MÊNH MANG HÒN KẼM ĐÁ DỪNG - Tùy bút Nguyễn Nhã Tiên

25.09.2012
Cơn mưa mỏng mảnh nhỏ hạt tạt vào ô cửa sổ mui thuyền vừa đủ kéo tôi ra khỏi giấc mơ muộn mằn lúc trời còn chưa sáng tỏ. Thức dậy ngồi nhìn qua ô cửa, bên kia sông, ngọn núi Dương Bồ mờ trong làn mưa và mây trôi, trông cứ như vị thiền sư khổng lồ đang ngồi thiền định che chắn một góc trời.Nước sông Thu Bồn ở vùng thượng nguồn này về đêm thường dâng lên do các thủy điện ở đầu nguồn xả lũ. Buổi sớm mực nước còn ngập cái cồn cát ven sông, chỗ chiều tối qua mấy bạn trẻ văn nghệ đi cùng tôi đốt lửa trại quây quầng nhau ca hát. Trước thiên nhiên Hòn Kẽm Đá Dừng non xanh và mây nước chập chùng, lòng người ai cũng dễ dâng trào bao cảm xúc hòa điệu cùng cái khí vị hoang sơ cổ điển, để có những phút giây thảnh thơi thăng hoa mà quên đôi bàn chân lấm lem cát bụi ngày ngày trên mặt đất gập ghềnh.

MÊNH MANG HÒN KẼM ĐÁ DỪNG - Tùy bút Nguyễn Nhã Tiên

Đã bao lần ngồi trên những chiếc thuyền máy ngược xuôi trên dòng Thu Bồn, khi thì những chuyến cứu trợ, lúc thì bao cuộc hẹn hò với anh em bạn bè xa xứ lâu ngày về thăm quê, nhưng một đêm neo thuyền trên vùng Hòn Kẽm Đá Dừng, rồi nghỉ lại giữa lòng vạn đò Trà Linh-Hiêp Hòa, thì quả đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm. Dọc theo các dòng sông trên vùng dất Quảng, có bao nhiêu là vạn đò từ miền biển cho đến tận đầu nguồn, Vạn Hội Khách, vạn Trước Hà, vạn Đại Sơn…trên sông Vu Gia.Vạn Thu Bồn, vạn Cửa Đại, vạn Bình Yên, vạn Trà Linh…trên sông Thu Bồn.Cũng như nhiều vùng quê sông nước khác ở khắp mọi miền,những cuộc đời lênh đênh đời sống trên sông nước đã dần hồi được chuyển lên bờ, ăn ở ổn định trong các khu tái đinh cư. Nghe đâu nguồn Quỹ biến đổi khí hậu đang tiến hành tài trợ cho các địa phương dọc theo tuyến sông Thu Bồn, xây dựng tiếp tục các khu tái định cư cho người dân ở các vạn đò còn lại.Yêu cầu đời sống xã hội mỗi ngày một đi lên là một thực tiễn không thể chối cãi, cho dù quá trình đó diễn ra nhanh hay chậm, nội tại từng cá thể buộc phải thay đổi phương thức sống, hay là sự tác động của xã hội và môi trường trở thành mệnh lệnh cuộc sống, không thể nào khác được.

