Bên bờ sinh tử - Truyện ngắn Thu Loan

03.11.2015

Tôi năm mươi ba tuổi. Tuổi không còn trẻ nhưng chưa phải tuổi chết.
Tháng 11, trời lạnh. Gió rít từng cơn. Bác sỹ thâm niên 20 năm đưa tôi kết quả sinh thiết: K phổi. Choáng váng, chân tay bủn rủn, tôi vội nắm chặt thành ghế. Tôi mặc ba lớp áo. Mồ hôi rịn ướt rin rít. Tim gõ trống thình thình. Niềm hy vọng bé nhỏ tan biến. Nghi ngờ đã thành sự thật. Hôm trước bác sỹ thâm niên 10 năm, siêu âm thấy phổi tôi có u. Không ở ngành y nhưng 90% người biết u trong lục phủ ngũ tạng là dấu hiệu trọng bệnh. 90% là bệnh K. 90% người mắc bệnh này coi như lãnh án tử hình. Vợ nghe tin òa khóc. Áo đỏ, váy đen tất tả chạy đến ôm chầm tôi. Tôi nằm thượt trên giường, trừng mắt: Đã chết đâu mà khóc. Vợ càng khóc to hơn. Hàng xóm đến thăm, bạn bè vào hỏi, đứng ngồi chật nhà. Người không thân cũng chau mày ủ dột.

Bên bờ sinh tử - Truyện ngắn Thu Loan

Từ hôm đó, khối u trong phổi trở thành chủ đề chính trong các buổi nói chuyện quanh bàn trà, quán cà phê, ăn sáng, bàn nhậu. Tôi nhớ Thi cũng bị K. Từ lúc biết bệnh, chưa đầy mười ngày, Thi sút bảy ki lô gam, da nhợt nhạt, tóc bạc quá nửa. Gặp ai Thi cũng nhăn nhó, khó chịu, trả lời cộc lốc: u lành rồi lảng sang chuyện khác. Thi tránh gặp người quen, không bi da, uống bia, cà phê, ngồi ven đường trà lá nói cười tếu táo, dành thời gian tìm thầy thuốc nam, thuốc bắc, tìm sừng tê giác, cao hổ, mỡ trăn… Thấy Thi vài ba lần vào Trung tâm ung bướu truyền thuốc, tôi nghi ngờ. Mày bị K thật? Tôi là bạn thân mà Thi lắc đầu nguây nguẩy, phẩy tay bảo truyền thêm vài thứ thuốc cho hạ men gan, K gì mà K. Sau này Thi mất quá nhanh, mọi người mới biết đúng là Thi bị ung thư giai đoạn cuối. Thi giấu nhẹm, không thích nhắc tới bạo bệnh. Đấy cũng là một cách. Minh trái lại, đi đâu cũng nói oang oang: tớ bị K. Năm, sáu tháng nữa tớ ngoẻo. Ai nợ nần gì tớ thì trả mau đi, không ân hận. Tớ nợ gì ai, thì nhắc mau đi, không ân hận gấp đôi. Đi đâu Minh cũng cười hơn hớn. Trời cho tớ chơi được bao nhiêu năm tớ cám ơn trời bấy nhiêu. Cái chết của tớ được báo trước, hạnh phúc hơn những thằng bị đột tử, bị tai nạn chết không kịp trăng trối, nhìn mặt người thân. Minh gom tiền làm một chuyến xuyên Việt, đi chơi khắp nơi. Mấy tháng sau Minh từ giã cõi đời giữa tiếng nhạc du dương, cuốn sách đọc dở gấp để đầu giường. Đấy cũng là một cách. Người giàu thì đến Mỹ, Singapo … hy vọng những đất nước này có kinh nghiệm, phương tiện hiện đại hơn trong việc điều trị ung thư. Sự sống kéo dài thêm vài tháng, đôi ba năm hoặc xác định của cải đổ sông đổ biển. Đấy cũng là một cách. Tôi không có nhiều tiền mua từng tháng năm sống. Nhưng cũng giống mọi người, nghĩ quỹ thời gian trên đời chỉ còn ngắn ngủi, tôi rùng mình thảng thốt. Tôi không còn nấn ná trên giường nửa thức nửa ngủ nằm nghe chương trình Chào buổi sáng, không đánh răng, rửa mặt, mặc áo quần, ra khỏi nhà, bắt đầu một ngày mới, không còn ôm thằng cháu nội bé bỏng nghe nó nói bi bô, không nói cười cùng đồng nghiệp bàn tán chuyện trên trời dưới đất. Nhiều thứ sẽ không còn nữa khi cuộc sống dừng lại. Lúc sắp chết ta mới thấy yêu tha thiết sự sống. Tuổi năm mươi ba không còn trẻ nhưng chưa phải tuổi chết. Thời nay tuổi thọ bảy mươi, tám mươi là bình thường. Giờ mới thấm thía khổ mấy cũng được, miễn là còn hít thở khí trời, đi lại, vui buồn. Tôi nghĩ đến những người tự tử. Họ dại khờ lấy thân xác minh chứng cho điều gì đó. Nếu họ ở tâm trạng tôi lúc này, biết bản chất của sinh vật nào cũng ham sống thì có buồn đau, khổ sở đến mấy, có cho núi kim cương, đảo vàng bạc cũng không ai hủy hoại sự sống của mình.

