Hình tượng con gà trong các nền văn hóa - Đinh Thị Trang

24.02.2017

Gà là một trong những loại gia cầm gần gũi với đời sống của con người. Nó có mặt trong rất nhiều nền văn hóa từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây. Từ thời cổ đại, gà trống đã trở thành loài vật linh thiêng trong tín ngưỡng của nhiều quốc gia và nó được thờ cúng với tư cách là lễ vật. Trong văn hóa Việt Nam, con gà cũng được lưu dấu trong nhiều lĩnh vực như tín ngưỡng, phong tục, văn học... hết sức phong phú và đa dạng. Hình tượng gà biểu trưng cho nhiều ý nghĩa như tình yêu, ánh sáng, trí tuệ, phồn thực, sự hài hòa của vũ trụ, cũng như năm đức tính: “nhân, dũng, tín, võ, văn”... mà qua đó chúng ta có thể nhận ra những quan niệm, tâm thức văn hóa của mỗi dân tộc.

Hình tượng con gà trong các nền văn hóa - Đinh Thị Trang

Hình tượng gà trong một số nền văn hóa trên thế giới

Gà có rất nhiều chủng loại như gà gô, gà lôi, gà sếu, gà tây, gà ta,... chúng có ý nghĩa khác nhau ở mỗi nền văn hóa. Gà gô được nhiều nước coi là biểu tượng của tình yêu, bởi chúng là loài khôn ngoan, người thợ săn chỉ có thể bắt được chúng khi chúng đang ở trong trạng thái say sưa, nồng nhiệt của tình yêu. Người Trung Hoa cũng như người châu Âu đều cho tiếng gáy của gà gô là khó chịu, tuy vậy đôi khi họ lại cho đó là tiếng gọi của tình yêu. Vào mùa xuân, đám gà gô đen tràn đầy một niềm đam mê nồng nhiệt và mù quáng, chúng nhảy múa và ca hát mừng mùa ghép cặp, chúng vênh vang quanh các con cái và cất tiếng gáy vang dội. Theo nhà nghiên cứu Buffon, thợ săn chỉ có thể giết chúng khi chúng mộng mơ. Gà gô đen là biểu tượng của niềm đam mê hết mực vìtình yêu mà thách thức đến cả cái chết. Chính vì tình yêu như vậy nên gà gô đen đã coi thường người thợ săn đang rình để giết nó một cách dễ dàng khi nó đang đứng yên trong những cơn rung cảm. Tình yêu đó cũng tượng trưng cho nỗi sợ hãi cái hư vô, cho vị đắng của sự hư vô hóa, đi kèm theo một niềm đam mê chuyên biệt mãnh liệt đến dữ dội. Những niềm đam mê có sức giết chết cũng là niềm đam mê khiến ta sống mạnh mẽ. Sống và chết quấn lấy nhau, đó là hình ảnh con gà gô đen đang nhảy múa và gáy lên tiếng tình yêu của mình.1

Có khi, gà gô lại được coi là biểu tượng của vẻ đẹp và sự duyên dáng của người phụ nữ. Trong các tranh tượng Ấn Độ, gà gô được khắc họa để ca tụng vẻ đẹp của đôi mắt. Ở Iran, người ta ví dáng đi của con gà gô với dáng đi của một phụ nữ thanh lịch. Trong thi ca và các truyền thuyết dân gian của người Kabylie (Algérie), con gà gô là biểu tượng của vẻ đẹp và sự duyên dáng của người phụ nữ.

