Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình : Lặng lẽ song hành cùng thiếu nhi
Viết văn khá sớm, từ thời học phổ thông, Nguyễn Thị Thanh Bình tếu táo, rằng thấy người ta "ăn khoai cũng vác mai đi đào" thôi, dân kế toán biết gì thơ phú văn chương đâu. Nhưng lạ, chị đào chỗ nào trúng chỗ ấy, sắc bén...
1.Văn chương, rộng hơn là nghệ thuật có thực tế là, "tên" của một số tác giả "lớn hơn" tác phẩm và đóng góp của họ. Nhiều người nhắc đến tên ai cũng biết, nhưng lúc cần, tìm tác phẩm gắn với tên ấy thì chịu, cứ mờ mờ ảo ảo lẩn khuất ở đâu đấy, xác với hồn chẳng ăn nhập vào nhau…
Ngược lại, có tác giả đáng lẽ phải được nhìn nhận, được "gọi tên" nhiều hơn thì mải lang thang ở nơi xa vắng, khuất lấp trong các cuộc "tập hợp, điểm danh" ở những bài viết có tính khái quát, tổng kết hay điểm mặt đội hình đội ngũ. Nguyễn Thị Thanh Bình, tôi cho rằng, so với thế hệ giao thời cầm bút chuyển sang bàn phím của mình, là một trong số không nhiều người viết rơi vào hố - đen - thiệt - thòi ấy.
Bắt đầu từ một số giải thưởng văn chương dành cho lứa tuổi hoa của báo Hoa Học Trò và Tiền Phong. Được đà, Nguyễn Thị Thanh Bình 2 lần giành giải thưởng Văn học thiếu nhi "Vì tương lai đất nước" (1996 và 2003) và giải thưởng Cuộc vận động sáng tác "Văn học tuổi 20" lần II (2000), khi đang ngồi trên ghế giảng đường đại học hoặc rời đi chưa lâu.
Chị vào giải cùng với những nhà văn thế hệ đi trước, có người là gạo cội, như Ngô Văn Phú, Trần Thùy Mai, Hà Nguyên Huyến, Trần Huyền Ân, Trần Quốc Toàn, Thu Trân… và cùng các bạn văn thế hệ của mình, như Nguyễn Ngọc Thuần, Vũ Đình Giang, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư, v.v… Nhưng rồi chẳng hiểu sao cái tên Nguyễn Thị Thanh Bình cứ trôi tuột đi trong làng văn. Cứ như thể Nguyễn Thị Thanh Bình là vậy, Thanh Bình nép mình lẳng lặng sau trang viết. Mặc tất cả những gì xung quanh.
Là chị cả trong gia đình có bố mẹ quanh năm suốt tháng xa nhà đi công trình, bám trụ các công trường lớn khắp đất nước, từ nhỏ Nguyễn Thị Thanh Bình đã được gửi về quê ở với ông bà nơi đồng bằng chiêm trũng Hà Nam. Tuổi thơ chị lăn lộn cùng đồng ruộng, quen rạ rơm châu chấu cào cào, làm việc và chơi đủ trò của trẻ con nông thôn. Lớn chút thì ở khu tập thể xí nghiệp với bố mẹ ở Đà Nẵng.2.Tôi thích cách nghĩ của nhà văn Nguyễn Bình Phương, rằng: "Xét cho cùng, bản chất văn học là ký ức chứ không phải là đoán định tương lai. Nói cách khác, văn học là cái còn đọng lại trong con mắt nhắm". Nếu lấy nhận định trên làm hệ quy chiếu thì Nguyễn Thị Thanh Bình là người thâm canh ký ức khá kĩ lưỡng và mát tay. Dường như chị không bỏ sót mảnh vụn ký ức nào.
Mỗi dịp hè lại được theo bố mẹ đi công trường, hết nhà máy xi măng Bỉm Sơn đến thủy điện Yaly rồi thủy điện Trị An. Đọc các sáng tác viết cho thiếu nhi của Nguyễn Thị Thanh Bình, thấy rất rõ từng dấu chân chị đã đi qua hằn lên thành tuổi thơ trong trẻo. Cảm tưởng chị vô cùng dễ dàng trong việc múc từng gàu ký ức ăm ắp hồn nhiên, sinh động và đẹp đẽ để đổ lên trang giấy.