Bị bệnh mới thấm thía sức khỏe là mối lo lớn nhất. Đau ốm tiêu tốn tiền của nhiều nhất. Tôi vừa nhập viện, vợ biếu ngay ông trưởng khoa phong bì nặng, bác sỹ chữa bệnh phong bì nhẹ. Y tá, hộ lý cũng tờ xanh, tờ đỏ nho nhỏ để họ không gửi sự khó chịu vào mũi tiêm, chịu khó thay ra trải giường hàng ngày, lau sạch vết ố trên nền nhà, không cau có, nhăn nhó trước một vài sơ xuất nho nhỏ hay chẳng có sơ suất gì. Mỗi lần xin bác sỹ kê đơn cho loại thuốc tốt chỉ để dành người thân, trường hợp đặc biệt hoặc ngoài danh mục bảo hiểm lại thêm phong bì. Tôi bảo:“Các bà làm hư ngành y tế. Để xem bác sỹ nào dám để bệnh nhân không đáng chết phải chết không?”. Vợ giãy nảy: “ Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Thời nay lương tâm không bằng lương tháng. Lỡ chậm trễ thành thân tàn ma dại thiệt mình chứ ai ”. Đúng là các nội tướng! Muốn hạnh phúc gia đình lâu dài phải nghe lời, chấp hành sự điều khiển của họ. Tôi khác mấy người bạn, thi thoảng vẫn nổi tính ngang bướng. Chẳng hạn việc quyết chí làm giàu. Tôi từng dấn thân vào kinh doanh, ngập chìm trong tính toán đầu tư, lời lãi, lo nghĩ đêm ngày các khoản vốn vay, vốn đọng, vốn luân chuyển. Tới tấp ngành nọ ngành kia kiểm tra. Đầy đủ, đúng tiêu chuẩn, thủ tục vẫn còn sai sót.  Một người bạn rỉ tai gợi ý: nhậu, karaôkê ôm, bỏ phong bì... thiếu gì cách giúp mình lách luật. Cứ thẳng tưng thể này làm sao có lời. Khổ nỗi tôi uống bia rượu không được, em út không quen, hay tiếc thời gian vô bổ. Chưa kể các phương án cạnh tranh đôi khi chứa đựng sự lạnh lùng, hiểm ác. Lúc công việc ổn định tôi hào hứng, vui tươi. Lúc thua lỗ, lòng tôi nặng trĩu lo buồn, không sao cười được. Thì ra không phải thấy ai làm việc gì mình cũng nhào theo. Còn phải xét xem mình có hợp hay không. Tôi chào thua, chuyển qua kiếm việc làm thêm. Tranh thủ tất cả khoảng thời gian rảnh. Áp lực công việc đè nặng. Ôi! Giá tôi có ba đầu, sáu tay…! Mở mắt thấy việc xếp hàng trước cửa. Nhắm mắt thấy việc ùn ùn thành đống. Lại phân bổ lịch trình, tính toán sắp xếp công việc sao cho hợp lý. Chăm chỉ chưa đủ phải rèn luyện cơ bắp, trí não nhanh lên, nhanh hơn nữa, đạt tốc độ chuẩn xác, rút ngắn thời gian sao cho bánh xe dừng trước cổng cơ quan chậm nhất 7giờ, về nhà chậm nhất 5giờ. Việc làm thêm chậm nhất một tiếng mười lăm phút phải xong. Càng ngày tôi càng tụt lại như người chạy bộ đuối sức trên con đường kiếm tiền. Tuổi trẻ, thời gian, sức khỏe trôi tuồn tuột. Vợ bảo cố thêm chút nữa, tích lũy ít của cải để dành cho con và phòng khi đau ốm. Tôi suy tính: ít là bao nhiêu? Trăm triệu hay miếng đất hay xe con? Định lượng nhiều ít do mình. Con cái ư? Rồi nó cũng có cuộc đời riêng. Mình lo nó học hành đến nơi đến chốn, biết kính trên nhường dưới là mãn nguyện rồi. Ốm đau ư? Có nhiều tiền của có thể chữa chạy sống thêm được vài năm.Trả giá cho vài năm đó để phải lao lực dài dài thì tôi chọn số kiếp trời định. Còn dành thời gian đọc sách, nghe nhạc, hòa mình với cỏ cây trời đất. Cảm thấy không phải chạy ăn từng bữa, không phải mượn từng đồng đóng học phí cho con, tôi tạm biệt việc làm thêm mặc vợ tiếc nuối, kèo nhèo.