Nhiều nước trên thế giới lại cho rằng, những con gà gô là biểu tượng của sự cám dỗ, của quỷ dữ. Ăn thịt gà gô cũng coi như ăn thịt một thứ bùa yêu. Truyền thuyết của đạo Kitô cho rằng, gà gô là biểu tượng của sự cám dỗ và sự sa đọa, là một hóa thân của quỷ dữ. Trong một thần thoại của Hy Lạp, nó cũng bị coi là một loài chim dữ. Chuyện rằng, một người cháu của Dédale (vốn là một người thợ tài giỏi bậc nhất ở đô thành Athènes) tên là Talos, bị ông ta đem lòng thù ghét vì tài năng sáng tạo, hứa hẹn biết bao nhiêu sáng chế phát minh,… nên một bữa nọ, Dédale vờ rủ cháu đi lên bờ thành cao dạo mát, ngắm phong cảnh rồi bất ngờ đẩy cháu ngã xuống chân thành (nơi xây thành Acropole), nhưng khi Talos rơi xuống đã được nữ thần Athéna thương hại cứu vớt, được cho biến hình, ngay trong khi rơi đã trở thành gà gô. Nhưng cũng theo huyền tích này, con gà gô sau này đã thích thú khi xem đám tang chàng Icare, con trai của Dédale, bị chết do rơi từ trên cao xuống.2

Trong khi đó, con gà lôi lại được xem là biểu tượng cho sự hài hòa của vũ trụ và sự giao hòa âm dương. Con gà lôi đực và gà lôi cái đóng vai trò quan trọng trong thần thoại của các quốc gia ở Viễn Đông. Con gà lôi đực hót hay và múa đẹp là biểu tượng của sự hài hòa vũ trụ, nó báo trước sự lên ngôi của Đại Vũ, người điều khiển thế giới. Theo nhịp điệu các mùa, gà lôi biến thành rắn và ngược lại. Gà lôi là dương, rắn là âm, đó chính là nhịp điệu, sự chuyển vần của vũ trụ. Và dĩ nhiên vì thế mà đường cong của các mái chùa chính là hình ảnh của những cánh chim gà lôi đang bay.3

Tiếng gọi của gà lôi cái cũng được sử dụng trong thần thoại Shintō (Thần đạo Nhật Bản). Gà lôi cái là phái viên của Amaterasu-Ōmikami (thần Mặt trời) bên cạnh vị thần tổ chức thế giới Ame-Wakahiko, vì mải mê với những niềm vui trần thế đã cắt đứt những mối liên hệ với trời.

Mặt khác, Trang Tử (~365 - 290 TCN) là một triết gia và tác gia Đạo giáo của Trung Quốc thời Chiến Quốc đã coi con gà lôi vùng đầm lầy là biểu tượng của một cuộc sống tần tảo và đầy lo âu, nhưng nó vô cùng tự do tự tại. Ở khắp mọi nơi, con chim này được coi như hiện thân của quyền năng dương tính.

Gà tây được những thổ dân Bắc Mỹ coi như biểu tượng phồn thực. Đối với thổ dân Bắc Mỹ, đây là biểu tượng kép về sức mạnh tráng kiện và khả năng sinh sản dồi dào nơi người mẹ. Khi con gà tây trống phồng cổ lên, nó gợi sự cương lên của dương vật; mặt khác trong tất cả các gia cầm, gà tây có lẽ là loài mắn đẻ nhất. Gà mái được coi là cầu nối hai thế giới âm dương, có sứ mệnh dẫn hồn người chết. Người ta nghĩ rằng chúng có thể dẫn dắt linh hồn người chết trở về. Trong các nghi lễ thụ pháp và bói toán của bộ tộc Bantu ở vùng trung xứ Công (Nam Phi), con gà mái có vai trò sứ giả dẫn hồn người chết. Trong các nghi lễ thụ pháp của các nữ pháp sư Samam, người thụ pháp phải thực hiện một cuộc thử thách chết đi và sống lại; sau khi từ dưới huyệt đi lên, người thụ pháp ấy sẽ được chính thức công nhận, khi một đạo hữu đeo cho chị ta một con gà mái vào cổ: từ nay nữ pháp sư này sẽ dùng con “gà mồi” đó để thực hành quyền phép, vào trong rừng sâu gọi hồn các ông đồng bà cốt đã chết để dẫn về và cho họ tại vị bên cạnh những cây lớn đã cung hiến cho họ. Trong nhiều nghi lễ có tính chính là hình ảnh của những cánh chim gà lôi đang bay.3

Tiếng gọi của gà lôi cái cũng được sử dụng trong thần thoại Shintō (Thần đạo Nhật Bản). Gà lôi cái là phái viên của Amaterasu-Ōmikami (thần Mặt trời) bên cạnh vị thần tổ chức thế giới Ame-Wakahiko, vì mải mê với những niềm vui trần thế đã cắt đứt những mối liên hệ với trời.

