"Người khổng lồ" Phạm Văn Hạng: Tôi "cố gắng làm người lương thiện”

25.04.2019

Trước khi đến thăm vườn tượng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng ở Đà Lạt, tôi đã có lần nghe ông nói: "Chúng ta là những người học trò nhỏ trong lịch sử". Bởi ông muốn làm việc hết mình.
Say mê sáng tạo và dâng hiến. Tôi nhập đồng với những chân dung bằng đá của ông. Đó là ấn tượng thi ca mang ngôn ngữ Phạm Văn Hạng. Độc đáo. Gai góc. Ngang tàng. Có người đã nhận định, ông là "Con quỷ thánh thiện", hay "Nghệ sĩ trong đêm". Chắc đúng!

Những khúc tráng ca trên đường phố

Nói đến cái tên Phạm Văn Hạng, ai cũng nhớ đến những tác phẩm lớn mang vóc dáng tượng đài trên các quảng trường và đường phố. Tôi không biết bao lần đã đi qua cầu Rồng ở Đà Nẵng, một tác phẩm kiến trúc mỹ thuật "khủng" trên quê hương ông. Phạm Văn Hạng là tác giả thiết kế đầu và đuôi rồng (thấm đẫm chất mỹ thuật dân gian thời nhà Lý). Một con rồng thép kéo dài hơn 600 mét vượt qua sông Hàn. Đúng sự vạm vỡ của tư duy Phạm Văn Hạng. Cao lớn. Rạng ngời. Cây cầu này gắn với kỷ lục thế giới "Con rồng thép lớn nhất". 

Những kỷ niệm lại ào ạt trở về với Phạm Văn Hạng mỗi khi nhắc đến quê hương. Bạn bè đồng nghiệp nhắc đến ông với những tác phẩm độc đáo và "xương xẩu" nhất thời trước giải phóng. Cuộc đời ông là bản trường ca bất tận về sự bươn chải mưu sinh. Phạm Văn Hạng lăn lộn ở chiến trường Quảng Trị với chiếc máy ảnh trong tay làm công việc của một phóng viên chiến tranh.

Trái tim trẻ trung đầy khao khát sáng tạo đã bị dìm sâu trong biển máu, súng đạn. Phạm Văn Hạng đau đáu niềm đau dân tộc. Ông đã dựng tác phẩm đầu tiên, thể hiện độc đáo về đề tài chống chiến tranh phi nghĩa. Một cấu trúc kỳ lạ ập đến trong những đêm suy tư về chiến tranh. Đó chính là tác phẩm "Chứng tích" (hay "Vietnam SOS"), được thể hiện qua nghệ thuật "Sắp đặt" đầy dữ dội.

Bằng chất liệu khó ai tưởng tượng nổi: Đó là xương và ruột người thật vẫn còn khô máu do bom đạn, được bày cùng với súng ống, dây thép gai gom từ chiến trường. Đó là câu chuyện của năm 1970. Tác phẩm gây chấn động giới mỹ thuật khi tham gia triển lãm mỹ thuật ở Quảng Trị. Ngay năm sau, "Chứng tích" đã bị chính quyền Mỹ ngụy "thủ tiêu" khi đưa đi dự triển lãm quốc tế tại Sài Gòn. Nhưng tiếng vang của nó đã làm nên tên tuổi cho nhà điêu khắc trẻ mới độ tuổi 30. Đồng thời, "Chứng tích" cũng là điềm báo cho một tương lai hết sức bí ẩn của Phạm Văn Hạng.

Hơn mười năm sau, điều kỳ diệu đã hiện lên ngay ngã tư trung tâm thành phố Đà Nẵng, với tác phẩm "Mẹ dũng sĩ" của Phạm Văn Hạng. Đây là bức tượng được Thành phố "đặt hàng" cho ông. Tư liệu về hình ảnh về bà mẹ anh hùng cùng 7 người dũng sĩ Thanh Khê là trục cảm xúc của ông. Nhưng thể hiện hình tượng nghệ thuật ra sao? Cấu trúc tượng như thế nào? Và bằng chất liệu gì?

