Khi Tổ quốc ở nơi đầu sóng! - Huỳnh Viết Tư
Làng tôi là một vùng đất thuộc hạ lưu sông Thu Bồn nổi tiếng, nơi đó tiếp giáp biển Đông bởi cửa Đại hay còn gọi là cửa Đợi. Nơi đây những thiếu phụ đợi chồng, con đang lênh đênh trên mặt biển, trước những rình rập của thiên tai, địch họa để kiếm sống và bảo vệ biển trời của Tổ quốc...
Những dịp hè, tôi thường theo thuyền đánh cá ra biển chơi và phụ giúp những ngư dân vạm vỡ như những chú sói biển gỡ cá ra khỏi lưới, nhưng cũng chỉ đi xa đến đảo Cù Lao Chàm mà thôi! Tuy chỉ mới đến đấy mà biển trời non nước với một màu xanh thẩm đã ngút ngát tầm nhìn. Nhìn vào bản đồ Việt Nam, tôi thấy Trường Sa, Hoàng Sa còn cách Cù Lao Chàm cả hàng trăm hải lý.
Nơi đó, một phần lãnh thổ của Tổ quốc tôi đang kiêu hãnh ngự trị. Có ở trên biển mới thấy đất nước mình không phải là nhỏ, không chỉ là hình cong như chữ S, mà mênh mang, mà rộng lớn vô cùng…
Theo quá trình phát triển của lịch sử, chúng ta nhận thức được một bài học vô cùng quý báu mà tổ tiên ta đã dạy từ truyền thuyết “Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ” với việc Cha Lạc Long Quân mang 50 người con xuống biển và Mẹ Âu Cơ mang 50 người con lên núi để mở cõi. Phải chăng đó là chiến lược xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc: Đất liền và biển đảo đều có giá trị thiêng liêng, chúng ta phải ra sức gìn giữ từng tấc đất trên bờ hay dưới nước, từng khoảng trời, mặt biển…mà tổ tiên đã dày công vun bồi. Bài học nầy lại càng có giá trị và mang tính thời sự khi mà biển Đông đang dậy sóng từng ngày. Quân thù đã và đang lăm le xâm chiếm biển đảo quê hương, chiếm đi những nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho Tổ quốc ta. Bởi quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và mặt biển bao quanh là những vùng đánh cá trù phú, giàu có về tài nguyên thiên nhiên và huyết mạch trong giao thương quốc tế...
Hoàng Sa, Trường Sa ơi! Tôi chưa một lần đặt chân đến những nơi này nhưng những cái tên: Đá Bắc, Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ánh, Quang Hòa, Bạch Quy, Tri Tôn, Phú Lâm, đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Nam, đảo Tây, đảo Hòn Đá... Ba Bình, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, Đá Hoa Lau, Thị Tứ, Đảo Dừa, Gạc Ma, Cô Lin…nghe sao mà thân thương, như đã thấm vào máu thịt ngàn đời mà cha ông truyền lại. Hơn bao giờ hết, tôi lại nghĩ đến các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên các đảo; nghĩ về cuộc sống của họ trên những nhà giàn đang ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển biên cương. Càng nghĩ đến càng thấy cảm phục và ước ao được một lần viếng thăm nơi “đầu sóng ngọn gió” này, để tận mắt ngắm nhìn vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, để được sẻ chia dù chỉ là một phần rất nhỏ những gian truân, vất vả của người lính đảo, được cùng các anh chong mắt giữ gìn biển đảo của quê hương. Các anh đang tiếp tục đi trên con đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường huyền thoại trong lịch sử, là biểu trưng cho ý chí và sức sáng tạo phong phú của Việt Nam. Con đường ấy là niềm tự hào, nguồn cổ vũ và động viên lớn lao không chỉ của những chiến sĩ trên những “con tàu không số” mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Nó đã góp phần to lớn làm nên chiến thắng lịch sử: giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Lần giở lại lịch sử, những sở cứ, tư liệu lại một lần nữa là minh chứng hùng hồn, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ta. Có thể nêu ra đề tài khoa học Font tư liệu Hoàng Sa do huyện đảo Hoàng Sa - Đà Nẵng đầu tư đã thu thập được 56 bản đồ các nước phương Tây, 22 bản đồ Trung Quốc và 8 bản đồ Việt cổ chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngoài tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do Nhà xuất bản Thượng Hải (Trung Quốc) in năm 1904 ghi rõ cực Nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Uỷ ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa - Đà Nẵng đang giữ nhiều bản đồ do chính người Trung Quốc lập nên, cho thấy từ năm 1909 trở về trước, Hoàng Sa và Trường Sa không được nước này nhắc đến.
