Nhớ Hòa Bắc - Huỳnh Viết Tư

29.10.2013

Những năm đầu sau chiến tranh, lương thực thiếu thốn, nhất là gạo. Tiêu chuẩn của giáo viên, công nhân viên nhà nước có hai phần: gạo và màu. Phần gạo thiếu được quy ra màu, thường là bo bo, sắn lát. Các nhà máy, trường học, cơ quan nhà nước trong thành phố tổ chức đi tăng gia sản xuất ở các vùng quê để kiếm thêm lương thực về bổ sung cho bữa ăn.

Ở trường tôi cũng vậy. Dũng được phân công thành lập một đội giáo viên là thanh niên đi tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống ở xã Hòa Bắc. Một xã miền núi, thuộc huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng. Ngày đầu tiên đến nơi, Dũng muốn tổ chức cho anh em trong đoàn có dịp tham quan, khám phá vùng đất mình sẽ ở lại để tăng gia sản xuất. Trong đoàn có A Lăng Y người dân tộc Cơtu, quê ở vùng này, anh đề nghị Dũng:

- Anh cho em làm người dẫn đường?

Dũng đồng ý. Hôm sau, A Lăng Y hướng dẫn, cả đoàn có một cuộc điền dã lý thú. Nơi đây, thượng nguồn sông Cu Đê được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu mát mẻ, sản vật phong phú, cảnh quan thơ mộng. Đến Bến Sạn là một cảnh đẹp trời cho. Dũng hỏi A Lăng Y:

       

Nhớ Hòa Bắc - Huỳnh Viết Tư

    - Tại sao có địa danh nầy?

            A Lăng Y chỉ tay về phía trước:

            - Kìa, một bãi sạn rộng chừng hơn hai hécta.

            Nơi đây là một khu vực có cảnh quan đẹp trong nhiều cảnh đẹp dọc sông Cu Đê với quần thể đá, những cây lau, cây sậy, cây rù rì nghiêng mình xuống nước. Có thân cây uốn éo, trông chẳng khác gì cây cảnh. Cách Bến Sạn một quãng không xa, một vịnh nước xanh ngắt, tĩnh lặng như mặt hồ. Từng đàn cá dộp, cá trắng lững thững đi kiếm ăn…Cảnh vật trông thật tuyệt vời! Càng ngắm, Dũng lại càng thấy yêu quê hương hơn.

Chiều xuống muộn, nắng nhẹ rải khắp vùng, bạt ngàn rừng cây xanh. Màu xanh làm cho mọi người dễ chịu và càng thêm phấn chấn, vì cả ngày phải đi dưới trời nắng chang chang. Dũng đăm chiêu nhìn mặt trời lặn dần ở đỉnh núi phía tây. Kết thúc cuộc hành trình trong ngày. Những tia nắng vàng nhạt lưu luyến, bịn rịn đổ dài từ trên sườn núi xuống rừng cây, và tràn xuống sông, xuống suối. Tất cả trông như rực sáng hơn. Những làn gió nam hiu hiu thổi, mang theo hương thơm dìu dịu của cánh đồng lúa đang chín, làm nao lòng người. Trên nền trời cao thẳm, những cánh chim thong thả bay về núi. Xa xa, những chỏm núi màu xanh biếc nhấp nhô. Dưới vịnh, ánh nắng chênh chếch làm mặt nước rực lên, lóng lánh. Phía chân ruộng bậc thang, từng đàn trâu, đàn bò đủng đỉnh quay về làng. Trong làng, khói bếp bay là là, quyện vào dải mây mờ như tấm khăn voan mỏng, làm cho cảnh vật trở nên mờ ảo...

            A Lăng Y nói:

            - Thôi ta về, để khi khác còn đi tiếp!

