Lực lượng sáng tác cho thiếu nhi: Đông nhưng chưa mạnh

03.06.2024
Bùi Minh Vũ
Văn học thiếu nhi là mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh toàn cảnh của nền văn học Việt Nam. Đây là một đề tài khá hấp dẫn và lý thú, thu hút sự tham gia của nhiều thế hệ nhà văn và từng đạt được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên trong khoảng hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, mảng văn học này có phần “đuối” so với trước và “lép” so với mảng văn học dành cho người lớn.

Lực lượng sáng tác cho thiếu nhi: Đông nhưng chưa mạnh

Những năm gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam và một số cơ quan báo chí, xuất bản... đã có nhiều giải pháp nhằm “chấn hưng” mảng văn học thiếu nhi. Nổi bật là Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đã thành lập giải thưởng thường niên dành cho tác phẩm văn học thiếu nhi; đồng thời phát động cuộc vận động sáng tác về đề tài thiếu nhi. Nhà xuất bản Kim Đồng thành lập Giải thưởng Kim Đồng, gắn với cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi giai đoạn 2023-2025. Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) thành lập Giải thưởng Dế Mèn, hằng năm tôn vinh các tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc trong năm... Mặc dù đã có những “động thái” tích cực như trên, nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng và chưa có tính bền vững. Đa số các nhà văn Việt Nam đương đại vẫn chưa mặn mà, chưa thật sự quan tâm một cách nghiêm túc tới mảng văn học này. Đặc biệt, một số cây bút có những thành tựu bước đầu khi viết cho thiếu nhi nhưng đã không tiếp tục dành tâm huyết cho văn học thiếu nhi. Bởi vậy trên diễn đàn, đôi khi thấy lực lượng có vẻ đông, tác phẩm có vẻ nhiều, nhưng thành tựu thì không phải vậy. Nhìn chung, văn học thiếu nhi hiện tại vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức cả từ phía người sáng tác và người tiếp nhận. Văn học thiếu nhi hiện tại, ngoài trường hợp “vô đối” là Nguyễn Nhật Ánh, chưa có những tên tuổi lớn như những giai đoạn trước đây. Theo đó, văn học thiếu nhi hiện nay vẫn còn thiếu vắng những tác phẩm nổi bật, có sức sống lâu bền như: Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa, Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán v.v...

Xét theo “chu trình sáng tạo” thì văn học nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng có cơ chế hoạt động không giống với bất cứ cơ chế nào. Quá trình sáng tác là quá trình hướng đến đối tượng thiếu nhi, nói những điều thiếu nhi cần, viết những gì thiếu nhi hiểu, đọc và đam mê. Một khi tác phẩm văn học thiếu nhi ra đời, người thẩm định không phải là nhà phê bình hay hội đồng giám khảo, mà chính là các em thiếu nhi. Các em sẽ đến hiệu sách để tìm mua, vào thư viện để tìm đọc, đến những buổi ra mắt sách để xin chữ ký tác giả... Cuối cùng, nhà phê bình mới xem xét, thẩm định một “chu trình mở” như thế.

Như vậy, tác phẩm văn học viết về thiếu nhi có chất lượng cao không phải do công nghệ đánh bóng, mà là thông qua quá trình cọ xát, thử thách của thời gian để đến với các em và được số đông nêu tên một cách chính xác như một số tác giả và tác phẩm vừa kể trên đây. Để đạt được kết quả đó, điều tiên quyết phải là tài năng. Khi nhà văn đã trưởng thành, đủ tri thức và vốn sống để viết về đối tượng nhỏ tuổi thì khoảng cách thế hệ là thử thách để họ có cách nhìn, cách nghĩ, cách nói, cách ăn, cách ngủ... của con trẻ. Con đường đến với văn học thiếu nhi vì vậy quả là gian nan. Nếu nhà văn sốt sắng viết về tuổi thơ của mình dù cho hay ho đi mấy, liệu có phù hợp với các em, bởi thời đại nhà văn sống đã “lạc hậu”. Cái hôm qua của nhà văn không giống cái hôm nay của các cháu, nên không còn hấp dẫn với các cháu nữa...

