Bây giờ hoặc bao giờ - những tác phẩm lớn, những đỉnh cao văn chương Việt thế kỷ XXI?

20.06.2022
Phong Lê
Có thể khẳng định: hành trình của văn chương là một cuộc đi tìm cái Chân, cái Thiện trên cơ sở cái Đẹp, và thông qua cái Đẹp. Văn chương nhằm vào mục tiêu cái Đẹp, và thông qua cái Đẹp hẳn sẽ là cơ sở bảo đảm cho các giá trị dài lâu. Vì có nhiều cách đạt đến cái Chân: báo chí, thông tin, các loại khoa học nhân văn, khoa học xã hội. Và cái Thiện: đạo đức, luân lý, giáo dục… Chỉ có văn chương là đi tìm cái Đẹp, hướng tới cái Đẹp, hoặc cái thẩm mỹ; và như vậy thì cái Đẹp đó lẽ tự nhiên là gắn với cái Chân, cái Thiện.

Bây giờ hoặc bao giờ - những tác phẩm lớn, những đỉnh cao văn chương Việt thế kỷ XXI?

Chiếc lá cuối cùng của O.Henri, Người thầy đầu tiên của T.Aimatốp, Tuyết của K.Pautôpxki, Lão Hạc và Chí Phèo của Nam Cao, Hai đứa trẻ, Tối ba mươi của Thạch Lam (tôi dẫn ra bất chợt một số truyện quen thuộc theo sự cảm nhận của bản thân, hy vọng là có sự gặp gỡ với một số độc giả; và chắc chắn là danh mục trên còn rất là dài), bên những Chiến tranh và hòa bình, Tội ác và trừng phạt, Những người khốn khổ, Sông Đông êm đềm… chính là hiện thân của cái Đẹp gắn với cái Chân và cái Thiện; là cái Đẹp với niềm tha thiết cho hạnh phúc của con người, gắn với thế giới mơ ước vốn luôn luôn là lẽ tồn tại, là ý nghĩa sống, là chất lượng sống của con người. Đưa sự khám phá vào những miền sâu của thế giới bên trong, văn chương giúp con người cảm nhận cái vô tận và sự kỳ diệu của cuộc sống.

Cảm nhận và đánh giá văn chương – câu chuyện thật dễ và cũng khó biết bao! Đôi khi vì nó mà cãi vã và xô xát – thậm chí còn là mang vạ, vì các lý do cả trong và ngoài văn chương. Và cũng không thể là chuyện của một thời. Cũng không là chuyện đoán định một lần là xong mãi mãi. Thứ “văn chơi” để “mua vui” như Truyện Kiều cho đến đầu thế kỷ XX còn bị một số nhà Nho xem là “dâm thư”, lại là thứ văn để đời. Một trong 10 bộ sách lớn được công chúng Pháp những năm 1990 yêu mến và xếp hạng trong cả hai lần trưng cầu1 là 7 tập Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust – người trọn đời dường như hoàn toàn phải cách ly với thế giới bên ngoài, khiến cho nội dung truyện rút lại chỉ là một cuộc đi tìm và đào thật sâu vào cái Tôi trong quá vãng. Bộ sách được công chúng Nga sau Cải tổ ưa thích ở vị trí số 1, xếp trước Kinh Thánh và Chiến tranh và hòa bình  Nghệ nhân và Macgarita của Bungacốp – bộ sách chỉ mới được trích in ngót một phần tư thế kỷ sau khi nhà văn qua đời năm 1941, và người đọc nó đòi hỏi phải có một trình độ văn hóa cao, và cũng không dễ đọc2.

