Nhà văn quèn & đạo diễn lừng lanh - Trần Nhã Thụy

11.03.2013

Quán hơi tối. Nhưng tôi chọn được bàn bên cửa sổ. Và, may mắn hôm ấy là một ngày đẹp trời. Nắng rực vàng và gió lồng lộng trên cao chốc chốc chao dạt xuống ngọn cây làm nó như tách ra rồi hất ánh sáng sạch sẽ vào cửa sổ. Tôi ngồi nhìn khung cảnh đó với một chút cảm động. Đó là những khoảnh khắc mà mình dường như không muốn, không cần phải làm gì. Mình chỉ thu mình lại như con mèo để chờ cho trái tim mình chợt rung lên rồi duỗi thẳng cả người một cái đầy khoan khoái. Nếu được như con mèo nằm đưa cả chân lên trời rồi lộn vòng mấy cái thì sung sướng biết bao.

Nhà văn quèn & đạo diễn lừng lanh - Trần Nhã Thụy

Nói vậy, nhưng tôi không hoàn toàn quên hoàn cảnh của mình. Tôi là một nhà văn quèn đang sống trong bế tắc và những mâu thuẫn không cứu vãn. “Ê, nhìn kìa, một thằng bế tắc và mâu thuẫn đang chìm dần trên đầm lầy. Hơ hơ”. Một vài kẻ đi qua chỉ tay vào tôi rồi hét lên kèm với một tràng cười khoái trá như vậy. Không có gì khoái trá cho bằng nhìn một thằng đang giãy giụa trên cái đầm lầy. Nó chết chắc rồi. Và thật thích thú khi nhìn nó đang chìm dần, đang ngắc ngoải, tuyệt vọng. Cái bọn viết văn là như vậy đó. Đừng nghĩ nhà văn là cao thượng hay hướng thượng cái gì. Viết mãi không ra chữ, viết mãi không cất cánh lên được là đang bước đi trên đầm lầy. Và những kẻ ở trên bờ vỗ tay cười khoái trá. “Ê, nhìn đi, một thằng đang chìm trên đầm lầy kìa. Hà hà”.

Tôi đương nhiên là không quên hoàn cảnh của mình. Bế tắc và mâu thuẫn. Đã lâu lắm rồi tôi không viết được một cái truyện ngắn nào hoàn chỉnh. Toàn là những dở dang. Đó là bế tắc. Lại tiếp tục mâu thuẫn khi nghĩ mình vẫn còn có thể nghĩ ra một cái gì đó hay ho để viết chứ không phải vay mượn ý tưởng của ai. Rõ ràng là tôi không biết tự lượng sức mình. Tôi cũng tỏ ra mâu thuẫn khi tỏ ra vừa thích một chỗ ngồi vắng vẻ lại vừa thích được ngắm nhìn một cô gái thanh xuân ăn bận trễ tràng đi lại trong quán, lại luôn thèm muốn được làm tình với một cô nàng mông nở nang nữa chứ. Tôi, có lẽ là hết thuốc chữa rồi. Nhưng kệ, đây không phải là giây phút ngồi dằn vặt mình về chuyện viết, hay chuyện sống, mà giây phút này nên ngồi dụi thật sâu, thật êm ái vào thành ghế để ngắm nhìn cái ánh sáng ấm áp đang phủ xuống kia. Ngồi đợi một cú rung tim đã đời.

Tôi ngồi đó, quên mất cái hẹn với đạo diễn lừng danh.

 

***

 Cô gái, tôi đoán là trợ lý, hay em út gì đó của đạo diễn lừng danh nói trong điện thoại rằng, tôi cứ ngồi đó, đạo diễn sẽ đích thân tới. “May cho anh đó, bữa nay ảnh rảnh, với lại ảnh cũng muốn đi dạo một chút vì thời tiết khá đẹp”. Tôi nói cảm ơn mà không biết là cảm ơn về cái gì, vì ngay lúc đó, thật quái đản, tôi muốn được viết.