Mặt khác, Trang Tử (~365 - 290 TCN) là một triết gia và tác gia Đạo giáo của Trung Quốc thời Chiến Quốc đã coi con gà lôi vùng đầm lầy là biểu tượng của một cuộc sống tần tảo và đầy lo âu, nhưng nó vô cùng tự do tự tại. Ở khắp mọi nơi, con chim này được coi như hiện thân của quyền năng dương tính.

Gà tây được những thổ dân Bắc Mỹ coi như biểu tượng phồn thực. Đối với thổ dân Bắc Mỹ, đây là biểu tượng kép về sức mạnh tráng kiện và khả năng sinh sản dồi dào nơi người mẹ. Khi con gà tây trống phồng cổ lên, nó gợi sự cương lên của dương vật; mặt khác trong tất cả các gia cầm, gà tây có lẽ là loài mắn đẻ nhất. Gà mái được coi là cầu nối hai thế giới âm dương, có sứ mệnh dẫn hồn người chết. Người ta nghĩ rằng chúng có thể dẫn dắt linh hồn người chết trở về. Trong các nghi lễ thụ pháp và bói toán của bộ tộc Bantu ở vùng trung xứ Công (Nam Phi), con gà mái có vai trò sứ giả dẫn hồn người chết. Trong các nghi lễ thụ pháp của các nữ pháp sư Samam, người thụ pháp phải thực hiện một cuộc thử thách chết đi và sống lại; sau khi từ dưới huyệt đi lên, người thụ pháp ấy sẽ được chính thức công nhận, khi một đạo hữu đeo cho chị ta một con gà mái vào cổ: từ nay nữ pháp sư này sẽ dùng con “gà mồi” đó để thực hành quyền phép, vào trong rừng sâu gọi hồn các ông đồng bà cốt đã chết để dẫn về và cho họ tại vị bên cạnh những cây lớn đã cung hiến cho họ. Trong nhiều nghi lễ có tính cách giống như trong đạo Orphee, con gà mái gắn kết với con chó. Ở châu Phi có tục hiến sinh gà mái để liên lạc với người đã chết, là điều có cùng một ý nghĩa biểu trưng. Nếu người ta đọc được dấu vết chân gà, sếu trên lớp tro rải quanh giường một người chết, thì có nghĩa là linh hồn người ấy cuối cùng cũng được giải thoát, đã cất cánh bay đi.4 Những người Wageias (Đông Phi) có tục lệ dùng con gà mái để đuổi các linh hồn chết trận, tránh những linh hồn đó theo người lính trở về. Khi tác chiến trở về, người chiến binh cạo trọc đầu mình. Nhưng trước khi vào làng mình, anh ta phải quấn quanh cổ một con gà mái còn sống, đầu quay lên phía trên; sau đó người ta chặt đầu con gà, nhưng chiếc đầu con gà vẫn còn dính trên cổ của nó.5 Như vậy, từ thời xa xưa, tuy mỗi dân tộc có mỗi cách khác nhau nhưng quan niệm chung thì cho rằng việc dẫn hồn người chết thuộc về con gà mái.

Trong nhiều nền văn hóa, gà trống biểu tượng cho mặt trời, mang lại ánh bình minh cho loài người, tiếng gáy của nó báo hiệu mặt trời mọc, nó còn biểu tượng cho trí tuệ, sự sáng suốt. Ở Ấn Độ, nó là mật hiệu của thần Skanda, là hiện thân của năng lượng mặt trời. Còn tại Nhật Bản, theo thần thoại Kojiki, tiếng gáy của gà trống hòa quyện cùng tiếng hát của các vị thần đã khiến nữ thần Mặt trời Amaterasu phải rời khỏi hang và đem lại ánh sáng cho nhân gian. Sự xuất hiện của nữ thần ứng với sự xuất hiện của ánh sáng. Như vậy gà trống đã giúp gọi được nữ thần mặt trời và trở thành một loài vật thiêng. Thời trung cổ, gà trống Gô-loa được người Pháp sử dụng như một biểu tượng tôn giáo, thể hiện niềm hi vọng và đức tin. Hình ảnh những con gà trống thường xuất hiện trên các tháp chuông nhà thờ, tháp canh. Ngày nay, gà trống Gô-loa trở thành biểu tượng của nước Pháp vì họ cho rằng nó là loài luôn có sự cảnh giác, lòng dũng cảm và đem lại tương lai tươi sáng.

