Thanh âm mùa thu trong thi ca

23.09.2024
Hạ Nguyên
Nếu lần theo hình hài “nàng thu” trong thi ca Việt Nam tự cổ chí kim, sẽ thấy mùa thu không hề tĩnh lặng như ta thường nghĩ, mà trái lại, nàng thu đến cùng rất nhiều thanh âm xôn xao.

Thanh âm mùa thu trong thi ca

Bức "Mùa thu vàng" nổi tiếng của họa sĩ người Nga Isaac Ilyich Levitan.

Tiếng thu trong thơ cổ

Thơ ca cổ điển gắn liền với tính quy phạm, khuôn mẫu. Và nhạc điệu của mùa thu cũng là những âm thanh tượng trưng, ước lệ.
Đó là tiếng gió thu hiu hắt, tiếng cây trút lá xào xạc: “Hơi mát đêm thâu lọt tới mành/ Cây sân xào xạc báo thu thanh” (Tảo thu, Huyền Quang, Bản dịch của Nguyễn Đổng Chi); hay tiếng dế: “Sao vàng lấp lánh ánh sương dày/ Dế khóc tường đông giọng đắng cay/ Muôn dặm tiếng thu dồn lá rụng/ Đầy trời sắc lạnh quét mây bay” (Thu dạ, Nguyễn Du, Bản dịch của Quách Tấn).

Cùng là những âm thanh ước lệ gió thổi, lá rơi của mùa thu nhưng hai bài thơ thu lại “phản chiếu” những tâm thế thật khác xa nhau.
Khi đến Nguyễn Khuyến, chùm thơ thu của ông đã bước dần ra khỏi sự khuôn sáo, ước lệ của thơ cổ.

Nhưng tiếng động của mùa thu trong thơ ông vẫn được gợi tả theo thủ pháp lấy động tả tĩnh: âm thanh vang lên trong cõi tĩnh lặng như đánh thức con người rời khỏi những suy tư miệt mài về thế cuộc.

Âm thanh mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến luôn đi cùng với những câu hỏi ngỡ ngàng, ngơ ngác: “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái/ Một tiếng trên không ngỗng nước nào?” (Thu vịnh); “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt/ Ngõ trúc quanh co khách vắng teo/ Tựa gối, buông cần lâu chẳng được/ Cá đâu đớp động dưới chân bèo?” (Thu điếu).

Những âm thanh ngỗng kêu, cá đớp mồi đã không còn là âm thanh ước lệ đầy khuôn mẫu mà đã tiệm cận với cuộc sống trần tục; cũng giống như thời đại mà nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ đang sống: nền nếp Nho giáo dần suy sụp trước cảnh nước mất nhà tan.

Mùa thu trong Thơ mới

Phong trào Thơ mới mang theo một “nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này” (Hoài Thanh – Hoài Chân). Ngay cả mùa êm ái như thu cũng mang đến cho các nhà Thơ mới bao âm thanh thổn thức, run rẩy, bồi hồi.

Vẫn là tiếng lá rơi như một thi liệu quen thuộc của thơ xưa, nhưng hồn thơ Bích Khê đã khiến lá thu rơi vang lên đầy nhạc tính: “Ô hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông”.
Tiếng lá rơi du dương trong những câu thơ toàn thanh bằng đã khiến “Tỳ bà” của Bích Khê trở thành một giai điệu bất hủ của mùa thu trong thơ ca hiện đại Việt Nam.

Nhắc đến Thơ mới, không thể lãng quên tiếng đàn nguyệt lạnh lẽo đầy sức ám gợi trong thơ Xuân Diệu: “Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời/ Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi.../ Long lanh tiếng sỏi vang vang hận/ Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người”. Tiếng đàn mùa thu trong bài thơ “Nguyệt cầm” nghe sao ai oán, não nề như mối hận của người ca nương trên bến Tầm Dương trong thơ Bạch Cư Dị.

Thơ mới còn để lại cho đời những thanh âm đầy xao động trong “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư. “Tiếng thu” là những câu hỏi thầm thì của một chàng trai với người yêu về những thanh âm tha thiết của mùa thu: tiếng “trăng mờ thổn thức”, tiếng lòng “rạo rực” của người cô phụ nhớ thương chồng, tiếng con nai vàng giẫm trên “lá thu rơi xào xạc”.

Lần đầu tiên trong thi ca Việt Nam, có một thi sĩ lắng nghe thật kỹ bước chân của nàng thu. Có lẽ sau này, bài “Tiếng thu” đã truyền cảm hứng để nhạc sĩ Ngô Thụy Miên viết ca khúc “Mùa thu cho em” với những câu hỏi đầy đắm say: “Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ/ Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương?”.

Âm thanh thu hiện tại

Và từ đó, mùa thu bước vào thơ ca hiện đại với những âm thanh đầy náo nức.

Kể từ khi bước chân xôn xao của mùa thu cất lên trong Thơ mới, thơ thu Việt Nam náo nức bao thanh âm. Nguyễn Đình Thi đã lắng nghe tiếng nói cười rạng rỡ của mùa thu cách mạng trên đất trời Tổ quốc: “Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha” (Đất nước, Nguyễn Đình Thi).

Chinh chiến qua đi, cuộc sống trở lại nhịp điệu cũ, thơ ca lại khắc họa chân thực bao cảm xúc bộn bề của cuộc sống đời thường.

Trong thơ Xuân Quỳnh, mùa thu đến cùng những âm thanh đầy bất an, phiền muộn: “Mùa thu nay sao bão dông nhiều/ Những cửa sổ con tàu chẳng đóng/ Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm/ Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh” (Tự hát, Xuân Quỳnh). Dường như mưa gió mùa thu khuấy động lòng người đàn bà đi qua nhiều đổ vỡ mà vẫn khao khát mối giao cảm trọn vẹn, sâu sắc.

Mùa thu mưa gió ấy cũng khiến hồn thơ Đinh Trầm Ca vọng lại bao “tiếng nói” của ký ức: “Tiếng em cười tự thu nào/ Mà nghe rúc rích bên rào giậu thưa/ Em gọi tôi ở ngoài mưa/ Hay cơn gió lạnh nào vừa qua sông?” (Thu xưa, Đinh Trầm Ca). Dường như cái se lạnh của mùa thu làm day dứt hơn những hoài niệm xưa cũ, về tình yêu, về những giấc mơ không thành.

Trong bốn mùa của đất trời, có lẽ mùa thu được thi ca ưu ái nhất. Tự cổ chí kim, từ đông sang tây, mùa thu đã in dấu trong tâm hồn người đọc với vẻ đẹp thơ mộng, du dương, êm đềm.

Trong cõi thu tĩnh tại ấy, thi nhân phải thật tinh tế mới lắng nghe được bao thanh âm khe khẽ của thiên nhiên, của lòng người. Nhờ thính giác và trái tim bén nhạy, các nhà thơ đã xây dựng cả một “bảo tàng thanh âm” của mùa thu bằng ngôn từ, để mỗi khi mùa thu về, lòng ta lại khẽ hỏi tình nhân: “Em không nghe rừng thu/ lá thu kêu xào xạc/ con nai vàng ngơ ngác/ đạp trên lá vàng khô?”…

(baoquangnam.vn)