Không thể thiếu phần còn lại của tự nhiên
Trăn trở về những biến đổi
Già Koong - một “pho sử sống Katu” là hiện thân của sự bảo tồn những giá trị văn hóa của loài người. Không chỉ thực hành văn hóa ẩm thực Katu với ống cơm lam nếp thơm, rượu và thức nhắm toàn món rừng nướng…, già Koong còn lưu giữ truyền thống kể chuyện bên bếp lửa ở nhà gươl. Khi nhân vật “tôi” muốn trông tới sáng để nghe tiếp câu chuyện mùa săn máu, già Koong “không giấu vẻ ưng cái bụng nhưng lắc đầu: Tao sẽ kể giống mọi lần tao kể hoặc được nghe kể từ hồi lên mười, nghĩa là việc thú vị ấy diễn ra khi mặt trời đã lặn, sao hôm đã mọc, cơm tối đã xong, mọi người đã ngồi quanh bếp lửa, mời nhau trầu thuốc. Và sẽ ngừng, dành đêm sau, ngủ lấy sức cho ngày mai lên rừng săn thú, xuống sông bắt cá”. Già Koong cũng trăn trở trước sự mai một của nét văn hóa truyền thống bản địa trong dòng chảy thời gian và nhịp sống hiện đại: “Nói thật tao thấy sướng khi kể, và có mày tao mới được kể. Không thể nhớ lần cuối kể chuyện bên bếp lửa đã bao nhiêu năm. Cái loa trên nóc nhà gươl, cái tivi trong mỗi nhà, tiếp cái điện thoại thông minh trên tay mỗi người thì bếp lửa không còn là gì ngoài nghĩa đen nguyên thủy.”
Trong “Thương ngàn”, những thảm họa thiên nhiên trải rộng trên cả hành tinh, từ quá khứ đến hiện tại, tăng dần theo mức độ tác động trái quy luật của con người lên thiên nhiên. Đó là thảm họa cháy rừng ở bang New South Wales của Úc; đến vụ sạt lở kinh hoàng ở Rào Trăng, miền Trung Việt Nam; là hiện tượng núi lở mà nhân vật “tôi” chứng kiến: “Sau tiếng nổ trầm đục mà dữ dội phát ra từ lòng quả núi bên đường, trên trăm mét cao một khoảnh rừng keo trồng bục toác, cùng đất đá xô đẩy nhau lao xuống, hở lộ mảng sườn núi đỏ ối như máu trong mưa”…
Nhưng ở đó, cũng có những con người luôn một lòng bảo vệ thiên nhiên, giải quyết những hậu quả do chính con người gây ra: Đó là nhân vật “tôi” cùng già làng Koong cứu hộ con khỉ Kiki và đưa nó nhập bầy, về với thiên nhiên hoang dã. Đó là Kiên lao vào biển lửa để cứu những con kaola trong thảm họa cháy rừng mang tên “mùa hè đen” ở Úc; để từ đó Kiên nhận ra sự hàm ơn từ những con vật hiền lành, bé nhỏ: “Những đôi mắt hiền ngơ ngác nhìn nhau rồi xúm lại nhìn vào mắt tôi, những bàn tay bỏng rộp rướm máu quờ quạng, cố chạm khẽ vào tôi khiến tôi tin chúng nhận ra tôi là ai, bày tỏ lòng biết ơn và muốn chăm vết thương cho tôi theo cách của chúng”.
Vì vậy, trong “Thương ngàn”, nhà văn Vĩnh Quyền muốn đưa người đọc đến niềm tin về sự thức tỉnh: “Tôi nhận ra tôi và cô bé Katu có chung một giấc mơ. Rằng lúc này chúng tôi trông thấy rừng lim non nhú lên từ mặt đất hoang, lớn thật nhanh quanh gốc lim già, quanh ngôi nhà sàn và trải rộng tới vô cùng”.
Hóa giải những quan hệ phức tạp
Bên cạnh mối quan hệ với thiên nhiên, trong “Thương ngàn”, con người có những mối quan hệ phức tạp cần hóa giải và lý giải. Điều người đọc có thể cảm nhận, là sợi dây kết nối mang tính luân hồi của những nhân vật trong câu chuyện mùa săn máu ở ngôi làng Zum dưới chân đỉnh Zi’ling với những con người hiện tại. Trong câu chuyện kể bên bếp lửa nhà gươl của già Koong, mối quan hệ chằng chịt giữa người con gái Katu Ali và chàng trai Katu Glang mà cô chọn lựa “đeo bùa yêu”; giữa Ali với Agot - người đem lòng yêu cô say đắm; giữa Ali với Long Điền - một kỵ sĩ người Kinh, tùy tướng dưới trướng Nguyễn Duy Hiệu, người đã ra tay sát hại Glang trong thế chẳng đặng đừng giữa mùa săn máu…, làm cho người đọc hình dung về những giằng xé trong mối quan hệ và đời sống tình cảm phức tạp của con người.
Mối quan hệ đó tiếp tục diễn ra, giữa nhân vật “tôi” với hai chị em ruột: Vy - người vợ, và Thư - “người từng sống chung với tôi”; cùng với Ted - người đồng nghiệp và là người tình của Vy. Những diễn biến tâm lý của nhân vật “tôi”, làm dấy lên đời sống nội tâm giằng co, phức tạp của con người; tiếp nối từ đời này sang đời khác, như một quy luật.
Trước những rắc rối, nhà văn Vĩnh Quyền tìm cách hóa giải. Ở câu chuyện mùa săn máu, chính cô gái Ali đưa Long Điền - kẻ giết người yêu cô, đi trốn sự rượt đuổi của người dân làng Zum; đó cũng là cái kết có hậu cho một hủ tục man rợ truyền từ đời này sang đời khác. Còn nhân vật “tôi” của thì hiện tại, nhớ lại câu chuyện cha anh trả cây đỗ quyên định đưa vào hòn non bộ trong vườn nhà về rừng Bạch Mã, anh nhận ra: “Cái gì thuộc về nơi nào hãy trả về nơi ấy để kiến tạo hạnh phúc”. Từ đó, anh liên tưởng đến mối quan hệ của Ted và Vy - vợ anh: “Rồi anh bồng bềnh mất phương hướng khi Ted và em nhìn vào mắt nhau mỉm cười trước camera và tràng pháo tay. Anh nhận ra em hạnh phúc. Hạnh phúc nghề nghiệp giao hiệp hạnh phúc tình yêu nam nữ.”
Đọc “Thương ngàn”, chúng ta càng thấu hiểu thêm lời của Syvia A. Earle, nhà khoa học nữ đầu tiên của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Hoa Kỳ, mà tác giả dẫn ở đầu cuốn tiểu thuyết này: “Phần còn lại của thế giới tự nhiên có thể tồn tại mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu phần còn lại của thế giới tự nhiên”.
(baodanang.vn)