Hoa trái miền nhiệt đới trong thơ Lưu Quang Vũ - Trần Thị Ánh Tuyết
Trong thơ ông, những hình ảnh của một đất nước nhiệt đới gió mùa rất đậm nét. Trong thơ Lưu Quang Vũ, có lẽ đa dạng nhất là hoa và cây trái nhiệt đới căng tràn “mập nhựa sinh sôi”. Những khung cảnh thiên nhiên, cây cỏ, loài hoa hồi ức gắn liền với tình yêu, với quê hương, nguồn cội: hoa tầm xuân, hoa cẩm chướng, hoa phượng, hoa cúc, mùa xoài chín, quả dưa hấu đỏ... cất giấu những gì sâu kín nhất mà Vũ cảm được từ trong vững bền mà mong manh của cuộc sống. Mặc dù, những vở kịch giàu tính chính luận mang lại tên tuổi cho Lưu Quang Vũ nhưng thơ mới là phần sâu thẳm nhất thể hiện tâm hồn mê đắm, u buồn của ông.
1. Những sắc hoa mê đắm
Trong thơ Lưu Quang Vũ, người đọc nhận thấy một tâm hồn say đắm thiên nhiên, thể hiện tình yêu với những sinh mệnh mong manh - thế giới thiên niên đầy hương sắc, cây cối, hoa trái, côn trùng muôn loại: con ong (Bầy ong trong đêm sâu), con côn trùng nhỏ bé (Nhựa xoài dính cánh ve nhấp nhánh/ Con châu chấu xanh gầy, con cà cộ mình hoa)... Thế giới thiên nhiên cỏ hoa kì diệu đầy hương thơm, thanh sắc, âm thanh rộn rã. Chúng tôi thống kê có đến khoảng 20 loài hoa. Cảm giác hoa trên đất nước Việt Nam đều tụ hội về khoe sắc trong thơ Vũ: Hoa sấu rụng ngoài hiên/ Gạo đơm quả trên cao/ Phượng thay dần áo mới (Chiều); Hoa móng rồng thơm ngát/ Lá xương xông mọc quanh vại nước.../ Dây trầu không quấn quít hàng cau/ Đất rụng vàng hoa ngâu... (Đất nước đàn bầu); Đò anh đi vẫn mùa sen thắm/ Xuôi dòng về ngã ba sông (Qua sông Thương); Những cánh đồng hoa cúc mọc rưng rưng (Hoa vàng ở lại); Nồm nam thổi, khắp đồng bông gạo trắng (Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi); Con đường này xưa có tầm xuân nở/ Dòng sông cũ cánh buồm giăng trắng xóa/ Nay cạn khô trong cỏ dại u buồn (Hoa tầm xuân); Bao giờ cẩm chướng nở hoa/ Quả dâu da chín ngọt (Hoa cẩm chướng trong mưa); Dành cho em hoa của những khu vườn/ Hoa huệ trắng, hoa hồng thơm ngào ngạt/ Mọi sắc hương của mùa hè ngây ngất/ Anh muốn mang phủ ngập cả mình em (Dành cho em); Em ơi xuân lại trở về/ Cành mận đầu vườn trắng muốt (Hai bài thơ xuân); Tôi cũng có tuổi thơ - hoa mào gà đỏ thắm/ mười lăm năm màu đỏ dễ gì quên (Tuổi thơ); Hoa lau cỏ lạ rừng chiều/ ngàn lau rụng trắng (Những đứa trẻ buồn); Ta ngước nhìn lên:/ hoa mướp vàng/ rung rinh như những quả chuông con (Thu); Thoảng mùi hoa thiên lí của nhà ai (Đêm hành quân); Ở nơi ấy có một đồi mua tím.../ Ngọn gió chiều, hoa sở trắng như mưa.../ Con tu hú dưới lùm hoa chuối đỏ (Nơi ấy); Những sắc hoa trong thơ Vũ rất giàu tính tạo hình như những bức tranh tĩnh vật: Gạo đỏ bờ sông những đền miếu phố phường (Sông Hồng); Phố của ta/ Những cây táo nở hoa... /Ti-gôn hoa nhỏ/ Rụng đầy trước hiên (Phố ta)... Cùng với đó là những sắc màu kì diệu: hoa mướp vàng, hoa lau trắng, hoa gạo đỏ, hoa cúc vàng, hoa mào gà đỏ thắm, mận đầu cành trắng muốt... vừa thực vừa mộng ảo tạo nên bức tranh thiên nhiên, bức tranh đời sống giàu hình ảnh. Trong sự gần gũi với hoa lá, loài vật, cây cối... tâm hồn trở nên hiền hoà, an lạc, thư thái. Tâm hồn được tưới tắm bởi một thế giới sắc hương lung linh, tươi tắn, dịu dàng và mê say.
