Đá đỏ - Phan Xuân Hậu.
17.12.2014
Tôi về làng hôm trước thì hôm sau có mấy cái xe máy lượn lờ trước cổng, chỉ chỉ, trỏ trỏ. Hỏi ra thì được biết: có người nghi tôi đào được đá đỏ nên đánh tiếng cho dân buôn đến, kiếm chút hoa hồng. Tôi cười không ra tiếng, miệng méo xẹo đi vì một cảm giác vừa đau đớn vừa mỉa mai.
Thế mà vẫn chưa hết, hôm sau găp thằng bạn từ thủa chăn trâu cởi truồng, nó vỗ vai rồi nói: “Liên hoan đi chứ? Kín thế”.
Làng tôi xa đường quốc lộ, từ trung tâm huyện lỵ đến làng phải qua hai chặng đường đê, một cánh đồng và một con sông nhỏ. Làng tôi như một thành lũy cuối cùng còn bảo lưu được những nét thôn dã bao đời yên tĩnh. Ấy vậy mà mấy năm trước đây nó rung lên sùng sục bởi một loại khoáng sản đặc biệt, nhỏ như hạt sạn và cứng như cái gậy thép của Tề Thiên Đại Thánh, màu hồng hồng mà người ta gọi nôm na là đá đỏ. Nó đã đại náo sự yên tĩnh của quê tôi, đi vào mọi ngõ ngách của đời sống, thêm vào kho ngôn ngữ vốn đã phong phú sống động của miền quê này bao từ ghép với danh từ “đá đỏ”.
Trẻ con ra rả cả ngày, cát-sét cất lên giai điệu bải hoải cũ rích của một người mù.
“Anh đi đào đá đỏ
Tận vùng mỏ Qùy Châu
Anh biết tìm đâu
Tìm đâu ra đá màu… ”
Số ít người tỉnh táo hơn nép mình tránh “cơn sốt đá đỏ” để vẫn duy nếp sống bình thường. Còn tất cả sôi lên sùng sục, bàng hoàng lạc lối và say sưa trong một ảo ảnh màu hồng nhuộm đỏ cả giấc mơ của một miền quê rộng lớn. Nhuộm đỏ cả giấc mơ của những đứa trẻ mới bước vào đời.
Bạn tôi tên Hiền. Một hôm, tôi cùng Hiền đang rảo bước trên cánh đồng làng trên con đường từ trường về nhà. Đột nhiên Hiền nói với tôi rằng, đêm qua nó nằm mơ thấy có một viên đá đỏ cầm trong tay. Rồi Hiền rủ tôi đi thử vận may xem sao? Và Hiền đi thật, không để cho tôi khuyên can lấy một lời. Cho đến hôm nay, cái di chứng từ đợt đi lên vùng đá đỏ đó đã lại cho nó một cặp môi đen sịt vì sốt rét vẫn còn ám ảnh tôi và Hiền. Chao ôi! Cái cặp môi đó nó đẹp và đỏ hồng, uốn một đường cong như cánh chim vào một buổi hoàng hôn ửng nắng. Nó luôn nói những lời trong trẻo làm mát lòng bạn bè, người thân như một câu thơ mà chúng tôi vẫn thường nghe thầy giáo giảng. Thế mà nay, nó trở nên “sặc mùi đen bạc”, chính nó mới hôm qua vỗ vào vai tôi nói như một tay cờ bạc bị cháy túi. Chả là tôi mới có một chuyến đi từ “vùng đồi tỷ, đồi triệu” trở về. Và sau đó thì…
Thấy tôi có vẻ trầm ngâm, mẹ tôi bèn nói với tôi bằng một giọng nói trầm trầm thủng thẳng như những giọt mưa ngày xưa bên mái nhà tranh nhỏ xuống thềm nhà. Tôi nghe mẹ kể về câu chuyện đá đỏ ở làng. Những giọt nước mắt của mẹ vẫn thỉnh thoảng lăn xuống lằn má nhăn vết chân chim. Không dưới một lần tôi nghe mẹ tôi khóc, những giọt nước mắt có thể làm mềm lòng những ai cứng cỏi nhất, “cứng như thép”, nó như một thứ a xít có thể ăn mòn được mọi trái tim sắt đá. Thế mà nó không ngăn được anh