Cặp sừng kỷ niệm - Truyện Hồng Chiến
Tôi đi đã nhiều và thấy cũng lắm những cặp sừng nai được treo trang trọng trên tường những căn biệt thự đồ sộ hay được gắn trên vách nhà sàn một cách kiêu hãnh; song chưa bao giờ thấy cặp sừng nai nào to và khác lạ như cặp sừng nai treo trong nhà thầy giáo Thạch Sơn; cặp sừng được sắp xếp cân đối hoàn hảo đến lạ kỳ. Hai nhánh dưới mọc gần đầu cong vút hơi chìa ra phía trước dài hơn nửa mét, to độ cổ tay người lớn; trông giống như hai cụm măng tre được đúc từ một khuôn. Cách chi dưới độ hơn một mét, hai chi nữa mọc ra dài khoảng hai gang tay người lớn bằng ngang với vớ chi giữa. Điểm lạ là cặp sừng đều nhau chằn chặn, tròn lẵn và có màu trắng ngà. Thường thường các cặp sừng nai có màu nâu sẩm, gân guốc, sần sùi; nếu được đánh bóng sẽ chuyển qua màu cánh gián. Thế mà cặp sừng này lại thế!
Thấy tôi tần ngần đứng ngắm cặp sừng nai mãi, thầy Thạch Sơn vỗ vai tôi bảo:
- Anh thấy nó lạ lắm phải không? Mình bắn nó đã tròn ba chục năm rồi đấy.
- Thầy bắn ạ !
- Ừ! Ngồi xuống đây mình kể cho nghe trường hợp bắ nó.
Ngồi nhấm nháp ly rượu với thịt heo nướng, tôi được nghe câu chuyện đi săn chiều ba mươi tết và kỹ niệm mang theo trong suốt cả cuộc đời của ông giáo già gắn bó trọn đời với mảnh đất Tây Nguyên.
Những ngày cuối năm 1978 khi ấy thật khó khăn, kinh phí cho các em học sinh nội trú quá hạn hẹp, thức ăn hàng ngày quanh đi quẩn lại chỉ độc món cá chuồn, cá niệt khô mà thôi. Tết đến nơi vẫn chưa tìm được cách gì cải thiện cho các em. Buồn quá mình lững thửng đi xuống phòng học sinh nam chơi, thấy mình, Y Quét reo lên:
- Thầy ơi! Em đang định đi tìm thầy đây; rẫy nhà Amí Hri có con nai về phá đấy. Ta đi bắn nhé!
- Có bắn được không?
- Rẫy gần chân đồi Cô Đơn, dễ bắn lắm.
Lúc ấy việc săn bắn chưa bị cấm khắt khe như bây giờ; cái lo là mang học sinh đi lỡ xãy ra điều gì thì mấy mạng mình đền cho đủ. Còn không đi săn thì lấy cái gì cho các em ăn trong mấy ngày tết! Nhìn các em học sinh người Êđê chân thật, chất phác, vô tư, có lòng tin tuyệt đối ở thầy cô giảng dạy. Mọi việc thầy cô làm, trò xem đó là mẫu mực, cố làm theo cho kỳ được; lời thầy là mệnh lệnh chỉ có chấp hành, không phải bàn cải cho dù đó là điều gì đi nửa. Có được lòng tin của các em như vậy là vô cùng quý giá, góp phần quan trọng giử gìn sự bình yên của mảnh đất Tây Nguyên chống lại bọn Phu Rol còn ẩn nấp trong rừng, thỉnh thoảng vẫn chặn đường giết người, cướp của. Thôi đành liều vậy !
Khi nghe mình trình bày ý định mang học sinh đi săn, ông hiệu trưởng trợn tròn mắt:
- Anh giởn à! Bọn Phu Rol nằm trong rừng đang treo giải cái đầu anh đấy. Anh đi săn có khác gì đi nộp mạng cho chúng. Ấy là chưa kể nếu bọn chúng bắt đi chỉ một em học sinh thôi thì tình hình sẽ ra sao, chắc anh hiểu!
Hai anh em bàn bạc mãi; cân nhắc thiệt hơn mọi việc, thầy hiệu trưởng cuối cùng đành nhượng bộ.
- Thôi tùy anh vậy!
