Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý: Đâu chỉ có 'Dư âm'
Nhắc đến nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, người ta hay nói về ca khúc Dư âm- Một trong những ca khúc được coi như tiêu biểu trong dòng nhạc tiền chiến. Nhưng nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đâu chỉ có Dư âm, mấy chục ca khúc khác của ông trong suốt sự nghiệp sáng tác đã đưa ông trở thành một trong những nhạc sỹ tiêu biểu hàng đầu Việt Nam.
Nguyễn Văn Tý sáng tác ca khúc Dư âm năm 1950, khi ông tới thăm nhà một người bạn và gặp cô bé em gái người bạn tại nhà.
Từ ánh mắt, nụ cười của cô bé 16 tuổi đã khiến chàng trai trẻ xốn xang và ông đã viết Dư âm với những lời ca đậm sự lãng mạn: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ- Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ. Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió. Yêu ai .....”
Ca khúc đã làm lên tên tuổi cho chàng nhạc sỹ trẻ, nhưng cũng chính ca khúc đã khiến Nguyễn Văn Tý phải một thời lao đao bởi trong không khí hào hùng của Cách mạng, những ca khúc lãng mạn kiểu như thế sẽ không phù hợp. Nhưng Nguyễn Văn Tý không chỉ có những ca khúc lãng mạn kiểu như thế. Hòa mình vào cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và giải phóng dân tộc, Nguyễn văn Tý tiếp tục có những sáng tác mang ý nguyện, tâm trí của con người mới XHCN. Những ca khúc được nhiều thế hệ nằm lòng của ông như Tấm áo chiến sẽ mẹ vá năm xưa, Bài ca phụ nữ Việt Nam, Dòng nước quê hương, Ru người trăm năm... Đặc biệt ca khúc Mẹ yêu con được coi như một trong những ca khúc hát ru hay nhất, tiêu biểu nhất cho tình mẫu tử trong giai đoạn đất nước đang nhiều khó khăn.
Người ta còn gọi Nguyễn Văn Tý là nhạc sỹ ngành ca khi ông sáng tác nhiều ca khúc cho các ngành như Em đi làm tín dụng cho ngành Ngân hàng, Mùa xuân cô nuôi dạy trẻ cho ngành giáo dục, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ cho ngành thủy lợi, Bài ca 5 tấn cho ngành nông nghiệp... Ngoài ra ông còn được coi là nhạc sỹ của Tỉnh ca khi Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre được người dân các tỉnh coi như ca khúc của quê hương mình...
Đặc biệt hình ảnh người phụ nữ trong các tác phẩm của ông luôn có vẻ đẹp của sự dung dị, tần tảo và thủy chung. Ca khúc Bài ca phụ nữ Việt Nam của ông đã khắc họa hình ảnh người phu nữ Việt với những “Dòng dõi Bà Trưng vốn xưa nay anh hùng-Giáp mặt kẻ thù chẳng một giây nao núng -Như cánh lúa hiến cho đời bao sức sống- Xứng danh đã trao tặng người trung hậu đảm đang...” Ca khúc đã trở nên quen thuộc, luôn được hát trong những ngày kỷ niệm, tôn vinh phụ nữ Việt Nam.