tôi, hay là nó đã không ăn mòn được cái vật phẩm có tên là đá đỏ. Những giọt nước mắt đó đã không ngăn được bước chân đi tìm đá đỏ của anh tôi. Để rồi, giọt nước mắt của mẹ tôi cứ lăn mãi lăn mãi mỗi khi mẹ chạnh lòng nhìn vào cánh tay lành lặn rắn khỏe cuộn lên những thớ thịt của anh tôi nay chi còn một đoạn teo lủng lẳng. Cái lần lên đồi tỷ đó của anh tôi, ở những cái hầm sâu hun hút thỉnh thoảng lại lóp ngóp xuất hiện một cái đầu bù xù với tia mắt hy vọng ẩn sau khuôn mặt tối dại và lấm lem bùn đất. Rồi sau đó là những tay anh chị mặt đỏ ngầu lăm lăm đòi chia chác, đòi ăn chặn hoặc man rợ chặt phăng đi những bàn tay đang cầm viên đá đỏ. Còn anh tôi, sau tia hy vọng lóe lên là một tiếng nổ chát chúa, xé toang và làm rối tung những con người lầm lũi hùng hục, bê bết tất tưởi moi những bị đất cát từ những cái hầm tăm tối. Một cánh tay anh tôi đã để lại với đất cát vùng đồi tỷ. Máu đã nhuộm cùng màu đá đỏ.
Sau đó mấy tháng trời anh tôi vẫn còn ám ảnh để rồi cứ nói sảng: “Đỏ, đỏ quá, đỏ hết rồi… đỏ, đỏ…”. Có phải vì tiếc viên đá đỏ hay là vì cái màu máu nhuộm đỏ cơ thể anh, nhuộm đỏ cả cơ thể tên cướp, đỏ cả một vạt đất nhầy nhụa thịt người.
Sau lần đó, tôi rời làng ra đi, tôi vào chỗ người anh khác của tôi để tiếp tục học năm cuối cấp. Còn ở làng, người ta vẫn tiếp tục kéo nhau đi đào đá đỏ. Buổi sáng, khi bóng đêm còn đặc quánh và sương mù bao trùm cả làng co rúm lại trong cái lạnh đầu mùa thì vẫn có những người í ới gọi nhau, lịch cà lịch kịch lầm lũi đi trong màn đêm đi lên vùng đồi đá đỏ. Ở làng chỉ còn lác đác các cụ già và đàn bà con trẻ. Làng vắng lặng đìu hiu như vừa qua một đại dịch. Người ta kéo nhau đi, cả thầy giáo Chân là người điềm tĩnh nhất làng mà cũng không ngồi yên để người ta lặn ngụp trong cơn sốt tiền sốt bạc được.
Thầy Chân là dân ngụ cư, thầy ở cửa Vạn lên dạy cấp ba trường huyện. Thời chiến tranh, nhà thầy ở cạnh cầu Dinh nhưng rồi bom đạn nó “mời ” thầy sơ tán về làng tôi rồi ở luôn cho đến tận bây giờ.
Thầy Chân hiền như cục bột lại là người yêu văn thơ. Buổi sáng, chúng tôi đi học ngang nhà thầy là nghe thầy sang sảng đọc thơ. Có đứa chọc ghẹo thầy: “Thầy ơi, thầy có sợ vợ không hả thầy?”. Thầy trả lời: “Thầy thì sợ vợ nhưng thơ thầy thì không”. Vợ thầy buôn bán hàng xén ở chợ. Thỉnh thoảng thầy có bài thơ nào đăng báo là vợ thầy lại túm lấy như người ta mót lúa sót. Thầy có một cục thịt thừa ở bờ vai, có ai hỏi đó là cục gì thì thầy trả lời: “Đó là cục tình yêu em ạ”. Còn tôi thì lại nghĩ, thầy Chân đi qua cuộc đời này như một con lạc đà vượt qua sa mạc bằng tình yêu thơ của mình. Tình yêu thơ của thầy như một thứ năng lượng dự trữ trên lưng con lạc đà tưới mát cuộc đời thầy bên cạnh một cô vợ chi li tính toán từng xu một. Cô vợ đó như một người lái buôn vắt vẻo tên lưng con lạc đà là thầy Chân. Một sự bổ sung tuyệt vời của tạo hóa.