Hình tượng con gà trong văn hóa Việt

Ở Việt Nam, gà cũng có nhiều loại và để lại nhiều dấu tích trong nền văn hóa nông nghiệp. Hình ảnh của gà được lưu lại trên trống đồng Đông Sơn, trong nhiều thần thoại, truyền thuyết như Sơn Tinh, Thủy Tinh, Hoa mào gà, Tấm Cám..., trong tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ cúng tổ tiên; trên những bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống,... hay trong lời ăn tiếng nói hàng ngày như ca dao, tục ngữ.

Trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh, gà là một trong những lễ vật cầu thân “gà chín cựa”, đại diện cho mơ ước sinh sôi của cư dân lúa nước. Hình tượng gà xuất hiện trong truyện cổ tích lại là một nhân vật phù trợ, đem lại may mắn cho con người.

Trong tín ngưỡng thờ cúng của người Việt, con gà trống đóng vai trò quan trọng, là vật phẩm chủ yếu dâng cúng thần linh, tổ tiên trong ngày Tết hay giỗ chạp. Mỗi năm Tết đến, xuân về, trên mâm cỗ cúng ông bà trong đêm giao thừa, con gà trống được đặt trên mâm xôi dâng cúng. Gà cúng trong đêm giao thừa phải là gà trống hoa, mới le te gáy với ý nghĩa khỏe mạnh, tinh khiết. Dân ta quan niệm, đêm giao thừa là đêm trừ tịch, là đêm trời tối nhất trong năm. Vì vậy người ta dâng cúng gà trống với ý nghĩa gọi ánh bình minh để có ánh sáng đầy đủ cả năm. Từ đó cho thấy tục cúng gà cũng gắn liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nghề nông trồng lúa nước.

Dân ta còn lấy cặp giò gà cúng giao thừa để bói tương lai hưng thịnh trong một năm. Đây là một trong những phương pháp bói cổ xưa và khá phổ biến. Trong tác phẩm Lục súc tranh công, truyện Nôm khuyết danh của Việt Nam, sáu con vật nuôi trong nhà gồm: trâu, chó, ngựa, dê, gà và lợn tranh nhau công trạng của mình, người chủ phải can thiệp vào, dàn hòa mới yên. Trong đó cũng có nhắc đến việc bói chân gà. Khi bị loài dê chê bai, loài gà cũng khẳng định lợi ích trong việc đoán định tương lai so với loài vật khác:

Coi giò gà xét biết thịnh suy,

Dóng canh khuya vui dạ kẻ tiêu y.

Cất tiếng gáy, toại lòng người đãi đán,

Cứ mấy điều mà đoán.

Đã tỏ việc phải chăng?6

Thuật bói chân gà được truyền từ lâu đời, dựa trên lý thuyết Âm dương Ngũ hành. Người Việt có hẳn mấy bài phú về bói giò gà để xem việc “cát, hung” trong một năm. Khi luộc gà cúng, người ta chỉ nhúng chân gà vào nước sôi trong khoảng thời gian ngắn, rồi lấy ra để tránh bị trầy không xem được. Hiện nay, ở vùng nông thôn tục xem bói chân gà vẫn tồn tại, là một nét tâm linh đặc sắc của người dân.