Trong cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa do Uỷ ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa và Nhà xuất bản Thông tin - Truyền thông xuất bản tháng 1-2012 đã là một kho tư liệu, chứng cứ quý giá khẳng định Việt Nam là nước đầu tiên trong lịch sử chiếm hữu và thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Chẳng hạn, ngày 13-1-1947, Chính phủ Pháp chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong đó, Pháp đã nêu lên những bảo lưu về hậu quả pháp lý từ việc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của quân đội Trung Hoa Dân quốc, đồng thời nhắc lại đề nghị tìm giải pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quốc tế.
Người dân đến xem các bản đồ Trung Quốc khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam tại một cuộc triển lãm tư liệu ở Bảo tàng Đà Nẵng
Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Hội nghị San Francisco có 51 quốc gia tham dự đã diễn ra từ ngày 5-9 đến 8-9-1951. Trong ngày 5-9-1951, tại phiên họp toàn thể mở rộng, 43 quốc gia đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa không thuộc Trung Quốc. Nhiều bản đồ của các nước phương Tây cũng khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Bản đồ của Van - Langren (người Hà Lan) vẽ năm 1595 với rất nhiều chi tiết, nhất là tại vùng Trung Bộ. Tại Bắc Bộ cũng có nhiều chi tiết, nhất là sông Hồng. Đặc biệt, trên phần đất liền, ngoài địa danh rất đáng lưu ý là mũi Varella, còn có bờ biển Costa da Pracel ở đối diện với Pulocanton (Cù lao Ré) thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi. Đây là những chứng cứ lịch sử khách quan góp phần cùng nhiều chứng cứ lịch sử khác khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Ngoài ra, còn có nhiều tư liệu quý hiếm của chính quyền Việt Nam Cộng hòa giai đoạn 1954-1975 khẳng định Hoàng Sa thuộc Việt Nam.
Đại Thanh đế quốc vị trí khu hoạch đồ (năm 1909) là một trong số rất nhiều bản đồ cổ của Trung Quốc đã vẽ phần cực Nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa. Cuốn Dư địa chí đồ đời Nguyên của Chu Tư Bản được vẽ thu nhỏ lại trong sách Quản Như đồ của La Hồng Tiên quyển 1, thực hiện năm 1561, cho thấy phần cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàng triều phủ sảnh châu huyện toàn đồ đời Thanh, năm 1862, vẽ theo Nội phủ địa đồ gồm 26 mảnh mang tên Đại Thanh kịch tỉnh toàn đồ. Trong bản đồ này, phần cực Nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa. Quảng Đông tỉnh đồ trong Quảng Đông dư địa toàn đồ do quan chức tỉnh Quảng Đông vẽ năm 1897 không có bất kỳ quần đảo nào ở biển Đông. Sau khi báo chí trong nước và quốc tế loan tin từ cuộc trưng bày Bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ 1904 của Nhà Thanh chỉ rõ cương giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, anh Trần Thắng (sinh năm 1971 tại tỉnh Quảng Ngãi, là cháu ngoại của nhà thơ Tế Hanh - một Việt kiều tại Mỹ) đã cung cấp nguồn tư liệu có giá trị lịch sử - pháp lý để đóng góp cho Tổ quốc mà anh đã sưu tầm được gồm 03 atlats bản đồ và gần 150 bản đồ riêng lẻ, có giá trị và tặng số tư liệu này cho UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa còn cung cấp nhiều bản đồ quốc tế từ thế kỷ XV - XVIII khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa không phải của Trung Quốc mà thuộc chủ quyền Việt Nam, đã được Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ khai phá và quản lý từ thế kỷ 17 một cách hòa bình, liên tục và ổn định kể từ thời nhà Nguyễn, phù hợp với luật pháp quốc tế. Bằng hàng loạt tư liệu, bản đồ có xuất xứ từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả từ Trung Quốc là những bằng chứng có giá trị lịch sử - pháp lý mà không ai có thể phủ nhận sự thật: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam là điều hiển nhiên không ai có thể chối cãi.