Xưa nay, thầy Chân luôn bàng quan trước mọi đua chen của cuộc đời. Thầy lầm lũi cày và gặt trên cánh đồng thơ của mình. Nhưng rồi cánh đồng thơ nhỏ nhoi và êm đẹp như một thảm nhung của thầy đã bị cơn sốt đá đỏ xới tung lên. Thầy cũng lầm lũi theo đoàn người gánh gồng lên miền đất hứa. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao một người như thầy Chân cũng dễ dàng lao vào cuộc đỏ đen như thế. Còn mẹ tôi thì cho rằng, do một sự mê tín nào đó của những người, trong đó có cả đồng nghiệp của thầy. Với sự mê tín đó, người ta cần sự có mặt của thầy như là một sự cầu mong thần bí. Còn lên đó, thầy cứ việc tìm cảm hứng thi ca trên vũng bùn nhơ nhuốc của đồng tiền đá đỏ và những phận người.
Còn thầy Chân thì nói : “Biết đâu, lên đó tao lại viết được một cái gì thật đặc sắc thì sao”…. Còn tôi, sau cái lần thầy Chân đi rồi, vào cái mùa hè cuối cùng của đời học sinh, tôi đã đi ra khỏi làng, khỏi cái nơi mà bao đời nay vẫn hun đúc nên những con người có ý chí và nghị lực học hành đến thành giai thoại đó. Nhưng giờ đây, cái giai thoại đẹp đẽ đó đã bị sứt mẻ và nhuốm một màu vàng mã. Cái màu của hồng cầu đập một nhịp thi ca của bao người chân chất đang lẫn lộn với một thứ màu hồng của cái viên đá phía chân trời miền tây quê tôi. Nơi mà mỗi lần nhìn lên rực một màu hoàng hôn nhuộm vàng cả cánh đồng. Nơi gợi niềm cảm hứng thi ca của thầy Chân nay được nhìn bằng màu của những đôi mắt chứa bao điều khác lạ.
Thầy Chân đi độ hai tuần thì vào một hôm, khi cả làng đang nằm im ắng thì từ đầu làng có đứa trẻ chạy về và hét to như một chú lính báo tin thắng trận trở về. Những người làng chạy túa ra đón thầy Chân như đón sứ giả báo tin thắng trận. Nhưng thầy Chân chỉ lặng lẽ cúi đầu, bước chân đi nặng nề về nhà mặc cho người thì níu áo, người thì níu chân, người thì hỏi dồn dập với bao hi vọng rực lên trong đôi mắt mở to hết cỡ.
Rồi từng người một trong đám mấy chục con người đi đào đá đỏ đó mới lác đác lục tục kéo về làng. Người thì về từ tờ mờ sáng, bơ phờ mệt mỏi. Người thì về từ chiều tối, hối hả hấp tấp. Sự im ắng lạnh lùng bao trùm lên thôn xóm. Rồi sau đó là tiếng xì xào bàn tán, hầm hè, hùng hổ của những con người khi thì mặt thuỗn ra ngơ ngác, khi thì mặt vằn lên tia nhìn dữ tợn như tóe lửa. Người ta thì thầm to nhỏ xôn xao. Trong câu chuyện chắp vá đó, người ta nhặt được những mảnh vụn để dựng lên một câu chuyện rằng: đang ngày thứ năm hừng hực khí thế người ta không thấy bóng dáng thầy Chân đâu nữa. Cả nhóm xôn xao lên như một đàn gà con lạc mẹ. Rồi người ta lùng sục, tìm kiếm cả những nơi là tử địa. Nhưng cũng không thấy thầy Chân đâu. Có giả thiết, nghi vấn được đưa ra: có lẽ thầy Chân tìm được một viên đá tỷ nào đó rồi lặng lẽ chuồn mất, định miếng ngon nuốt cả miếng. Có thể lắm, thánh nhân đãi kẻ khù khờ mà. Những hàm răng vẩu xám xịt khói thuốc dơ cái mặt vêu như cái lưỡi cày chỉ chực xỉa xói, bới móc, đoán già đoán non. Có người hiền hơn thì cho rằng: thầy Chân bỏ đi chẳng vì lý do nào cả. Chỉ vì cái tính “thơ” của thầy mà thôi. Cũng có kẻ bán tin bán nghi không biết nên tin vào giả thiết nào? Vậy là ai cũng mang cái mặt cúi cúi, gằm gằm bước chân đi hối hả tất bật về làng. Cả làng như đứng trước một đại dịch, người ta khi thì thầm thì, khi thì im lặng giữ một bộ mặt bí ẩn như điều đó có liên quan đến sinh mệnh của cả cộng đồng.