Là người viết, cũng lớn lên với chân lấm tay bùn, nhiều khi tôi phát ghen với cách Nguyễn Thị Thanh Bình mang tuổi thơ vào trang văn. Những chi tiết, những trò chơi, những cảnh sinh hoạt của trẻ con tôi đã trải qua, vẫn đang nằm đâu đó trong đầu, thế mà chị nhanh tay khai quật phơi chúng thành chữ rất ngọt.
Thứ ký ức ấy từng được nhà lý luận phê bình Huỳnh Như Phương đánh giá cao ở truyện dài "Quê ngoại" - Giải B Cuộc thi Văn học thiếu nhi "Vì tương lai đất nước" lần III: "Vẻ đẹp, sự tinh nghịch và chút bâng khuâng có lẽ là những gì đã tạo nên sức hấp dẫn của "Quê ngoại". Hòa trong mạch chảy của văn xuôi truyền thống, ngòi bút tươi trẻ của Nguyễn Thị Thanh Bình đã thể hiện không chỉ chất thơ của thiên nhiên mà cả chất ngọc của hồn người được nuôi dưỡng trong bầu khí văn hóa làng quê".
Với tôi, nhận định này không chỉ đúng với "Quê ngoại" mà còn đúng với hầu hết các sáng tác của Nguyễn Thị Thanh Bình, ở "Bạn thành phố", "Vĩnh biệt tiểu thư", "Hành trình về phía mặt trời", "Từng đôi mắt sáng", "Mưa đầu mùa".
3. Mạch văn đang lên, bỗng nhiên độc giả chẳng thấy Nguyễn Thị Thanh Bình đâu nữa. Chị lặn một hơi dài đến 9 năm mới trở lại với tập truyện "Quà sinh nhật". Có lẽ 9 năm vắng bóng khiến cái tên Nguyễn Thị Thanh Bình bị trôi tuột đi chăng, để bạn viết cùng thời "qua mặt"?
Nhưng chị ngưng xuất hiện chứ không phải ngưng viết. Quãng thời gian im hơi lặng tiếng được nén lại để sau này bật ra, một năm hai, ba đầu sách, lần lượt là "Anh đã đợi em, từng ngày" rồi "Ngày tựu trường đặc biệt", "Hoa nắng xôn xao", "Bàn tay và nụ hôn", "Đoàn xe bọ xít". Bên cạnh sách mới là sách cũ tái bản. Sự trở lại của chị khiến đồng nghiệp viết và người đọc chóng mặt.
Có bạn văn nói, Nguyễn Thị Thanh Bình viết khỏe nhưng không đột sáng bật lên được nữa, cứ thanh bình đều đều vậy thôi. Tôi nghĩ khác, ngay từ đầu Nguyễn Thị Thanh Bình đã chững chạc định hình giọng văn ổn định rồi. Với nhiều người, đường văn là đi từ chập chững đến sạch nước cản rồi hay dần lên, nhưng Nguyễn Thị Thanh Bình xuất hiện là đã "ra dáng" ngay, với cái duyên trong câu chữ, tếu táo nhẹ nhàng vui, mạch truyện linh hoạt, câu chữ thông minh. Có vẻ Nguyễn Thị Thanh Bình đã đạt đỉnh của chính mình, các sáng tác của chị không đi lên nữa mà là… đi ngang.
Hình như Nguyễn Thị Thanh Bình viết rất dễ. Chị xắn mọi mảng miếng mắt thấy tai nghe và đầu nhớ lên giấy. Chẳng cần chút cố gắng nào. Hỏi thì được chị lý giải: Viết với chị là cách giải trí tốt nhất mà cho đến tận bây giờ chị vẫn chưa bỏ được. Vậy nên chuyện mật độ ra sách dày là không có gì bất thường. Hoặc giả chị thưa ra sách cũng chẳng việc gì phải sốt ruột, vì chắc chắn bản thảo đang được chị ủ trong máy tính cá nhân.