Viết một cái gì đó, tôi cũng chưa hình dung được. Nhưng tôi muốn ngồi đó, mở cái laptop ra, khởi động màn hình lên, rồi bắt đầu viết. Tôi không chờ đợi vị đạo diễn lừng danh kia sẽ bước vào cái quán vắng hoe này, trong ánh sáng hơi tối nhưng ấm áp này, với cái đầu xịt keo láng mướt, mùi nước hoa nồng nặc, và cái giọng nói ồ ồ lơ lớ cứ làm huyên náo tất cả lên. Tôi mặc kệ vị đạo diễn từng được ăn học ở Mỹ, từng thắng đậm mấy phim chiếu Tết trong vài năm qua. Tôi mặc kệ. Tôi không thấy hứng thú gì khi phải bàn kế hoạch viết kịch bản phim với những tranh luận vô tiền khoáng hậu.

Nhưng đạo diễn lừng danh sẽ đến cái quán cà phê xoàng xĩnh này? Chắc gì? Tôi ngồi đó với một nỗi chán chường. Đúng lúc đó thì từ ngoài cửa có một phụ nữ bước vào. Đó là một cô nàng xinh đẹp, tuổi khoảng ngoài ba mươi. Cô nàng mặc bộ mini jupe khá quyến rũ. Tôi không giỏi tả đàn bà, nhưng tôi biết đây là loại đàn bà khiến cho bọn đàn ông phải tỏ ra mình không thuộc loại vô dụng. Cô nàng nhìn quanh quán, có vẻ như cô mới tới đây lần đầu. Sau đó cô nhìn tôi, ánh mắt rất ướt át và miệng thoáng cười. Cô nàng bước tới.

- Xin lỗi, tôi ngồi đây được không?

Cô nàng chỉ tay xuống cái ghế cạnh tôi. Tôi thoáng gật đầu. Trong khi tôi còn đang phân tâm thì cô nàng đã ngồi xuống và gọi cà phê. Tôi chỉ mỉm cười, chưa biết phải nói gì, thì cô nàng hỏi.

- Anh thấy cà phê ở đây thế nào?

- À… tôi thấy cũng được. Nhưng…

- Nhưng sao anh?

- À… tôi không chú ý tới chất lượng cà phê lắm. Tôi chủ yếu ngồi đây vì quán vắng…

Cô nàng bật cười vẻ rất tự nhiên khiến bộ ngực khẽ rung lên. Sau đó cô nhìn tôi, nói như giải thích.

- Em tính sang lại quán này. Hi vọng chừng đó anh tới đây không phải vì quán vắng.

- Ồ, vậy à?

- Dạ… Xin lỗi, anh làm nghề gì? Em thấy ở anh có một vẻ gì đó hơi đặc biệt.

Tôi khẽ cười.

- Hiện bây giờ thì tôi không làm gì cả.

- Sáng nay trời đẹp quá!

- Ừ. Đẹp. Khi nào thì em sang lại quán này?

- À… Em đang tham khảo. Anh thấy quán này được không?

- Được. Với tôi chỗ nào vắng đều được. Nhưng nếu em sang lại quán này, chắc chắn sẽ đông khách đó.

- Thiệt không? Sao anh biết.

- À… Thỉnh thoảng túng tiền tôi cũng có làm thầy bói.

Lại cười khanh khách, lại ngực rung và cặp giò đổi chéo vẻ bồn chồn xáo trộn tự nhiên.

Qua cửa sổ, tôi thấy một chiếc taxi đỗ xịch trước quán. Cửa xe mở ra, một đôi giày bóng láng thò ra thả xuống mặt đường. Tôi nhăn mặt. Thằng đạo diễn lừng danh nó mò tới đây thiệt. Cô nàng nhìn theo ánh mắt của tôi và thấy đạo diễn lừng danh đang bước vào quán. Bất ngờ tôi quay sang cô nàng, giọng có phần bực bội.

- Xin lỗi, tôi có khách một chút.

- Ồ… Xin lỗi anh.