Tội nghiệp cho thầy Chân, thỉnh thoảng có kẻ đi ngang chửi đổng một tiếng. Có đứa còn hét toáng lên rằng: có muốn nuốt một mình cũng phải nôn ra, không tiêu được đâu? Lạ nhất là có kẻ xưa nay vốn ru ru ở xó bếp cũng đi ngang chọc một câu như thằng mù chọc bị thóc: “Sao chưa thấy mua sắm gì nhỉ?”.
Rồi cả nhóm người mà trước đây tôn thầy Chân như một thủ lĩnh tinh thần rất đỗi thành kính đó bỗng họp nhau lại. Họ nghĩ ra một cách, đang đêm, họ xông vào nhà thầy. Tên thì bẻ cánh tay thầy gập ra sau, kẻ thì nắm lấy tóc thầy mặc cho vợ thầy Chân xưa nay vốn đanh đá là thế cũng phải quỳ xuống mà van xin họ tha cho thầy. Đến đứa con ba tuổi của thầy cũng giơ cánh tay yếu ớt lên mà níu lấy bàn tay to kệch của chúng mà khóc thét lên.
Thế mà chúng cũng không buông tha, chúng dẫn thầy đi trong đêm. Trong nhóm này có một đứa tên Hàu, trước đây từng là lính đào ngũ đi buôn gỗ lậu rồi sau đó về làng sống du thủ du thực. Vào hôm mà thầy Chân bỏ về làng, hắn cũng chuồn đi rồi phao tin là đuổi theo một người mà hắn nghi là đã thông đồng giấu viên đá đỏ cùng với thầy Chân. Tên này là tích cực nhất trong việc hành hạ thầy Chân.
Thầy Chân bị giải đi độ ba hôm rồi lại bị dẫn trở về. Cả bọn này hăm hở háo hức khi đi bao nhiêu thì lại tiu nghỉu khi trở về bấy nhiêu. Chúng nghe thầy Chân khai là giấu viên to bằng ngón tay cái ở vùng gần đồi tỷ, trong vườn một người quen. Nhưng rồi cả bọn chưng hửng khi khi không thấy viên đá đỏ đâu mà chỉ thấy một bàn tay người trắng hếu, thầy Chân nói là thấy lẫn trong đất đá, nhìn sợ quá nên thầy đem chôn đi, rồi thầy bỏ về.
Trong khi chúng dẫn thầy Chân đi thì ở làng người ta hớt ha hớt hải kéo đến nhà tên Hàu. Con vợ tên Hàu tuy điếc lác xấu xí mà tốt bụng. Lâu nay, nó cứ thấy chồng giấu giấu giếm giếm thì sinh nghi. Khi chồng đi rồi nó bèn lôi ra một cái bọc, lột hết năm tầng bảy lớp vải gói thì lòi ra một viên đá. Nó la toáng lên đánh động cả làng đến chật nhà tên Hàu, vòng trong vòng ngoài như nhà có đám. Rồi người ta đòi xem, đòi kiểm chứng, nhao nhao cả lên… Viên đá đỏ được vợ thằng Hàu cho mọi người chiêm ngưỡng, hàng trăm cặp mắt đổ dồn mở to như lồi ra vì sung sướng có, vì bất ngờ ngạc nhiên có, vì tò mò hiếu kỳ và vì thẫn thờ tiếc nuối cũng có. Hằng trăm cặp mắt, bấy nhiêu tâm trạng hừng hực khí thế, rạo rực như người ta chiêm ngưỡng một biểu tượng gì thiêng liêng lắm…
Trong khi sự phấn khích đang dâng lên tột độ, hàng trăm cặp mắt đang ánh lên tia nhìn đổ dồn lên viên đá đỏ, cái viên đá hồng ánh lên trước cái nắng đầu mùa lấp loáng đang nằm trong bàn tay người đàn bà đen đủi nhăn nheo đó thì… từ từ, một phút, hai phút, ba phút, bàn tay đưa qua phải, hàng trăm cặp mắt nhìn lại, bàn tay đưa qua trái, hàng trăm cặp mắt nhìn sang… năm phút, sáu phút, sự im lặng nhường chỗ cho sự im lặng đến nín thở, bảy phút, tám phút… viên đá màu nhiệm bỗng dưng không phát ra cái màu kỳ diệu nữa. Nó lợt dần, nhạt dần, một sự chuyển động hóa học mà những người ở đây không lý giải được. Viên đá chuyển từ màu đỏ huyền nhiệm sang màu nhợt nhạt. Những cặp mặt tối dại vì sung sướng bỗng chốc tối sầm lại, từ màu hồng kì diệu chuyển sang màu đen sẫm. Thế này là thế nào? Họ tràn lên tra vấn: “Này con mẹ điếc, vợ thằng Hàu trả lời đi chứ? Niềm hy vọng đổi đời kia? Sao lại thế? Ngươi đánh mất niềm hy vọng của chúng ta chỉ trong giây lát… này con mẹ Hàu? Hay là lại lừa đảo? Nào, lùng sục đi thôi?”.