“Văn chương là văn chương” – luận đề một thời được đề xướng bởi Hoài Thanh và Thạch Lam, bây giờ cần được nhận lại ở những mặt khả thủ của nó. Văn chương là văn chương – ai có thiên hướng tự nhiên hoặc có dũng cảm đi vào con đường đó, dẫu có lúc bị hiểu nhầm, hoặc vùi dập, rồi sẽ trở lại được vị trí của mình. Thạch Lam trong truyện ngắn và Hà Nội ba mươi sáu phố phường. Nguyễn Tuân “người đi tìm cái thật và cái đẹp” trong Vang bóng một thời và Sông Đà… Hoài Thanh người say mê Thơ mới và viết về “Một thời đại trong thi ca” trong Thi nhân Việt Nam. Quang Dũng với Tây tiến và Đôi mắt người Sơn Tây. Hoàng Cầm với Bên kia sông Đuống và Lá diêu bông. Chế Lan Viên từ Ánh sáng và phù sa đến Di cảo Thơ… Thế kỷ XX trong tận lực cho sự tồn tại của đất nước, cũng là thế kỷ chứng kiến những cuộc đi tìm mình, trang trải về mình, và đến với mình của văn chương trước các nhu cầu của Văn minh và Dân chủ, Canh tân và Cách mạng.

Cố nhiên nói văn chương là văn chương, văn chương gắn với cái Đẹp, không phải để tách văn chương ra khỏi mục tiêu vị nhân sinh, cắt rời văn chương với đời sống xã hội, với lẽ sinh tồn của con người. Bởi lẽ sống là hiện thực lớn gắn với sự hiện diện của Con người – và “Con người bẩm sinh là nghệ sĩ!”. Sự sống bao hàm cái Đẹp, và việc phát hiện cái Đẹp, hoặc nhìn sự vật theo quan niệm của cái Đẹp là sứ mệnh văn chương; sứ mệnh đó hiếm có hoạt động nào khác, lĩnh vực nào khác thay thế được. Và do sự sống là rộng lớn nên các quan niệm về văn chương gắn với mục đích sống, lý tưởng sống của nhà văn cũng là rộng rãi và đa dạng. Có văn chương gắn với sự thật trần trụi của đời, như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng. Có văn chương đi tìm sự soi rọi bên trong, qua cái Tôi, qua thế giới một người để hiểu nhiều người như Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… Có văn chương hướng con người vào một tương lai không còn bất công và lao khổ như Tố Hữu… Đạt đến chiều sâu linh diệu ở con người hoặc đạt một chiều rộng bao quát trường diện hoạt động của nhiều người, mục tiêu văn chương muốn đạt vẫn là cái Đẹp; và do vậy nó hướng tới sự thanh lọc tình cảm, kích thích một thái độ sống tích cực ở con người đối với thế giới chung quanh, với nhân quần, với đồng loại.

*

Những cuộc Cách mạng làm thay đổi hoặc lật đổ một thể chế cũ trước hết phải giải quyết một cái nền mới, một mặt bằng mới cho đời sống tinh thần con người.

Nhưng sau động tác xây dựng mặt bằng mới, phải nhanh chóng chuẩn bị cơ sở cho sự vươn lên những đỉnh cao, những kết tinh và nâng cao về nghệ thuật. Coi nhẹ yêu cầu này hoặc chỉ dừng lại ở sự thỏa mãn yêu cầu về đội ngũ, về phong trào, sẽ làm chậm sự phát triển của văn học – nghệ thuật; thậm chí kéo dài tình trạng trung bình, lạc hậu của nó, trước yêu cầu của đời sống tinh thần con người luôn luôn phát triển và trong giao lưu với thời đại. Những đỉnh cao, sự kết tinh ở trình độ cao về tư tưởng và nghệ thuật trong các tác giả, tác phẩm lớn đòi hỏi một cái nền, một mặt bằng cao hơn mức trung bình; đến lượt nó, mặt bằng này lại tìm điểm tựa ở chính những cơ sở vật chất, những nền móng chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng những liên hệ này không mang tính cơ giới, không là quyết định luận áp đặt. Bởi lẽ bên cạnh các nền tảng vật chất cần chú ý có vai trò của lịch sử tinh thần, mang tính độc lập tương đối của nó. Cái lịch sử tinh thần này thường vốn không dễ nhận, vì nó thường tiềm ẩn như một mạch ngầm xuyên thấm vào những nền tảng tâm lý, ý thức và các hoạt động phi sản xuất, phi vật chất ở con người.