Thế giới thiên nhiên chính là hiện thân của vẻ đẹp quê hương. Niềm yêu quý mảnh đất, nơi ông bà, bố mẹ và cả mình sinh ra, chính là dấu hiệu đầu tiên của của tình yêu quê hương xứ sở. Con người gắn bó với đất đai không chỉ vì nó đem lại những tiện ích vật chất, mà còn là nơi gìn giữ những giá trị trong đời sống tinh thần, trở thành vùng tâm tưởng: Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm/ Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về/ Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm/ Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre (Tiếng Việt); Chúng ta đã bỏ làng ra đi/ cánh đồng quê/ hoa dại mọc/ thân ngựa đá bên cầu rêu xám/ dây bìm bìm leo kín/ cỏ hoang che vết chân người (Tìm về). Trở về với tự nhiên chất phác, với giấc mơ thời thơ bé, với nguồn cội nguyên sơ là niềm hoài niệm không nguôi về làng quê, nơi gìn giữ những kỉ niệm ấu thơ và một nền văn hóa cổ xưa mang nhiều giá trị tinh thần.
2. Cây trái “tròn căng mập nhựa sinh sôi”
Thơ Lưu Quang Vũ xuất hiện rất nhiều trái ngọt, và những cây trái sum suê ấy là những bức tranh thiên nhiên, bức tranh sinh hoạt đời sống giàu hương sắc: Trái dưa vàng thơm ngọt đến ngây thơ/ Trái dưa vàng đơn giản thế thôi ư/ Như hạnh phúc, tình yêu, như cuộc sống (Quả dưa vàng); Vỏ quế cay dần hương nhựa mới/ Quả bứa trên cành ngơ ngác chua (Mùa xuân lên núi); Quả rau rừng trong nón để phần nhau (Nơi ấy); Trái sung non thì chát/ Quả dọc già thì chua/ Tuổi thơ buồn như một mảnh vườn hoang/ Nơi ấp ủ con dế mèn cô độc/ Em đến cùng tôi như chùm vải đầu mùa... (Đất nước đàn bầu); Vải đã hết, tu hú còn gọi mãi/ Dành cho em, nỗi nhớ của mùa hè (Dành cho em); có khi gắn với nỗi chán chường tuyệt vọng: Mùa vải thiều đã hết/ Mùa nhãn còn chưa sang (...)/ Những trái dâu da trên thềm không ai nhặt/ Như những đứa trẻ bị bỏ rơi lăn lóc (Mấy đoạn thơ) hoặc chia sẻ cùng những lo toan thường nhật hằng ngày: Chợ Hôm bán nhiều xu hào cải bắp/ Ta mua những trái cam vàng/ Mặt em sáng trong gương tròn lấp lánh (Em I); Tâm hồn trẻ trung yêu đời của chàng chiến sĩ trẻ với mùi dứa chín thơm: Ong chấp chới bay, đây đương mùa dứa/ Đò ngược xuôi chở trái chín vàng/ Thơm ngát mật hương mùa hạ/ Thôn xóm đôi bờ xanh biếc quá (Qua sông Thương)... Những cảm xúc hồn nhiên, nhạy cảm, trực giác gắn với một sự vật, dù là quả xoài, quả sấu non, trái dâu da, quả sim tím, quả bứa chua... cũng được hiện lên qua sự thể nghiệm của giác quan và được liên tưởng với mọi màu sắc, hương vị trực tiếp. Khi thưởng thức cây trái, chia sẻ những ngọt lành mà tạo hóa ban tặng tình yêu trở nên thăng hoa, bay bổng cùng vẻ đẹp của tạo hóa bởi thiên nhiên đã nuôi dưỡng, gìn giữ phần lãng mạn tốt đẹp của tình yêu con người và cuộc sống.
