Tình nghệ sĩ: Giấc mơ không tàn

06.09.2023
Hứa Xuyên Huỳnh
Những dòng hồi ức và giai thoại thú vị của giới văn nhân thi sĩ đã “kể” cho chúng ta nghe về tình nghệ sĩ như một cõi đằm sâu, bền bỉ…

Tình nghệ sĩ: Giấc mơ không tàn

Một số trang sách chứa đựng hồi ức và giai thoại đẹp về tình nghệ sĩ.Ảnh: H.X.H

“Cầm sắt đổi ra cầm cờ”

Tấm ảnh tư liệu ghi lại cảnh Trung niên thi sĩ Bùi Giáng hôn bàn tay của kỳ nữ Kim Cương trong một lần đến nhà bà luôn khiến tôi nghĩ đến câu Kiều thứ 3.110, “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ”.

Nhắc đến đoạn cuối chuyện tình Thúy Kiều - Kim Trọng để mường tượng về mối tương liên Kim Cương - Bùi Giáng, kể ra cũng có chỗ sát hợp, gần gũi. Kỳ nhân xứ Quảng dành tình cảm tha thiết cho kỳ nữ từ khi nàng mới 19 tuổi, để lại cho đời nhiều giai thoại. Kỳ nữ cũng dành cho ông sự quý trọng rất mực.

Tác giả Trần Đình Thu có lý do để xếp Kim Cương và Marilyn Monroe vào đề mục thứ 19, viết về hai người đẹp, trong cuốn “Bùi Giáng - thi sĩ kỳ dị” (NXB Trẻ - 2007). Tận bên trời Tây, Marilyn Monroe vẫn nhập hồn vào Bùi Giáng được, huống gì là Kim Cương tài sắc ở Việt Nam. “Kim Cương là đối tượng số một của Bùi Giáng. Hình bóng của người đẹp này dường như thường trú trong vô thức của ông” (Sđd, trang 89).

Sau này, NSND Kim Cương viết trong hồi ký rằng bà từng thổ lộ “3 điều cảm ơn” ngay bên mộ Bùi Giáng, trước giờ hạ huyệt: “Thứ nhất, ông đã để lại một sự nghiệp thơ ca ẩn mật cho muôn đời sau. Thứ hai, cảm ơn mối tình đơn phương 40 năm ông dành tặng tôi, tới giờ tôi có thể nói đó là mối tình lớn, ông là người yêu tôi chung thủy nhất, lâu dài nhất. Thứ ba, cảm ơn vì ông đã cho tôi một bài học rằng dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người đều phải có một mối tình chân thật để sống”.

Đặt nghi vấn Bùi Giáng “có phải là một người điên hay không?”, tác giả Trần Đình Thu nêu giả thuyết liên quan đến cú sốc lớn hồi năm 1969: hỏa hoạn thiêu cháy toàn bộ sách vở quý hiếm, một số tranh và nhiều bản thảo hoàn chỉnh mà Bùi Giáng rất tâm đắc.

Sau cú sốc này, gia đình phải đưa ông vào Bệnh viện tâm thần Biên Hòa chữa trị. Với Tô Kiều Ngân, tác giả cuốn “Mặc khách Sài Gòn”, thậm chí nêu chi tiết hơn về cú sốc đó, khi đếm có đến 3.000 cuốn sách bị thiêu rụi. Nhưng “Mặc khách Sài Gòn” còn liệt kê thêm cú sốc nữa, cú sốc thứ nhất, xảy ra khi bà Phạm Thị Ninh (vợ Bùi Giáng) sinh khó, hai mẹ con cùng chết.

Kể từ đó, nhịp điệu thanh bình cũ ở làng Thanh Châu, xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) dường như rời bỏ cuộc đời Trung niên thi sĩ Bùi Giáng, đẩy xô ông vào ngày tháng ngao du Nam Kỳ lục tỉnh.

Tô Kiều Ngân kể thêm, sau năm 1975, một lần ngồi uống cà phê ở một quán cóc trên đường Nguyễn Đình Chiểu, đọc thơ xong bất ngờ Bùi Giáng rút trong túi ra một nắm bạc bèo nhèo (đếm được khoảng 600 đồng) dúi vào tay ông, bảo: “Cậu đem về cho thằng nhỏ, nói rằng tôi lì xì cho nó”.