Lịch sử bốn nghìn năm văn hiến và sức mạnh tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam tìm được sự biểu hiện ở những mảnh của sử thi, truyền thuyết thời các Vua Hùng, ở các áng văn thơ thời Lý Trần. Nhưng đến lúc nào, và trong những hoàn cảnh nào của lịch sử mà có sự hình thành văn thơ Nôm Quốc âm; và lịch sử văn thơ Quốc âm đi theo con đường nào để từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đến Nguyễn Du, rồi từ đỉnh cao Nguyễn Du mà trải rộng trên nhiều tên tuổi khác, sau hơn hai thế kỷ?

Như vậy, xem ra tài năng xuất hiện có vẻ như là ngẫu nhiên. Nhưng sự chuẩn bị cho tài năng lại phải là công việc có ý thức của toàn xã hội. Điều cần thiết và có thể là tiên quyết cho việc phát triển các tài năng chính là sự tự chăm lo, tự vun trồng cho các chủ thể sáng tạo; là sự giàu có, và phong phú những tư tưởng riêng – phù hợp và thúc đẩy quá trình lành mạnh hóa, nhân đạo hóa đời sống con người. B.Patxternac từng khẳng định chính yêu cầu đó sau một trải nghiệm sâu sắc của bản thân mình qua lời của một nhân vật chính trong Bác sĩ Zivagô; cũng ý kiến đó được nhấn mạnh trong bài của A.Voznesenxki – Chủ tịch Ủy ban di sản văn học B.Patxternac: “Tai họa chủ yếu, cội nguồn của cái ác trong mai sau chính là sự mất lòng tin vào giá trị của các ý kiến riêng3.

Nguyễn Minh Châu cũng từng đặt câu hỏi: “Muốn có tác phẩm lớn, nhưng liệu chúng ta có chấp nhận nổi những tính cách ngòi bút của một nghệ sĩ lớn với tầm tư tưởng lớn mà tôi nghĩ bao giờ nó cũng quá chói sáng, với những điều nói thật không phải bao giờ cũng dễ nghe, thậm chí có thể làm đảo lộn mọi quan niệm, với những nỗi dằn vặt, băn khoăn lớn chung quanh cái bề mặt nhãn tiền và tận chín tầng đất sâu của cuộc sống con người trên dải đất này”4.

Nói những đỉnh cao của văn chương nhân loại trong thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến các giải Nobel. Rõ ràng không phải tất cả các giải Nobel về văn chương nhất nhất đều hay. Hội đồng xét giải Nobel vẫn có thể nhầm. Có người được giải và tác phẩm sớm bị quên, hoặc được giải nhưng không dễ dàng được nhất trí công nhận. Có nhiều tài danh không được nhận Nobel. Lại có người từ chối không nhận giải như J.P.Sartre. Nhưng Nobel cũng nói được một chất lượng nào đó của nội dung, của nghệ thuật, của kỹ thuật văn chương. Thế kỷ XX, văn học Pháp chiếm 12 giải Nobel. Ở khu vực phương Đông, văn học Nhật Bản cũng giành được hai giải Nobel. Giải Nobel năm 1990 được trao cho Nagip Maphud, nhà văn Ai cập, được xem là vinh dự chung cho toàn khu vực, cho cả một nền văn học rộng rãi theo ngữ hệ Ả rập. Thư chúc mừng của Hội nhà văn Xuđăng viết: “Đây là phần thưởng không chỉ dành cho ngài, đây là phần thưởng cho toàn bộ nền văn học Ả rập. Đây là sự thừa nhận của châu Âu đối với vai trò của văn hóa Ả rập”. Xaiđavi, nhà văn Libăng viết: “Chúng ta không cần giải thưởng Nobel để biết về giá trị của Nagip Maphud với tư cách là nhà văn. Nhưng nó cần cho chúng ta để thế giới biết về trình độ phát triển cao của văn học Ả rập” 5. Văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Thật thuận cho những nền văn học thuộc các ngữ hệ lớn – chung cho nhiều quốc gia, hoặc có số đông người sử dụng.

