“Thương ngàn” - chỉ dấu sinh thái từ nghề báo, nghiệp văn Vĩnh Quyền
Làm báo nuôi văn
Trong văn học đương đại Việt Nam, Vĩnh Quyền là một hiện tượng văn học đặc biệt. Anh đặc biệt không chỉ vì nổi danh từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, vì là nhà văn hiếm hoi sử dụng tư duy trên nền tảng của một ngôn ngữ khác để sáng tác (chứ không phải viết bằng tiếng mẹ đẻ rồi dịch sang tiếng nước ngoài) như “Debris of Debris/ Mảnh vỡ của mảnh vỡ”, “Inside infinity/Trong vô tận”, Vĩnh Quyền còn có một chuỗi tương hội trong nghề viết của anh: viết văn - làm báo - viết văn - nhiếp ảnh - làm báo - viết văn.
Sau khi xuất bản ba cuốn tiểu thuyết lịch sử, anh “đầu quân” làm việc cho báo Lao động để “nuôi văn”. Và thật “duyên nghiệp”, báo chí không chỉ mang lại cho anh sự ổn định về vật chất để yên tâm sáng tác viết văn mà còn “cấp” cả “kho tư liệu đời sống” cho anh viết “Debris of Debris” và nhiều tiểu thuyết khác, cả truyện ngắn và kịch bản phim.
Khi tuổi cao, dừng làm việc ở tòa soạn báo để rong chơi viết văn toàn thời gian, Vĩnh Quyền lại không thể không viết báo, dù ở dạng thức gần gũi văn chương: bút ký.
Máy ảnh là “vật chứng” một thời dọc ngang làm báo, giờ đây lại trở thành công cụ hữu dụng khi anh quyết định dành trọn tâm huyết cho việc chụp ảnh phong cảnh, động vật hoang dã để rồi chúng trở lại phục vụ “nghiệp báo”: làm ảnh minh họa cho các bài báo nhằm báo động sinh cảnh muông thú ngày càng bị thu hẹp, phá vỡ.
Giữa hai bộ môn tưởng gần mà xa của báo và văn, anh đã sử dụng cái sở trường bên này bù vào sở đoản bên kia và ngược lại. Kỳ lạ thay, tay anh chạm vào đâu, hóa vàng đến đấy.
Anh làm báo trên nền tảng của một nhà văn nên những phóng sự, bút ký của Vĩnh Quyền đầy ắp thời sự mà vẫn được bọc dưới lớp vỏ văn chương mượt mà, quyến rũ. Để rồi khi toàn tâm viết văn, Vĩnh Quyền đã đưa những câu chuyện, chi tiết từ cuộc hành nghề lẫn tin tức báo chí vào trong tiểu thuyết một cách tự nhiên.
Và dù làm báo, viết văn thì yếu tố “mới” vẫn là tiêu điểm chung trong cả sáng tác văn chương lẫn báo chí của Vĩnh Quyền. Điều đó chứng thực bởi sự tiên phong trong thể loại ký rất dài và nhuốm màu văn học một thời được đưa vào kinh viện như một thể loại mới lạ và việc gần như cập nhật các phong cách, thể loại mới nhất của văn chương thế giới, đặc biệt trong tiểu thuyết và truyện ngắn của anh.
Rừng xứ Quảng trong “Thương ngàn”
Vào rừng để nghỉ ngơi sau nhiều năm dán mắt vào màn hình máy tính, hóa ra Vĩnh Quyền lại phải nghĩ ngợi nhiều về tình hình thực tế sinh thái của đất nước đang bày ra. Vì vậy, cho đến giờ, trên đường thiên lý dẫn đến những cánh rừng, trong đầu anh, trong tim anh vẫn canh cánh những chuyện của văn chương, của báo chí.
Sự nghĩ đó làm sống dậy ký ức một thời trai trẻ viết phóng sự, bút ký đường rừng. Trong bối cảnh từ bạt ngàn Katu rộng lớn của xứ Quảng, “Thương ngàn” đã được nhà văn ghi chép lại trên mảnh đất của tiểu thuyết, với một độ tiết chế quyết liệt của ngôn từ, sự tối giản cần thiết để trải rộng vào độc giả những chiều kích của tư duy.
“Không thuộc về rừng nhưng tôi có nỗi thương ngàn khôn nguôi, như Vy yêu say mê những vì sao ngoại vi Hệ Mặt trời loài người chưa từng biết đến, như Thư say tờ báo thơm mùi mực mới của mình”.
“Thương ngàn” là một tiểu thuyết hiện đại với khối kết cấu nén luôn trong tình trạng chực chờ bùng vỡ: đó là một mùa săn máu vừa oai dũng linh thiêng vừa đượm màu hủ tục, đó là sự dịch chuyển không gian núi rừng Tr’Hy đến nước Mỹ với một nguy cơ “vụ nổ The Big Rip” trong mối quan hệ mắc kẹt nghìn trùng giữa nhân vật chính và những người phụ nữ được yêu. Dự cảm về một “vũ trụ sụp đổ vào chính nó” cũng chính là tiếng kêu “cứu người” trong lạc lõng thê lương tại một trận sạt lở kinh hoàng vùng trung du phía tây xứ Quảng.
Và, không muốn vào rừng như một kẻ vô minh, Vĩnh Quyền đã gầy dựng một “Thương ngàn” với canh cánh nỗi niềm “có lẽ bạn không bao giờ biết rằng chúng ta chỉ có duy nhất một trái đất mà thôi” (Cheryl Glotfelry).
Và không phải tự nhiên, Vĩnh Quyền đã dành trọn trang khởi đầu cho cuốn tiểu thuyết của mình bằng đề dẫn của nhà khoa học nữ Sylvia A. Earle: “Phần còn lại của thế giới tự nhiên có thể tồn tại mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại mà thiếu phần còn lại của thế giới tự nhiên”.
Trên nền tảng phong cách lịch lãm và sang trọng, Vĩnh Quyền có thể đã đưa những chỉ dấu sinh thái gần hơn đến với bạn đọc khi mở ra “Thương ngàn” trong một nghệ thuật tiểu thuyết rất mới. Ở đó, có sinh động đa dạng của một lối kể ghi chép báo chí, của vẻ đẹp quyến rũ văn chương, của những thước phim sắc nét từ một tay máy công phu thượng thừa.
(QNO)