Đà Nẵng và Hải Phòng: Sáu mươi năm tình nghĩa - Bùi Văn Tiếng
1. Năm 2020 là tròn 60 năm hai thành phố cảng Đà Nẵng và Hải Phòng kết nghĩa. Còn nhớ vào năm 1960, nhằm cổ vũ động viên nhau giữa hậu phương lớn và tiền tuyến lớn, cả nước dấy lên phong trào kết nghĩa giữa các tỉnh miền Bắc với các tỉnh miền Nam, theo đó chỉ nói riêng ở Đất Quảng thì Thanh Hóa kết nghĩa với Quảng Nam và Hải Phòng kết nghĩa với Đà Nẵng. Ngày ấy ở thành phố hoa phượng đỏ thường vang lên câu nói “Hải Phòng - Đà Nẵng nặng lòng tình nghĩa”, và chỉ ba năm sau - năm 1963 - một con phố lớn ở trung tâm Hải Phòng đã chính thức mang tên Đà Nẵng(1).
Trên con phố Đà Nẵng thấm đẫm tình nghĩa Nam Bắc một nhà ấy còn có ngôi trường trung học mang tên nhà yêu nước quê thành phố bên sông Hàn và cũng là tên của chính thành phố này thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Trường Cấp III Thái Phiên được thành lập ngày mồng 7 tháng 11 năm 1960, khi Hải Phòng vừa kết nghĩa với Đà Nẵng. Câu nói “Hải Phòng - Đà Nẵng nặng lòng tình nghĩa” càng trở nên sâu sắc hơn khi đầu năm 1970, nhà thơ Hải Như sáng tác bài thơ Thành phố Hoa phượng đỏ và mấy tháng sau bài thơ đã được nhạc sĩ Lương Vĩnh của Đoàn Ca Múa Nhạc Hải Phòng phổ nhạc. Trong ca khúc được xem là Hải Phòng ca đi cùng năm tháng rất nổi tiếng này, tên gọi Đà Nẵng thân thương như được chắp đôi cánh âm nhạc và thi ca đã nhanh chóng chạm đến trái tim hàng triệu người nghe: Hỡi em yêu trong đêm dài tiễn biệt/ Chưa trọn nghĩa Sài Gòn Đà Nẵng/ Ta tạm biệt xa nhau chào phố biển thân yêu/ Hải Phòng đó... hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu/ Trăm trận đánh quê ta kiên cường/ Hải Phòng ơi năm xưa bé nhỏ/ Nay ta đã thấy rộng dài rực sáng/ Sánh vai cùng Sài Gòn Đà Nẵng quê hương.
2. Trong những thành phố cảng biển ở nước ta, Hải Phòng và Đà Nẵng vốn có nhiều cơ duyên. Cả hai đều trở thành nhượng địa của thực dân Pháp trên cơ sở Dụ số 576 của vua Đồng Khánh ký ngày mồng 1 tháng 10 năm 1888, trong đó nêu rõ: “Các vùng đất của các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Tourane [Đà Nẵng] được lập thành nhượng địa Pháp và được chuyển giao toàn quyền sở hữu cho Chính quyền Pháp bởi Chính phủ An-nam, bên từ bỏ mọi quyền hạn của mình đối với các vùng đất nói trên”. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thân phận nhượng địa theo Dụ số 576 này của Hải Phòng chỉ chính thức kết thúc vào ngày 13 tháng 5 năm 1955, còn Đà Nẵng thì muộn hơn - gần hai mươi năm sau - vào ngày 29 tháng 3 năm 1975. Chính vì sự “chậm chân” này của thành phố kết nghĩa mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 700 cán bộ chiến sĩ Đoàn 399 Bạch Đằng 1 Thủy Nguyên - sau này là Tiểu đoàn Hải Đà - đã phải “tạm biệt xa nhau chào phố biển thân yêu” để vượt Trường Sơn vào mặt trận Quảng Đà tham gia chiến đấu góp phần giải phóng Đà Nẵng. Mặc dù sau khi đến mặt trận Quảng Đà, Tiểu đoàn Hải Đà được đổi tên thành Tiểu đoàn 76 nhưng tên gọi Hải Đà đã đi vào tâm trí của người Hải Phòng và người Đà Nẵng từ những năm đạn bom khói lửa. Ngày nay mỗi khi đến tham quan khu đền tưởng niệm Tiểu đoàn 76 - Hải Đà, khách tham quan dường như vẫn còn nghe vang vọng đâu đây lời tuyên thệ dưới quân kỳ của hàng trăm cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn Hải Đà ở thao trường ngoài Yên Tử trước khi vào chiến trường: “Tiểu đoàn Hải Đà sẽ mang dòng máu Trung dũng - Quyết thắng vì Quảng Nam Đà Nẵng thân yêu”(2)...