Vợ bảo: Em treo biển bán nhà lấy tiền xạ trị. Tôi gạt phắt. Không bán mua gì hết. Nhà dành cho con có chỗ chui ra chui vào. Cứ nghĩ xem, làm công chức nhà nước thường thường hay làm thuê, giỏi tiết kiệm lắm cũng chỉ đủ ăn. Làm sao dư được vài chục triệu, nói chi đến hàng trăm triệu mua đất, cất nhà? Tôi có được cuộc sống mà con tôi không có nhà ở, suốt đời sống nhà trọ thì tôi chọn cái chết. Lòng tôi bỗng cuộn lên nỗi nhớ thương mẹ. Tôi nhớ lần đầu thấy vợ tôi, mẹ đã phản đối dữ dội. Mẹ chồng không ưa nàng dâu, nàng dâu căm ghét mẹ chồng. Mẹ đưa tối hậu thư: có con dâu thì không có mẹ. Nếu lúc đó tôi thấm thía lòng mẹ yêu con như tôi lúc này chắc tôi không ngang bướng đến mức vẫn khăng khăng chọn vợ. Tôi sẽ tìm mọi cách thuyết phục, xoa dịu. Ít ra mẹ cũng hiểu tôi đau khổ vô cùng nếu mẹ không vui. Ít ra mối bất hòa không sâu sắc đến mức vậy. Giá như mẹ còn sống đến giờ!

Vợ mếu máo: Chết là hết. Ông coi của hơn mạng sống à? Không lẽ tôi gào lên vợ mới hiểu tôi đang tê tái cõi lòng, đang mệt mỏi vô cùng vì cuộc sống của mình chỉ còn tính từng tháng từng ngày hay sao. Tôi đã vui sống, quên mình đến lúc phải chết hoặc chưa đến tuổi để lo nghĩ về cái chết. Lúc nghe bác sỹ kết luận, tôi bất ngờ hiểu ra rằng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, dường như thế giới bên kia đã gióng hồi chuông gọi tên ai thì người đó phải chịu. Tôi đã thức trắng nhiều đêm, thử gồng lên chống chọi, làm hết sức mình trước lúc đặt chân vào cõi vĩnh hằng nhưng tôi biết đấu tranh vô ích. Bao người mắc căn bệnh này đã ra đi trước mắt tôi. Căn phòng tôi nằm có mười hai người bệnh. Hôm kia, ba người chọn ngày lành tháng tốt xin về để được chết ở nhà. Hôm qua, hộ lý tiếp tục cuộn hai chiếc ra trải giường, còn lại tấm nệm bọc xi nâu lạnh lẽo. Tôi đã tập cho từ chết vang lên trong đầu mọi nơi mọi lúc nhưng lần nào tôi cũng chỉ hình dung được nửa chừng, đầu óc tê điếng, người trống rỗng, không dám, không thể nghĩ tiếp.

Vợ nhắc lại. Chết là hết. Ông coi của hơn mạng sống à? Vợ nói thế chứ nói nữa cũng chẳng kích được tôi. Tôi là người thế nào, vợ con, anh em bạn bè đều biết. Những năm khó khăn, gia đình tôi ở nhà lợp 20 tấm tôn, vách ván mục phần dưới. Kiễng chân với tay là chạm xà nhà. Mùa mưa, mái dột, nước chảy tong tong. Khoai, mì nhiều hơn cơm. Thức ăn là rau, rau và rau xanh lè. Nhà có khách, vợ mượn hàng xóm ba quả trứng. Tôi thế đồng hồ - tài sản giá trị nhất lấy tiền đãi bạn, lòng không chút lăn tăn. Khách đi rồi, tôi quét vôi, phụ hồ, coi xe… trả tiền nhậu mà hỉ hả cười vang. Tôi nhớ dạo mang con đi mổ tim. Viện tim đông nghịt người từ các tỉnh đổ về. Xung quanh toàn gương mặt lo âu, nhợt nhạt. Lúc ở nhà, tôi vẫn nghĩ số phận mình hẩm hiu. Nhà nghèo, con còn bị bệnh nặng... Vất vả, cùng cực. Bao nhiêu tiền của làm được dốc vào chữa trị cho con. Đến đây, tôi bỗng thấy nỗi khổ của mình chưa là gì. Tôi được an ủi: có nhiều người giống mình, còn nhiều người khổ hơn mình. Ngồi cạnh tôi là hai vợ chồng bế một đứa trẻ tím tái như gà bị cắt tiết. Các đầu ngón tay, ngón chân sưng mòng mọng. Chị vợ kể: “cháu phải mổ 4 lần mới hoàn tất. Đây là lần hai. Nhà tôi bán hết nhà cửa ruộng vườn. Vợ chồng tôi ở trọ, làm thuê. Được đồng nào bỏ ống cho đủ tiền lại đưa con đi mổ tiếp”. “Cháu có hết bệnh không?” “ Có thể cháu sống được 22 tuổi.’ May tôi không buột miệng nói vậy chữa làm gì.

