Cố nhà văn Tô Hoài: Người khơi gợi nguồn cảm hứng cho các họa sĩ
Đến với nghề văn ở tuổi đôi mươi, những sáng tác đầu tay của Tô Hoài được đăng tải trên Hà Nội tân văn và Tiểu thuyết thứ bảy. Trong thời kì sáng tác đầu tiên, bằng những sáng tác của mình, Tô Hoài đã cho người đọc thấy được khả năng sáng tạo, cường độ lao động nghệ thuật của ông...
Bên cạnh những tác phẩm viết cho người lớn như: “Miền Tây”, “Truyện Tây Bắc”, “Cát bụi chân ai”, “Ba người khác”… người đọc vẫn nhắc đến ông với tư cách cây bút hàng đầu viết cho thiếu nhi và là một trụ cột chính của mảng văn học này. Có thể thấy điều này qua việc chủ trương thành lập Tủ sách Kim Đồng của Hội Nhà văn trong thời kì kháng chiến, rồi cùng với các nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Thy Ngọc, họa sĩ Mai Văn Hiến, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà giáo Hồ Trúc, Hồ Thiện Ngôn... lập ra Nhà Xuất bản Kim Đồng - ngay sau ngày hoà bình lập lại.
Và chính Nhà xuất bản được ông đặt tên - Nhà Xuất bản Kim Đồng - là nơi xuất bản hầu hết các tác phẩm viết cho thiếu nhi của ông. Có thể kể ra như: “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Kim Đồng”, “Vừ A Dính”, “Đảo hoang”, “Nhà Chử”, “Nỏ thần”, “Chuyện ngày xưa - Một trăm truyện cổ tích”, “Chuyện loài vật”, “Nói về cái đầu tôi”, “Chú bồ nông ở Sa Mác Can”, “Lăng Bác Hồ”, “Trê Cóc”, “Đám cưới Chuột”...
Họa sĩ Vũ Xuân Hoàn chụp ảnh cùng nhà văn Tô Hoài
Các tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi của ông có cốt truyện hấp dẫn, ngôn ngữ gợi cảm, nhân vật được mô tả sống động. Có thể nói, các tác phẩm của ông là sự kết nối chặt chẽ giữa văn chương và mĩ thuật. Các họa sĩ minh họa hoặc vẽ truyện tranh cho các tác phẩm của ông không dễ bởi ông rất cẩn thận, kĩ càng với từng bức minh họa.Tô Hoài là một nhà văn có vốn sống phong phú, có cách nhìn đời tinh tường và sức viết đều đặn, bền bỉ đáng khâm phục. Ở mỗi chặng văn, Tô Hoài đều có những thành tựu.
Điểm qua những tác phẩm của ông đã từng được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản, sẽ thấy những họa sỹ chịu trách nhiệm minh họa cho tác phẩm của ông đều là các họa sĩ tên tuổi như: Nguyễn Bích vẽ cuốn “Vừ A Dính”, Ngô Mạnh Lân, Trương Qua vẽ “Dế Mèn phiêu lưu ký”, Thành Chương nhiều lần vẽ bìa cho cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký”, Mai Long vẽ “Kim Đồng”, Đặng Đức Sinh vẽ “Nỏ thần”, Ngọc Linh vẽ “Con dế mèn”, Ngô Mạnh Lân vẽ “Nhà Chử” và nhiều nữa…
Làm việc với Tô Hoài, các họa sĩ phải thấu hiểu các tác phẩm của ông và phải có thực tế, bởi trong các tác phẩm của ông bộc lộ rõ tác giả là người có con mắt quan sát và hiểu biết xã hội rất sâu sắc. Từ những năm 40 của thế kỷ trước, nhà văn Vũ Ngọc Phan, người đã cho in những tác phẩm đầu tay và cũng là người đầu tiên có những nhận xét, đánh giá về Tô Hoài và tiểu thuyết của ông, cũng khẳng định Tô Hoài “là một nhà tiểu thuyết có con mắt quan sát sâu sắc”.
Cách quan sát thông minh hóm hỉnh và rất tinh tế là khả năng nổi trội của Tô Hoài trong quá trình sáng tạo các nhân vật của ông. Nhà văn Tô Hoài hiểu rất rõ đặc tính của các loài vật và đưa vào trong truyện những hình ảnh, ngôn ngữ rất gần gũi với suy nghĩ và đời sống của trẻ em. Bởi vậy các họa sĩ đều phải rất kĩ càng trong sáng tạo.
Xin đưa ra một bức thư của ông viết cho Nhà xuất bản và Nghệ sĩ nhân dân - hoạ sĩ Ngô Mạnh Lân là người rất có duyên với Tô Hoài, từng làm phim hoạt hình “Dế mèn phiêu lưu ký”, vẽ tranh truyện “Trê Cóc”, “Đám cưới chuột” của nhà văn Tô Hoài để thấy ông yêu cầu gì ở các họa sĩ khi thể hiện các tác phẩm của ông?