3. Sau ngày đất nước thống nhất, quan hệ giữa hai thành phố kết nghĩa Đà Nẵng và Hải Phòng càng trở nên bền chặt. Thành phố Đà Nẵng đã quyết định đặt tên Hải Phòng cho một con đường ở trung tâm chạy ngang qua Ga đường sắt Đà Nẵng. Đặc biệt Đà Nẵng và Hải Phòng gần như đồng hành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cả hai thành phố cùng trực thuộc Trung ương và cùng được công nhận là đô thị loại I, cùng được Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết riêng nhằm tạo động lực phát triển: Bộ Chính trị (khóa IX) ra Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2003 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, và ra Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16 tháng 10 năm 2003 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Kết luận số 72-KL/TW ngày 10 tháng 10 năm 2013 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW đối với Hải Phòng và ban hành Kết luận số 75-KL/TW ngày 12 tháng 11 năm 2013 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW đối với Đà Nẵng; Bộ Chính trị (khóa XII) ra Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 1 năm 2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và ra Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24 tháng 1 năm 2019 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong 6 chiếc tàu ngầm Kilo lớp 636 mà Nhà máy đóng tàu Admiralty của Nga đóng cho Hải quân Việt Nam thì chiếc tàu ngầm thứ 3 mang tên “Hải Phòng” với phiên hiệu HQ-184 Hải Phòng về đến quân cảng Cam Ranh ngày 31 tháng 1 năm 2015; chiếc tàu ngầm thứ 5 mang tên “Đà Nẵng” với phiên hiệu HQ-186 Đà Nẵng về đến quân cảng Cam Ranh ngày 28 tháng 2 năm 2017.
4. Sau ngày đất nước thống nhất, Đoàn Kịch nói Hải Phòng vinh dự là đoàn kịch đầu tiên được Ủy ban Thống nhất Trung ương và Bộ Văn hóa điều vào phục vụ chiến sĩ đồng bào một số tỉnh phía Nam. Hạ tuần tháng 5 năm 1975, Đoàn Kịch nói Hải Phòng vào đến thành phố Đà Nẵng kết nghĩa và ở lại đây tròn một tháng để tổ chức biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Trưng Vương các vở kịch đã được chuẩn bị không chỉ bằng lao động nghệ thuật công phu mà còn bằng tình cảm thân thương của người Hải Phòng kết nghĩa như Cửa mở hé của Lộng Chương, Nhật ký người mẹ của Vũ Dũng Minh, đặc biệt là các vở kịch do Ngô Y Linh/Nguyễn Vũ sáng tác và dàn dựng như Đường phố dậy lửa hay Đâu có giặc là ta cứ đi... Và chính hoạt động biểu diễn của Đoàn Kịch nói Hải Phòng vào những ngày tháng 5 lịch sử ấy đã mở ra một thời kỳ mới về giao lưu văn học nghệ thuật của hai thành phố kết nghĩa. Những năm vừa qua, Tạp chí Non Nước của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng và Tạp chí Cửa Biển của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng đã thường xuyên trao đổi bài vở nhằm giới thiệu những sáng tác mới của văn nghệ sĩ hai địa phương.
B.V.T