Giờ đây tôi nói với vợ: chữa làm gì. Số tiền dự định dành chữa bệnh sẽ hữu ích hơn nhiều với người sống. Có thể vì quá thương mà con người chỉ chú trọng tới người sắp chết. Tôi từng chứng kiến nhiều cảnh thương tâm. Người thân mất để lại món nợ kếch xù, gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần. Lại có người quá coi trọng phía sau cái chết. Lúc cha mẹ sống chẳng mấy trông nom, ngó ngàng. Lúc chết thi nhau làm giỗ thật to, khách mời thật nhiều. Nhà nọ ngó nhà kia xem đám giỗ mấy mâm, mâm có mấy món. Lòng hiếu thảo đấy. Mẹ tôi dặn: giỗ mẹ chỉ cần trưng nhiều hoa. Mẹ chỉ thích hoa. Heo quay, gà hấp, giò chả... người chết ăn được đâu mà mua cho nhiều, làm cho nhiều, khổ người sống. Có khi còng lưng cả năm làm trả nợ.

Vợ tôi bảo: còn nước còn tát. Vợ nói như thánh nói. Nhưng tôi có phương châm riêng. Nếu hữu ích tốn tiền trăm, tiền triệu, hàng trăm triệu tôi sẵn sàng đánh đổi. Nếu không hữu ích tiền ngàn tôi cũng tiếc. Cô bán hàng bảo anh lấy bộ quần áo này đi, rẻ như rau, shop em xả hàng nghỉ bán luôn. Tôi không lấy dù giá chưa bằng chầu cà phê. Đơn giản vì tôi không thể mặc màu này, mua về thêm chật nhà, ích gì.Tôi hỏi bác sỹ khả năng khỏi bệnh của con tôi ở mức độ nào. “Nếu được phẫu thuật, cháu sẽ khỏe như người bình thường”. Tôi liền bán sạch mọi đồ vật giá trị, thế chấp luôn nhà cho ngân hàng vay tiền chữa bệnh cho con. Sức khỏe con tôi là số một. Nhưng ung thư là loại bệnh hiểm nghèo, thời điểm này chưa thể chữa được. Cớ gì phải tiêu hao thành quả lao động của bao năm tháng cho một khoảng thời gian sống ngắn ngủi? Tôi sợ chết quá ư? Vợ tôi rầu rầu: Dù anh không muốn, ít nhiều cũng phải chữa. Nếu không thiên hạ cười chê em tiếc của làm sao sống được? Tưởng gì! Thiên hạ có cho mình ăn no không, mặc ấm không, cảm giác vui mừng hạnh phúc không mà phải lệ thuộc thiên hạ? Tự mình định đoạt đời mình. Biết tôi giở tính ngang bướng, vợ chép miệng, thở dài.

Bình thường tôi nghe nội tướng, để mặc nội tướng quyết định. Nhưng những việc lớn trong đời nội tướng phải nghe tôi.

 

 

            *

 

 

