Giữa truyền thống và hiện đại - Đỗ Thanh Tân

14.05.2019

Với hơn 400 năm định cư, canh tác nông nghiệp trên vùng đất này, tất cả cư dân Hòa Vang, rộng hơn là cả thành phố Đà Nẵng, như một khối thống nhất, cùng văn hóa, có họ hàng và cội nguồn gốc gác, di cư từ Bắc hoặc ở các tỉnh Thanh - Nghệ vào trong quá trình Nam tiến. Họ mang theo văn hóa bản xứ phía Bắc và khi đến vùng đất mới, có lẽ họ đã làm nên cuộc “cách mạng” văn hóa nên có được những đặc trưng của người xứ Quảng như ngày nay. 

Giữa truyền thống và hiện đại - Đỗ Thanh Tân

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, cho đến tận ngày nay, trên con đường đổi mới và tiếp cận với văn hóa thế giới, Hòa Vang vẫn còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa rất có giá trị, thiết thực cho cuộc sống hôm nay và các thế hệ mai sau. Đó là những phong tục, tập quán được truyền lại từ bao đời nay, ít nhiều đã góp phần hun đúc và nuôi dưỡng tính cách người dân Hòa Vang xưa và nay như phong tục trợ tang, mừng thọ, cúng xóm, vần công trong lao động sản xuất… Đặc biệt hơn, ở mảnh đất không mấy rộng lớn này người Hòa Vang lại còn tạo ra đến hai lễ hội độc đáo mà không tìm thấy ở bất cứ nơi đâu, là lễ hội Rước Mục đồng ở thôn Phong Nam, xã Hòa Châu và lễ hội “Tắt bếp” của thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước. Những phong tục, lễ hội này cơ bản giống với các địa phương khác nhưng đã được người Hòa Vang tiếp nhận và bổ sung, biến thành sở hữu của mình, chúng đã trở thành một bộ phận của giá trị bản sắc văn hóa Hòa Vang. Không ai có thể phủ nhận rằng, trợ tang mặc dù là phong tục của dân tộc Việt Nam, nhưng đã trở thành bộ phận đặc trưng, khăng khít của bản sắc Hòa Vang, đã được người Hòa Vang tạo ra sự độc đáo riêng và biến thành sở hữu thật sự của mình.

Với sức sống của mình, qua biến chuyển của lịch sử, văn hoá Hòa Vang  vẫn không bị sai lạc, phai mờ, thậm chí không những không mất mà nó ngày càng được khẳng định và phát triển, không ngừng gạn lọc, tiếp thu những tinh hoa tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc Việt Nam làm giàu có và phong phú thêm cho bản sắc của mình. Tuy nhiên, đó là kết quả của sự giao lưu, tiếp biến trong điều kiện không gian tương đối hẹp, ít có yếu tố văn hóa đột biến. Từ khi nước ta hội nhập rộng rãi với khu vực và thế giới, đất nước phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không chỉ ở thành thị Đà Nẵng mà cả ở nông thôn Hòa Vang, điều kiện sống, tiện nghi sinh hoạt, lối sống đã có sự thay đổi lớn, sự thay đổi đó diễn ra không chỉ ở bề ngoài mà cả ở chiều sâu. Sự khủng hoảng một số mặt trong nhiều phương diện đời sống đang hình thành, ảnh hưởng làm thay đổi trên giao diện văn hóa. Những lối sống, nếp sống trước đây được cho là xa lạ, ngoại lai hoặc của người dân ở phố thì nay đã phổ biến tại Hòa Vang, đã khống chế hoặc phá vỡ dẫn văn hóa, lối sống truyền thống. Nhiều cách sinh hoạt, cách sống, cách nghĩ... thực sự đã xung đột với những giá trị truyền thống. Nhiều hiện tượng trước đây hoàn toàn xa lạ thì nay ở không ít người được xem như là chuyện bình thường: bạo lực, sống hưởng thụ, xem tiền là tối thượng, cởi mở trong quan hệ nam nữ. Xu hướng này nếu không được nhận diện và ngăn chặn, đến một lúc, lối sống, văn hoá truyền thống không riêng ở Hòa Vang mà trên phạm vi toàn thành phố sẽ bị coi là cổ hũ, lạc lõng.

Giao lưu hội nhập một mặt làm nâng cao chất lượng sống, mặt khác cũng hình thành nên những chuẩn mực mới lạ trong đời sống văn hóa, có thể dẫn đến va chạm, xung đột giữa lối sống, lối tư duy truyền thống với lối sống và tư duy hiện đại. Ở giai đoạn đầu, lối sống, cách tư duy hiện đại với nhịp sống khẩn trương của tác phong công nghiệp của người dân đô thị sẽ không mấy phù hợp với truyền thống thanh đạm của con người Hòa Vang… Nhưng giai đoạn “giằng xé” này là bắt buộc đối với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào nếu muốn hội nhập. Những yếu tố giữa truyền thống và hiện đại, cái cũ và cái mới, nông thôn và thành thị, các yếu tố nội sinh lẫn ngoại sinh đang tạo ra những đan xen, cọ xát nên văn hóa truyền thống ở Hòa Vang đang không ngừng tiếp biến, loại trừ, bổ sung, tiếp nhận và tự tìm hướng phát triển. Tuy không sôi nổi, ồn ào như lĩnh vực kinh tế, quy hoạch đô thị nhưng cùng với đó, văn hóa và truyền thống ở Hòa Vang đã và đang có sự biến đổi to lớn. Cần nhìn thấy trước điều này và tìm cho nó những trợ lực phù hợp để phát triển.

Học tập cái mới, cái tốt và đào thải những cái lạc hậu là quy luật vận động của văn hoá. Ở tầm phát triển như hiện nay, mặc dù nhiều giá trị mới chưa hình thành ổn định, nhưng người Hòa Vang đã có điều kiện mới để làm giàu văn hóa của mình và tạo ra bản sắc riêng trong điều kiện sống hiện đại.

Đ.T.T