Lang thang với Đà thành - Ngô Phú Thiện

10.03.2014

Tôi không có diễm phúc được làm một công dân của thành phố Đà Nẵng nhưng mỗi lần lang thang với Đà thành, tôi lại thêm cú giật mình trước những đổi thay mới mẻ. Thực ra chẳng phải loại “nhà quê” cho lắm, nên đâu chỉ đứng nhìn mà vừa đi vừa ngẫm. Ví như hôm nay, vừa thoát nạn “kẹt xe lưu cữu” ở thành phố Hồ Chí Minh cách đây mấy hôm, tôi đến Đà Nẵng vào đúng giờ tan tầm. Người, xe cũng khá đông đúc, hối hả của một thành phố công nghiệp, nhưng lạ lùng là không nhìn thấy cảnh “văn minh ùn tắc”? Bởi đơn giản nghiệm ra: đây là phố Đà Nẵng.

Lang thang với Đà thành - Ngô Phú Thiện

Chảy theo dòng người qua mấy con đường lớn ngang dọc trong thành phố, như Lê Duẩn – Hoàng Sa... trong tôi bỗng dâng lên nhiều cảm xúc lạ lẫm. Đâu phải vì “sợ” cảnh sát giao thông huýt còi, mà có lẽ tự tôi đang ngược dòng để trở về với một Đà Nẵng xưa cũ. Đừng nói chi cái thời xa lắc của một Tourane nằm ở cửa Vũng Thùng, cứ lấy cái mốc chuyển giao giữa hai thế kỷ XX- XXI mà “đọ” với thành phố này. Còn nhớ, sau năm 1975 - đất nước hòa bình, nói đến Đà Nẵng người tứ xứ chỉ nhắc mỗi con sông Hàn. Nào “thành phố bên sông”; nào “Hàn giang xanh biếc”... Mà “xanh biếc” sao nổi, khi đất chật người đông với bề bộn của nả tai trời, địch họa để lại. Thế mà, đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Đà Nẵng đã vươn vai đứng dậy như một người hùng của miền Trung nắng gió. Bởi cả đất nước lúc này vừa thoát ra khỏi “đêm trường bao cấp”, nhiều người còn “ngủ quên” với cơ chế ban phát từ nguồn tài chính Trung ương. Trong khi đó, cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang chuyển động với nguồn lực nội tại để kinh tế - xã hội có cơ may cất cánh. Nhưng ở dải đất miền Trung này, điều kiện sống chẳng thể đem so sánh với các thành phố phương Nam. Hình như trong cái khó “đã ló cái khôn”, người Đà Nẵng đã quen đối mặt với những thử thách từ nhiều phía. Bài học đổi mới đến bây giờ hình như ai cũng thuộc, nhưng nhiều khi nó lại trở thành cái ba-ri-e ngáng đường của xã hội đang phát triển.

        Đà Nẵng cũng chẳng phải ngoại lệ với loại lực cản ấy và như một quy luật, chẳng đâu có thảm đỏ cho con đường mới được khai thông. Nhưng có lẽ tinh thần của người thành phố này vốn quen với sa trường, trận mạc nên dám chấp nhận thử thách để tiến lên. Những trục giao thông mới lần lượt được mở ra và mở rộng; nhà cửa, công sở vừa xây dựng trong thời “bao cấp” đành chấp nhận “hy sinh” cho cuộc cách mạng kinh tế, tư duy của Đà thành đang thời sung mãn. Sang đầu thế kỷ này, Đà Nẵng đã nghiễm nhiên rực sáng trên bầu trời miền Trung như màn pháo hoa đón chào thiên niên kỷ mới.

 

         Trong quầy giải khát ven sông Hàn, ai đó đang ngâm nga bài Hát nói của cụ Sào Nam:  “... Nhật nhật tân, hựu nhật tân!”. Đúng rồi! Mơ ước của cụ Phan từ cuối những năm hai mươi của thế kỷ trước chừng như đang vận vào thành phố này trước thềm thế kỷ XXI - “mỗi ngày một đổi mới, lại thêm một ngày mới”. Nhiều cao ốc bề thế từng ngày mọc lên ven sông Hàn; những cây cầu đồ sộ, tráng lệ nối nhịp với bờ Đông, trông như những vương miện của nàng Tiên Sa giáng thế. Đà Nẵng thực sự đã “lột xác” khi những chiếc phà luống tuổi đồng loạt cho “nghỉ hưu”. Sự đổi thay ngỡ ngàng quá, nhiều khi tôi lẩn thẩn cho rằng cái lộng lẫy của những công trình nhân tạo nơi này đã làm nhòe mờ không ít vẻ kiêu sa của tạo hóa ban phát cho sông Hàn. Cùng “lạc điệu” với suy nghĩ ấy, bây giờ nhiều người đến Đà Nẵng cảm thấy thích đi thưởng lãm với những chiếc cầu mới, với chùa Linh Ứng, với Bà Nà... hơn là dấu ấn một thời của “Hàn giang xanh biếc”. Có thể đó chỉ là cảm quan của kẻ qua đường, cũng như có người đã từng nheo mắt bảo: “Con rồng chỉ phun nước, chứ sao lại phun lửa như cầu Rồng Đà Nẵng”?