            Vừa thấy bóng dáng quen thuộc trước cửa phòng, tim tôi đập rộn. Nàng! Ba trăm sáu mươi lăm ngày nhân 12 năm lẻ vài tháng, mỗi khi nàng xuất hiện, tôi vẫn còn nguyên cảm giác mừng vui, rạo rực như lần đầu tôi ôm siết nàng. Tôi vụng về, nàng luống cuống. Nụ hôn đường đột nhưng là kết quả của bao ngày nhớ thương dồn nén.Tôi không chọn người phụ nữ chủ biệt thự năm tầng trên phố chính, xe con đời mới tiền tỷ, nhẫn đeo đầy ngón tay múp míp. Cô ta bảo: yêu em, anh giã từ luôn nghề bán cháo phổi đi. Lương anh cả tháng không bằng em làm hai ngày. Chìa khóa nhà đây, anh muốn đến lúc nào thì đến. Chìa khóa ô tô đây, anh muốn lấy đi đâu thì đi. Tôi cũng không chọn cô gái mắt nai, hút vào tôi như nam châm. Bắt gặp tôi nhìn, cô đỏ mặt, cười bẽn lẽn. Tôi biết cô chẳng quan tâm gì đến bài giảng mà chỉ đơn giản muốn bộc lộ cho tôi biết niềm si mê của cô, tôi là thần tượng của cô. Nàng cũng không chọn người đàn ông mong ước đưa nàng đi nghỉ mát Tuần Châu, Mũi Né, Vũng Tàu, cho nàng chục triệu tiêu vặt như đưa tiền chợ, tặng nàng những món đồ trang sức mà tất cả ai biết giá cũng phải tròn môi, trợn mắt. Nàng không chọn người đàn ông đầy quyền lực chính trị, có một đội quân tháp tùng đi theo dạ vâng rối rít. Ông ta nói chuyện thao thao tình hình kinh tế, chính trị, xã hội phương Đông, phương Tây, toàn thế giới nhưng chẳng thể thuộc một câu thơ tình, bàn về nhân vật nào đó trong tác phẩm văn học nào đó. Nàng chọn tôi, người chỉ có thể cho nàng những phút giây thư giãn bên quán cà phê, ghé ngang chỗ nàng uống ly trà nóng rồi đi, nói với nhau về mùi hoa sữa thơm phảng phất trong không gian, bâng khuâng nhìn mây giăng sẫm bầu trời chuẩn bị một cơn mưa tới. Nàng chọn tôi, người chỉ có thể dẫn nàng vào nhà nghỉ bình dân, không có máy lạnh, nệm Kim - đan nhưng vừa đóng cửa phòng đã lao vào nhau ngây ngất đê mê. Chắc nhờ ân đức cha mẹ, chúng tôi gặp được nhau, coi nhau như báu vật. Nàng là nơi trú ẩn êm đềm cho tôi thoát khỏi người bố đã bày sẵn sự nghiệp chính trị mà tôi không thích. Gặp tôi, câu đầu tiên ông nhắc anh phải giữ vững lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân, câu thứ hai ông nhắc chủ nghĩa tư bản thối nát, lắm mưu mô quỷ quyệt phải nâng cao tinh thần cảnh giác... Có nàng, tôi không phải ở lâu trong nhà, nghe tiếng vợ eo xèo than vãn, kể ông kia mới mua thêm lô đất, ông nọ vừa sắm xe Sh hơn trăm triệu. Đàn ông giỏi giang, không những vợ con mà cả dòng họ được nhờ… Ở bên nàng tôi thấy lòng mình như cánh diều thảnh thơi. Tôi hoàn toàn được sống tự do theo ý muốn: ăn, chơi, ngủ, nghỉ, làm gì tùy thích. Một ngày không nhắn được cho nàng đôi câu tôi như phát điên phát sốt, không thể đọc sách, viết bài. Tỉnh giấc tôi nhớ nàng. Nhắm mắt đi ngủ tôi cũng nhớ nàng.Tôi gặp nàng bao lần trong mơ vẫn chưa thỏa nhớ.

            Từ khi tôi bị bệnh, nàng đến thăm liên tục đến mức tôi ái ngại.Tôi bảo nàng phải dành thời gian chăm chút gia đình. Thì ra bây giờ anh đã biết bảo vệ hạnh phúc gia đình người tình của mình rồi đấy. Thật đáng khen. Nhưng bây giờ anh là số một. Cũng như với người ốm tình cảm là số một. Nàng tranh thủ mọi cơ hội đến với tôi. Nàng kể cha nàng đã sống cô đơn những năm tháng cuối đời. Nàng cho ông nhiều tiền, tặng ông những món quà giá trị mà quên mất tuổi già chẳng ăn được gì nhiều, chẳng mặc được gì mấy, chẳng chơi được gì nữa, chỉ thèm giây phút có con cháu xung quanh, thèm được hỏi thăm ăn thế nào, ngủ ra sao, có gì vui, thèm có người bên cạnh nghe kể chuyện những năm tháng đã qua, những kỷ niệm trong đời. Nhưng thời gian của nàng còn dành cho các mối quan hệ, mở rộng giao tiếp để có thêm nhiều hợp đồng làm ăn, cho những buổi dạo shop, lựa chọn các loại áo quần, giày dép, mũ nón, túi xách thời trang, cho các buổi cà phê tán gẫu hay cà kê bên bàn nhậu. Cha nàng bảo: Đuổi theo tiền làm gì.Thứ đó không có đích. Mình phải biết điểm dừng. Giàu chưa hẳn là hạnh phúc. Nàng không nghe. Nàng bảo thế hệ con khác thế hệ cha mẹ, cũng như thế hệ cha mẹ khác thế hệ ông bà. Thế hệ nàng làm gì còn đọc thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, làm gì còn truyền tay nhau những cuốn tiểu thuyết dày cộp, giấy đen, quăn mép, rách cả bìa, làm gì còn nghe những bài hát lãng mạn hay oai hùng... Thế hệ nàng lao vào kiếm tiền, kiếm tiền bằng mọi cách. Về nhà mệt nhoài, dán mắt vào ti vi, thích thú với những trò giải trí rẻ tiền, nhảm nhí, xem phim tình yêu tay đôi tay ba Hàn Quốc. Thế hệ nàng hầu như ai cũng khát yêu, ai cũng có khoảng trời riêng ngoài chồng vợ... Tưởng tượng những ngày tháng cha sống trong cô quạnh, bầu bạn với bà giúp việc già nua, nghễnh ngãng, với con chó Nhật trắng xóa như bông... nàng ứa nước mắt ân hận. Nàng quá tự tin vào sự lựa chọn của mình, cho mình là thức thời, hiện đại. Nỗi ân hận vì cách ứng xử với người cha giờ chuyển sang tôi. Nàng không muốn lặp lại sai lầm với những người thân yêu nữa.