Ở phương Tây cùng với sự hình thành thị trường tư bản chủ nghĩa là sự giao lưu quốc tế của các sản phẩm tinh thần. Ngay từ thời Phục hưng thế kỷ XVI – cho đến các trường phái, các trào lưu, các chủ nghĩa suốt các thế kỷ sau, văn học phương Tây luôn luôn là những phong trào sáng tác rộng lớn vượt ra khỏi các biên giới quốc gia. Những sản phẩm tinh thần của một dân tộc thành vốn chung của cả khu vực. Từ sự khai thông các biên giới mà văn học mỗi dân tộc đạt những giá trị chung, và đến lượt nó, những giá trị có ý nghĩa phổ quát lại kích thích sự vươn lên, sự tiếp cận của mỗi nền văn học dân tộc vào các giá trị nhân loại.

Ở Việt Nam, do sự phong bế và lạc hậu của chế độ phong kiến kéo dài cho đến cuối thế kỷ XIX, nên phải đến đầu thế kỷ XX, những khởi động có ý nghĩa tạo nền tảng cho nền văn hóa mới, như là sản phẩm của các mối giao lưu, cưỡng ép hoặc tự nguyện, mới có điều kiện xuất hiện. Ba mươi năm đầu thế kỷ XX đã chứng kiến một bước phát triển có ý nghĩa nhảy vọt trước yêu cầu canh tân, hiện đại hóa văn học – nghệ thuật. Sau 1945, công cuộc phục hồi và kiến tạo nền văn hóa mới có được những thành tựu lớn trên ba phương châm: dân tộc, khoa học, đại chúng, và dân tộc, hiện thực, nhân dân. Nền văn học dân tộc tiếp tục phát triển, qua nhiều chặng đường; và có nhiều thành tựu rực rỡ đóng góp cho hai cuộc kháng chiến vĩ đại; thế nhưng những hoàn cảnh khách quan và chủ quan cho sự sáng tạo văn học – nghệ thuật vẫn còn chưa hội đủ cho sự phát triển vươn lên các đỉnh cao của thời hiện đại, trong so sánh Truyện Kiều với toàn bộ di sản cổ điển

Văn học Việt Nam thế kỷ XX quả có những đóng góp thật lớn và quý giá cho cộng đồng dân tộc và văn hóa dân tộc. Nhưng cũng đã đến lúc cần tính đến những đóng góp cho nhân loại. Cần nâng tiếng nói dân tộc được kết tinh trong tiếng nói văn học ra thế giới, và đó là công việc, là trách nhiệm của các nhà văn. Tự hào dân tộc là chính đáng, nhưng thật sự xứng đáng để tự hào là khi nó có đóng góp cho nhân loại. Một phần thế giới đã đến với ta trong bốn lần kỷ niệm: Nguyễn Du (1965 và 2015), Nguyễn Trãi (1980) và Hồ Chí Minh (1990), trong đó Nguyễn Du là nhà thơ không kiêm anh hùng dân tộc. Nhưng vẻ đẹp của ngôn ngữ Truyện Kiều “thiên thu tuyệt diệu từ” khi chuyển sang một ngôn ngữ khác hẳn không thể không mất mát đi, nếu không phải là tất cả mọi giá trị ẩn chứa trong nó. Hẳn vẫn là sự thật thế giới còn chưa nhiều nơi biết đến văn học Việt Nam trong khi nhiều nền văn học khác đã trở nên quen thuộc với nhân dân ta và với nhân loại.