Cô nàng đứng lên cầm ly cà phê của mình từ từ đi vào phía trong. Tôi ngước ánh mắt nhìn lên ngọn cây như thể nhìn nó lần cuối cùng.

 

***

- Chúng ta bắt đầu vào công việc luôn hả. Là thế này. Tôi có một truyện ngắn, nó có tựa đề là Chàng bán mía.(*)

- Ồ… tựa nghe hay quá. Chàng bán mía. Có phải là bán mấy cây mía không?

- Ừ. Ở Mỹ không biết có không. Nhưng ở thành phố này, nếu ông đi ngoài đường sẽ thấy có mấy người đạp chiếc xe ba gác đi bán mía. Ở hai bên thành xe, họ dựng hai hàng mía mọc lên nhìn cũng hay hay.

- Ồ… Hay. Hình ảnh đẹp đấy. Lên phim sẽ rất đẹp. Anh cứ nói tiếp đi.

- Thì đại khái là tôi từng viết một chuyện về anh chàng bán mía.

- Một anh chàng đẹp trai chứ?

- Tôi nghĩ là cũng cỡ Johnny Trí Nguyễn.

- He he. Được đấy. Tôi bắt đầu thích rồi đấy. Tiếp đi.

- Truyện thì dài lắm. Nhưng nếu làm phim thì tôi chỉ lấy nhân vật chàng bán mía thôi. Đại khái tôi sẽ vẽ ra thêm như thế này: Anh chàng này bán mía, nhưng thực chất là chưởng môn một môn phái võ cổ truyền. Mỗi khi đứng chặt mía, róc mía, trông anh ta rất điêu luyện, rất phiêu. Anh chàng bán mía có nhiều khách hàng là phụ nữ. 

- Hay lắm. Và, sẽ có một vụ cướp giật trên đường phố. Và, chàng bán mía sẽ rút một cây mía bay lên xe container, rồi từ xe container phi xuống. Hay quá. Đánh nhau với đạo cụ là cây mía. Lạ, lạ lắm. Vai này thì không ai hợp bằng Johnny Trí Nguyễn rồi. Nhưng mà, chưởng môn sao lại đi bán mía?

- À… chuyện là thế này: anh chàng đẹp trai chưởng môn này có một người em cùng cha khác mẹ. Người em này ngày xưa cũng học võ, nhưng rồi đi Mỹ du học, nay trở về, đã dùng tiền để lo lót mua lại ngôi tổ đường môn phái, lại muốn dùng võ học vào những mục đích kinh doanh. Trong khi đó, chưởng môn thực sự là anh chàng bán mía thì nghèo quá, không làm gì được, bực bội bỏ quê nhà vào thành phố.

- Hay… Hay đấy. Sẽ có cảnh hai người tỉ thí với nhau trong ruộng mía. Tôi nghĩ là đẹp chẳng khác gì cảnh đánh nhau trong rừng trúc trong phim Ngọa Hổ Tàng Long (**). Nhưng anh phải thêm vào dùm tôi là họ cùng yêu một cô gái.

- Cô gái nào?

- Cô gái nào không cần biết. Nhưng phải có một cô gái giữa hai anh chàng này. Như vậy thì phim mới hấp dẫn được, chuyện phim mới lôi khán giả đi được. Nhất định là phải có một cô nàng xinh đẹp.

- À… tôi hiểu rồi. Nếu ông muốn thì sẽ có một cô nàng.

- Ta bàn luôn đi. Anh nghĩ nhanh mà. Tôi từng nghe đồn là anh nghĩ rất nhanh, phản ứng rất lẹ. Đó cũng là lý do mà tôi đi gặp anh hôm nay đây. Chúng ta sẽ là một đội phản ứng nhanh chứ?

- Tôi nghĩ nhanh? Hì. Thực ra tôi đang bế tắc đây. Tôi chẳng nghĩ được cái gì hay ho cả. Tôi còn một cái truyện, nó có tựa là: Chàng trẻ măng ở phố treo đầu (***)

- Chà tựa nghe hay quá. Tôi đặc biệt thích những tựa có chữ “chàng”. Nhưng chàng này thì sao?