Bây giờ nàng thập thò ngoài cửa, kín đáo đảo mắt nhìn quanh. Tôi đã nhắn không có ai, nàng vẫn e ngại. Trước đám đông, tôi và nàng chỉ dám ứng xử với nhau như hai người bạn có chút tình quý mến. Nàng bước nhẹ như con mèo gót nhung trườn đến bên tôi, nắm tay tôi hỏi anh có ăn được nhiều không, có ăn thêm sữa, trứng gà, trái cây không, có tìm được sừng tê giác, vảy tê tê không… Nghe đồn những thứ đó ngăn chặn bệnh ung thư rất tốt. Ôi giá em được tự tay chăm sóc anh! Sao em khổ thế này. Anh, người em yêu nhất nhưng chăm sóc ít nhất. Nàng lén chùi nước mắt, đặt vào lòng tôi một gói vuông vuông. Gì đây? Tình đấy.Tôi mở lớp giấy. Mắt hoa lên. Mấy xấp toàn loại tiền năm trăm ngàn phẳng phiu. Một món tiền tôi chưa bao giờ có. Tôi gói ngay lại, trả nàng.

- Cất ngay!Anh không thể cầm tiền này của em.

- Anh phải xạ trị.

- Bằng tiền em à?

- Của anh hay của em thì khác gì nhau?

- Không bao giờ. Anh biết dù có sống anh cũng không thể làm ra số tiền này trả em.Thà anh chết còn hơn sống trong cảm giác nợ nần người anh yêu nhất nhưng lo ít nhất.

- Em có bắt anh trả đâu? Anh là niềm vui, hạnh phúc của em. Tiền này em làm ra, em muốn cho ai thì cho.

- Anh là đàn ông, sao dựa vào em? Không, anh không thể là một thằng đàn ông nhục, hèn. Anh có lo gì được cho em đâu mà còn lấy của  em? Em tặng anh tình cảm.Thế là anh hạnh phúc và biết ơn em suốt đời rồi.

- Em có chăm sóc gì được anh đâu. Anh tặng em tình cảm. Em hạnh phúc và biết ơn anh suốt đời rồi.

- Thế là đủ. – Tôi đặt gói tiền vào tay nàng - Cầm về ngay! Nếu không anh sẽ bứt dây, vứt thuốc. Anh chết trước mắt em.