 

        Dẫu “trình độ” thẩm định chẳng ai giống ai, nhưng tự thân cái đẹp cũng có tiêu chí riêng của nó. Chẳng hạn như không có dòng sông Hàn thì làm gì có  những chiếc cầu mỹ lệ vắt qua sông? Cây cầu đẹp đâu chỉ để ngắm mà ưu tiên số 1 của nó vẫn là tính tiện ích. Cũng như thành phố này mở rộng ra nhiều hướng đâu phải vì mục đích làm công trình trang trí. Giá trị kiến trúc hay thẩm mỹ ở đây chính là sự kết nối “cái duyên” trong tổng thể tương tác giữa môi trường sống với quang cảnh núi sông. Bán đảo Sơn Trà trước kia chỉ làm một chức năng là quan sát vùng trời, vùng biển của thời chiến tranh; còn bây giờ tự nó biến mình thành lá chắn cho tàu bè, trang điểm cho cảnh quan du lịch và là ốc đảo của sinh thái. Giá trị phát triển của Đà Nẵng không phải ở góc nhìn với nhà cao, đèn đường rực rỡ mà ở phía chất lượng cuộc sống của người dân đô thị... Nếu nhìn ở góc độ “chính trị” này thì Đà Nẵng xứng đáng để các nhà xã hội học phải ngả mũ “tâm phục, khẩu phục”. Chẳng thế mà chừng như trong năm vừa rồi, có người nước ngoài đã ví von: “ Đà Nẵng là một Singapore của châu Á”.

 

        Ngẫm lại mấy năm đầu, khi thành phố vừa được “lên ngôi” trực thuộc Trung ương, không ít người vừa hồi hộp vừa bối rối, vì bao công việc bộn bề trước mắt. Nào việc giải tỏa, đền bù; nào chuyện “vượt rào, tháo khoán” tìm lối đi riêng cho Đà Nẵng... Có lẽ “gà mắc tóc” nhất là bà con nông dân ở các vùng ven đô. Bởi họ vừa mong được nâng cấp cuộc sống lại vừa rất “sợ” phải xách nón ra đi khỏi ruộng vườn, mồ mả tổ tiên. Dĩ nhiên, tương lai chưa xác định thì rất khó giải tỏa được những nỗi lo cố hữu của người dân nghèo. Nhớ có lần gặp một anh nông dân còn trẻ, sống ở khu ven đô Hòa Khánh, thuộc huyện Hòa Vang. Anh ta ra đường chống nạnh, nói “giữa trời”: “ Từ đời ông cha tui đến chừ đều làm ruộng. Lên thành phố rồi đất nào cũng làm nhà máy, công sở bộ tui đi cày đường nhựa à?”.  Câu nói hóm mà chua như chất đất nhiễm phèn của quê anh. Thế mà, chỉ sau mấy năm chính anh nông dân ấy chạy xe bon bon trên đường lớn, để “đi cày” trong khu công nghiệp Hòa Khánh... Và còn nhiều, nhiều lắm những mẩu chuyện đổi đời của tầng lớp thị dân nghèo sống giữa lòng thành phố Đà Nẵng trước kia.

       Còn giờ đây Đà Nẵng không chỉ có cái được của việc “đường thông, hè thoáng” như nhiều người vẫn tâm đắc, so sánh. Trong khi nhiều thành phố “mới nổi” ở trong Nam, ngoài Bắc đã sớm nổi tiếng với nhiều loại tệ nạn xã hội thì Đà Nẵng được đánh giá là một thành phố văn hóa “đáng sống”. Có những điều khó tin ở một đô thị đang phát triển công nghiệp, như cảnh quan - môi trường; trật tự giao thông; nạn “chặt chém” du khách...nhưng hầu như người khách nào cũng nhận thấy vững tin khi đến Đà Nẵng.

 

        Sau cơn bão số 11 vừa đi qua, tôi a-lô cho anh bạn hiện đang làm ăn, tạm cư trong nội thành Đà Nẵng. Vừa dăm câu hỏi thăm tình hình bão dữ, nghe anh hét vào máy: “Người thì không chết được đâu! Nhà cửa hư ít; cây cối thì hại nhiều. Mà ba thứ “phồn vinh giả tạo” đó nó cuốn bớt đi cho rảnh việc...”. Rồi, hết bão trời lại đến người bão - tôi cúp máy, cằn nhằn. Một tuần sau, tôi mới đón xe đi Đà Nẵng... “thăm bão”. Hóa ra nhà ông bạn tôi ở gần đường lớn, nên bị cây cối ven đường “đè”. May mắn là nhà sứt sỉa không đáng kể, nhưng thấy mọi người cùng chung tay khắc phục, sửa chữa. Điều đáng ngạc nhiên là dấu vết cây cối ngoài đường đổ ngã khá nhiều, nhưng khắp nẻo phố đã trở lại sạch sẽ, tươm tất như “chưa hề có cuộc chia ly”! Chỉ một lần sở thị này thôi, tôi đã sáng mắt về tình cảm và trách nhiệm của những người làm công vụ ở thành phố “loại 1” này.

         Vừa “hú vía” cơn siêu bão Haiyan đã bỏ sót khu vực miền Trung, người Đà Nẵng lại nhận được tin vui: Đà Nẵng và Hội An của Quảng Nam cùng giật được giải nhất về “Phong cảnh thành phố Châu Á - năm 2013”. Đây là một giải thưởng danh giá, do Tổ chức Định cư - Con người Liên Hiệp Quốc tại châu Á trao tặng. Tôi thấy mình cũng có quyền được tự hào về giải thưởng giàu tính nhân văn ấy. Đà Nẵng với Hội An tuy không có điểm chung, nhưng mỗi thành phố có đặc thù riêng để xây dựng và phát triển theo hướng “thân thiện và đáng sống”.        

Và tôi, trong buổi sáng chuyển mùa bất chợt hôm nay, bỗng dưng thấy “thơm lây” với đất trời Đà Nẵng...

 

 
 N.P.T