Văn học thiếu nhi Việt Nam: Vẫn đang đổi mới và hội nhập
Công cuộc đổi mới văn học thiếu nhi Việt Nam gắn liền với sự đổi mới của Nhà xuất bản Kim Đồng, nhà xuất bản đầu tiên ở Việt Nam làm sách dành riêng cho thiếu nhi. Trong suốt 65 năm hoạt động đặc biệt là qua thử thách sống còn của thời kỳ đổi mới Nhà xuất bản Kim Đồng đã và đang là đơn vị làm sách cho thiếu nhi hàng đầu ở Việt Nam. Trong 10 năm cuối cùng của thế kỷ XX, cùng với toàn đất nước, Nhà xuất bản Kim Đồng đã khởi đầu việc đổi mới xuất bản sách cho thiếu nhi bằng bộ sách “Đô rê mon chú mèo máy thông minh” (nguyên tác Doraemon của Fujiko.F. Fujio Nhật Bản). Bộ sách đã đưa văn hóa đọc của trẻ em Việt Nam đến với thể loại tranh truyện liên hoàn hiện đại. Hàng triệu người đọc Việt Nam đã say mê đọc bộ tranh truyện này, điều đó đã làm thay đổi nhận thức về sáng tác đối với những người chuyên tâm với văn học thiếu nhi. Cũng trong thời gian đó, tác giả Nguyễn Nhật Ánh, với văn phong gần gũi phù hợp với tâm lý trẻ em đã trở thành nhà văn viết cho thiếu nhi hàng đầu ở Việt Nam. Bộ sách Kính vạn hoa (45 tập) được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản trong 7 năm (1995-2002) với hàng triệu bản phát hành trên toàn quốc đã ghi nhận sự thành công của bộ sách văn học thiếu nhi dài kỳ đầu tiên viết bằng tiếng Việt.
Sau thành công của bộ sách “Đô rê mon”, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra mắt TỦ SÁCH VÀNG tái bản các tác phẩm kinh điển của văn học thiếu nhi Việt Nam và thế giới. Bên cạnh đó Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức liên tục các Cuộc vận động sáng tác Truyện và Tranh Truyện cho thiếu nhi (1993-1995; 1996-1998; 1999-2001), sau đó mở ra TỦ SÁCH “TUỔI MỚI LỚN”. Những hoạt động phong trào này đã khích lệ sự xuất hiện một lớp các nhà văn viết cho thiếu nhi bao gồm: các tác giả trẻ bắt đầu sáng tác, các tác giả vốn đã viết cho thiếu nhi từ trước năm 1975 ở các thành thị miền Nam, giờ đây bắt đầu viết trở lại; các nhà văn vốn viết cho người lớn, nay tìm ra một hướng sáng tác mới cho thiếu nhi. Đây là một lực lượng mới mẻ, phong phú đa dạng thường xuyên được kích thích sáng tác đã tạo ra một đội hình nòng cốt cho văn học thiếu nhi thế kỷ XXI.
Bắt đầu từ năm 2006, Nhà xuất bản Kim Đồng đã hợp tác cùng Hội Nhà văn Đan Mạch thực hiện “Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch”. Trong suốt 10 năm (2006-2016) các cuộc tập huấn do các nhà văn và họa sĩ Đan Mạch trực tiếp giảng dạy đã được tổ chức liên tục; Các cuộc vận động sáng tác thu hút hàng trăm bài dự thi của các tác giả khắp các tỉnh thành từ Nam ra Bắc, từ miền xuôi tới miền núi. Các chuyến đi tham quan học tập đã tạo dịp tốt cho các nhà văn và họa sĩ Việt Nam được giao lưu học hỏi tại Đan Mạch - tổ quốc của nhà văn Hans Chritian Andersen, người kể chuyện cổ tích vĩ đại cho trẻ em toàn thế giới.