Đặc biệt, trong thơ Lưu Quang Vũ, ông mô tả việc “ăn” những trái cây nhiệt đới mát lành bằng ngôn từ giàu sức sống. Cảm giác sinh sôi của thiên nhiên cùng chia sẻ với những tình nhân niềm ân ái hân hoan, ăn trái ngọt cùng nhau như thưởng thức tình yêu bằng mọi giác quan: quả dưa hấu, quả dưa vàng, mùa xoài chín...
Chúng ta ăn một quả dưa vàng
Vào lúc bốn giờ chiều, mùa hạ nắng
Nở bàng hoàng hoa tím khắp
đường đi.
Trong xưởng họa ngổn ngang dao
và bút đầy sơn
Chúng ta ăn quả dưa tròn chín rực
Em đánh đổ một ống màu xuống đất
Trái dưa thơm nứt vỡ nước chảy ròng.
(Quả dưa vàng)
Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài
Em cũng ngọt lành như trái cây
mùa hạ.
(Vườn trong phố)
Áo em đen, mùa xoài chín ngọt ngào
Vai em mắt em lẫn vào mắt lá
Xoài rực rỡ trên bàn tay bé nhỏ
Nhớ hàm răng cắn trái xoài vàng
Môi mát thơm vị ngọt đến bàng hoàng
Em chẳng nói, nhưng lòng tôi nhớ mãi.
(Mùa xoài chín)
Vẻ đẹp thực vật hòa lẫn cùng cảm xúc ào ạt, dào dạt của những tình cảm sôi nổi trẻ trung tạo nên cái sinh sôi nảy nở, dạt dào, mê đắm.
Những người con gái đi qua đời Lưu Quang Vũ luôn gắn liền với vẻ đẹp hồn hậu, rực rỡ của thiên nhiên: em - con ong (Con ong xanh có đôi mắt đen/ Con ong trắng là con ong thương nhớ/ Con ong đỏ chính niềm tin ấp ủ/ Còn hạnh phúc cuối cùng là khúc hát chú ong nâu); em - hoa cúc (Biết ơn em, em từ miền gió cát/ Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng),... qua sự liên tưởng, mối tương quan giữa ý và cảnh, giữa tâm trạng và thực tại được tạo thành, làm nên ý thơ giàu mê đắm và nhiều mộng ảo. Nhiều câu thơ đạt tới sự vi tế, cảm giác và giàu tưởng tượng, liên tưởng rất mộng mơ:
Nơi lá chuối che nghiêng như một
cánh buồm
Cánh buồm xanh đi về trong
hạnh phúc
Se sẽ chứ không cánh buồm bay mất
Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi.
(Vườn trong phố)
Em - cánh buồm xanh hạnh phúc dưới tán lá chuối rợn ngời trong vườn nhà đầy kỉ niệm, nhờ quy luật liên tưởng mà ý thơ hiện lên thật thơ mộng, quấn quýt yêu thương mà tinh tế vô ngần. Tình yêu thơ mộng hòa lẫn với hình ảnh của thiên nhiên, một thế giới đầy hương sắc xung quanh tình yêu ấy.
Kate Rigby khẳng định vai trò của nhà văn đối với tự nhiên: “khi thế giới của chúng ta đang dần trở nên nghèo nàn hơn bao giờ hết, bị máy móc hóa theo công nghệ hơn bao giờ hết, thì cũng là lúc chúng ta rất cần những nhà văn, những người nghệ sĩ - những người có năng lực hướng chúng ta tới cái Đẹp, tới việc nhận ra sự mong manh tiềm ẩn của Trái đất, hòa giải “những tiếng nói” của những kẻ Khác phi nhân” - những kẻ mà chúng ta gần như chẳng bao giờ có thể hiểu được sự tồn tại và ý nghĩa của chúng một cách đầy đủ, và đôi khi vẫn mời gọi chúng ta tham gia vào bản đồng ca lạ thường của chúng”(1). Vậy nên, đọc những vần thơ xanh mát của một xứ sở nhiệt đới gió mùa trong thơ Lưu Quang Vũ cũng là giúp chúng ta hướng đến cái đẹp, bằng cách đó khơi dậy trở lại niềm yêu với cây cỏ để gìn giữ, yêu thương và che chở cho thế giới tự nhiên.
T.T.A.N
(Tạp chí Non Nước số 265)