Nàng khóc nức lên. Từng giọt nước mắt nàng rỏ xuống tay tôi nóng bỏng. Nàng không biết ba tháng qua có một sự thay đổi ghê gớm, một bước ngoặt to lớn trong đời tôi. Tôi nghe cái chết gọi tên. Tôi thử tìm cách chạy trốn, xa lánh nhưng làm sao tìm được chỗ nấp! Cái chết hiện lên từng phút từng giây, trên tường, giường nằm, chén cơm, ly uống nước, trong tiếng nhạc, tiếng xe, trong sâu thẳm cõi lòng. Càng phớt lờ, lừa phỉnh, ru ngủ bản chất sự việc tôi càng thấy mình đớn hèn. Trong phút giây bực bội với chính bản thân, tôi liều lĩnh quay lại, đối mặt nó. Lần một tôi run rẩy. Lần hai tôi khiếp sợ. Lần ba tôi bàng hoàng. Lần bốn, lần năm... cảm giác sợ hãi yếu đi rõ rệt. Lần thứ en-nờ thì cái chết đối với tôi không gì hơn là một trạng thái của con người. Tôi coi nó như giấc ngủ say sau một ngày lao động mệt nhọc và mình không bao giờ tỉnh lại nữa. Đấy, chết có gì là ghê gớm? Tôi nhớ lại giây phút đặc biệt trong đời: một buổi sáng đứng bên cửa sổ nhìn mây trôi, tôi lại nghĩ về cái chết. Xen giữa nỗi buồn mênh mang, một ý nghĩ chưa rõ rệt ngày càng sáng bừng và dần định hình. Cái chết chỉ làm cuộc sống của tôi ngừng lại chứ không ngăn được tôi sống trong ký ức người khác. Phải làm sao cho hình ảnh mình trở nên đẹp nhất. Vợ nhớ về tôi ngẩng cao đầu tự hào. Con nhớ về tôi ngập tràn kiêu hãnh. Nàng nhớ về tôi lòng đầy yêu thương. Bạn bè, người thân nhớ về tôi trong niềm cảm mến. Tôi bỗng thấy cái chết chẳng có gì đáng sợ. Tôi bình thản đối diện nó, sẵn sàng chờ nó đến cầm tay. Lòng ung dung nhẹ nhõm, không còn âu lo, không còn vướng bận. Chỉ ao ước lúc nhắm mắt được siết tay nàng để cảm hết sự ấm áp, nhìn mắt nàng đẫm lệ để thấy mãi niềm yêu vô tận, như là hình ảnh cuối cùng tuyệt đẹp của cuộc sống tôi mãi lưu luyến, nhớ thương.

 

 

*

 

Sau mấy tháng điều trị, bác sỹ thâm niên 30 năm bảo tôi lại thử máu, xét nghiệm, sinh thiết…. Tôi bình tĩnh đón chờ cái chết, mặt khác vẫn chống chọi nó trong khả năng có thể. Giờ đây, cái chết không còn là ác mộng mà chỉ là một dịp để tôi nhìn lại, suy ngẫm nghiêm túc về cuộc đời mình. Tôi đã vươn lên thoát khỏi nỗi nghèo cùng cực dù không đạt mức giàu như mơ ước.Tôi đã sống trong sạch, không làm điều ác, không gây thù chuốc oán. Điều đó mang lại cho tôi sự ung dung, tự tại hôm nay.Tôi chỉ tiếc chưa có nhiều thời gian dành cho việc mình yêu thích. Thế cũng mãn nguyện rồi. Bạn ngắm tôi cười.Thế nào, rụng hết lông tóc, lông tay, lông mày còn lông ấy có rụng không. Tôi cười ha hả: Rụng tất. Giờ đây, tôi nói về bệnh K, về cái chết của chính tôi như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Có lúc tôi thầm mong cái chết mau đến, mình như làn mây kia rong ruổi khắp trời. Có lúc tôi tưởng tượng mình nằm trong quan tài đóng đinh kín mít, phủ khăn ren trắng, kết hoa huệ trắng, nến thắp giăng giăng. Mọi người đứng trước ảnh tôi, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ. Có lúc tôi muốn giang rộng vòng tay ôm trọn mặt đất bao la, hóa thân vào vũ trụ mênh mông nơi thác nước tuôn chảy, ánh sáng chói lòa, tiếng chim lảnh lót mà hét vang: “Cuộc sống ơi, ta yêu người lắm lắm”. Quả thật lúc này tôi yêu hơn bầu trời, bóng cây, âm thanh đường phố ầm ì, tiếng người lao xao, cả làn gió, cơn mưa... báo hiệu thời tiết sắp chuyển mùa. Cuộc sống vẫn chảy trôi đều đều như trước khi tôi sinh ra đã thế, sau khi tôi mất đi cũng vậy. Hàng ngày, vợ vẫn dấm dúi cho các y tá, hộ lý mấy tờ xanh, tờ đỏ nho nhỏ để họ không gửi sự khó chịu vào mũi tiêm, chịu khó thay ra trải giường, lau sạch vết ố trên nền nhà, không cau có, nhăn nhó trước một vài sơ suất nho nhỏ hay chẳng có sơ suất gì. Mỗi lần xin bác sỹ kê cho loại thuốc tốt chỉ để dành người thân, trường hợp đặc biệt hoặc ngoài danh mục bảo hiểm… vợ lại kính cẩn gửi phong bì.

Một buổi sáng, bác sỹ thâm niên 30 năm đến giường tôi, có sáu blu trắng theo sau với sáu mặt cười rạng rỡ. Bác sỹ chìa tay bắt tay tôi:

- Chúc mừng anh.