- À, đại khái là trong truyện này có một chàng trẻ măng làm nghề giữ xe cho một quán ốc, khi buồn anh ta thường dựng một hàng xe rồi tung người bay qua đó, thỉnh thoảng anh ta cũng bắt được một con dê đi lạc rồi ôm nó, cứ thế mà đi. Cảnh này mà cho mưa thì hay quá.

- Mưa là chuyện nhỏ thôi. Anh cũng biết là với tôi, bất cứ nhà sản xuất nào cũng sẵn sàng đầu tư kinh phí để làm phim có bối cảnh bốn mùa mà. Tôi cũng đang rất máu những cảnh kỹ xảo đây. Nhưng, có phải ý anh là ta copy chỗ anh chàng giữ xe vào chỗ anh chàng chưởng môn bán mía?

- Đúng vậy.

- Ô kê thôi. Chi tiết đó hay mà. Nhưng tôi vẫn muốn ta bàn kỹ hơn một chút về nhân vật cô gái. Lần này, tôi muốn mời Tăng Thanh Hà.

- Ừ, được. Có thể ta sẽ cho cả hai chàng trai cùng vào thành phố để tìm cô gái. Cô gái là Tăng Thanh Hà này sẽ là một sinh viên đại học, nhưng lại cặp với một đại gia xuất thân giang hồ. Đó là một gã đàn ông tướng tá bặm trợn, lùn, mập. Gã ta cũng khoái ăn mía, và thường mua mía chỗ anh chàng bán mía chưởng môn. Nhưng anh chàng kia không hay biết gì…

- Ô kê. Hay lắm. Ta sẽ thêm chi tiết là tên đại gia này có thói quen dùng cây mía đánh tình nhân. Đánh xong thì bẻ ra ăn. Anh thấy sao?

- Ghê quá.

- Ghê hả? Biên kịch mà thấy ghê là hiệu quả rồi. Ha ha. Chi tiết này đắt giá đấy. Tuyệt vời. 

- Nhưng một cô gái hay bị đánh đòn bằng cây mía mà vẫn bám đại gia thì hẳn phải có một nguyên do nào đó?

- Bị nghiện. Cho cô ta bị nghiện đi?

- Nghiện? Ma túy? Có nhàm quá không? Hay là cho cô ta nghiện mua sắm?

- Hay… Hay quá. Cảm ơn anh. Đúng là giỏi nghĩ nhanh. Nghiện mua sắm như  Isla Fisher trong phim của P. J. Hogan (****) Thật không có gì thú vị và kinh khủng cho bằng một cô nàng xinh đẹp nghiện mua sắm. Gút quá. Nhân tiện, anh xây dựng luôn cho tôi là anh chàng bán mía chưởng môn tình cờ gặp mỹ nhân trong ngôi biệt thự vắng, sau khi bị gã đại gia dùng cây mía đánh gây tổn thương về thể xác lẫn tinh thần. Chắc anh đã coi phim Căn phòng trống của Kim Ki Duk? (*****)

- À… phim này tôi có đĩa ở nhà nhưng chưa coi. Mà sao?

- Ồ… không sao. Cứ vậy đi. Hôm nay là một ngày đẹp trời. Và chúng ta là một đội phản ứng nhanh rất tuyệt, chúng ta đã có một cuộc trao đổi đầy hứng thú, đầy hiệu quả. Tôi lấy làm tiếc là chưa từng đọc truyện ngắn của anh. Nhưng tôi hứa là sẽ đọc. Nhân tiện, tôi muốn hỏi anh câu này, khi viết văn anh thường lấy cảm hứng từ ai?

- Câu này khó trả lời quá.

