Nhà thơ Thanh Quế và những ân tình

29.09.2022
Nguyễn Tam Mỹ
Chân thành dìu dắt những cây bút trẻ Quảng Nam - Đà Nẵng một thời, đến nay nhiều người thành danh vẫn nhắc đến nhà thơ Thanh Quế như một người anh thân thương và đầy trân quý.

Nhà thơ Thanh Quế và những ân tình

Nhà thơ Thanh Quế (bìa trái) và nhà văn Nguyễn Trung Hiếu trong một lần gặp nhau.

Hết lòng vì thế hệ đàn em

Cũng đã mấy năm rồi tôi mới có dịp gặp lại nhà thơ Thanh Quế. Với tôi, ông không chỉ là nhà văn đàn anh mà còn là người thầy dìu dắt tôi chập chững bước vào làng văn. Còn nhớ, lúc bấy giờ là cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20, tôi rời chiến trường K trở về quê nhà làm báo, thi thoảng sáng tác dăm ba bài thơ gửi Tạp chí Đất Quảng.

Thanh Quế tên thật là Phan Thanh Quế, sinh năm 1945, tại xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp Khoa Sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông xung phong vào chiến trường miền Nam, công tác tại Hội Văn nghệ Giải phóng Khu 5. Với 50 tác phẩm đã xuất bản, trong đó có nhiều tác phẩm được bạn đọc đánh giá cao như “Về Nam”, “Thơ Thanh Quế”, năm 2012, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Lên Tiên Phước công tác, gặp tôi, ông bảo: “Thơ mày đọc được nhưng khó có thể để mọi người quen tên biết tiếng. Làm báo có nhiều lợi thế, tại sao mày không viết văn?”. Tôi thú thật: “Em đâu có biết cách viết một cái ký hay truyện ngắn…”.

Ông bảo: “Khó gì! Muốn viết truyện ngắn, mày cứ đọc riết các truyện ngắn của “người ta” rồi đến một lúc nào đó, mày sẽ biết được cách viết truyện ngắn. Muốn viết bút ký, ghi chép hay tiểu thuyết cũng vậy”.

Tôi làm theo. Và thật bất ngờ, bút ký “Hoàng hôn quê ngoại” - sáng tác đầu tay của tôi, được đăng trên báo Văn Nghệ, sau đó được trao giải 3 cuộc thi bút ký, truyện ngắn viết về đề tài nông nghiệp - nông thôn do Báo Văn Nghệ, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức năm 1988 - 1989.

Không riêng gì tôi, nhiều anh em trẻ cầm bút ở Quảng Nam - Đà Nẵng cùng thời luôn được Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng và các nhà văn, nhà thơ Thanh Quế, Hoàng Minh Nhân, Nguyễn Bá Thâm, Đỗ Văn Đông… tận tình giúp đỡ trong buổi đầu chập chững viết lách ấy.

Ngày ấy, Quảng Nam - Đà Nẵng có rất nhiều gương mặt trẻ đam mê văn chương, những cây bút mặc áo lính cùng trang lứa cũng xem Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng là “mái nhà chung”, các nhà văn nhà thơ ở hội là những bậc đàn anh thân tình gần gũi.

Sáng tác được bài thơ, hay viết được cái truyện ngắn, cái bút ký… anh em trẻ đều đem nhờ Thanh Quế, Hoàng Minh Nhân đọc thử xem sao. Điều đáng quý là các ông nhận xét, đánh giá rất cụ thể, chỉ ra cái được và cái chưa được để anh em trẻ rút kinh nghiệm. Những sáng tác tốt, có chất lượng, các ông đăng trên Tạp chí Đất Quảng, quảng bá với bạn đọc gần xa.

Đội ngũ những người viết văn trẻ ở Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ khá hùng hậu. Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng và các ông Thanh Quế, Hoàng Minh Nhân, Nguyễn Bá Thâm… đã làm một việc thiết thực là mở các lớp bồi dưỡng viết văn làm thơ ngắn hạn (khoảng mươi, mười lăm ngày) cho anh em viết trẻ ngay tại trụ sở Hội ở 34 Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng.

Tôi vẫn còn nhớ, sau khi gửi giấy mời, ông Thanh Quế gọi điện thoại cho tôi, động viên cố gắng sắp xếp công việc để tham gia. Ông Hoàng Minh Nhân cũng gọi điện thoại cho tôi hỏi có gặp khó khăn gì không để ông giúp đỡ bằng khả năng của mình. Ông Nguyễn Bá Thâm lo tiền tàu xe cho “mấy đứa ở xa”…

Nhờ có các lớp bồi dưỡng ấy, anh em viết trẻ mới có điều kiện quen nhau, mới có cơ hội gặp gỡ, lắng nghe các nhà văn nhà thơ nổi tiếng trò chuyện về văn chương như nhà thơ Trinh Đường, nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Chí Trung, Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Hẳn nhiên, các ông Thanh Quế, Hoàng Minh Nhân là “người nhà” cũng đã chịu khó đọc các tác phẩm của anh em viết trẻ, tác phẩm có chất lượng được ưu ái đăng ngay trên Tạp chí Đất Quảng, những tác phẩm chưa đạt, các ông nhận xét góp ý chân thành.