- Chúc mừng?

- Chúc mừng anh. Chúng tôi đã xác định lại. Anh bị lao hạch chứ không phải K. Chỉ cần anh thực hiện nghiêm phác đồ điều trị, sau 9 tháng bệnh lao sẽ khỏi hoàn toàn.

- Vậy là tôi sẽ sống?

- Chắc chắn. Xin lấy tính mạng tôi bảo đảm. Anh mở tiệc ăn mừng đi.

Người bỗng dưng lạnh toát, bềnh bồng. Tôi phải vịn tay vào thành ghế. Tôi đang ở cõi trần hay tiên? Mơ hay tỉnh? Mọi thứ xung quanh chao đảo, chập chờn. Người quen người lạ ùa đến chia vui. Vợ khóc hu hu mà miệng ngoác ra cười. Sau này vợ kể: Lẽ ra cha em còn sống được lâu hơn nữa. Ổng bị lao mà chẩn đoán nhầm apxe phổi. Mấy tháng trời bệnh không giảm. Mẹ em băn khoăn, con cái nghi ngờ, bác sỹ gắt: “Không tin bệnh viện thì mang bệnh nhân về ”. Khi phát hiện ra lao thì ông đã sức tàn lực kiệt. Bác sỹ dốt, bệnh nhân bị vạ lây. Nhưng dốt mà còn sỹ thì thật là tai họa. Mạng người khác gì vật thí nghiệm! Thế nên lần này em phải tác động bằng đủ cách: quen biết, tình cảm, lót tay để được chẩn đoán lại. Ôi, vợ hiền! Nàng như mẹ, như chị, như em gái. Lòng tốt của vợ tôi muôn đời mang ơn, ghi tạc. Vợ bỗng hăng lên: “Em phải kiện. Chẩn đoán sai làm gia đình hao tốn bao nhiêu của cải. Cơ thể anh còn da bọc xương, ai chịu? Cho thành dân đen hết mới biết thông cảm nỗi khổ của người nghèo mắc bệnh. Lại còn vênh mặt, hống hách, quá là sếp người ta”. Tôi can: “Thôi, thôi… Mình từ cõi chết trở về, lòng nên rộng mở, chấp chi chuyện nhầm lẫn”.

Người người kéo đến thăm đứng ngồi chật nhà. Vợ tôi thay trà rót nước mỏi tay. Nàng cũng hòa trong đám bạn mừng, vui trào nước mắt. Tôi không nhìn nàng nhưng biết hết từng động tác nàng đưa tay len lén chấm chấm mắt, nghiêng nghiêng đầu chăm chú nghe những câu hỏi tíu tít, cười mủm mỉm như cùng hòa theo từng lời đùa cợt. Một người thay mặt cả nhóm đến trao cho tôi bó hoa tươi thắm:

- Chúc mừng cậu từ cõi chết trở về.

- Đúng là từ cõi chết trở về. Mình thật sung sướng và hạnh phúc được mọi người đến chia vui. Thật không biết phải làm gì để cảm ơn sự quan tâm và yêu mến của mọi người.

- Đời còn dài. Tha hồ làm.

- Thần chết bắt trượt cậu rồi. Nó quê một cục, còn lâu mới dám quay lại. Cậu phải sống ít nhất trăm tuổi.

Một tay tôi ôm hoa, một tay tôi ôm từng người. Nàng cũng đến ôm tôi. Qua làn áo mỏng, tôi cảm thấy bầu vú nàng căng mọng như vú sữa chín. Môi nàng nóng hổi lướt qua má tôi. Nàng thì thầm:

- Em tự hào đã chọn đúng anh. Nếu không có anh, em chẳng biết thế nào là yêu. Nếu không yêu, em không nhận biết hết cuộc đời vô cùng đẹp. Giữa cuộc sống hỗn tạp, xấu xí này còn có người như anh, ngời lên như một chấm xanh để em tin cái đẹp vẫn còn quanh ta.

- Em không cần phải nghĩ sâu xa và nói những lời nghiêm trang như vậy. Sống đã là một hạnh phúc vô bờ.

- Chỉ khác mỗi người tận hưởng niềm hạnh phúc ấy mỗi cách anh nhỉ.

Nàng buông tôi ra nhường chỗ cho người khác. Nhưng mùi da thịt nàng đã kịp quấn quanh tôi ấm áp.

Tôi năm mươi ba tuổi.Tuổi không còn trẻ nhưng chưa phải tuổi chết. Cuộc đời còn dài và còn bao điều đang đón đợi phía trước.

 

                                                                                    Pleiku 2014

                                                                                                                                                                                 T. L