Bùi Giáng chưa đến nhà, cũng không biết mình có con nhỏ hay không, sao lại lì xì “cho thằng nhỏ”? Tác giả tự vấn, rồi tự giải đáp: “Sau này suy ra mới hay: anh vốn khao khát tình phụ tử”. Có lẽ vì thế mà Bùi Giáng nhiều khi xin tiền từ các tu sĩ ở Viện Vạn Hạnh rồi mang tặng các cháu bé bán báo dạo, hoặc dúi cho những người nghèo khổ ông gặp trên đường.

Văn nhân đối đãi

“Mặc khách Sài Gòn” cũng kể một số giai thoại đối đãi nồng ấm của giới nghệ sĩ. Nơi thi sĩ Vũ Hoàng Chương đặt tên “Gác Mây” trước năm 1975 thực ra là căn gác thuộc biệt thự Úc Viên của nữ sĩ Mộng Tuyết, vợ nhà thơ Đông Hồ. Vợ chồng thi sĩ Vũ Hoàng Chương lúc đó đang bơ vơ, không có tiền thuê nhà, nên được nữ sĩ Mộng Tuyết mời về ở.

Tại đây, Tô Kiều Ngân cùng bạn bè từng đến uống trà, nghe Vũ Hoàng Chương đọc thơ Tuy Lý Vương. Cũng từ Gác Mây, nhóm của Tô Kiều Ngân “phát hiện” thôn Vỹ Dạ ở Huế từng đi vào thơ Hàn Mặc Tử không phải “Vỹ Dạ” mà phải là “Vỹ Dã”, tức cánh đồng lau…

Nhắc cánh đồng lau, lại nhớ về bưng biền, thời các văn nghệ sĩ còn hoạt động ở chiến khu miền Đông Nam Bộ. Mới hồi đầu tháng 8/2023, nhà thơ Thanh Thảo chia sẻ những dòng kỷ niệm sâu đậm với nhà thơ Chim Trắng (nguyên Tổng Biên tập Báo Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh) khi viết về những nhà thơ Việt Nam hiện đại.

Lúc ấy, 2 người ở 2 “cứ”, cách xa nhau đến một ngày đường đi bộ. Nhưng khi biết nhà thơ Thanh Thảo đang cô đơn và có thể rất buồn sau một “tai nạn thơ”, nhà thơ Chim Trắng lội bộ tìm đến.

“Không phải để an ủi, động viên, mà đơn giản chỉ để mắc võng bên võng tôi, hai anh em nằm chuyện trò tâm sự suốt một đêm dưới tán rừng già. Rồi sáng hôm sau, Chim Trắng lại lặng lẽ đi bộ một ngày đường trở về cơ quan mình. (…) Tôi như được “phục sinh” nhờ những người bạn chân tình”, nhà thơ Thanh Thảo viết.

Trong giới nhạc sĩ Việt, có cặp đôi tài danh ban đầu xưng chú - cháu, sau chuyển sang anh - em, rồi dần hóa thành bạn tri âm. Năm 1939, “chú” 16 tuổi viết ca khúc đầu tiên “Buồn tàn thu”, cũng là lúc “cháu” chào đời.

Năm 1958, khi “chú” dừng viết nhạc thì “cháu” 19 tuổi, viết ca khúc đầu tay “Ướt mi”. Nhưng mãi đến sau năm 1975, họ mới chính thức gặp nhau: Văn Cao - Trịnh Công Sơn. Lần gặp đầu tiên ấy từng được họa sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao, kể lại rất xúc động.

Họa sĩ Văn Thao còn kể, trong ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội” sáng tác năm 1985, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn định kết thúc ở câu “Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi”. Nhưng rồi ông viết thêm: “Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội/ Nhớ đến một người, để nhớ mọi người”. Nhạc sĩ họ Trịnh quả quyết đó là phần vĩ thanh, “nhớ đến một người” là nhớ đến nhạc sĩ Văn Cao.

Một nỗi nhớ sâu lắng, trọn vẹn, bát ngát và độc quyền.

“Mối tình nghệ sĩ như giấc mơ”, Đoàn Chuẩn - Từ Linh từng ngụ ý như thế về tình trai gái trong ca khúc “Tình nghệ sĩ” nên tình ấy thường “chóng tàn vì vương muôn ý thơ”. Nhưng một khi người nghệ sĩ gói chữ tình bằng ân, bằng nghĩa, thì tình ấy sẽ đẹp như giấc mơ mà lại không dễ chóng tàn.

(QNO)