Nữ nhi anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử

21.03.2024
Lục Diệp
Tiểu thuyết lịch sử khắc họa nhân vật qua các giai đoạn, triều đại với góc nhìn mới, đầy sáng tạo của nhà văn. Khoảng trống sử liệu là cánh cửa mở cho người cầm bút bước vào khai thác cuộc đời và thân phận nữ nhi trong lịch sử.

Nữ nhi anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử

Trống đồng - biểu tượng sức mạnh quật cường

Câu chuyện phất cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã đi vào sách sử, truyện tranh cũng như các vở diễn sân khấu. Với văn chương, Trống đồng (nhà văn người Mỹ gốc Việt - Phong Nguyen, Omega Plus Books và Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành) có lẽ là tiểu thuyết lịch sử đầu tiên khai thác đầy đặn về Trưng Nữ Vương. Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà văn Phong Nguyen chia sẻ rằng từ nhỏ, ông đã được nghe cha kể chuyện về Hai Bà Trưng. Câu chuyện đã gây cho ông sự tò mò, muốn biết về lịch sử của đất nước và cội nguồn, nhất là về vai trò của nữ giới trong lịch sử. Trống đồng là tiểu thuyết lịch sử ông ấp ủ, sau nhiều tác phẩm đã xuất bản tại Mỹ.

Tiểu thuyết khai thác giai đoạn từ năm 36-51 sau Công nguyên, về cuộc đời của Trưng Trắc, Trưng Nhị từ thời thiếu nữ ở sân điện Mê Linh cho đến khi nước mất nhà tan, gieo mình tự sát trước sự truy sát của Mã Viện. Nhà văn dựa vào những sự kiện lịch sử có thật, qua đó hư cấu tính cách và đời sống của các nhân vật. Tác giả đã tái dựng một không gian truyện với bối cảnh đầu Công nguyên và cho người đọc sống trong không khí thuở Lạc Việt chống ngoại xâm. 

“Nhân vật lịch sử trong văn không trùng khít với nhân vật lịch sử trong sử, vì sử không có gì ngoài niên đại và sự kiện, còn văn có tất cả. Sử không ghi tính cách của Trưng Trắc, Trưng Nhị và Thi Sách thế nào nên đó là khoảng trống để nhà văn hư cấu. Bên cạnh 2 người con gái thì người mẹ Man Thiện nương quả cảm cũng là cách nhà văn đề cao sức mạnh của phụ nữ trong lịch sử” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định về Trống đồng. 

Nhà văn Phong Nguyen bày tỏ: “Một trong những điều tôi cực kỳ yêu thích về tác phẩm hư cấu chính là tính trung thực. Nó không tuyên bố chân lý và chỉ đơn giản yêu cầu bạn sống trong thế giới truyện một lúc mà thôi”. Với Trống đồng, ông đã sáng tạo tối đa cả nhân vật có thật lẫn nhân vật hư cấu. Tính cách và thân phận của Trưng Nữ Vương được khai thác dưới góc nhìn mới, theo quan điểm cực kỳ tiến bộ về giới. Điều này ít nhiều có thể tạo nên những tranh luận cho phần đầu tác phẩm. Tuy nhiên, càng về sau, câu chuyện khởi nghĩa quật cường và kết cục bi tráng của các nhân vật vừa cảm động vừa là niềm ngưỡng phục, tự hào về tinh thần yêu nước, những giá trị truyền thống ngàn đời của dân tộc.

Tiểu thuyết Trống đồng dày hơn 300 trang, với 4 phần (gồm 35 chương) có biểu tượng trung tâm là trống đồng. Cho đến cuối cùng, khi Trưng Nữ Vương đã hy sinh, Mã Viện ra lệnh tịch thu tất cả trống đồng nước Nam để nung chảy thì ở một phương trời Việt quốc, vẫn còn mãi những chiếc trống đồng được chôn giấu “dưới sự phù trợ của Thần Hộ Mệnh, suốt 2.000 năm”. Trống đồng của nhà văn Phong Nguyen đã bổ sung một tác phẩm ấn tượng vào dòng chảy tiểu thuyết lịch sử Việt Nam. 

Khoảng trống cho sáng tạo

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhìn nhận: “Lịch sử còn nhiều đề tài như trống đồng cho văn chương viết thành tiểu thuyết lịch sử”. Theo ông, tác phẩm văn học hoàn toàn có thể khai thác phần hư bên cạnh những phần thực của nhân vật lịch sử. Chính các nhân vật được nhà văn hư cấu 100% sẽ góp phần phục vụ ý đồ nghệ thuật, tạo ra những diễn ngôn sâu sắc cho tác phẩm. Trong tiểu thuyết Trống đồng, các nhân vật hư cấu được ghi rõ ở phần chú giải. Đó là Kha cận vệ - người đã chôn giấu những bảo vật trống đồng giữ mãi ngàn năm. Đó là Phùng Thị Chính - người đã sinh đứa con gái Triệu Ẩu để trở thành thế hệ kế thừa, gìn giữ bảo vật của Lạc Việt…

Văn học nghệ thuật lâu nay vẫn khai thác “mỏ vàng” từ đề tài lịch sử. Rất nhiều tác phẩm dựng thành công những hình tượng nhân vật anh hùng. Ở khía cạnh “thân phận nữ nhi” trong lịch sử, dù chưa được khai thác nhiều trong văn chương, nhưng cũng đã có được những tác phẩm ghi dấu ấn: Bão táp triều Trần - Huyền Trân công chúa (Hoàng Quốc Hải), Từ Dụ thái hậu, Công chúa Đồng Xuân (Trần Thùy Mai), Nữ sĩ thời gió bụi (Lê Phương Liên, viết về Đoàn Thị Điểm), Vũ tịch, Hồ dương, Thiên hạ chi vương (Trường An, bộ 3 tác phẩm viết về những nàng công chúa triều Nguyễn), Nguyệt thư ảnh kiếm (Bình Chi, viết về Lý Chiêu Hoàng)…

Đó cũng là những tiếng nói mới đầy rung cảm và bao dung của nhà văn trước những số phận của lịch sử. Quan trọng hơn, cuộc tái hiện lịch sử qua văn chương còn là góc nhìn của hậu thế, góp phần kiến giải về cuộc đời và thân phận của nữ nhi, vốn bị chìm khuất trong sử liệu. 

Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn từng nói, tiểu thuyết lịch sử luôn đòi hỏi tính chính xác, trung thực và khách quan, nhưng đồng thời cũng luôn có “mảnh đất màu mỡ” cho nhà văn khai thác. Mảnh đất đó chính là khoảng trống của sử liệu. Trong các tác phẩm văn chương, khoảng trống sử liệu được lấp đầy bằng cuộc đời, số phận, tính cách của các nhân vật lịch sử. Nhà văn Trường An cho rằng, viết về lịch sử cũng là một cách để đối thoại và phản biện, hiểu sâu và lý giải được các vấn đề của thời cuộc. 

Bằng sự tiếp cận đa chiều, các nhà văn đã cho người đọc được sống trong không gian lịch sử, văn hóa của thời đại. Đồng thời cho người đọc bước vào cuộc viễn du thân phận, nói theo nhà văn Trường An là “về những con người của lịch sử mà ta không được phép lãng quên”. 

(PNO)