Sáng 29 tết, tôi chọn mười em học sinh khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tuổi mười tám đôi mươi cùng đi săn. Lúc đầu các em nam cả trường đoài đi hết; song tôi cương quyết chỉ chọn một số em như dã thống nhất với hiệu trưởng, còn các em khác phải ở nhà.
Đường đến rẫy nhà Amí Hri phải đi qua ba quả đồi, bốn ngọn suối mới tới. Thầy trò vừa đi vừa trò chuỵên quên cả đường dài, gần hết buổi sáng đã tới. Nhìn đám đậu bị nai ăn, dày xéo chi chít dấu chân, ai cũng mừng. Bên cạnh rẫy, một vạt rẫy cũ bỏ hoang hai mùa, cây cối mọc cao lút đầu người, rộng chừng hai hec ta tiếp giáp với rừng già. Y Quét nói:
- Các cậu giữ chó, đứng đây đợi mình; thầy theo em!
Y Quét dẫn tôi đi vòng lên chân đồi, nơi rẫy hoang giáp với rừng già; vừa đi, vừa nói:
- Con nai này khôn lắm, nó chỉ đi một đường xuống ăn và nằm lại đám rẫy hoang này; nếu động nó sẽ theo con đường cũ chạy về rừng già.
- Sao em dám chắc thế?
- Quy luật như vậy mà; nếu chạy theo đường khác sẽ vướng dây, cây cối, chỉ có té thôi mà.
Mình theo sau Y Quét, vừa đi vừa ngắm thân hình vạm vỡ, săn chắc điểm thêm mái tóc quăn tít tự nhiên càng làm tăng vẻ khoẻ mạnh của người thanh niên dân tộc Eđê được mười bảy mùa rẫy. Em cũng có hoàn cảnh khá đặc biệt: anh trai mất, bỏ lại bà chị dâu tuổi gần năm chục và một đàn con sáu đứa; theo tục lệ nối dây của người Ê Đê, Y Quét phải lấy người chị dâu làm vợ thay cho người anh đã mất. May mà đất nước thống nhất, cuộc sống mới ùa vào các buôn làng ngăn chặn kịp thời các hủ tục lạc hậu; cậu bé tuổi mười lăm không phải làm chồng bà già; để vượt qua tục lệ khắt khe đó không chỉ có em mà tất cả giáo viên toàn trường phải viện đủ lý do, biện pháp, kể cả luật pháp của chế độ mới em mới tiếp tục được theo học; một học sinh giỏi có nhiều triển vọng.
Theo con đường mòn vòng sát chân núi giống như con đường ngăn lửa chia cắt phần rừng già phía trên với khu rẫy bỏ hoang phía dưới đến bên bờ khe cạn, Y Quét bảo:
- Thầy đứng đây nhé. Nai khi bị xua đuổi sẽ chạy theo lòng khe này lên rừng; chờ nó đến gần hãy bắn. Em sẽ cùng các bạn xua từ ngoài rẫy ép nó chạy dần lên đây.
Y Quét đi rồi, còn lại một mình nhìn lòng khe cách chổ đứng chừng chục mét dấu chân nai đi xuôi xuống còn khá rõ. Có lẽ con nai này đi qua đây nhiều lần nên tạo thành con đường mòn thế này. Nếu đứng chặn đường mà bắn , không khéo khi bị trúng đạn nó lao vào húc mình thì chết; thôi leo lên cây vậy. Ngắm xung quanh thấy cây lồng bàng to độ một người ôm chỉ cách đường nai đi khoảng hơn ba chục mét, mình quyết định leo lên chạc cây cách mặt đất chừng hai mét ngồi chờ. Cành cây mình ngồi to bằng bắp đùi, dựa lưng vào thân cây, nâng khẩu AK quen thuộc ngắm thử, thấy mấy cành lá vướng tầm nhìn, giơ tay bẻ, vứt bỏ để lộ ra cả không gian rộng lớn có thể nhìn thấy đám học trò đang tản ra thành một đường vòng cung bao bọc đám rừng. Hai con chó săn của nhà Y Sú được các em mang theo chạy quấn quýt phía trước chờ lệnh.
-Tu ... tu ... tu ...