Bìa sách “Ngày tựu trường đặc biệt” của nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình.
Trò chuyện với chị, dễ cảm được rằng, người làm nghề kế toán viết văn này là chỗ tin cậy để chia sẻ nhiều chuyện. Khi đủ thân, sẽ nhận ra Nguyễn Thị Thanh Bình thuộc tuýp "cái miệng đi trước cái thân". Chị bô bô. Đùng đoàng. Quyết liệt. Và rốt ráo. Khí chất của người làm chồng chứ không phải làm vợ. Nhưng sau tất cả lại là người của gia đình, của vun vén và lo toan.4. Tôi biết Nguyễn Thị Thanh Bình từ hồi sinh viên, qua các truyện ngắn in trên tập san văn chương "Áo Trắng". Sau nhờ mạng xã hội facebook mà chị em kết nối được với nhau. Rồi lâu thật lâu sau mới gặp chị và hai cậu con trai. Ba mẹ con như hình với bóng. Nhiều khi tôi nghĩ, không biết chị đưa hai cậu con trai đi cùng hay hai nhóc con dẫn mẹ đi. Đến đâu chỉ việc gọi nước, xong thả hai cu cậu tự đọc sách, mẹ tám chuyện với bạn của mẹ.
Lớn lên từ lấm lem bùn đất, quen tự lập từ nhỏ nên chị có cái nhìn thấu đáo với mọi chuyện. Có trước có sau. Có trên có dưới. Chị không khéo léo kiểu thảo mai được. Đúng kiểu nhà thơ Phùng Quán: "Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu".
Tuổi thơ phải sống xa bố mẹ, thiếu thốn tình cảm, ít nhiều ảnh hưởng đến tính cách Nguyễn Thị Thanh Bình. Nên giờ chị dành tình cảm cho con nhiều hơn. Nhiều hơn nhưng không đồng nghĩa với nuông chiều. Tình thương rõ ràng và đầy nguyên tắc. Chị sáng tác cho thiếu nhi nhiều, có lẽ phần nào cũng là từ đây, khởi đi từ việc muốn viết cho con, rồi tranh thủ cùng con tận hưởng lại mùa thiếu nhi mà mình đã bước qua.
5. Văn học thiếu nhi, trước đến giờ, dù không ai nói ra thành lời, nhưng vẫn ngấm ngầm bị xem là chiếu dưới, là mua vui cho con trẻ "một vài trống canh". Qua rồi các thế hệ viết cả đời gắn bó với thiếu nhi, không thì cũng hết mình cho thiếu nhi, như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Giỏi, Võ Quảng, Phạm Hổ, Định Hải, Thy Ngọc, Trần Hoài Dương, gần hơn là Nguyễn Nhật Ánh, Cao Xuân Sơn, Trần Đức Tiến, Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Quốc Toàn, Nguyễn Thị Bích Nga, Nguyên Hương.
Nhà văn trẻ giờ viết cho thiếu nhi sao mà ít. Có chăng lác đác viết kiểu lấn sân vài đầu sách rồi lại nghiêm ngắn trở về với người lớn. Nguyễn Thị Thanh Bình là một trong không nhiều tác giả viết cho thiếu nhi nhiều và đều tay. Điều ấy quả thật đáng quý.
Tôi may mắn hay được chị "bỏ bom" bản thảo qua, nói đọc đi và chê tưng bừng vào. Lắm khi tôi hoảng. Vì mật độ "bỏ bom" khá dày. Hoảng xong thì mừng, vì tôi biết, như vậy là Nguyễn Thị Thanh Bình, dù ngày ngày vẫn đau đầu cùng những con số của công việc, vẫn lặng lẽ bước song hành cùng thiếu nhi, những bước đi đầy tin cậy, gần gũi và ấm áp.
Văn Thành Lê(vnca.cand.com.vn)