Quả là một sự thách thức lớn vì đây là biểu tượng lớn về huyền thoại bất tử của người dân Đà Nẵng anh hùng. Bốn tháng ròng rã. Hàng đêm, hàng đêm suy tư. Những chồng phác thảo dầy cộp vẫn chưa thỏa mãn với ý tưởng thể hiện mà ông hằng ấp ủ.

Phạm Văn Hạng đã trở lại mảnh đất kiên cường của đất mẹ Quảng Nam trung dũng. Bất ngờ trong một ngày mưa xối xả tơi bời, sóng biển cồn cào, những luồng gió giật ào tới từ rừng núi Trường Sơn, Phạm Văn Hạng bắt gặp một người mẹ như hiện ra trong cơn mơ vậy.

Phạm Văn Hạng sững người nhìn bà mẹ gày gò đi ngược trong mưa gió. Bà dang tay căng vải bạt che chở cho những đứa con đi cùng. Một tia chớp lóe lên. Hình tượng bà mẹ anh hùng bừng sáng trong cơn mộng du của người nghệ sĩ. Phạm Văn Hạng vội ký họa, ghi nhớ hình ảnh bà mẹ anh hùng của mình trên đường bùn lầy đất đỏ. Hình ảnh gà mẹ dang hai cánh che chở đàn con trong gió mưa, gợi ý bố cục cho cảm xúc nghệ sĩ trào dâng.

Ngay trong đêm đó, phác thảo ý tưởng đã hình thành. Nét độc đáo của bức tượng được tôn lên khi Phạm Văn Hạng lấy chính vỏ đạn đại bác gom nhặt được để cưa cắt tạo hình. Đó là bức tượng lớn đầu tiên của ông, với chiều cao 12,50 mét (1985) đặt tại trung tâm Thành phố Đà Nẵng.

Từ đó bắt đầu cuộc "hành xác" của Phạm Văn Hạng. Ông nhận được đơn đặt hàng dựng hàng chục tượng đài ở nhiều tỉnh, thành. Toàn những tượng cao và bố cục hoành tráng. Trong đó có tác phẩm "Đài tưởng niệm" cao tới 45 mét (1994-1995). Vậy đó, ông luôn ngẫm về thân phận nhỏ bé của mình trước lịch sử của đất nước, dâng hiến bao nhiêu cũng chẳng thấm tháp gì. Ông quan niệm sống và sáng tạo là sự "cố gắng" làm người lương thiện, sau nửa thế kỷ theo đuổi nghiệp đất đá và sắt thép. 

Bay bổng hồn thơ

Trong khu vườn Yên Thế ở Đà Lạt, hàng chục bức tượng của Phạm Văn Hạng đều hướng về cội nguồn tình yêu và hạnh phúc. Trong đó không ít tượng chân dung bạn bè, như Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Văn Cao, Xuân Diệu… Kèm theo là những bức tranh sơn dầu được bày trong căn biệt thự ở khu vườn tình yêu ấy. Nào là chân dung họa sĩ Nguyễn Gia Trí, nhà văn Phùng Quán, học giả Đào Duy Anh, nhà thơ Lưu Trọng Lư.

Đặc biệt gắn liền bức tượng bác sĩ nổi tiếng Nguyễn Khắc Viện còn có những câu thơ do chính ông gửi gắm lúc sinh thời: "Tượng đồng bia đá mà làm chi. Tình bạn ơn anh đã tạc ghi. La Hán vụng tu chưa hết nợ. Trăm năm rồi cũng phải ra đi". Những chân dung trong khu vườn tình yêu của Phạm Văn Hạng nằm dưới hàng thông reo cùng với gió se lạnh của Đà Lạt, được phủ lên ánh nắng như dát bạc. Mơ mộng. Thanh thản. Cảm giác trong tôi đã vượt khỏi nét gai góc, phiêu bạt đậm phong cách Phạm Văn Hạng. 