Tiếng tù và vang lên vọng vào núi dồn trở ra nghe như tiếng rít của bầy voi gặp kẻ thù, tiếp theo là tiếng: dô hầy, dô hầy, xáo động cả góc trời. Chim chóc bay loạn xạ, thỉnh thoảng những tiếng: Oác! Cục tác! Cục tác! Của mấy chú gà rừng, trĩ sao xé tan âm thanh ồn ả và lao vút qua đầu về phía đồi Cô Đơn. Gà rừng nhiều thật; con trống bên má có hai chiếc tai trắng toát, còn toàn thân khoác một một bộ cánh màu vàng lửa trông thật đẹp. Còn chim trĩ đực mới thật là ông hoàng của rừng xanh khi sải cánh bay vun vút dưới ánh sáng mặt trời khoe chiếc mào đỏ như son, nổi bật trên nền lông màu xanh biếc, óng ả, lóng lánh.
- Gâu! Gâu! Gâu!
Tiếng chó bất chợt gầm lên, liền ngay đấy tiếng cây gãy đổ ào ào, xen lẫn tiếng la hét vui thích của đám học trò:
- Nai! Nai! Hắn chạy đấy!
- Thầy ơi hắn chạy đấy!
Tôi bật khóa súng, cẩn thận kiểm tra lại thước ngắm và căn sẳn theo đường mòn nai đi. Hồi học trong trường các giáo viên huấn luyện cũng phải ngạc nhiên trước tài sử dụng vũ khí của tôi.
Tiếng cây đổ, chó sủa tiến gần lại chỗ tôi ngồi. Năm mươi mét, hai mươi mét, mười mét, năm mét... một mét. Chỉ chờ có vậy tay tôi kéo nấc cò thứ nhất... Ô hay, đám cây lặng im; nó không chạy lao qua đường mòn như học trò tôi dự đoán mà đứng im. Phải chăng nó đã linh cảm có điều gì đó không ổn nên dừng lại? Đám cây nó đứng núp khá rậm nên tôi không nhìn thấy gì cả.
- Gâu! Gâu! Gâu!
Tiếng chó bất chợt gầm lên ngay cạnh chổ nai đứng.
- Rầm!
Nhanh như một mũi tên con nai đực to kềnh càng giống con trâu mộng lao vút qua đường.
- Đoàng!
Theo phản xạ, tôi xiết cò; tiếng súng nổ vang lên, con nai như bị vấp, oằn mình cắm ngặm đầu xuống đất, còn nửa thân sau vẫn theo đà chạy, vật lộn qua đầu đập vào thân cây bên đường tạo nên tiếng đổ thật to kèm theo đó là đám bụi bay lên; hai chân sau đạp lia lịa vào khoảng không.
- Rào!
Một con nai cái nâu đen lớn như con bò lai lao bổ ra giửa đường, giương đôi mắt tròn xoe nhìn con nai đực đang dãy chết. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi nó xuất hiện. Giá như nó lao qua đường chắc tôi đã bắn; còn giờ đây thấy nó đứng chềnh ềnh giữa đường, tôi lại khônh nỡ xiết cò súng khi nhìn giáng dấp tội nghiệp của nó. Con nai cái có lẽ không tin điều gì đã xãy ra trước mặt hì phải; nó cúi đầu dụi vào bụng con nai đực như cố thúc bạn đứng dậy. Thúc vào bụng mãi không được, nó quay mình luồn đầu xuống dưới cổ con nai đực cố dìu bạn đứng lên nhưng vẫn không được. Khi ngững đầu lên máu từ mặt con nai cái chảy thành dòng. Đôi chó lao ra xoay quanh đôi nai sủa ầm ĩ. Con nai cái vung chân sau đá vun vút vào khoảng không, cố xua chó ra xa chổ con nai đực nằm. Hai con chó đang hăng vì có mùi máu thay nhau lao vào cắn xé con nai đực đã chết. Con nai cái chạy vòng quanh hết bên phải qua bên trái, hai mắt long lên đỏ mọng như sắp bật máu ra ngoài. Nhìn nó thấy tội nghiệp quá, tôi ngồi lặng im trên cây không dám bước xuống sợ làm xao động giây phút cúi cùng bên nhau của đôi nai.
- Thầy ơi, trúng không?
- Có được không thầy ơi!
Đám học trò nghe súng nổ, mừng quá kéo nhau chạy hết lên chổ tôi ngồi, làm con nai cái hoảng sợ thét lên: “Bép”! Rồi nhảy vào rừng. Mấy em chạy trước thấy nai hét liếu cả lưỡi:
- Nai đấy, bắn đi thầy!
- Bắn, bắn, băn!
