Lời quê xứ Quảng trong thơ Hoàng Lộc

16.01.2024
Lý Đợi
Trong tập “Thơ cuối trăm năm” của Hoàng Lộc vừa phát hành, ngoài vài chục bài có đề cập trực tiếp địa danh, đặc sản Quảng Nam, thì còn khoảng 60 bài dùng ngôn ngữ cũ của xứ Quảng, như là một cách thức bảo tồn tiếng quê đầy thú vị.

Lời quê xứ Quảng trong thơ Hoàng Lộc

Tập sách “Thơ cuối trăm năm”.

Nguy cơ mai một phương ngữ

Đúng 100 năm trước, ngày 8/9/1924, trước gần 2.000 người tham dự, tại lễ tưởng niệm ngày mất Nguyễn Du (10/8 âm lịch) do Ban Văn học của Hội Khai trí Tiến Đức tổ chức ở Hà Nội, Phạm Quỳnh (1892 - 1945) đã nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.

Vậy thì trước làn sóng phổ thông hóa giọng nói và cả chữ viết như hiện nay, tiếng ta còn là còn ở đâu? Với Nguyễn Du chính là ở “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”. Lời quê ở trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, trong ca dao dân ca và trong thi ca. Lời quê chính là bản sắc, là cốt tủy của tiếng lòng quê xứ.

Nhưng ngày nay, trên toàn thế giới, giữ được lời quê không hề đơn giản. Với những nước đang phát triển như Việt Nam, đô thị hóa nông thôn mạnh mẽ, lời quê càng mai một nhanh chóng.

Trong cuốn “When Languages Die” (Khi nào ngôn ngữ chết đi), nhà ngôn ngữ học K. David Harrison cho biết: “Ngôn ngữ chết với tốc độ nhanh hơn nhiều so với thực vật và động vật. Hiện có thể liệt kê hơn 40% tổng số ngôn ngữ trên thế giới vào “Sách đỏ”, tức là có nguy cơ diệt vong, trong khi đó con số này ở thực vật là 8% và động vật là 18%”.

Ông cũng đặt ra những câu hỏi cấp thiết: Điều gì sẽ mất theo khi một ngôn ngữ chết đi? Cấu trúc và từ vựng của ngôn ngữ quan hệ thế nào với tri thức, nhân học và văn hóa? Nhân loại bị tổn hại thế nào khi một ngôn ngữ bị mất đi mãi mãi?...

Trước bối cảnh như vậy, dù có thể vô tình, nhưng tập “Thơ cuối trăm năm” (NXB Văn học) của Hoàng Lộc đã trở thành một phần nhỏ lưu giữ cho lời quê xứ Quảng. Bởi thơ là tinh chất của lời quê, của tiếng lòng, của tiếng ta, của ngôn ngữ.

Đọc thơ Hoàng Lộc, gặp rất nhiều từ đặc trưng hoặc rặt Quảng như: mô mô, trớt cha, lụi hụi, dặn chừng, cách chi, trúng bữa, bám miết, coi bộ, thằng khỉ, ngó ngang, lia đi, te te, biết đách, dở ẹc, cười trừ, may mô, lông bông, chừng ni, thổi miết, lạc lìa, lia chia, lu bu, qua loa, chịu đời chi thấu, hàm hồ, hạn kỳ, tắt nghỉn, từng xu ký củm, ỉ ôi, xụi lơ, chèo chẹo, cớ chi, đơm pha, rộng thinh, núp biệt, gần xịt, xa kinh, bảy đời, xụt bệ, chùm hum, thiệt bụng, ốm nhách, bèo nhèo, một chặp, chạy đàng trời, lơi bơi, cô mô, chi cái thằng, dật dờ…

Thử đem những từ này nhờ các bạn đọc trẻ xứ Quảng (sinh sau năm 2004, nay chừng 20 tuổi) cắt nghĩa, chắc không ít trường hợp sẽ nói không biết nghĩa, hoặc hiểu sai hoàn toàn. Đơn giản vì họ đang ưu tiên dùng từ phổ thông, những lời quê đã dần dần ít dùng, ít nghe...

Lời thương quê xứ

Có lẽ Hoàng Lộc không cố tình đưa chúng vào thơ để bảo tồn lời quê, mà đơn giản, vì ông quá yêu xứ Quảng, lại có mấy chục năm định cư ở nước ngoài, trước khi hồi hương, nên những từ khóa cũ được nuôi dưỡng khá tự nhiên.

Thử đọc vài câu thơ của ông, để thấy sự tự nhiên này: “ta hết ngó ngang rồi ngó dọc/ chỉ mịt mù gió sóng trường giang”, “thiệt ra ta cũng không ngờ/ tới chừng ni tuổi mới gò được em”, “anh còn cả mớ tình si/ đổ mô cho hết hạn kỳ với em?”, “anh không quen tiếng thở ra/ chén cơm bát nước đơm pha một mình”, “xin em thò thụt mối tình/ kệ ai - hai đứa rình rình yêu nhau”, “Hội An có một ta buồn/ em đi gần xịt, mà đường xa kinh”…

Có thể trích mấy chục cặp câu đặc lời quê xứ Quảng như vậy trong tập thơ này. Sau chừng vài chục năm nữa, những lời quê này sẽ phôi pha hoàn toàn trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, đọc lại “Thơ cuối trăm năm” sẽ thấy lạ lẫm, ngộ nghĩnh và thú vị.

Trong bài thơ có dung lượng gần như dài nhất tập này, đó là “Không thể không về với cố hương”, Hoàng Lộc kết: “không thể không về với Quảng Nam/ trăng lên cho dẫu phải trăng tàn/ khi trăng còn đứng trên đầu núi/ có lẽ ta còn kịp cố hương”… Nhờ về với xứ Quảng, lại sống trong nỗi cô đơn, hoài nhớ tuổi xế chiều, nên Hoàng Lộc (sinh 1943 tại Hội An) đã dồn hết tâm tình cho thơ tình, nơi chắp nhặt được không ít lời quê.

(baoquangnam.vn)