Viên đá đỏ bỗng chốc nằm lăn lóc dưới bàn chân của hàng trăm con người ào vào nhà vợ chồng Hàu. Nhà họ bị xới tung, mọi ngõ ngách bị lục soát, sự hỗn tạp dẫm đạp lên tất cả, lòng tham lam phá nát tất cả. Ngôi nhà bỗng chốc bị phá tung. Đám người vẫn tiếp tục rà soát từng viên gạch vỡ.
Khi công an kịp thời đến can thiệp thì cũng là lúc những con người đã quá mệt mỏi vì tìm kiếm, mặt thộn ra bơ phờ vì thất vọng đang ngồi nhìn nhau ngơ ngác. Người không còn hơi sức mà tra vấn con mẹ điếc đang nằm co rúm như một con gián trước ngôi nhà đổ vụn. Mụ giương cặp mắt thất kinh hớt hải nhìn mọi người ngơ ngác và miệng thì há hốc.
Giữa lúc đó thì thầy Chân lầm lũi về làng, những kẻ đi thì hoặc hùng hùng hổ hổ hoặc thất vọng tràn trề. Chỉ còn chút hy vọng sót lại trên khuôn mặt anh Hàu. Nhưng rồi mọi sự bày ra trước mắt nó, nó há hốc mồm ngạc nhiên mãi cho đến khi hai cánh tay bị tra vào cái còng số tám sáng lạnh mà nó vẫn đứng trơ như một con chó đá. Cùng với dăm tên đầu têu trong việc bắt trói và đánh đập thầy Chân bị giải đi cũng đang ngoái nhìn ngôi nhà tan hoang vì đá đỏ.
Xe cảnh sát lao đi để lại sau lưng cánh đồng vàng rực đang được nhuộm bởi cái nắng đầu thu màu vàng váng vất. Cánh đồng làng tôi cũng như mọi năm, hết vụ gặt là sang vụ đông kéo dài mấy tháng trời trơ trơ gốc rạ. Còn người làng tôi thì phải một thời gian sau mới trở lại nhịp sống bình thường. Khi những mầm lúa xuân đang xanh lên mơn mởn, én về bay liệng khắp đồng và những người thợ đánh én lại thong thả cắm nhưng con chim mồi lấm chấm giữa đồng. Con đường làng tôi lại lấm tấm một màu hoa xoan như một cô gái vừa được thay áo mới.
Nguồn Văn nghệ số 50/2014
Có thể bạn quan tâm
Không là ngày cũ - Thơ Đinh Thị Như Thúy Tổ Quốc - Tường HuyGọi em ở cuối thiên đường - Lưu LyMùa mưa ở căn cứ - Thơ Thanh QuếTín ngưỡng thờ thần Đất - Đinh Thị TrangChuyện anh tôi - Truyện ngắn Trần Nguyên HậuTrăng – Thơ Bùi Mỹ HồngPhố của tôi - Trần Nguyên HạnhMột nơi vô cùng - Lê TuânTiếng đêm – Thơ Nguyễn Nho Thùy Dương