- Anh đừng nghĩ một cách nghiêm trọng quá. Chẳng hạn, anh cứ đề truyện ngắn này hay kịch bản phim này được gợi ý tưởng từ triết gia, nhà nhân chủng học Claude Lévi-Strauss. Như vậy tôi nghĩ là sẽ thú vị hơn. Chắc anh đã từng đọc ông Sờ-trớt này rồi chứ. Tôi rất thích cái tựa sách Nhiệt đới buồn. Hay là ta sẽ đặt tên phim là Nhiệt đới buồn nhé?! Hay đấy chứ. Nhiệt đới buồn. Hay lắm.

 

***

Cô nàng xinh đẹp đi tham quan để sang lại quán cà phê mà hôm trước tôi gặp hóa ra là một cô nàng thợ may, có máu phiêu bồng. Cô nàng có một cái tiệm khá rộng nằm trên cao một cư xá trung tâm thành phố. Thật ra đó là một khu may và bán của một nhóm người. Họ thuê mấy căn hộ chung cư rồi phá tường thông lại với nhau, tạo nên một không gian rộng rãi không ngờ nằm ngay trên đầu một khu phố ổ chuột. Từ cửa sổ của khu này nhìn ra thấy tất cả những kiến trúc xưa cũ nhất của thành phố đang nằm dưới tán lá xanh. Với tôi, đó là một khám phá mới về thành phố. Nhưng lúc này, tôi chưa thể dành thời gian để thưởng thức cái không gian ấy.

Thỉnh thoảng tôi tới khu tiệm may trên cao đó để đưa cô nàng thợ may nóng bỏng đến những điểm hẹn, có thể là đã rất quen thuộc của nàng. Cũng có khi chúng tôi làm tình ngay trong phòng thử đồ. Cô nàng đã biết tôi là một tên nhà văn quèn, nhưng chính điều đó lại làm cho cô nàng thêm phấn khích. Còn tôi thì thực tế vẫn không hoàn toàn quên đi hoàn cảnh của mình. Một tên nhà văn quèn đang sống trong mâu thuẫn và bế tắc. Nhưng tôi không biết phải làm thế nào. Tôi đã từ chối hợp tác với đạo diễn lừng danh, mặc dù theo lời y nói, chúng tôi xem ra là một cặp phản ứng nhanh rất hiệu quả. Nhưng tôi không thể. Tôi không thể viết một cái mà phải ăn cắp hay dựa dẫm trên rất nhiều cái của người khác. Vấn đề không phải tôi đạo đức hay ngạo mạn, mà đó là do những thói quen từ khi còn rất bé. Khi còn bé, không biết ông già nghĩ sao mà cứ hay bảo tôi: “Nếu làm nhà văn thì không nên bắt chước người khác, tuyệt đối không được ăn cắp, chẳng hay ho gì mà phải đứng trên vai của người khác”. Ông già không biết có oán thù một tay nhà văn nào đó không mà cứ lảm nhảm mãi như thế. Có lẽ cũng bởi thế mà sau này tôi theo nghề viết văn và trở thành một tên nhà văn quèn. Và, tôi cũng đã sống với nhiều thói quen khác được hình thành từ thuở bé. Chẳng hạn, cô tôi dạy giặt đồ thì phải lộn trái ra và dùng tay chà nhẹ những đường lai, chỗ nách. Sau này khi lớn lên, mỗi khi giặt đồ tôi vẫn làm y như vậy, những lúc mệt rũ vẫn lặp lại cái thói quen kỹ lưỡng như thế. Bây giờ thì không còn giặt tay nữa, nhưng tôi biết, nếu ngồi giặt đồ thì tôi vẫn phải làm như thế.        

Buồn cười thế đó. Tôi có thể lừa dối vợ để đi ngủ với gái, nhưng lại không thể viết những cái mà mình thấy không phải. Mà, nói cho cùng thì tất cả cũng chỉ là thói quen thôi.

 

T.N.T

_____________________________________________________________

 (*) (***) Tựa truyện ngắn của tác giả

 (**) Phim của đạo diễn Lý An

(****) Trong phim Tự thú của một tín đồ shopping

(*****) Đạo diễn phim người Hàn Quốc

 

 Tạp chí Non Nước số 183