Trong những ngày tiếp theo, đoàn đến Vịnh Dài. Nhìn thấy một cảnh đẹp mê hồn, nước sâu xanh ngắt, hai bên bờ có những hàng cây xanh tỏa bóng mát rượi. Phía trên Vịnh Dài còn có thác Dài, thác Ba, cũng rất đẹp. Vượt qua gần chục kilômét sông chính, đến thôn Giàn Bí hay còn gọi là thôn Cầu Sập.

Không đợi ai hỏi, A Lăng Y giải thích:

            - Gọi là Cầu Sập, vì nơi đây còn sót lại móng một cây cầu đã sập từ hồi chiến tranh. Chỗ này cũng là điểm “giao thủy” của sông Nam, sông Bắc tạo thành sông Cu Đê. Ngay tại ngã ba sông này, có vũng Bọt, nên thơ, hữu tình…

            Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình từ sông Bắc, những vùng đất hoang sơ của thiên nhiên mở ra. Có những cái tên nghe rất lạ: Hố Giếng, Lỗ Cối thượng, Lỗ Cối hạ, Thác Xếp, Nà Mùn, Đá Bò, Khe Mun, Thác Rễ… nằm trên tổng chiều dài mấy chục kilômét đường sông. Tạo ra một thảm thực vật, với hàng trăm hécta rừng nguyên sinh là tài sản vô giá của đất nước. Cả đoàn như không còn nghe lời giải thích của A Lăng Y nữa. Vì có quá nhiều chuyện lạ, thời gian lại ít, mọi người dành thời gian ngắm cảnh cho thỏa thích. Chỉ tiếc, không có chiếc máy ảnh để ghi lại những hình ảnh đẹp của chuyến đi.

Mỗi khi chiều xuống, sau một ngày lao động vất vả, chúng tôi để dụng cụ lao động trên bờ suối Khe Áo. Bọn con trai chọn nơi vực sâu, nước xiết để vẫy vùng cho thỏa sức. Những cô gái, kéo nhau xuống khu vực nước cạn và kín đáo hơn để tắm. Ở đây nước rất trong và sạch. Các cô gái ngồi trên những tảng đá, đưa chân khua nước, nói cười giòn tan như những nàng tiên giáng trần giữa đất trời thế gian.

            Làn nước mát làm sạch bụi, đất trên người, lại được hít thở khí trời trong lành của đại ngàn, bao nỗi mệt nhọc trôi theo dòng nước. Mọi người như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới.

Đến bữa ăn, không bữa cơm nào là thiếu độn, nhất là sắn, ăn hoài cũng chán. Chúng tôi ước ao có một bữa cơm không độn. Lúc bấy giờ, người ta chế biến sắn ra làm nhiều thứ để ăn và nuôi gia súc. Sắn là cây lương thực quan trọng sau lúa gạo, ngô và lúa mì. Nên những ngày giáp hạt, những năm mất mùa, đặc biệt là những năm đầu sau khi kết thúc chiến tranh, sắn đã giúp cho bao người vượt qua những tháng ngày khó khăn đói khổ.

Một tháng đi sản xuất trôi qua nhanh chóng, chúng tôi trở về trường để chuẩn bị bước vào năm học mới, tuy cái không khí của những ngày trên Hòa Bắc còn chưa lắng đọng trong lòng …Riêng A Lăng Y làm đơn xin nghỉ việc.           

            Anh lên phòng gặp thầy hiệu trưởng, nói:

            - Cho mình về mình làm cái rẫy, mình bắt con cá suối, mình ăn cho nó no cái bụng!

            Nói hôm trước, hôm sau A lăng Y thu dọn đồ đạc, bỏ vào ba lô ra về. Chẳng cần biết có được phép hay không.

 

* * *

 

            Hai mươi năm sau.

            Vợ chồng Dũng, tôi và một vài người bạn ngày ấy lên thăm lại Hòa Bắc, thăm A Lăng Y.