Cùng với sự nỗ lực của Nhà xuất bản Kim Đồng, Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Trẻ đã có những cuộc thi, cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi nhằm khích lệ phong trào văn học thiếu nhi ở các tỉnh, thành phố phía nam. Nhiều cây bút mới đã xuất hiện, nổi bật hơn cả là tác giả Nguyễn Ngọc Thuần với tác phẩm độc đáo Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ được giải Peter Pan (Giải thưởng của Thụy Điển dành cho tác phẩm viết cho thiếu nhi hay nhất) năm 2008.
Thế kỷ XXI đã đặt ra nhiều thách thức với văn hóa đọc của trẻ em. Các hình thức giải trí truyền thông đa phương tiện trong thời đại kỹ thuật số đã thu hút sự chú ý từ lứa tuổi mầm non, đến nhi đồng, thiếu niên và tuổi mới lớn. Để thu hút trẻ em quan tâm đến việc đọc sách giấy truyền thống, những nhà hoạt động xã hội tâm huyết với văn học thiếu nhi đã mạnh dạn sáng lập ra những tổ chức xã hội nhắm đưa sách văn học đến với các em nhỏ. Điển hình hơn cả là Câu lạc bộ Đọc sách cùng con của Tiến sĩ giáo dục - nhà thơ, dịch giả Nguyễn Thụy Anh. (được thành lập từ 2010). Tổ chức Câu lạc bộ Đọc sách cùng con chính là một cầu nối giữa các nhà xuất bản, các tác giả viết cho thiếu nhi và các em nhỏ đối tượng thụ hưởng văn học thiếu nhi. Bằng tài năng, tâm huyết và kiến thức của mình, chị Nguyễn Thụy Anh đã có nhiều sáng kiến trong các hoạt động giáo dục và quảng bá văn học thiếu nhi với đối tượng trẻ em và trong đời sống văn hóa xã hội. Câu lạc bộ Đọc sách cùng con đã là một tổ ấm của các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, họa sĩ, nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà giáo... chuyên sáng tác, biểu diễn và hoạt động trong lĩnh vực phục vụ trẻ em.
Bắt đầu từ năm 2018, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản, sự đồng hành của Nhà xuất bản Kim Đồng và các nhà văn chuyên về Văn học thiếu nhi, Công ty More Production Việt Nam đã tổ chức thường niên cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi ĐÓA HOA ĐỒNG THOẠI. Đây là một cuộc thi có ba hạng mục: Dành cho lứa tuổi Tiểu học; dành cho lứa tuổi Trung học cơ sở và hạng mục tự do dành cho tất cả mọi lứa tuổi. Hàng năm các tác phẩm được giải của của cuộc thi được tập hợp thành một cuốn sách đặc biệt đẹp về hình thức và hay về nội dung. Đã 5 năm qua là người trực tiếp tham gia chấm chọn các tác phẩm dự thi tôi cảm nhận rõ từng bước chuyển biến của lớp người viết mới. Các truyện ngắn do chính các em sáng tác hoặc do người trưởng thành viết cho các em càng ngày càng tinh tế và nhân văn hơn, tiêu biểu như truyện ngắn Tay mẹ của em Trương Võ Hà Anh, sinh năm 2012 tại Nghệ An.