Bên cạnh những bức tượng và tranh trong khu vườn tình yêu, người xem còn được thưởng thức tác phẩm giàu chất thi ca của Phạm Văn Hạng. Đó là những bộ sách điêu khắc bằng đồng, gồm những bài thơ ngắn của chính tác giả. Bốn tập thơ được khắc chuyển ngữ Việt, Anh, Pháp, Hoa. Mỗi tập có 29 bài thơ, dày 27 trang, khổ (50x65cm), nặng chừng 62,5kg. Tổng tập nặng tới 250kg. Mỗi trang thơ là chất chứa nỗi cảm động trước cuộc đời. Đó có thể là triết lý rút ra trong cuộc sống bươn chải suốt cuộc đời mình.

Những hình tượng thơ ca bay bổng trong mỗi nắm đất, tảng đá và sắt thép. Tác giả đã đổ mồ hôi cùng máu và nước mắt trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Đây là những bài thơ không có tiêu đề, dù dài hay ngắn thường đọng lại nỗi niềm sâu lắng. Tác giả đã gửi gắm tới bạn đọc rằng: "Gạn từng tỉ năm / Ánh sáng / Chưa / thẩm / thấu / Một giọt thầm". Thật thú vị, du khách đến đây sẽ hình dung ra ông khi đọc bài thơ dạng tự họa. Phạm Văn Hạng viết: "Tóc / trở thành / mây / trắng. Uống giọt sương / Ưu / Sầu"…

Thơ ông không giãi bày, mà thể hiện những nỗi đau cất tiếng, cùng những triết lý cô đọng nhất về cuộc đời. Đó là vết chém của con dao điêu khắc vào bức vách thời gian. Có những bài thơ  nhói lòng người: "Rác rưởi kết bè che mặt nước. Đất thấm buồn đau thương núi sông. Bão giông dẫu biết tan thành sóng. Trắng cả đầu xanh, bạc cả lòng". Thơ Phạm Văn Hạng khắc khoải, day dứt như chính cuộc đời lang bạt giang hồ của ông trải qua nửa thế kỷ.

Hạnh phúc

Chung quanh khu vườn tràn ngập không gian yêu thương và chở che. Khi là tình yêu đôi lứa và trẻ thơ. Đối diện là đôi chim câu ríu rít cất lên giai điệu của bầu trời bình yên. Biểu tượng hài nhi nằm gọn trong trái tim ôm ấp, nghe như nhịp đập của trái tim đang cất lời ru.

Hình ảnh được nhấn mạnh ở bức tượng lớn hai mẹ con như đang bay trong không gian bao la. Hình tượng bầu vú mẹ sinh động và gây ấn tượng huyền ảo về cội nguồn của sự sống. Đó chính là ước vọng mà tác giả muốn gửi trao cho mọi người trên thế gian này, một cuộc đời hạnh phúc, tràn ngập tình yêu.

Dường như mỗi khi bước vào khu vườn tượng tình yêu của Phạm Văn Hạng, ai nấy đều có cảm giác thiền tịnh. Mọi người đều ngồi lặng đi trên mỗi bậc thềm bên cạnh những bức tượng. Họ lắng nghe chúng kể chuyện. Những sự tích về cuộc đời, hay dấu hỏi về tình yêu, hoặc chiêm nghiệm về hạnh phúc.

Trong ngôi nhà kia, hình bóng một nghệ sĩ râu tóc bạc phơ, trầm ngâm suy tưởng. Một nghệ sĩ cô đơn. Phạm Văn Hạng làm việc trong những đêm hoang lạnh dưới rừng thông. Đã hơn nửa thế kỷ qua, dù đi tới đâu, nay Đà Nẵng, mai Sài Gòn, hay trở về Đà Lạt, ông vẫn một mình. Phạm Văn Hạng tự tay đục đá, gò sắt, phong trần bắt chấp thời gian.

Bội Kỳ

(http://vnca.cand.com.vn)