            Con đường ngày xưa, muốn lên Hòa Bắc phải đi qua nhiều đoạn đường rừng, hoặc đi thuyền dọc sông Cu Đê ngược lên thượng nguồn. Nhưng bây giờ, đường ô-tô đã về tận những thôn, bản xa nhất của xã. Hơi ấm mùa xuân lan tỏa trong không gian trong lành. Những ngọn đồi bát ngát màu xanh cây tràm, ruộng mía, vườn rau xanh... Tất cả tạo nên nhịp sống mới trên mảnh đất hoang dã đã bị tàn phá do chiến tranh bởi màu xanh no ấm trải dài

            Dũng gặp lại A Lăng Y. Khỏi cần nói. Tay bắt mặt mừng. A Lăng Y bây giờ đã là một chủ trang trại.

            Anh bảo:

            - Từ tập tục du canh, du cư, phá rừng làm rẫy, đến nay, bà con đã biết bảo vệ rừng, làm giàu trên chính đất rừng được giao. Nhiều hộ đã xây dựng trang trại nuôi trâu, bò, đào hồ thả cá, tận dụng diện tích vườn còn lại để thả gà, trồng rau sạch…

            Từ ngôi nhà của A Lăng Y, Dũng nhìn ra khoảng trời phía trước. Những rừng keo bát ngát xanh đan xen giữa những vườn rau tươi tốt. Trên khuôn mặt mọi người đều không giấu được niềm vui.

            A Lăng Y đưa Dũng về lại thôn Tà Lang, Giàn Bí. Anh bảo:

            - Cuộc sống của người dân ở xã Hòa Bắc, nhất là các hộ gia đình đồng bào dân tộc Cơtu ở hai thôn này đã ổn định hơn rất nhiều so với trước đây. Họ trồng rừng, xây dựng trang trại chăn nuôi. Có nhiều gia đình người Kinh cũng lên đây làm ăn sinh sống. Đồng bào đã xây dựng những ngôi nhà kiên cố, con cái được học hành, mua sắm nhiều phương tiện đi lại, nghe nhìn... Họ đã từng bước phát triển được nội lực của mình, biết làm giàu trên chính diện tích đất rừng của nhà mình.

Dũng ghé tai A Lăng Y:

- Lâu nay cậu có liên lạc với Hồng?

A Lăng Y mỉm cười tủm tỉm:

            - Rồi anh sẽ biết!

            Chẳng là, sau những buổi rình xem “Tiên tắm”, A Lăng Y bắt đầu si mê Hồng. Anh như lâng lâng trong men rượu cần ngọt lịm khi nhìn thấy Hồng nổi bật trong đám xuân xanh với làn da trắng nhấp nhô, huyền ảo, giữa làn nước mát lạnh, trong xanh của thiên nhiên. Tiếng cười của Hồng giòn tan, thanh thoát như tiếng của sơn nữ vang vọng giữa núi rừng…

            Kể từ ấy, anh thật thà thổ lộ tình yêu của mình. Hồng từ chối quây quẩy. Với nhiều cớ khác nhau. Nhưng Dũng và A Lăng Y biết có một nguyên nhân mà cô không thể nào nói ra được. Đó là nguồn gốc xuất thân của anh. Nếu yêu A Lăng Y, Hồng phải vượt qua bao ràng buộc của gia đình và bạn bè.

            Có tiếng gà gáy từ chiếc máy điện thoại di động trong túi A Lăng Y, anh bắt máy nghe rồi bảo:

- Thôi ta về ăn trưa để mọi người ở nhà đợi!

Mọi người cũng đã thấy kiến bò trong bụng nên quay về.

            Khi vào nhà, Dũng thấy đông người. Thì ra, A Lăng Y đã gọi bạn bè đến để chung vui với khách. Cánh đàn ông lo chuẩn bị các loại rượu cần, rượu tà vạt, cánh phụ nữ lo đem những thức ăn từ bếp bày biện lên bàn.