Tài năng sáng tạo của nhà văn là cá tính không thể phủ nhận. Người đọc thích “cái riêng” của nhà văn này không giống “cái riêng” của nhà văn khác. Có lần tôi gặp một người bán vé số dọc đường, trình độ học vấn chưa đủ để thực hiện một tin nhắn hoàn chỉnh trên điện thoại, vậy mà cô đọc cho tôi nghe vanh vách bài thơ Hạt gạo làng ta của Trần Đăng Khoa. Nếu không có tài thì Trần Đăng Khoa không thể viết ra những câu thơ mà ai cũng yêu thích và thuộc lòng như vậy. Nói rộng ra, những tác phẩm viết cho thiếu nhi mà được các em tìm đọc, chắc chắn là tác giả đã có tài khám phá thế giới trẻ thơ, kể và tả những điều gần gũi với trẻ thơ và có tình yêu mến trẻ thơ. Khi ấy, nhà văn chính là bố mẹ của các em, là bạn cùng lớp, cùng làng, cùng chơi, cùng học, cùng sở thích và chung ước mơ với các em... Sự độc đáo của nhà văn viết cho thiếu nhi không chỉ thể hiện trong cách sử dụng ngôn ngữ tuổi thơ, tạo ra phong cách riêng, mà còn thể hiện cách tư duy của trẻ con. Chẳng hạn bài thơ Cô dạy của Phạm Hổ “triết lý” rất đơn giản thế này: Mẹ, mẹ ơi! Cô dạy/ Cãi nhau là không vui/ Cái miệng nhỏ xinh thế/ Chỉ nói điều hay thôi!

Trong không gian sáng tạo hiện nay, nhà văn sáng tác tự do, không lệ thuộc vào cơ chế tài trợ, hỗ trợ nào. Tuy nhiên thực tế hiện nay, sự quan tâm dành cho một đề tài nào đó lại rất cần có cơ chế, cần tài trợ để tạo điều kiện cho nhà văn tập trung “toàn tâm toàn ý” cho công việc sáng tác. Và cùng với hỗ trợ sáng tạo là hỗ trợ xuất bản, giới thiệu tác phẩm, hỗ trợ kinh phí cho giải thưởng hằng năm v.v... Trong đó, trại sáng tác văn học thiếu nhi là một hình thức kích thích sáng tạo thiết thực và hiệu quả. Hiện nay, trại sáng tác dành cho đề tài này rất ít, có chăng cũng chỉ 10-15 nhà văn được mời, thời gian cũng chỉ trên dưới chục ngày, như thế thì làm sao kỳ vọng có những tác phẩm văn học thiếu nhi hoành tráng?

Cũng như “chọn mặt gửi vàng”, việc lựa chọn người có thể tin tưởng vào khả năng sáng tác để đặt hàng tác phẩm viết cho thiếu nhi, dĩ nhiên là cần thiết. Tác phẩm văn học thiếu nhi là công trình sáng tạo, cần phải có kinh phí thỏa đáng để kích thích ngòi bút bung nở những con chữ lộng lẫy, tài hoa. Cùng đó là kinh phí hỗ trợ quảng bá tác phẩm và đưa tác phẩm đến tay bạn đọc; nhất là bạn đọc nhỏ tuổi ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn... Vừa rồi, Hội Nhà văn Việt Nam đã xã hội hóa in ấn các các tác phẩm văn học thiếu nhi “vượt thời gian”, để gửi tặng các cháu ở nhiều địa phương. Đó là cách làm nhân văn, cần duy trì và nhân rộng. Cũng gần đây, Nhà xuất bản Kim Đồng đã in các tác phẩm văn học thiếu nhi gửi đến thư viện các trường trung học cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa...

Được biết hiện nay, các cơ quan quản lý và các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật đang xúc tiến tổng kết VHNT sau năm 1975, hướng tới kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (1975-2025). Theo đó, cũng cần phải có cuộc tổng kết 50 năm văn học thiếu nhi (1975-2025). Nên chăng, các em thiếu nhi là chủ thể sáng tạo hoặc là đối tượng phục vụ cùng tham gia bình chọn tác phẩm hay trên phạm vi cả nước. Hội Nhà văn Việt Nam nên đứng ra chủ trì việc này và đừng quá phụ thuộc các vào lý thuyết, học thuật lý luận phê bình VHNT mà cần chú trọng hơn vào thực tiễn của đời sống văn học thiếu nhi và sự lựa chọn của đông đảo các bậc phụ huynh và các em thiếu nhi. Đồng thời, trong nhiệm kỳ này hoặc nhiệm kỳ sau, Hội cần có một Đề án về văn học thiếu nhi với những giải pháp khả thi về xây dựng đội ngũ nhà văn viết về thiếu nhi trong thời kỳ mới.

(Văn nghệ số 21/2024)