Ở một số tộc người như Mông, Tày lại bói gà bằng cách đặt con gà trống cúng trước bàn thờ, cắt tiết, thả ra xem lúc giãy chết đầu gà sẽ quay về hướng nào để đoán định công việc làm ăn trong năm ấy được hay mất. Nếu lúc giãy chết đầu gà quay về nơi thờ ma nhà hoặc buồng chủ nhà thì năm đó gia đình sẽ làm ăn phát đạt. Nếu đầu gà quay ra cửa thì năm đó làm ăn khó khăn, hao tiền tốn của. Họ sẽ bắt con gà khác cúng lại, nếu vẫn như thế thì phải mời thầy cúng về hóa giải... Như vậy, người Mông, người Tày đã sử dụng hình ảnh con gà như là một biểu tượng của sự bói toán trong tín ngưỡng dân gian từ xa xưa.

Hình tượng gà còn xuất hiện trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Trước điện thờ tiên thánh, con gà được đứng ở vị trí trang trọng. Nó như một cầu nối tâm linh giữa con người với các bậc thiên thần, thánh mẫu, được nhân dân gửi gắm những ước vọng trong đời sống hàng ngày đến thần thánh.

Hình ảnh gà còn đi vào đời sống nhân dân ta qua những bức tranh thờ ngày Tết. Trong tâm thức người dân Việt, tranh gà lợn vừa gần gũi, vừa có ý nghĩa. Hình ảnh chú lợn ủn ỉn, con gà cục tác là những nét chấm phá về một làng quê Việt Nam bình yên, với những triết lý sống nhân bản, gần gũi với thiên nhiên. Ở Việt Nam, có rất nhiều làng làm tranh thờ nổi tiếng như làng tranh Đông Hồ, làng Sình, Hàng Trống và Kim Hoàng... Thời trước, loại tranh thờ này rất thịnh hành bởi nó mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Trong tiếng Hán, đại kê (gà trống) gần âm với chữ đại cát. Cho nên, ngày Tết, ngoài việc mua tranh con gà về chưng thì đó còn là món quà quý để biếu tặng. Những câu đối được sử dụng trong tranh gà thay cho lời chúc an lành mà người ta gửi đến nhau trong ngày xuân. Người ta treo tranh gà ngoài ý nghĩa trang trí, còn quan niệm là để trừ tà, có lẽ vì con gà gáy sáng, có khả năng xua đuổi bóng tối và tà ma, mang lại ánh sáng, bình an, tin tưởng, sức khỏe, dương khí cho con người. Do đó tranh gà thường kèm theo phụ đề như thần kê (gà thần) với chữ “thần kê” viết theo lối chữ thảo (chữ Hán) như một loại bùa chú có tác dụng trừ tà; hay đại cát (vui lớn), vinh hoa (tranh “bé trai ôm gà trống)... Bên cạnh hình ảnh gà trống, còn có tranh trống mái (gà trống và gà mái), gà thư hùng (hai con gà đá nhau), đàn gà (nhiều con gà), trống mái và đàn con (gà trống, gà mái và đàn gà con),… với hảo ý chúc tụng cho gia đình đông đủ, hòa thuận, ấm no, đủ đầy trong năm mới.

Con gà trong văn hóa Việt còn gắn với một thú chơi rất phổ biến là chơi chọi gà (còn gọi là đá gà). Trò chơi này được cho là xuất hiện từ thời nhà Lý. Ngày xưa cứ tới những ngày nông nhàn hoặc là dịp lễ Tết, vùng quê nào cũng có vài hội chơi chọi gà. Trò chơi này vừa mang ý nghĩa tiêu khiển vừa nuôi dưỡng tinh thần thượng võ. Chúng còn góp phần nâng cao tinh thần cộng đồng và gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Hình ảnh con gà cũng xuất hiện rất nhiều trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của dân ta, in đậm trong văn hóa, trong kho tàng ca dao, tục ngữ vì tướng mạo quân tử:

Chân đạp miền thanh địa

Đầu đội mũ bình thiên

Mình mặc áo mã tiên

Ban ngày đôi ba vợ

Tối một mình nằm riêng.

Ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về gà, dùng con gà để hàm ý cho việc khác rất nhiều. Nói về tật đố kỵ nhỏ nhen do ham danh lợi có “Con gà tức nhau tiếng gáy", "Gà chết vì tiếng gáy”... Hoặc người ta dùng hình ảnh con gà để khuyên răn sự đoàn kết, tương trợ như “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”... Đôi khi con gà lại mang đến những ý tưởng hài hước, hóm hỉnh về con người như một nụ cười ý nhị của dân gian:

Gà già khéo ướp lại tơ

Nạ dòng trang điểm gái tơ mất chồng.

- Trai thấy gái lạ như quạ thấy gà con.

Gà béo thì bán bên Ngô, gà khô thì bán láng giềng.

Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng…

Trong văn học, hình ảnh gà trống cánh lông sặc sỡ, dáng dấp oai dũng còn tượng trưng năm đức tính: mào đỏ giống mũ cánh chuồn là văn; cựa sắc nhọn như gươm là võ; đấu đá không sợ địch là dũng; gáy đúng giờ là tín; cứu giúp người là nhân. Theo tác phẩm Lục súc tranh công thì đức nhân, dũng, tín, võ, văn của gà được giải thích như sau:

Này này! Gà ngũ đức thẳm sâu:

Nhân, dũng, tín, võ, văn, gồm đủ.

Trên đầu đội văn quan một mũ,

Dưới chân đeo hai cựa thần thương.

Đã ghe phen đến chốn chiến trường,

Lập công trận vang tai, lói óc.

Thủa Tây Lũng tam canh trống thúc,

Gà gáy đầu ba tiếng đêm khuya.

Một tiếng rằng: thiên nhật tác thì,

Hai tiếng rằng: quốc tộ tác xương.

Ba tiếng rằng: nhân gian tác lạc,

Lại khuyên người Tấn sĩ năm canh,

Hễ ai toan cải dữ về lành.

Gà cũng biết tỉnh mê giấc điệp,

Nhẫn đến chuyện Chu gia bá nghiệp.7

Thay lời kết

Hình ảnh con gà được ghi dấu ở rất nhiều nơi, trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. Mỗi dân tộc lại có quan niệm khác nhau về loài vật này, nhưng chung quy lại thì loài gà mang lại những điều tốt đẹp cho con người, thể hiện những quan niệm, tín ngưỡng của người dân. Với người Việt, con gà thường trực trong phong cảnh nông thôn, từ vườn rộng rào thưa, đến ngã ba sông nước bốn bề, sớm trưa, chiều tối; con gà thân thuộc từ trong cuộc sống, đến bàn thờ ông bà ngày giỗ, ngày tết, trong tín ngưỡng thờ Mẫu, bói toán, có mặt trong ca dao, tục ngữ, trong trò chơi dân gian, tranh chữ ngày xuân,... Hình tượng gà đã đi vào trong lời ăn tiếng nói của người Việt một cách bình dị mà sâu sắc, đại diện cho tình đoàn kết, tương trợ, mang lại ánh sáng, trí tuệ, niềm hạnh phúc, đoàn tụ cho con người. Hình ảnh dân gian qua hình tượng con gà được truyền lại qua các thế hệ vô cùng ý nghĩa, nó chuyển tải những quan niệm, những cái nhìn về thế sự, mang nhiều giá trị văn hóa dân tộc.

Đ.T.T

CHÚ THÍCH

1, 2, 3, 4 Jean Chevalier - Alain Gheerbant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2002), 340, 340, 340, 341.

5 James George Frazer, Cành vàng, (Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 2007), 353.

6, 7 Vô Danh Thị, Lục súc tranh công, Ưu Thiên Bùi Kỷ hiệu đính, (Sài Gòn: Tân Việt, 1956), 30, 29-30.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Jean Chevalier - Alain Gheerbant. 2002. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. Đà Nẵng: Đà Nẵng.

2. James George Frazer. 2007. Cành vàng. Hà Nội: Văn hóa Thông tin.

3. Vô Danh Thị. 1956. Lục súc tranh công. (Ưu Thiên Bùi Kỷ hiệu đính). Sài Gòn: Tân Việt.