Vậy là cái vạn dò Trà Linh mà chúng tôi ở lại đêm qua, có thể là một trong những xóm vạn đò cuối cùng rồi sẽ được chuyển đổi nơi ở mới.Không hiểu sao tôi cứ hình dung con sông Thu Bồn từ vùng thượng nguồn, chỗ tôi ngồi đây, xuôi về đến Cửa Đại vắng bóng những làng vạn đò ở đôi bờ. Không dưng mà một thoáng chút sắt se và nuối tiếc! Thì môi trường sông nước trong veo và quang rạng hơn chứ có gì mà phải nuối tiếc. Xã hội ngày mỗi văn minh hơn, những phận đời lênh đênh con cá con tôm, mỏng mảnh số phận trên những chiếc thuyền con đánh bắt, được xóa đi, thay vào đó một nơi ăn chốn ở đường hoàng mang tính bền vững, được như thế còn gì mà nuối tiếc. Vâng, tôi cũng chẳng rõ lòng như thế nào nữa, nhưng cái giấc mơ muộn mằn về sáng trong đêm ngủ giữa lòng vạn đò Trà Linh, thì quả thực là một giấc mơ đẹp. Người con gái ngồi trong chiếc thuyền con, xõa tung mái tóc dài gội trên bến đò Bình Yên mà tôi bắt gặp trên đường đi, đã trôi chảy vào trong giấc mơ của tôi như là tặng vật của…cổ tích. Mà cổ tích thật, đến nỗi cô bạn trẻ - phóng viên của một tờ báo, đi cùng tôi trong chuyến đi cứu trợ, cũng trên vùng thượng nguồn sông Thu này, khi bắt gặp hình ảnh ấy đã vụt reo lên như gặp người của thời nào xa xưa lắm: "- Anh ơi, xem người ta gội tóc trên sông kìa”. Vậy đấy, người ta không thể tắm hai lần trên một dòng nước, nhưng giấc mơ thì có thể tắm lại nhiều lần. Cái đẹp, cho dẫu dâu thành biển, vẫn bằng cách nào đó, sẽ lưu lại trong kí ức con người, và đấy cũng là một thứ phù sa tưới tắm cho cây đời mãi mãi lên xanh.

Một ngày, giống như người cổ ngoạn cùng non xanh nước biếc Hòn Kẽm Đá Dừng, và cả một đêm giữa lòng vạn đò Trà Linh, tôi biết sẽ khó lặp lại một lần như thế nữa, ngoại trừ giấc mơ sẽ dẫn dắt tôi về. Giấc mơ, có thể là em, khuya khoắt rồi còn ngồi trên nóc mui thuyền cùng tôi vu vơ ngắm…núi và miên man không biết bao câu chuyện trên trời dưới đất. Giấc mơ, có thế là ánh lửa bập bùng câu thơ tiếng hát, hồn nhiên như hoa cỏ ven sông nở, trổ hết lòng. Hình như ở những làng quê nghèo bán sơn địa gieo neo như Trà Linh, hoặc lên cao hơn nữa là Bình Kiều, để đối trọng lại cái nghèo khó gian khổ thiếu thốn, con người lại giàu có những giấc mơ và khát vọng nhiều hơn. Người chèo đò trên bến sông, cũng là dân xóm vạn Trà Linh, giữa một hoàng hôn say sưa ngồi nói với tôi về những giấc mơ sắp trở thành hiện thực. Năm người con của ông, đứa theo học đại học, đứa học nghề ở những phố xa, rồi sẽ trở về cái làng Trà Linh này góp sức mà xây dựng, chứ thay đổi đời sống lênh đênh vạn đò mà lên bờ rồi thất nghiệp thì trước sau gì cũng quay lại với sông nước mò tôm bắt cá. Mà tôm cá trên sông Thu Bồn giờ cũng chẳng còn mấy do môi trường đầu nguồn bị tàn phá nặng nề. Còn cô gái bán cà phê rong trên bến đò Trà Linh thì vì ham vui nên bỏ cả quán xá, quảy gánh xuống bến sông ngồi bán, chứ lời lãi gì năm ba ly cà phê với đoàn chúng tôi chỉ mấy con người. Trò chuyện với khách gần gũi – chân tình – mộc mạc, nghe như ráo hoảnh,như chẳng có gì, ấy vậy mà bịn rịn lòng người đến thế.

Đã đến lúc thuyền tôi sắp nhổ sào về xuôi. Không biết rồi tiếp theo sau cái mái tóc dài gội trên sông kia trôi vào giấc mơ của tôi, sẽ còn bao nhiêu hình ảnh khác nữa. Những ánh lửa bập bùng trong đêm trên bến vắng, những gương mặt hồn hậu tôi mới làm quen, ly cà phê thơm hương đất trời hơn mọi thứ khác…, tất cả lại có thể sẽ ùa vào giấc mơ lên tiếng gọi bời bời thương nhớ Hỏi quê rằng biển xanh dâu, hỏi tên rằng mộng ban đầu đã xa…*! 

Đà Nẵng, đầu hạ 2012

N.N.T

Tạp chí Non Nước số 176