Chum đi không lời từ giã người ta xì xầm mãi cũng chán. Họ khen, chê, đồng cảm, nói thêm, nói bớt đều có hết. Nhưng tôi tin nhất vẫn là lời ông Ba Càng, có bữa nọ ngà say ổng nói giọng lè nhè tiếng được, tiếng mất, câu nọ xọ câu kia nhưng quanh đó đủ nghe rõ về một con người.

Ông Ba Càng nghe đâu cùng quê với chị Đò, ngày trước ông ở Vàm Xáng, phải băng qua ba cánh đồng, gần chục con rạch mới tới quê của ông. Vậy mà lưu lạc tứ xứ rồi sau đó ông ấy về Cái Chum khi tóc đã lốm đốm muối tiêu. Mới đó đã gần hai chục năm.

Lần nọ, vô tình trong đêm nhậu đám cưới bên xóm về, ông Ba Càng nghe tiếng khóc và la ơi ới của bé Đó, ông hay gọi vậy, thì ra chị Đó bị thằng Tùng quéo xóm trên để ý lâu ngày rồi đêm đó nó say nên động tình dứt không nổi chạy tới và hiếp chị Đó. Ông Ba Càng tới và nghe tiếng khóc rấm rứt thì chuyện đã rồi.

Tuổi mười tám của chị Đò bị tước đi cái trinh nguyên như vậy đó, rồi sau cha mẹ chị cũng lần lượt qua đời chỉ để lại cho chị cái nghề nấu rượu gạo ngon nhất xứ Vàm Xáng và cái nhà không ra nhà, cái chòi không ra chòi. Tủi thân, nhưng chị vẫn dùng sức vóc của mình làm thuê sống lây lất qua ngày đoạn tháng. Ở quê, lại kém hiểu biết nên cái Hân ra đời là lẽ đương nhiên theo dòng thời gian. Đã có bao chàng trai, bao gã qua thì vẫn mon men và gạ tình với chị Đò, chị khước từ và xem thường họ. Bởi tất cả chỉ muốn chị, muốn tìm đến chị với những phút giây thèm khát của giống đực, của bạc tiền vung tìm của lạ, của lén lút vợ con,…

Ở Vàm Xáng mãi cũng chán, chị chán cảnh sống trên bờ, bán cái nhà cũ rích mua cái đò buôn bán hàng bông, rượu, muối, đường, bột ngọt, bánh kẹo,… lênh đênh theo con sông, con rạch. Cứ đi miết. Rồi có duyên với Cái Chum và ở lại đó mở quán rượu.

Thế mà có người vạ miệng là chị từng làm nghề “bán trôn nuôi miệng”. Miệng lưỡi thế gian ghê thiệt!

*

Lần nào tôi ghé về quê cũng nghe cậu út hờn trách. Cậu nói, lúc nhỏ đói rách thì dễ sống gần gũi nhau, tới hồi lớn lên, có được chút dư dả thì anh em cứ như người dưng nước lã. Hai ngôi mộ của ông bà ngoại tôi nằm sờ sờ ra đó. Nhưng mỗi lần giỗ, chạp thì con cái nếu có đứa này thì lại vắng đứa kia, cứ đổ thừa công ăn chuyện làm. Mà di ảnh ông bà ngoại thì mạnh ai nấy thờ, nên riết không còn đám giỗ chung cho cả nhà có ngày đoàn tựu. Thiệt buồn hết chỗ nói.

Tôi hiểu mà, tính của cậu út nói thì nói vậy chứ thật ra cậu rất thông cảm và hiểu rằng mỗi người mỗi cảnh. Có đứa cháu nào về, đứa nào muốn ở lại chơi với cậu bao nhiêu lâu cũng được. Chị Hân, mà quên, em Hân của tôi rồi cũng đến lúc lấy chồng về ở tận trong miệt Lung Đen. Căn nhà giờ chỉ còn lại cậu mợ và thằng con sau của họ tên Muộn. Có lẽ nó giống cậu, thường ngày nó chỉ thích ở chòi ruộng chứ không thích ở trong nhà. Nếu thấy nhà có khách lạ là nó lẻn đi mất. Mua cho nó quần áo mới thì nó nói để cũ cũ hãy mặc. Nó rất giỏi việc giăng lưới, cắm câu nên người Cái Chum đặt tên ghép nó là thằng Muộn sát cá. Nhưng lần này gặp tôi, nó nói, người ta đi rà điện nhiều quá nên bây giờ cá tép hiếm hoi rồi. Nước trong rạch hay ngoài sông cũng đang cạn dần và nhuốm bẩn lắm, bởi mạnh ai nấy khai thác và xả rác thẳng xuống sông mà. Có tôi về, nó đi soi chỉ được một ít cóc về đãi thôi.

Lại là món cũ đây! Tôi chợt nhớ, hồi nhỏ anh em tôi thường xuyên ăn cháo cóc đậu xanh do ngoại tôi nấu nên đứa nào đứa nấy rất mau lên kí. Nhưng vào lúc này, cậu út buộc tôi phải uống tí rượu cho thơm môi với cậu, bởi mợ vốn là thợ nấu rượu mà.

Vô được ít li, cậu lại nói. Cậu nói trong tay cậu có đất ruộng nhiều vậy nhưng đâu thể giữ được đời đời. Hiện tại cậu lo giữ nó là giữ cái gốc, là để dành cho con cháu. Mấy người dì dượng của tôi đến giờ này vẫn là ở trọ chứ có ai mua nổi cái nền nhà đâu. Giá đất mỗi ngày một tăng, gì chứ cái nền nhà thì cậu để dành cho nếu những người dì dượng tôi có quay về mai này. Trước sau cậu đã lo sẵn năm cái nền đất và trồng hàng bạch đàn, khuynh diệp quanh nhà. Cậu chờ người về.

Nói rồi cậu lại cầm đũa gõ chén và hát nghêu ngao. Có lẽ cậu bị « lây » mấy ông già vui tính xóm này. Tôi xin được ghi lại ở đây Bài ca con cóc  – nó được cậu cất giọng với lời lẽ giản dị, thiệt thà như bản chất của người quê xưa nay vẫn vậy.

« Bắt con cóc

đem vào đây

cắt cổ

lột da

xào lăn

xằn lao

đừng có mặn ăn hoài chẳng đặng

bỏ thêm chút đường

ăn hoài

được hoài ! »

Cuộc rượu đã dừng từ lâu. Tôi và cậu cùng những người nào đó ở cái miệt Cái Chum này đang đeo đuổi ám lòng một suy nghĩ khác nhau. Câu nói: « Đừng có mặn ăn hoài chẳng đặng / bỏ thêm chút đường / ăn hoài / được hoài ! » cứ theo tôi tận phương trời xa. Miệt quê dấy mãi nỗi nhớ khôn cùng theo từng lọn khói phả lên trời sau chái bếp ấy…

T.H.M.P