Tôi nói nhiều về giải Nobel văn học hôm nay vốn là câu chuyện mà ở ta và cả phe ta – tức phe xã hội chủ nghĩa, tồn tại từ sau 1945 đến 1990, ít khi được đả động. Phải đến thập niên cuối thế kỷ XX thì những giải Nobel trao cho Patxternac, Xôngiênhitxưn, Brôtxki mới trở thành niềm tự hào cho văn học Nga thế kỷ XX. Hiện tượng đó có nhiều lý do. Nhưng tôi nhớ thì đó là vấn đề, cũng là mục tiêu cho không ít người ao ước, trong đó, nếu được ghi trên giấy trắng mực đen thì cũng đã từng là mơ ước của một nhân vật của Nam Cao, có thể xem là hóa thân của Nam cao – nhà văn Hộ trong Đời thừa. Đây chỉ là mơ ước của một nhân vật, nhưng lại chính vì nó, mà tác giả, dẫu đã qua đời, từng có lúc vẫn bị giới phê bình một thời có người không quên nhắc nhở về ảnh hưởng của “quan điểm nghệ thuật tư sản”: “Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho con người gần người hơn. Như thế mới thật là một tác phẩm hay, các anh xem có hiểu không? Tôi chưa thất vọng đâu! Rồi các anh xem… Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy sẽ ăn giải Nobel và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu”.

Mọi sự vươn lên, sự khác lạ hoàn toàn không thích hợp với chủ nghĩa bình quân, với sự phân loại ngôi thứ, với những thói quen sắp xếp từ trên hoặc từ ngoài. Những khao khát vươn lên tìm cái mới, cái khác lạ là phù hợp với yêu cầu sáng tạo trong văn chương – nghệ thuật; là khát vọng thoát ra khỏi bệnh công thức, sơ lược, minh họa là các căn bệnh ta luôn luôn nhắc nhở để chống; có thế mới mong có các đỉnh cao, mới mong đi vào quỹ đạo của các giá trị dân tộc và nhân loại.

Thập niên mở đầu thế kỷ XXI đang chứng kiến một cuộc chuyển động lớn mà nền móng là những kết quả của công cuộc đổi mới, và động lực là quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội với các kết quả của giao lưu thế giới đang được mở cho đất nước, trong tư thế chủ động và tự nguyện. So với bất kỳ giai đoạn nào trước đây trong lịch sử, và trong thế kỷ XX, những tiền đề cho sự phát triển của văn học – nghệ thuật hôm nay đã là rộng thoáng, là cởi mở hơn rất nhiều. Đất nước đã có gần năm thập niên hòa bình. Công cuộc đổi mới đã diễn ra hơn bốn mươi năm. Tác phẩm nào, tác giả nào sẽ là đại diện, là tiêu biểu cho gương mặt tinh thần của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam trong 25 năm mở đầu thế kỷ XXI này? Đó vẫn là, và đang là câu hỏi lớn đặt ra với nhiều băn khoăn và hy vọng.

Nhớ lại trong và sau thập niên mở đầu thế kỷ XX cùng với Nguyễn Khuyến, Tú Xương - hai đại thụ có vai trò kết thúc vẻ vang văn học Trung đại, là những tên tuổi lớn, rất lớn các nhà Nho canh tân khai mở thời Hiện đại như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Lương Văn Can… đã tự nguyện chuyển ngôi cho Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn - một liên danh “Vĩnh - Quỳnh - Tố - Tốn” rất được truyền tụng. Tiếp nối là Tản Đà, Hoàng Ngọc Phách, Hồ Biểu Chánh, Vũ Đình Long… trong thập niên thứ hai và thứ ba, như một chuẩn bị tích cực và hiệu quả cho Mùa gặt lớn - Mùa tiền chiến 1930-1945, mùa của một Thế hệ Vàng văn chương - học thuật Việt hiện đại…

_________

1. Lần thứ nhất, năm 1990: “Mười cuốn sách Pháp hay nhất cho thế hệ những năm 2000” – được xếp số 1; và lần thứ hai, năm 1992: “Mười cuốn tiểu thuyết hay nhất trong lịch sử văn học Pháp” – xếp theo thứ tự chữ cái.

2. Theo A.Xôcôlốp: Về nền văn học Nga sau Cải tổ; Tạp chí văn học, số 3 – 1995.

3. B.Patxternac - Con người và tác phẩm; Nxb TP. Hồ Chí Minh; 1988.

4. Hãy đọc lời ai điếu…; Trang giấy trước đèn; Nxb.KHXH; 1994; tr:113 – 114.

5. Bài của Kuđêlin: Tạp chí văn học, năm 1991.

(Văn nghệ số 25+26/2022)