Tháng 10, nhớ nhạc sĩ Văn Cao

08.10.2014

Hà Nội những ngày tháng 10 cờ hoa rực rỡ. Ngắm thành phố lộng lẫy và thanh bình trong nắng mùa thu, hẳn nhiều người chợt nhớ một người tài hoa nổi tiếng gắn bó cùng Hà Nội với những ca khúc vọng mãi cùng non sông. Đó là nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ Văn Cao - tác giả của Tiến quân ca Tiến về Hà Nội bất hủ.

Tháng 10, nhớ nhạc sĩ Văn Cao

Tiến quân ca tròn 70 tuổi

Nhạc sĩ Văn Cao sinh ngày 15-11-1923 trong một gia đình nghèo ở Hải Phòng, quê gốc ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Sinh ra và lớn lên trong lúc đất nước chịu ách nô lệ của Pháp, Văn Cao đã sớm hiểu biết về sự thống khổ của người dân. Năm 19 tuổi, ông rời Hải Phòng lên Hà Nội học dự thính Trường Mỹ thuật Đông Dương theo lời rủ của người bạn thân là nhạc sĩ Phạm Duy. Lúc này, ông bắt đầu làm thơ, viết truyện ngắn gửi đăng trên tờ Tiểu thuyết thứ bảy.

Những năm 1943-1944, Văn Cao bắt đầu cho ra đời những tác phẩm hội họa gây tiếng vang tại triển lãm Độc đáo (Salon Unique) như: Cô gái dậy thì, Nửa đêm, Sám hối, đặc biệt là Cuộc khiêu vũ của những người tự tử… Tuy những bức tranh này thu hút sự chú ý của công chúng nhưng không bán được. Thêm vào đó, Văn Cao cũng không nhận được nhuận bút từ những bài thơ, bài hát, truyện ngắn, dù được đăng và biểu diễn từ Bắc chí Nam, nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Nhiều lúc ông phải dựa vào sự giúp đỡ của những người bạn họa sĩ. Công việc bế tắc giữa lúc Hà Nội và cả miền Bắc chìm trong trận đói lịch sử.

Mùa đông năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh vốn quan tâm đến những hoạt động nghệ thuật của nhạc sĩ từ trước đó. Chính Vũ Quý đã khuyến khích Văn Cao viết những ca khúc yêu nước như: Đống Đa, Thăng Long hành khúc, Tiếng rừng… Lúc gặp lại, Vũ Quý mời Văn Cao tham gia lực lượng Việt minh và đề nghị ông viết một ca khúc cho quân đội cách mạng. Thế là ý định viết một bài hát thật giản dị, dễ hát mà ai ai cũng có thể hát được dành cho những chiến sĩ Việt minh được hình thành.

Cũng vào thời điểm ấy, Văn Cao nhận được tin gia đình ở quê đang chịu cảnh đói rét, mẹ ông cùng các anh chị và các cháu hết sức cơ cực. Trong cuộc mưu sinh, một cháu gái của ông bị thất lạc, có thể đã chết vì đói khát dọc đường. Tin này như xé nát tâm can ông. Mãi sau này, nhạc sĩ Văn Cao hồi tưởng: “Tôi đi mãi đến lúc đèn các phố bật sáng. Bên gốc cây, bóng những người đói khổ trần truồng loang trên hồ lạnh. Họ đang đun thứ gì đấy trong ống bơ sữa bò. Ngọn lửa tím sẫm bập bùng trong những hốc mắt. Có một đứa bé gái, khoảng lên ba. Tôi ngờ ngợ như gặp lại cháu tôi. Đôi mắt nó giống như mắt mèo con. Cháu bé không có một mảnh vải che thân. Nó ngồi ở xa nhìn mấy người lớn sưởi lửa. Hình như nó không phải là con cái số người đó. Hình như nó là đứa trẻ bị lạc, cũng không phải là cháu tôi. Nó chết thật rồi. Có thể nó đã nằm lại trong đám người chết đói dọc đường Nam Định - Hải Phòng. Tôi bỗng trào nước mắt và quay đi. Đêm ấy, trên căn gác nhỏ 171 phố Mongrant, tôi đã viết được những nốt đầu tiên của Tiến quân ca.