“Thân gửi Ban biên tập Đám cưới chuột!
1. Họa sĩ Ngô Mạnh Lân vẽ tranh đẹp và thích hợp với lứa tuổi.
2. Tôi đề nghị chữa lại tranh 29 và 30 như sau: Tôi viết “Đám cưới chuột” từ trước 1945, trong thời Pháp thuộc. Thời kì này có phong trào đánh Pháp. Theo chủ trương của Đảng lúc ấy sáng tác công khai đều có ẩn ý cách mạng - nếu viết lộ liễu thì bị kiểm duyệt. Các tác phẩm của tôi như “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Chuột thành phố”, “Ngọn cờ lau”, “Đám cưới chuột” đều có ẩn ý ấy.
3. Cho nên những chữ “đánh đổ”, “kẻ thù” không còn thích hợp với bạn đọc bây giờ, nhất là bạn đọc thiếu nhi. Tôi đã viết lời lại cho tranh 29, 30. Tôi đề nghị anh Ngô Mạnh Lân vẽ lại hai tranh cho hợp với chuyện. Hoặc cứ để nguyên tranh như cũ và viết lời như của tôi cũng được.
TÔ HOÀI”.
Với một số họa sĩ trẻ, được minh họa cho các tác phẩm của ông là một niềm vinh dự và tự hào. Họa sĩ Tạ Huy Long, người vẽ cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” phiên bản gần đây nhất kể lại những buổi được làm việc với ông: “Tôi không nghĩ mình có cơ hội được làm việc với một nhà văn lớn như ông. Nhưng khi gặp mới thấy ông giản dị và dễ tính đến lạ lùng - không câu nệ, không đòi hỏi này kia. Bởi vậy tôi ý thức được việc mình làm khi ông hoàn toàn tôn trọng và tin tưởng. Ông kể một cách say sưa quãng thời gian thơ ấu với ánh mắt lấp lánh - chỉ cần vậy thôi. Tôi đã mường tượng được không gian sống của chú Dế mèn và quả thật ông - nhà văn Tô Hoài chính là chú Dế mèn năm xưa… (Dù rằng lúc đó ông đã 87 tuổi)”.
Một bức thư nhà văn Tô Hoài gửi họa sĩ Vũ Xuân Hoàn.
"Anh Vũ Xuân Hoàn!Hay như với họa sỹ trẻ Vũ Xuân Hoàn, Tô Hoài cũng trân trọng những gì họa sỹ trẻ này đã sáng tạo. Xem thư ông viết cho họa sỹ trẻ này sẽ rõ:
Tôi đã đọc những phác thảo của anh đã viết Những chuyện loài vật của tôi theo những sáng tạo riêng của anh. Thực tế sáng tạo có những riêng biệt hay - Đó là những sáng tạo của Xuân Hoàn, kể cả cổ tích, cả những cổ tích thời đại và muôn thuở.
Tôi thật cảm động khi anh Xuân Hoàn viết về cái truyện ngắn Chuột thành phố trong tập truyện ngắn của tôi, đã in trong truyện ngắn Chuột thành phố của tôi xuất bản năm 1949. Khi tôi gặp anh Vũ Bằng trong giải phóng miền Nam ở Sài Gòn, anh Vũ Bằng có nói là cuốn truyện ấy anh đã viết biên tập cho Nhà xuất bản Tân Dân của anh Vũ Đình Long có nói ý bóng gió về các nhà nhà văn Việt Nam đã đi kháng chiến chống Pháp ở chiến khu.
Thời kì 1945, phong trào Việt Minh của Hội Văn hóa Cứu quốc đã vận động các nhà văn cách mạng sáng tạo đả thực dân Pháp, đánh đuổi phát xít Nhật vùng lên trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 và trong trường kì kháng chiến.
Tô Hoài”.
Tô Hoài là như vậy đó, ông luôn gợi mở cho các họa sĩ trẻ những gì cần phải cảm nhận được, những gì là cốt yếu cho nội dung của mỗi bức minh họa cho các tác phẩm của ông. Ông không gò ép phong cách, kĩ thuật… chỉ gợi mở, còn lại ông để họa sĩ tự do bay bổng sáng tác. Và vì vậy nên những bức minh họa, hoặc vẽ bìa cho các tác phẩm của ông đều có giá trị nghệ thuật cao, có lẽ, từ trước đến nay, trong nền văn học Việt Nam chưa có nhà văn nào được nhiều họa sĩ tài danh vẽ bìa và minh họa cho các tác phẩm của mình như ông.
Tô Hoài rời xa các bạn đọc yêu quý của ông cũng đã hai mùa tròn, những tiếc thương, thương nhớ đều dồn vào những trang văn của ông, nhưng tôi thì nhớ ông qua những bức tranh được sử dụng làm bìa và minh họa cho các tác phẩm của ông. Có lẽ các tác phẩm của ông đã, đang và sẽ mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các họa sĩ Việt Nam.
Tô Chiêm(vnca.cand.com.vn)