            Trên mâm, đủ các loại đồ ăn như là bữa ăn mừng mùa gặt hay tết. Đó là các loại zơ rá cá, zơ rá thịt chim... Hà, vợ Dũng vào bếp, chị gặp vợ A Lăng Y. Rất ngạc nhiên khi biết cô là người Kinh, đang là bếp trưởng của buổi tiệc.

            Hà chỉ vào món zơ rá hỏi vợ A Lăng Y:

            - Món này làm thế nào?

            - Để làm món zơ rá này phải chuẩn bị đầy đủ các loại hoa quả. Như cà chua, cà bắp, bắp chuối, bẹ môn dóc, cải và các loại rau rừng. Sau khi bỏ vào ống nứa tươi một lớp rau, cho cá hoặc các loại thịt vào, rồi lại cho rau quả vào. Khi ống nứa đã đầy, dùng lá nút chặt lại, để lên bếp lửa nướng.

            - À! Bây giờ mình mới biết.

            - Khi ăn zơ rá, ta sẽ cảm nhận được vị ngọt, béo của thịt, vị bùi của các loại rau, quả. Người Cơtu rất thích món zơ rá, nên món này ít khi vắng mặt trong dịp tết và lễ hội mừng lúa mới.

            Ngoài các món độc đáo trên, những món ăn thông thường khác được bày lên mâm như cơm gạo tẻ, cơm lam, xôi, còn có một loại bánh có tên là bánh Cút.

            Vợ A Lăng Y giải thích với Hà:

            - Bánh được làm bằng gạo nếp, không có nhân đậu hoặc thịt. Khi gói lưu ý không để lá đót bị ướt. Vì lá ướt, bánh luộc sẽ không chín. Bánh Cút luôn có mặt trong những dịp quan trọng của người Cơtu như đám hỏi, đám cưới, lễ mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu, lễ đón xuân mới…

            Mọi người ngồi vào bàn tiệc. Vợ A Lăng Y từ bếp lên chào chúng tôi, Dũng vô cùng bất ngờ. Chắc chắn là Hồng rồi, đúng như  A Lăng Y đã nói khi sáng trên rẫy.

            Anh đưa tay về phía Hồng:

            - Lâu rồi, rất vui gặp lại em!

            - Anh còn nhớ em chứ?

            Dũng siết tay Hồng thân mật, nói:

            - Chuyện như mới ngày hôm qua!

            Chẳng biết anh chàng Sơn Tinh A Lăng Y đã có phép thuật gì, để đưa cô công chúa miền xuôi này về với núi rừng…

            Tuy nhiên, lúc này Dũng không tiện hỏi.

            Sau buổi tiệc thịnh soạn vợ chồng A Lăng Y thết đãi, mọi người ngây ngất trong men say. Nghỉ ngơi cho đến chiều, chúng tôi ra xe trở về thành phố, không quên cám ơn tấm lòng hiếu khách của vợ chồng A Lăng Y, và hẹn sẽ trở lại vào một dịp khác. Bây giờ Dũng mới hiểu A Lăng Y đã chọn cuộc sống phù hợp với mình. 

            Những bữa ăn đầy sắn đã là ký ức lùi xa. Thỉnh thoảng, Dũng được ăn vài khúc sắn hấp với dừa, được bào ra thành sợi, như một đặc sản. Sau tết, mọi nhà đều có tục cúng đất hay cúng tá thổ tức mượn đất, lễ vật cúng gồm toàn món ăn của người Chiêm Thành. Trên mâm cúng luôn có một đĩa sắn, khoai được đặt một cách trang trọng. Khi cúng xong, người ta chia đĩa củ đó cho mọi người trong nhà cùng ăn, trước khi ăn các phẩm vật khác. Phải chăng, trong tâm linh người Việt luôn thấm đẫm chất nhân văn “Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay!”.

            Mùa sắn năm xưa, nay lại bất chợt hiện về, gợi nhớ một miền quê Hòa Bắc…                              

 

                                                                                          H.V.T