Quảng Nam - Đà Nẵng: Quê hương thứ hai

Nhà thơ Thanh Quế có mặt tại chiến trường Khu 5 vào thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn gian nan ác liệt nhất. Đói khát quanh năm. Đạn bom khói lửa mù trời. Ở căn cứ thì máy bay B52 rải thảm. Đi thực tế Quảng Ngãi hay Quảng Đà dễ bị địch phục kích hay bất ngờ đổ quân càn quét. Khi đất nước hòa bình thống nhất, ông tham gia Trại sáng tác văn học Quân khu 5.

Năm 1980, ông được điều động ra công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội, làm biên tập viên thơ. Cuối năm 1983, ông lập gia đình và chuyển công tác về Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng. Lần lượt đảm đương các cương vị: Phó Chủ tịch Hội rồi Chủ tịch Hội kiêm Phó Tổng biên tập rồi Tổng biên tập Tạp chí Đất Quảng (sau này là Tạp chí Non nước).

Thanh Quế vừa làm thơ vừa viết văn. Lĩnh vực nào ông cũng thành công. Vì thế, gọi ông là nhà văn hay nhà thơ đều đúng. Gần như cả đời ông gắn bó với mảnh đất “chưa mưa đà thắm”.

Ông thường bảo với tôi: “Quảng Nam - Đà Nẵng là quê hương thứ hai của tao”. Với anh em quen biết, ông cứ mày tao bỗ bã thân tình. Cho đến nay, ông có được 16 tập thơ và trường ca, 35 tập truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, bút ký và chân dung văn học.

Đọc thơ văn Thanh Quế, tôi (và bao người khác) hình dung được Quảng Nam - Đà Nẵng trong chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng. Thông qua lăng kính văn học, ông đã phản ánh chân thực cuộc sống với cái nhìn nhân hậu, không “bôi đen” cũng chẳng “tô hồng”.

Đọc trường ca “Chiến khu Trà My”, bạn đọc hiểu căn cứ địa Khu 5 thời chống Mỹ, gian khổ hy sinh đến mức không tưởng tượng nổi. Qua tiểu thuyết “Cát cháy”, bạn đọc càng cảm phục những em thiếu niên, những anh chị du kích vùng cát Hòa Hải ở sát nách địch có những trận đánh xuất quỷ nhập thần khiến kẻ thù khiếp vía.

Đọc tập truyện ngắn “Bà cụ vui tính”, bạn đọc lại nhớ về những năm tháng cả tỉnh đi xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh, hiểu thêm về sự hy sinh thầm lặng của người dân vùng lòng hồ phải di dời đi nơi khác.

Đọc tập chân dung văn học “Về Nam”, bạn đọc hiểu thêm về những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nghệ sĩ hồ hởi phấn khởi “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, dù họ biết rằng chiến trường Khu 5 vô cùng ác liệt.

Còn thơ Thanh Quế? Với tôi, thơ ông cũng có nhiều thành tựu đáng nể. Thời chiến tranh ông có bài thơ nổi tiếng “Trước nhà em sông Vu Gia”. Bài thơ được nhiều người dân xứ Quảng thuộc và ngâm ngợi khi chèo thuyền trên con sông quê để quăng câu vãi lưới lúc chiều buông.

Thời kỳ đầu đổi mới, ông có tập thơ “Giãi bày”, mỏng thôi, nhưng lại là dự cảm khá chính xác về “một bộ phận không nhỏ” cán bộ đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất trước sức mạnh đồng tiền. Càng về sau, thơ Thanh Quế càng súc tích ngắn gọn nhưng giàu suy nghiệm triết lý khiến người đọc phải nghiền ngẫm để thấu hiểu “ý tại ngôn ngoại”.

Với những đóng góp của mình trong lĩnh vực văn chương, Thanh Quế đã được Hội Nhà văn Việt Nam, tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng trao tặng nhiều giải thưởng. Nhưng theo tôi, phần thưởng lớn nhất đối với ông là anh em viết trẻ ngày xưa, bây giờ ở lứa tuổi trên dưới sáu mươi, luôn quý mến ông, khi gặp gỡ nhau đều không quên nhắc tên ông, người đã tiếp sức cho họ nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương. Bởi với họ, nhà thơ Thanh Quế luôn gần gũi thân thương…

(QNO)