Có thể nói rằng sau 30 năm đổi mới, văn học thiếu nhi Việt Nam đã có sự biến chuyển cả về lượng và chất. Những trang văn học thiếu nhi hôm nay, không hề xa rời chức năng giáo dục, bồi dưỡng nhân cách con người cho thế hệ trẻ. Chỉ có một điều mới mẻ chính là việc truyền cảm tới người đọc ý nghĩa của giáo dục của tác phẩm đã được thể hiện tinh tế, tôn trọng tâm lý trẻ em và tràn đầy tình yêu con người. Những tác phẩm đó đã được người đọc đón nhận nhiệt tình bởi các tác giả đã có thể chạm đến trái tim của các lứa tuổi. Có thể kể ra đây những tác phẩm có tính giáo dục cao do bởi có nghệ thuật thể hiện xuất sắc: Văn xuôi có Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Nguyễn Nhật Ánh); Vừa nhắm mắt vừa mở của sổ (Nguyễn Ngọc Thuần); Xóm Bờ Giậu (Trần Đức Tiến)… Thơ có Con chuồn chuồn đẹp nhất (Cao Xuân Sơn); Mẹ Hổ dịu dàng (Nguyễn Thụy Anh)…
Văn học cho thiếu nhi hiện nay cũng không chỉ quan tâm đến đời sống sinh hoạt của riêng trẻ em. Những vấn đề lớn của đất nước như bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc cũng đã được các tác giả thể hiện phù hợp với tâm lý tiếp nhận của trẻ em. Năm 2012 cuốn sách Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa (Nguyễn Xuân Thủy) là cuốn sách mộc mạc nói về sự giầu đẹp của quần đảo Trường Sa đã được bạn đọc háo hức đón nhận bởi sức hấp dẫn của lời kể của tác giả vốn là người lính hải quân. Gần 10 năm sau khi người đọc đã biết khá nhiều thông tin về quần đảo Trường Sa, cuốn sách Cà Nóng chu du Trường Sa (Bùi Tiểu Quyên) với sự hóa thân của tác giả vào một chiếc máy ảnh đã đem lại cho người đọc cảm hứng mới. Như vậy chúng ta có thể thấy rằng, dẫu viết về đề tài đã quen thuộc, nếu ta tìm tòi sáng tạo ra một cách viết mới, vẫn có thể thức tỉnh niềm say mê đọc sách của trẻ em. Ngược lại khi viết về một đề tài thời sự như về “sự biến đổi khí hậu của trái đất”, nếu người viết thể hiện khô khan, nặng chuyển tải tư liệu thì người đọc sẽ thờ ơ với trang sách . Đơn giản bởi họ có thể tìm thấy sự hứng thú từ việc xem phim tài liệu khoa học sinh động, rõ ràng chính xác hơn nhiều.
Trong thời đại các phương tiện giải trí “nghe - nhìn” phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các nhà làm sách thiếu nhi đều thấy rõ vai trò mỹ thuật hội họa của cuốn sách. Có thể nói rằng sách thiếu nhi hiện nay văn học gắn liền với hội họa, người viết và người vẽ có thể làm việc cộng tác với nhau như đồng tác giả. Chúng ta có thể thấy nhiều cặp đôi nhà văn-họa sĩ đã gắn bó với nhau trong nhiều cuốn sách thiếu nhi thành công. Gần đây tác phẩm Chang hoang dã - Gấu của tác giả Trang Nguyễn và họa sĩ Jeet Zdung (NXB Kim Đồng-2020) đã trở thành một cuốn sách nổi bật đạt Giải A Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2021. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Tác phẩm Chang hoang dã - Gấu đã được Nhà xuất bản Pan Macmillan mùa bản quyền toàn cầu từ Nhà xuất bản Kim Đồng.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh văn học thiếu nhi Việt Nam ta có thể thấy được những điểm sáng nổi bật. Tuy vậy hiện nay cách viết cũ xơ cứng, hời hợt, nhợt nhạt cả về nội dung và hình thức, xa rời tâm lý và trí tượng tưởng phong phú sinh động của trẻ em vẫn tồn tại trên nhiều trang viết hiện hữu. Viết cho trẻ em đòi hỏi sự chân thực hồn nhiên và nhân hậu của tác giả. Những trang văn thể hiện cách nhìn của người từng trải chất chứa những dục vọng thô thiển dẫu có được nguy trang dưới vẻ giả ngây thơ, giả hồn nhiên, giả đạo đức cũng sẽ được trẻ em phát hiện ra ngay. Đã có người nói rằng: “Đánh lừa trẻ con khó hơn đánh lừa người lớn”.
(Văn nghệ số 39/2022)