Đại Thanh đế quốc vị trí khu hoạch đồ (năm 1909) cho thấy phần cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 3/6/2014, Viện Nghiên cứu Hán Nôm-Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chính thức giới thiệu cuốn sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông”. Cuốn sách giới thiệu 46 đơn vị tư liệu Hán Nôm bao gồm các bộ sử, tập bản đồ, địa chí, hội điển, văn bản hành chính... khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Ngoài ra, cuốn sách còn giới thiệu nhiều tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các tư liệu gồm: nguyên văn chữ Hán, phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa tiếng Việt. Cuốn sách nằm trong chương trình nghiên cứu chung về biển Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, Trung Quốc bất chấp lẽ phải, chà đạp lên sự thật lịch sử, chà đạp luật pháp quốc tế và độc lập chủ quyền của dân tộc Việt Nam; tháng 1-1974 dùng vũ lực xâm chiếm bất hợp pháp Hoàng Sa; tháng 3-1988 một số đảo tại Trường Sa tiếp tục bị Trung Quốc đánh chiếm. Sau đó, Trung Quốc đưa ra đường lưỡi bò đòi liếm sạch biển Đông, biến biển Quốc tế thành ao nhà. Tại kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng vào chiều ngày 3/7/ 2012, Bí thư Thành ủy - Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã tái khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng (Việt Nam). Thành phố Đà Nẵng cũng đã thành lập Uỷ ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa và cấp kinh phí để huyện đảo này hoạt động và tiếp tục đấu tranh đòi lại chủ quyền. Tiếp đó, ngày 24-7-2012, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến ra tuyên bố nêu rõ: Chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng một lần nữa hết sức lo ngại và bất bình trước việc ngày 19-7-2012, Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập "Cơ quan chỉ huy quân sự" của cái gọi là "thành phố Tam Sa" và việc ngày 21-7-2012 phía Trung Quốc đã tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân khóa I của cái gọi là "thành phố Tam Sa". Những hành động sai trái của Trung Quốc không làm thay đổi thực tế hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Thành phố Đà Nẵng cương quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những việc làm vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam, cản trở nỗ lực chung duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông, làm tổn hại tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Với những cứ liệu lịch sử rất chuẩn xác, phù hợp với luật quốc tế, chúng ta cần phải đưa những bằng chứng này đến với mọi người dân trong nước và quốc tế, đến tổ chức Liên hợp quốc. Thông qua các triển lãm, các phương tiện thông tin đại chúng, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh đòi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, một số đảo thuộc Trường Sa và đảm bảo tự do thương mại, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông.
Những ngày đầu tháng 5/2014, Trung Quốc lại ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam, gây ra những hành động hung hăng như tông vào tàu của ngư dân gây ra chìm tàu, cản phá lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam, cản phá sự đánh bắt trong ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trước tình hình đó, những trái tim nóng bỏng của hơn 90 triệu người dân Việt Nam ở trong nước và hơn 4 triệu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, của các chính phủ, nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới luôn hướng về Biển Đông, hướng về Hoàng Sa và Trường Sa, dõi theo từng tin tức được truyền đi. Chúng ta lại một lần nữa chứng kiến tinh thần yêu nước trong mỗi con dân Việt dù đang ở trong nước hay nước ngoài, thể hiện sự đoàn kết trong quyết tâm bảo vệ vùng biển, đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, lên án mạnh mẽ những hành động sai trái, phi lý của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay chúng ta phải bình tĩnh, sáng suốt nhận định những sự kiện đang diễn ra trên Biển Đông trong mối quan hệ tổng thể và lâu dài của tình hình đất nước để có hành động phù hợp và hiệu quả, bảo đảm Tổ quốc độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ và không lệ thuộc.
Mọi người Việt Nam đang hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, gửi gắm tình yêu thương của mình qua từng viên đá, từng lá thư đầy ắp ân tình, những tiếng hát ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, bằng vật chất và tinh thần, chuyển đến biển đảo biên cương của Tổ quốc... Dân tộc Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam bất luận thời nào đều có một quan điểm rõ ràng nhất quán như một lời thề của hồn thiêng sông núi, dù rất yêu chuộng hòa bình nhưng nếu kẻ nào đụng đến tấc đất hương hỏa, đến biển trời của cha ông để lại thì mạch ngầm của tình yêu biển đảo được khơi lên thành những con sóng dữ xông pha, mỗi người dân sẽ là một cọc Bạch Đằng giăng trên biển Việt Nam, sẵn sàng nhấn chìm những kẻ xâm lược, bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương. Dù kẻ thù có mạnh đến đâu, hung hãn đến đâu nhưng nếu xâm phạm đến chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc thì đều bị đánh bại. Những trận thủy chiến vang lừng lịch sử chống Trung Quốc xâm lược tại sông Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938, của Hưng Đạo Đại Vương năm 1288 đã minh chứng điều đó. Nơi “đầu sóng ngọn gió”, các anh chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam, những ngư dân bám biển đêm ngày… là những chứng nhân cho chủ quyền đất nước, những con “mắt Trời” rạng ngời giữa vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, làm nên mùa Xuân cho dân tộc Việt.
H.V.T