Tên bài hát và lời ca như sự tiếp tục từ Thăng Long hành khúc, mãnh liệt, hào hùng và bi tráng, mang trong mình tính dự cảm và gây được nhiều ảnh hưởng tích cực cho phong trào cách mạng. Vì ra đời trong bối cảnh lịch sử như thế nên Tiến quân ca có những ca từ thật dữ dội “thề phanh thây uống máu quân thù…”. Lý giải điều này, nhạc sĩ Văn Cao thổ lộ: “Nếu không có cảnh 2 triệu người chết đói dần mà tôi đã chứng kiến khi bắt đầu viết ca khúc này, tôi đã không viết như vậy”.

Kỳ họp Quốc hội năm 1946, Tiến quân ca chính thức được Bác Hồ chọn làm Quốc ca của Việt Nam. Năm 1993, Quốc hội lại một lần nữa khẳng định vị trí bất di bất dịch của ca khúc này và nó cũng đã được nhạc sĩ Phạm Duy xem là bản hùng ca hay nhất của nền tân nhạc Việt. Trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, Tiến quân ca - Quốc ca vẫn mãi là giai điệu bất hủ trong lòng người dân Việt.

Lạc quan Tiến về Hà Nội trước… 5 năm

Sau thành công của Tiến quân ca, Văn Cao tiếp tục viết Chiến sĩ Việt Nam, Bắc Sơn. Năm 1947, ông viết Trường ca sông Lô, Làng tôi rồi Ngày mùa vào năm 1948... Đặc biệt, năm 1949, ông viết Tiến về Hà Nội như một dự cảm đặc biệt đón bắt lịch sử.

Nhạc sĩ Văn Cao viết Tiến về Hà Nội trong những đêm dài gian khó của cuộc kháng chiến, chỉ mơ ước có một ngày toàn thắng. Ngay từ khi ra đời, bài hát đã được in trên báo Thủ Đô và lưu truyền rộng rãi trong cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Liên khu 3, được mọi người yêu thích. Vậy mà chỉ một thời gian sau đó, ông bị đưa ra phê bình vì một số quan điểm, tư tưởng “không hợp thời”.

30 năm sau đó, Văn Cao sống trong lặng lẽ, ông chỉ làm thơ, vẽ minh họa kiếm sống mà không sáng tác âm nhạc. Mãi đến mùa xuân năm 1976, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông mới viết Mùa xuân đầu tiên, đánh dấu sự hồi sinh trong tâm hồn người nghệ sĩ.

65 năm trôi qua, Tiến về Hà Nội vẫn vẹn nguyên sức sống, như một cuốn phim tài liệu sống động ngày về chiến thắng của đoàn quân trở về từ chiến khu. Tuy vậy, lúc ấy, nhiều người vẫn chưa dám mơ ước một ngày như thế, và Văn Cao thậm chí bị cho rằng đã “lạc quan tếu” bởi 5 năm sau, thủ đô mới hoàn toàn được giải phóng. Hình ảnh Hà Nội rực rỡ cờ hoa và các đoàn quân tiến về phố phường từ năm cửa ô đúng như lời Văn Cao trong ca khúc.

Trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, âm nhạc của Văn Cao vẫn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Sáng sáng, lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ vẫn được kéo lên trên Quảng trường Ba Đình lịch sử trong tiếng nhạc hùng tráng của Tiến quân ca. Và mỗi dịp thủ đô kỷ niệm ngày giải phóng 10-10, giai điệu của Tiến về Hà Nội xuất hiện hoành tráng trên sóng phát thanh và truyền hình cả nước.

Giờ đây, người nhạc sĩ tài hoa đã đi vào cõi thiên thai nhưng những sáng tác của ông vẫn làm cả người biểu diễn lẫn người nghe xúc động. Ghi nhận những đóng góp to lớn của Văn Cao, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng ông rất nhiều huân chương, huy chương, trong đó phải kể đến Huân chương Lao động hạng nhất và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật.

THÁI HƯƠNG LIÊN

 

Nguồn: baodanang.vn