Tôi lặng lẽ tuột xuống khỏi thân cây, cũng vừa lúc các em ùa đến; Y Quét hỏi:
- Sao thầy không bắn? Con nai ngon quá!
Mấy em khác nhao nhao hỏi:
- Thầy bắn trượt rồi à!
- Không trúng hả thầy!
- Các em nhìn kìa!
Mình chỉ chỗ đôi chó lúc này đã thôi sủa, đang cùng nhau nhay nhay cổ con nai trúng đạn. Cả đám học trò chạy ùa xuống, tiếng một em reo lên:
- Ô! Thầy bắn xuyên lỗ tai nó rồi!
Mình thấy buồn vui lẫn lộn; vui vì ba bữa ngày tết các em ở lại trường có thức ăn, đón tết sẽ vui vẽ, đầm ấm hơn. Nhưng lòng cũng đượm buồn khi hình ảnh con nai cái giương đôi mắt đỏ mọng như máu cứ nhìn chằm chằm, cứ ám ảnh tôi mãi.
- Thầy mệt à?
Y Quét đến bên tôi từ lúc nào không rõ, cất tiếng hỏi làm tôi giạt mình; tôi lắc đầu.
- Thầy ngồi nghỉ chờ bọn em một chút, sẽ xong ngay thôi thầy ạ!
Một đống lửa lớn được đốt lên chất đầy những cành cây to, hừng hực cháy. Con nai được chặt đầu, xẻ ra làm tư. Các em xúm nhau cắt thịt xiên vào que gác lên những cục than hồng, chỉ một chốc mặt ngoài miếng thịt chuyển từ màu đỏ sang màu xám, nước rơi xuống than kẽu xèo xèo, tỏ mùi thơm ngào ngạt. Y My cầm một xiên thịt mang đến cho tôi.
- Em mời thầy!
Mùi thịt nướng thật hấp dẫn, nhưng đôi mắt của con nai cái lại như đang nhìn tôi. Tôi tặc lưỡi; tạo hóa đã sinh ra ra cái qui luật của muôn đời là vậy! Thời gian rồi sẽ xua đi tất cả, con nai cái nó sẽ tìm được bạn mới; tôi tự an ủi mình. Nướng thịt ăn no, các em chia nhau khiêng thịt, mỗi đùi nai hai em khiêng, còn đầu nai với tim, dạ dày hai em cột chung lại định mang về. Thấy mang vác nặng quá, tôi bảo :
- Nhiều thịt rồi, ta vứt hết dạ dày đi, lấy gan thôi?
Cả bọn cười ồ làm tôi ngạc nhiên. Y My nói :
- Thầy ơi! Con nai ngon nhất chỉ có cái đuôi và dạ dày thôi mà; còn dở nhất là gan, ăn hôi rình, lấy làm gì.
-Thật vậy à!
Cho đến lúc ấy mình mới biết trong con nai chỗ nào là ngon nhất, chỗ nào dở nhất. Trước đây cũng thường được nhân dân biếu thịt nai, và chỉ cho thịt thôi nên mình cứ đinh ninh gan nai chắc ngon lắm nên dân không cho mà dành cho người già, chứ biết đâu...
Tết năm ấy trường nội trú chúng mình ăn một cái tết thật vui, thật rôm rả vì tất cả các thầy cô miền Bắc tăng cường vào cho huyện không có điều kiện về thăm quê đều được mời về trường đón tết. Một số phụ huynh ở gần cũng được mời đến ăn tết với trường, vì người dân tộc Êđê lúc ấy chưa ăn tết như người Kinh. Lần đầu tiên mọi người dược nếm món giò làm bằng da nai, gân nai hầm củ mài, thịt nai sấy khói... Còn cặp sừng này Y Quét mang về treo gác bếp hong khói đúng ba năm mới mang ra lau chùi và tặng cho mình nhân ngày cưới vợ.
Thế là đã ba mươi năm tròn, các cô, các cậu học trò ngày ấy nay đã trưởng thành cả rồi. Thỉnh thoảng đi công tác qua cũng dừng xe vào thăm thầy giáo củ và nhắc chuyện ngày xưa.
- Mời anh! Thầy nâng ly mời tôi và uống cạn. Thời gian sẽ giữ mãi những gì đáng giữ và sẽ xóa đi tất cả những gì đáng xóa; có phải vậy không nhà báo.
Thầy nói và nở một nụ cười rạng rỡ.
H.C